Tranh: Dóra Kisteleki/Fianancial Times. |
Serotonin của Michel Houellebecq kể chuyện một người đàn ông mắc bệnh trầm cảm. Một ngày, ông quyết định từ bỏ tất cả: công việc, nhà ở, cô bồ người Nhật để “tự biến mất”. Gã này bắt đầu lần về những mối quan hệ cũ, cố hiểu xem mình đã sai chỗ nào.
Nhân vật chính của cuốn sách tên là Florent-Claude Labrouste, 46 tuổi, đàn ông da trắng, khá giả, thất vọng với tình yêu, chán nản với công việc, không nhiều đam mê. Bất mãn với nhiều khía cạnh trong cuộc sống, Florent-Claude quyết định buông xuôi, giải thoát bản thân khỏi cuộc sống hiện tại.
“Mong muốn giải thoát không đến từ tinh thần độc lập mà đến từ sự chán ghét của một thuộc cấp phải theo lệnh cấp trên, một kiểu không chịu chấp hành, một cuộc nổi dậy đạo đức cá nhân, từng được mô tả trong nhiều vở kịch theo chủ nghĩa hiện sinh ngay sau Thế chiến II”, trích nội dung sách.
Qua câu chuyện của Florent-Claude, Michel Houellebecq cho thấy một khía cạnh tâm lý không hiếm trong thời hiện đại và cách xã hội đã vô tình cô lập một lớp người như thế nào.
Tiểu thuyết Serotonin của Michel Houellebecq. Ảnh: P.B. |
Sự thờ ơ của xã hội trước nỗi khốn khổ của những người bình thường
Sau khi xóa sạch dấu vết đời sống xã hội trước đây, Florent-Claude chuyển đến một khách sạn trên đại lộ Sơ Rosalie, Quận 13. Gã chọn chỗ này chỉ vì ở đây thì gã hút được thuốc lá và không phải lo đụng mặt ả bồ người Nhật.
Cũng trong khoảng thời gian này, Florent-Claude sử dụng thuốc chống trầm cảm và bị mất libido (ham muốn tình dục). Đối mặt với khả năng rằng đời sống tình dục của mình chỉ còn là quá khứ, Florent-Claude quyết định tổ chức một “nghi lễ mini vĩnh biệt libido” bằng cách tìm gặp lại tất cả những người đàn bà từng “vinh danh” dương vật của gã. Khi cuộc phiêu lưu vào miền ký ức bắt đầu, Florent-Claude khắc khoải về những tình yêu đã lụi tàn, hối tiếc vì sự thờ ơ ngây dại và tính trăng hoa mà giờ đây, gã tự gọi là “ngu xuẩn khủng khiếp”.
Michel Houellebecq không ngần ngại viết về những điều đáng xấu hổ, những điều gây khó chịu, những thứ mà ông cho là sự thật mất lòng – ngay cả khi những sự thật ấy trần trụi và kinh khủng.
Một sự thật Houellebecq trình bày trong Serotonin là cuộc sống không phải lúc nào cũng viên mãn và rằng đôi khi người ta chẳng làm gì để thay đổi tình thế được cả. Nhân vật Florent-Claude là người cảm thấy cuộc đời mình đã hết thuốc chữa. Cuộc đời gã ra nông nỗi này và người chịu trách nhiệm là chính gã chứ chẳng ai khác. Gã cũng nhận thấy mình đã bỏ lỡ mọi cơ hội sửa sai.
Bi kịch hơn, Florent-Claude là một người đàn ông da trắng khá giả, kiểu người mà xã hội cho là vốn có quá nhiều đặc quyền (điều Houellebecq chẳng phủ nhận) và nghiễm nhiên phớt lờ những nỗi thống khổ của gã. Đây đúng là kiểu nội dung ngược đời và tréo ngoe Michel Houellebecq thích khai thác.
“Loài người không hề liên minh chống lại tôi; chỉ đơn giản là chẳng có gì cả, rằng sự gắn kết của tôi với thế giới, ngay từ đầu đã hạn hẹp, dần dần trở thành số 0, cho đến lúc chẳng còn gì có thể ngăn không cho nó tuột dốc”, trích nội dung sách.
Bên cạnh những cô tình cũ, Florent-Claude còn gặp lại người bạn thân thời đại học tên Aymeric. Aymeric cũng là một kiểu nhân vật với nỗi khốn khổ bị xã hội phớt lờ, một nhân vật đại diện cho tầng lớp nông dân đã tổ chức phong trào dân túy Áo vàng tại Pháp năm 2018. Nhân vật này xuất hiện trong Serotonin không phải để tác giả bày tỏ quan điểm chính trị, mà để chỉ ra sự vô cảm trong các bước tiến của xã hội, cả về mặt tự nhiên lẫn chính trị.
Trong sự vận chuyển không ngừng của thế giới, sự phát triển đột phá của công nghệ, những người như Aymeric bị bỏ rơi, bị đẩy vào cảnh khốn cùng. Trong con mắt của người đời và chính họ, Aymeric và Florent-Claude bị coi là những kẻ “hết thời và bại trận”. Từ đây, Michel Houellebecq đặt ra câu hỏi: Những con người ấy đáng trách hay đáng thương? Họ có thể làm gì? Chúng ta – những độc giả – những công dân trong xã hội hiện đại – có thể làm gì?
Nhà văn Michel Houellebecq. Ảnh: Le Monde. |
Vở hài kịch đen yêu cầu lòng cảm thông của khán giả
Chiêm nghiệm về những thất bại trong đời mình, Florent-Claude nghĩ: “…cơ thể của tôi hiện nay đang hành xử một cách chỉnh tề, chỉ có điều là tôi cô độc, theo đúng nghĩa của nó và tôi chẳng rút được khoái cảm nào từ nỗi cô độc của tôi, cũng như từ hoạt động tự do của tinh thần tôi, tôi cần tình yêu và tình yêu dưới một hình thức cụ thể, tôi cần tình yêu nói chung…”.
Mặc dù tràn đầy những chi tiết tấu hài, những bình luận táo tợn khiến người đọc phải nhướn mày, phần lớn nội dung cuốn sách tựa một nghiên cứu về cảm giác bi quan trong xã hội. Ở tuổi 46, Florent-Claude không còn cảm thấy tận hưởng cuộc sống nữa. Gã uống thuốc tăng serotonin (chất dẫn truyền thần kinh giúp gã bớt bi quan), khiến gã mất khả năng tận hưởng tình dục, thứ gã coi là niềm vui cuộc sống. Đây quả là một tình cảnh ngang trái.
Lần về quá khứ trong “nghi lễ mini vĩnh biệt libido”, Florent-Claude nhận ra mình đã thất bại trong việc phân biệt một khoảnh khắc hạnh phúc tầm thường với triển vọng một niềm hạnh phúc lâu dài. Thất bại này đã hủy hoại gã. Florent-Claude là một kẻ trăng hoa, một người bàng quan với sự đời, có thể nói là xấu tính, khó ưa. Nhưng điều đó có hạ thấp nỗi thống khổ của gã khi mất đi niềm vui sống không?
Cuốn tiểu thuyết như thách thức chính độc giả của mình trong việc phán xét các nhân vật như Florent-Claude hay Aymeric. Thông qua vở hài kịch đen này, Houellebecq khiến độc giả phải suy ngẫm về tính đạo đức giả của chính chúng ta khi phán xét và khinh rẻ những con người khó ưa, khi triệt tiêu lòng cảm thông dành cho họ.
Ở một khía cạnh, Serotonin như một thí nghiệm để Houellebecq bóc tách căn bệnh trầm cảm. Cách tiếp cận của Houellebecq có sự tương đồng với cách đạo diễn Lars von Trier đã làm trong bộ 3 phim về trầm cảm của mình (AntiChrist, Melancholie, Nymphomaniac).
Cả Lars von Trier và Houellebecq đều đặt các nhân vật với mô thức tư duy khác nhau vào các xung đột để xem cách họ phản ứng thế nào. Trong Serotonin, Florent-Claude được đưa vào cuộc hành trình lần về những mối quan hệ quá khứ, xem cuộc đời của những con người từng thân thiết với mình diễn tiến ra sao, để rồi tự nhìn lại vào bản thể mình.
“Đó là một nỗi buồn bình lặng, ổn định, không có khả năng tăng mà cũng không có khả năng giảm, tóm lại là một nỗi buồn vĩnh viễn nếu nhìn vào những gì quanh nó”, Michel Houellebecq viết trong Serotonin.
Với cách khai thác này, độc giả phần nào hiểu được góc nhìn của những con người bi quan ấy, không phải để bi quan cùng họ, mà để cảm thông với họ, để giúp họ giảm bớt nỗi áp lực, nỗi tuyệt vọng trong một xã hội vẫn thường đối đãi họ với sự vô cảm.
Serotonin chơi đùa với ranh giới của bi kịch và hài kịch. Cuốn tiểu thuyết có kiểu viết đậm chất Houellebecq, bắt gặp được trong các tác phẩm khác của ông như Les Particules élémentaires (Hạt cơ bản) hay Plateforme (Chênh vênh). Houellebecq là kiểu nhà văn có thể viết về các chủ đề mại dâm, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, ấu dâm, khiêu dâm, du lịch tình dục… một cách tỉnh bơ, không hề né tránh.
Thỉnh thoảng, Houellebecq viết lạnh lùng, trung lập, nhưng rất thường xuyên, ông viết với giọng điệu tếu táo, có phần thô thiển. Dù vậy, với khía cạnh đạo đức của Serotonin, Houellebecq trình bày với sự chân thành nghiêm túc.
Vừa u ám, tuyệt vọng, vừa hài hước quái đản, Serotonin là một cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi khác của Michel Houellebecq. Tác phẩm chia rẽ giới phê bình, một bên cho rằng cuốn sách vô nghĩa và xấc xược, một bên ngợi ca sự táo bạo và chân thành trong điểm nhìn của tác giả.
Có lẽ đây chính là phản ứng Houellebecq mong đợi từ phía độc giả, để buộc độc giả suy nghĩ và cảm thông với đồng loại hơn. Mà cũng có thể ông chẳng quan tâm độc giả nghĩ gì mà chỉ viết những gì mình nghĩ.
Dù có thế nào, ta cũng phải công nhận lòng can đảm của Houellebecq khi dám viết về những đề tài nhạy cảm một cách thành thật như vậy. Serotonin gợi cho độc giả nhiều suy nghĩ về hiện thực cuộc sống và đạo đức con người, khiến ta cảm thông được với cả những người tưởng chừng không đáng cảm thông nhất.
You must be logged in to post a comment Login