Tạo hình nhân vật Clare trong bộ phim chuyển thể năm 2021. Ảnh: Netflix. |
“Bạn không biết đâu, trong cuộc đời mờ nhạt này của mình lúc nào cũng thấy những hình ảnh tươi sáng của cuộc đời kia mà mình từng nghĩ mình mừng được thoát… Nó như một điều nhức nhối, một nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai…”, trích Giả mạo.
Đó là những lời bộc bạch Clare viết trong lá thư gửi người bạn thời thơ ấu – Irene. Clare với Irene đều là người da đen. Hai người từng là bạn thân, nhưng rồi Clare biến mất khỏi đời Irene. Và Irene cũng dần quên sự tồn tại của Clare. Sau thời gian dài mất liên lạc, một ngày tháng tám tại Chicago, Irene gặp lại Clare, ngỡ ngàng nhận thấy bạn mình đã là… người da trắng
Lu mờ ranh giới đen/trắng
Clare Kendry lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc. Năm Clare 15 tuổi, bố cô bị đánh chết trong một cuộc ẩu đả ở quán rượu. Từ đó, cô chuyển đến sống với bà con. Thỉnh thoảng, cô về thăm bạn bè, nhưng mỗi lần lại một thêm xác xơ, hung hăng dễ giận hơn. Cho đến một ngày, Clare không về thăm bạn nữa. Chỉ còn những tin đồn về hình ảnh cô đi cùng một người đàn ông da trắng giàu có.
Người làng gièm pha, rồi thương hại vờ vịt: “Tội nghiệp con nhỏ… Tụi bay trông chờ gì ở con nhỏ hả. Nhìn cha nó đó. Còn mẹ nó thì, nếu không chết cũng đã bỏ đi rồi”.
Những lời độc địa lan truyền, Clare đều biết rõ. Khi gặp lại Irene, cô không vặn hỏi người bạn cũ về những câu chuyện xưa cũ, chỉ thổ lộ rằng cô tiếc nuối vì đã không dám đến thăm nhà bạn một lần cuối trước khi đi xa.
Giữa Irene và Clare dường như có một tình bạn phức tạp, vừa thân tình mà lại vừa xa cách. Vì câu chuyện được kể từ góc nhìn của Irene, ta biết được Irene cảm thấy thế nào về Clare. Nhưng suy nghĩ của Clare vẫn là điều bí ẩn. Độc giả không thể xác định được liệu Clare có thực sự quan tâm đến Irene như cô tuyên bố, hay đơn giản cô hỏi han Irene để được lấp đầy phần đời mà chị đã từ bỏ trước đây.
Xét cho cùng, rất nhiều người đã nhận xét rằng ở Clare luôn có “cái kiểu tham lam”. Cái tham lam ấy là tham lam gì? Tham lam tình yêu, tình cảm thân tình? Tham lam những thứ tốt đẹp nhất trong cuộc sống? Tham lam muốn sống nhiều cuộc đời?
Ở Clare, ranh giới trắng/đen bị lu mờ như cách cô giả mạo màu da của mình. Xuyên suốt tác phẩm, thật khó để xác định xem Clare thực sự đáng thương hay đáng sợ.
Sách Giả mạo của Nella Larsen. Ảnh: MH. |
Chuỗi bi kịch nối tiếp
Nhìn Clare, Irene tò mò, không hiểu sao Clare có thể đoạn tuyệt với mọi cái quen thuộc và thân tình để liều mình lao vào một môi trường khác. Irene tự hỏi khi ta giả mạo, ta sẽ nói sao về gốc gác, giải thích sao về mình; ta cảm thấy thế nào khi tiếp xúc với những người da đen khác.
Có lẽ, mọi lựa chọn đều phải trả giá. Bản chất Clare có tốt hay không, cô vẫn phải đối mặt với lựa chọn của mình và mọi hệ lụy đi theo. Clare chọn sống cuộc đời giả mạo, chối bỏ danh tính thực của mình.
Khi quyết định khoác lên mình cái diện mạo của một người da trắng, Clare tưởng như cô đã có được mọi thứ cô hằng mong muốn. Nhưng sự thật là, Clare phải sống cùng một người chồng thô lỗ, một kẻ phân biệt chủng tộc ra mặt. Ngoài mặt, Clare mỉm cười, tỏ ra như không có gì nghiêm trọng, nhưng việc Clare liên tiếp lựa chọn trở về với cái “xã hội da đen” cô đã bỏ khiến độc giả nhận ra cô không hạnh phúc trong xã hội da trắng.
Đóng giả thành người da trắng, đứng giữa những người da trắng, Clare cho đó là một việc dễ dàng. Nhưng có thực là cô không bao giờ lo sợ rằng mình sẽ bị lộ tẩy hay không khi mà cô cứ luôn phải hành xử cẩn trọng để tách biệt cuộc đời da đen với cuộc đời da trắng của mình.
Mặc dù niềm nở mời Irene về nhà, trước mặt chồng, Clare vẫn diễn vở kịch một cách tỉnh bơ, tươi cười, trong mắt có “ánh lung linh kỳ lạ, có thể là sự giễu cợt”. Clare như dẫn Irene đến để làm khán giả cho tấn trò đời mà cô đã vướng vào.
Clare bày tỏ với Irene về những hối tiếc của mình, tỏ ra vui mừng khi thấy Irene có được một cuộc sống hạnh phúc. Độc giả không rõ được trong những lời bộc bạch của Clare có bao nhiêu phần trăm là sự thật, nhưng chắc chắn, suy nghĩ ấy đã vụt qua tâm trí Clare trong một khoảnh khắc nào đó.
Clare luôn đóng kịch, nhưng luôn có gì đó trong ánh mắt Clare khiến Irene và độc giả nhận ra đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của một quý bà “da trắng”, nội tâm Clare rối bời. Cái vẻ ngạo mạn, thách thức cô khoác lên mình là một lớp bọc giả mạo khác của cô, che đậy con người thật bên trong.
Có thể nói, bi kịch tuổi thơ khiến Clare chọn cách trốn chạy cuộc sống cũ. Nhưng lựa chọn sống cuộc đời giả mạo chỉ dẫn Clare đến với những bi kịch khác. Clare đơn độc, cảm thấy không thuộc về bất cứ bên nào – da đen hay da trắng.
Từ khi gặp lại Irene, Clare tiếc nuối, muốn tìm cách thâm nhập lại xã hội da đen. Dường như, khi nhận thức được bi kịch đời mình, Clare trở nên liều lĩnh. Cô dường như biết rằng điều không thể tránh khỏi sắp xảy đến, rằng số phận cô đã an bài.
Càng đọc, ta càng nhận ra tác giả Nella Larsen viết Giả mạo không phải chỉ để phản ánh xu hướng người da đen giả mạo thành người da trắng trong những năm 1920, mà để hiểu, nhận diện và có lẽ, cảm thông với những người này.
Bản thân cuộc đời tác giả Larsen cũng phải đối mặt với nhiều sự giằng xé giữa hai thế giới – da trắng và da đen, nên bà hiểu rõ vị trí ở giữa hai ranh giới này. Và có lẽ, chẳng có gì là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Những người giả mạo da trắng, xét cho cùng, không phải là kẻ thù của người da đen hay da trắng, mà kẻ thù thực sự là tư tưởng phân biệt chủng tộc.
Giả mạo là một trong hai tác phẩm tiểu thuyết duy nhất của Nella Larsen. Xuất bản lần đầu năm 1929 và nhận được nhiều lời khen ngợi. Đến thế kỷ XXI, khi sách được tái bản, giới học giả hiện đại một lần nữa tôn vinh cách những chủ đề về sắc tộc và giới tính được Larsen lột tả đầy phức tạp. Với Giả mạo, Nella Larsen đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong dòng chảy văn chương.
Nguồn: https://zingnews.vn/bi-kich-khi-song-cuoc-doi-gia-mao-post1431784.html
You must be logged in to post a comment Login