Được mệnh danh là gương mặt tiêu biểu của văn chương đương thời, Nguyễn Bình Phương là tác giả của nhiều tiểu thuyết, tập thơ ấn tượng. Ông hiện là Tổng biên tập của tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Giữ nếp sinh hoạt đúng giờ của một quân nhân, hàng ngày, sau thời gian đi bộ buổi tối, ông dành 1,5 tiếng để đọc sách. Tác giả Một ví dụ xoàng chia sẻ về công việc viết lách và thói quen đọc sách của mình.
Trên thế gian này, chẳng điều gì biến mất
– Trong một tọa đàm do Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức gần đây, các nhà phê bình nói ông là gương mặt văn chương tiêu biểu. Cảm xúc của ông ra sao?
– Nói không tự hào không phải, nhưng bảo tự hào lắm thì cũng không đúng. Sau mỗi lời khen là trách nhiệm, danh dự. Chỗ nào khen không đúng ta sẽ thấy sượng. Con người ta thường lúng túng trước lời khen. Lời chê thì dễ đối diện hơn.
Tôi thấy mình xứng đáng với một nửa những lời khen ấy thôi. Thiên hạ tài lắm, nhiều người viết hay lắm.
– Các tác phẩm của ông có đề tài đa dạng. Hẳn quá trình lên ý tưởng viết sách của ông được chuẩn bị kỹ lưỡng?
– Tôi khởi nguồn là người viết thơ, nên ý tưởng cũng mông lung và bất chợt. Khi nào ý tưởng dồn vào mình, cảm thấy nó ứ lên rồi thì ngồi xuống mà viết ra thôi. Nghĩ trong đầu vài chục trang đầu để lấy cớ nhập cuộc.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: T.H. |
– Ông thường nghĩ trước cấu trúc hay viết xong rồi mới sắp xếp lại?
– Đơn cử như cuốn Một ví dụ xoàng tôi viết xong phần đầu thì cấu trúc mới hình thành rõ và mới nảy ra phần hai. Nhưng viết xong cũng phải soát lại một chút. Như đoạn văn đầu tiên của cuốn sách thực ra tôi lại viết sau.
Một ví dụ xoàng viết về một vụ án. Trước đây chính tôi cũng đi xem xử bắn một ông tiến sĩ, để rồi vụ án ấy cứ lấn bấn trong đầu mà không trôi. Theo thời gian, tôi đọc những vụ án tử hình khác, một cách vô thức, câu chuyện hình thành trong đầu tôi. Tôi viết tác phẩm theo ý định kể về cái chết của một người nhưng từ góc nhìn của nhiều người.
Trên thế gian này chẳng cái gì biến mất, nó cứ lẩn khuất ở đâu đó. Mỗi người kể một điều về ông tiến sĩ, chính xác hay không chính xác, quan trọng là họ đã kể về một con người. Mấy người chê ông đó cũng chẳng sai, họ có góc nhìn của họ. Ai cũng có nhiều dị bản. Bản thân tác phẩm có nhiều dị bản, mỗi người có một cách hiểu. Tôi cũng có nhiều dị bản trong một ngày, trong một đời.
– Các nhà phê bình nhận định văn ông có phong cách đặc trưng không giống ai. Ông đã rèn giọng văn thế nào?
– Trời cho thôi. Trời quy định vậy chứ không ai rèn được giọng văn. Kỹ thuật có thể rèn được, còn giọng văn là cái sinh ra với ta, như một bản tính sẵn có.
Khi bắt đầu viết tiểu thuyết, cái khó nhất là tìm chất giọng. Có những cuốn mình viết 30 trang, thậm chí 70 trang mà chưa tìm đúng tông giọng của câu chuyện, mình phải bỏ đi.
Cái nhà văn có thể kiểm soát được là kỹ thuật. Các tác phẩm sau vẫn là chất văn như các tác phẩm trước, nhưng kỹ thuật thường sẽ chín hơn.
Tôi không có thần tượng nào cả, nên cũng không bị ảnh hưởng bởi ai. Độc giả đọc tiểu thuyết sẽ đọc cốt truyện; nhà phê bình đọc sách là đọc giọng văn; còn nhà văn khi đọc nhau sẽ đọc kỹ thuật viết hơn là tìm kiếm cốt truyện trong đó.
– Ông có cảm nghĩ gì khi sách của mình được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp?
– Dịch thì tốt. Nhà văn viết ra đều muốn có bạn đọc. Tôi không phủ nhận là tôi thích tác phẩm của tôi được dịch.
Nhưng thành thực thì cũng có ẩn ức, khó chịu khi cầm tác phẩm dịch của mình mà không hiểu được, không biết đoạn này là đoạn nào trong đứa con tinh thần của mình.
Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Minh Hùng. |
“Đọc sách, ta như cây cỏ được chuẩn bị để nảy mầm”
– Ông hình thành thói quen đọc sách từ khi nào?
– Tuổi thơ của tôi có sách. Gia đình tôi không có truyền thống nghệ thuật, không phải gia đình đại trí thức nên không định hướng đọc cho con.
Khoảng những năm tôi học cuối tiểu học, nhà tôi ở Thái Nguyên chạy bom sang vùng Linh Sơn. Đó là căn nhà mái gồi có gác, ông cụ nhà tôi chất trên đó bao nhiêu sách, báo. Tôi cứ leo lên cái gác đầy bụi với mạng nhện, vớ gì đọc nấy.
Tôi nhớ có cuốn Những ngôi sao thành Eger mất bìa, trang sách xộc xệch rồi, tôi đọc mê man. Còn một tác giả Việt Nam khiến tôi ấn tượng là cuốn Nắng của Nguyễn Thế Phương. Mặc dù sách thiếu khoảng chục trang đầu, tôi vẫn thấy văn hay, cảm nhận văn học đúng nghĩa văn học.
Thời gian tôi đọc nhiều sách nhất là khi ở Quân khu 1. Có dạo, tôi trông thư viện ở Quân khu, đọc ở đấy chủ yếu là văn học trung đại. Khi học ở trường Viết văn Nguyễn Du, tôi đọc văn học hiện đại, văn học thế giới nhiều. Thư viện trường Viết văn Nguyễn Du, Thư viện Quốc gia là hai điểm đến quen thuộc của tôi.
– Từ thời điểm nào ông biết mình muốn theo nghiệp văn?
– Khi vào bộ đội, tôi làm nghề kẻ vẽ trong Quân khu. Lúc đó nhà thơ Đặng Vương Hưng đang học Viết văn Nguyễn Du về đưa mấy quyển thơ. Anh em bộ đội trong giờ nghỉ trưa ngồi với nhau bảo: “thơ này mình cũng viết được!”. Ông Hưng bảo: “Thế mày viết đi”, tôi mới viết rồi gửi về Hà Nội thì được đăng thật.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng lại hỏi tôi viết văn được không. Thế là tôi viết truyện ngắn Chuyện tình nghe lỏm, được in ở báo Tiền Phong. Đó là tác phẩm văn xuôi đầu tiên. Hồi đó trẻ, hăng lên, các ông “xui” thì đâm đầu vào viết.
– Rõ ràng cơ duyên với nghiệp văn được chuẩn bị từ trước, qua thói quen đọc sách?
– Tất nhiên có. Mình đã thích đọc mới viết văn được. Đọc sách, mình như cây cỏ được chuẩn bị để nảy mầm.
– Đọc từ trẻ đến nay, có bao giờ ông chán sách?
– Ít khi. Nếu có việc gì tác động lớn đến mình thì tôi chán nản vài ngày, xong lại đọc tiếp.
Đọc sách là khoái cảm. Đọc xong một cuốn sách cảm thấy mình đã làm một việc tốt cho chính mình.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương
Đọc sách là khoái cảm. Đọc xong một cuốn sách cảm thấy mình đã làm một việc tốt cho chính mình (chứ không phải cho thiên hạ). Rõ ràng đọc xong một cuốn sách còn hơn là không đọc. Ngay cả đọc xong một cuốn dở thì vẫn có ích, nó giúp mình biết, nhìn thấy cái dở.
Ngày có 24 tiếng, tôi chỉ đọc có 1,5 tiếng cũng không phải nhiều nhặn gì. Sợ nhất là không đọc, đầu không nghĩ.
– Dòng sách yêu thích của ông là gì?
– Ngoài văn học, tôi hay đọc sách nghiên cứu, sách sử, thi thoảng lại tìm khoái cảm trong việc đọc lại sách cũ… Đọc lại không phải để khám phá, mà như để nhắc lại trí nhớ mình về khu vực ấy, sợ sự kiện ấy tuột ra khỏi đầu.
– Theo ông, đọc sách giúp ích gì cho nhà văn?
– Đọc sách văn học sẽ nuôi dưỡng không khí văn chương cho tôi. Ít có nhà văn nào không thích sách.
– Ông có nghĩ người Việt nói chung thích đọc sách?
– Tôi thấy “máu văn chương” của người Việt chảy mạnh. Tôi đọc cuốn Lịch sử nhà tù Côn Đảo mới thấy các cụ nhà mình rất yêu văn chương nghệ thuật. Vào tù rồi vẫn viết kịch, dựng kịch, dịch sách, viết bài hát, tọa đàm văn học trong nhà tù.
Dân tộc ta có tư chất văn học. Vua làm thơ, tướng lĩnh làm thơ, tri thức, nông dân cũng làm thơ…