Tập truyện ngắn Hòa giải là tác phẩm hiếm hoi của Naoya Shiga được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Hạnh Nguyễn. |
Naoya Shiga là một nhà văn lỗi lạc của Nhật Bản, được mệnh danh là vị thần của những tiểu thuyết và là thành viên tích cực của phái Shirakaba (Bạch Hoa phái). Ông có ảnh hưởng lớn đối với nền văn chương Nhật Bản, đặc biệt hai văn hào Akutagawa Ryuunosuke và Kikuchi Kan rất ngưỡng mộ ông. Chính Akutagawa phải ca ngợi rằng: “Tất cả tác phẩm của tôi gộp lại cũng không bằng một cuốn của Shiga”.
Ông sinh ra trong một gia đình samurai quý tộc, cha là công chức ngân hàng, mẹ là con gái samurai. Năm 1895, vào lúc ông tốt nghiệp trường Gakushuin, Tokyo thì hay tin mẹ ông qua đời. Cùng năm đó, cha ông tái hôn. Những khúc mắc giữa ông và cha bắt đầu nảy sinh từ đó. Đây chính là bối cảnh cho tiểu thuyết tự thuật đầu tiên của ông Cái chết của mẹ và người mẹ mới (1912).
Cuộc đời ông xảy ra nhiều biến cố. Đến năm 1914, ông kết hôn trước sự phản đối kịch liệt của cha mình. Mâu thuẫn giữa hai cha con đẩy lên cao trào khi cha ông nhiếc móc văn chương của ông, cho rằng nhà văn là thứ không có tương lai. Sự phẫn nộ lên đến đỉnh điểm khi cha ông đã xóa tên ông khỏi gia phả, coi như không có người con này.
Vốn sống phong phú được hiển lộ trên trang giấy
Phần lớn những sáng tác của Naoya Shiga thuộc thể loại tự thuật (shi-shosetsu), được lấy cảm hứng từ chính những sự kiện xảy ra trong cuộc đời ông. Tiêu biểu phải kể tới là truyện ngắn Hòa giải (1917), một tác phẩm nổi tiếng của ông, cũng chính là dấu mốc hòa giải những xung đột giữa ông và cha mình.
Nhà văn Naoya Shiga khi bước sang tuổi xế chiều. |
Junkichi, nam chính trong câu chuyện mang một mối bất hòa sâu sắc với cha ruột sau cái chết của đứa con đầu lòng. Thế nhưng, gia đình vẫn là hai tiếng thiêng liêng, Junkichi đã khéo léo dẹp đi cái tôi mà chân thành cầu hòa với cha để có một kết thúc viên mãn. Giọng văn của Shiga ở truyện ngắn này khúc chiết cô đọng, thông qua những đoạn độc thoại nội tâm càng khiến câu chuyện trở nên sâu sắc.
Truyện ngắn Ở Kinosaki được Shiga viết trong một lần đi trị liệu tại suối nước nóng sau tai nạn suýt cướp đi mạng sống của mình cũng là một minh chứng cho thể loại này. Đây cũng là ví dụ điển hình cho phong trào “văn chương theo chủ nghĩa tự nhiên” mà ở đó các nhà văn cố gắng truyền tải những điều mắt thấy tai nghe hàng ngày và biến chúng thành văn học.
Shiga từng chia sẻ ông không cố gắng vạch ra ranh giới giữa tiểu thuyết và tiểu luận phi hư cấu. Ông có trách nhiệm lựa chọn và sắp xếp các chất liệu thành câu chuyện và thường được kể qua giọng văn tỉnh táo đến lạnh lùng.
Một phong cách khác biệt
Không nhẹ nhàng lãng mạn như Yasunari Kawabata, cũng chẳng u ám cực đoan như Mishima Yukio, cái chết trong văn Shiga chỉ đơn giản là “Đang sống hay đã chết không phải hai thái cực đối lập. Tôi cảm thấy giữa chúng dường như không có quá nhiều cách biệt”.
Có thể phong cách của Shiga là “thực tế” và “đi thẳng vào vấn đề” nhưng cách viết lại không hề đơn giản. Khi miêu tả con đường mà ông thường đi dạo trước bữa tối, ông đã viết, “nếu nhìn kĩ, thì sẽ phát hiện ra lũ cua nước ngọt lớn, càng đầy lông lá, ngồi im như tượng đá” như một cách ẩn ý về thị giác và nhận thức của Shiga đến cái chết (tĩnh như đá).
Cuộc chạm trán đầu tiên của nhân vật kể chuyện với cái chết là khi ông nhìn thấy một con ong chết trên mái nhà. Cái chết này đại diện cho một cái chết tự nhiên: chết vì già. Sự đối lập giữa vẻ tĩnh lặng của cái chết của con ong và chi tiết đàn ong vẫn miệt mài làm việc cho thấy Shiga đã liên hệ cái chết với “sự yên tĩnh” và “sự cô đơn”.
“Yên tĩnh” vì con ong không cất ra tiếng động nào nữa. “Cô đơn” là vì nó không được những con ong khác đoái hoài. Shiga tiếp tục giải thích tâm trạng của người kể chuyện qua việc nhắc đi nhắc lại các từ “cô đơn” và “tĩnh lặng” và điều đó đã trở thành quen thuộc, ảnh hưởng trực tiếp đến ông, vì sau đó ông hé lộ mình đã muốn thay đổi tình tiết trong truyện Tội của Phạm mà ông vừa sáng tác.
Bên cạnh thể loại tự thuật, Shiga còn nổi tiếng với những câu chuyện mang đậm màu sắc cổ tích như Cô bé và cây hoa cải dầu hay Vị thần của cậu bé học việc. Câu chuyện về cậu bé học việc may mắn được ăn một bữa sashimi ngon lành như một phép màu dành cho những con người tử tế cũng như lời khích lệ đến cậu bé, chỉ cần mang trong mình tấm lòng trong sáng, trời xanh ắt sẽ an bài.
Năm 1971, Naoya Shiga qua đời tại bệnh viện sau một thời gian dài bị viêm phổi và suy nhược cơ thể vì tuổi già. Tùy bút Giọt nước trong dầu được ông viết vào năm 1969 đã khép lại văn nghiệp của văn hào, để lại sự nuối tiếc vô vàn cho độc giả khi không thể thưởng thức áng văn chương gãy gọn, diễn tả chân thực và sắc nét được nữa.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login