So với chiều dài của lịch sử dân tộc nước Việt Nam ta thì Đàng Trong – chỉ miền Nam, và sau này dưới thời Pháp thuộc Đàng Trong được gọi là Nam kỳ – được gọi là vùng đất mới.
Tuy là vùng đất mới nhưng ở đâu có con người đến khai phá lập nghiệp thì hiển nhiên có sự phát triển của ngôn ngữ, văn chương.
Bộ sách Văn học miền Nam Lục tỉnh của nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, văn hóa và lịch sử Việt Nam Nguyễn Văn Hầu (1922 – 1995) – người nổi tiếng với những nghiên cứu về vùng đất Nam bộ – là một trong số hiếm hoi tác phẩm thể hiện được một cách có hệ thống quá trình hình thành và phát triển của văn học miền Nam từ khi mở đất đến hết thời kỳ Pháp thuộc 1945.
Bộ sách đem đến những tư liệu quý giá về văn học miền Nam Lục tỉnh trong giai đoạn từ thời khai hoang mở cõi đến thời kháng Pháp. Mỗi giai đoạn được diễn giải chi tiết trong từng tập sách, cho người đọc cái nhìn vừa cụ thể, vừa khái quát về tiến trình lịch sử cũng như văn hóa văn học xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Bộ sách Văn học miền Nam Lục tỉnh do NXB Trẻ phát hành. Ảnh: ML. |
Văn học miền Nam Lục tỉnh gồm 3 tập. Tập 1 – Miền Nam và văn học dân gian địa phương biên khảo về loại hình văn học dân gian của thời kỳ mở cõi phương Nam.
Mốc thời gian của văn học thời kỳ này được xác định từ khi chúa Nguyễn Hoàng li khai Trịnh Kiểm (1558), để đưa đoàn lưu dân Đại Việt vào Nam xây dựng cuộc sống mới ở miền Nam. Dù có gốc gác miền Bắc nhưng do nếp sống cách biệt (bị đổi thay nhiều ít không tránh được kể cả vô tình hay cố ý), khiến văn học nơi đây cũng theo đà biến hóa đó mà nảy thành một màu vẻ riêng.
Giai đoạn mở cõi, con người phải lo chiến đấu với thiên nhiên, khai hoang mở đất. Đất phương Nam là nơi mà “Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um”, những cư dân đầu tiên phải lo chống chọi với thiên nhiên nên văn chương biểu thị cho đời sống tinh thần giai đoạn này chỉ là thể loại truyền khẩu, ca dao, tục ngữ, câu đố và hò vè.
Tất cả những hình thái văn học này được tác giả Nguyễn Văn Hầu sưu tầm, tổ chức và giới thiệu rất công phu, bài bản nhưng không thiếu phần cảm xúc của tác giả khi nhận định về văn học truyền khẩu thời kỳ này.
Tập 2 – Văn học Hán Nôm thời khai mở và xây dựng đất mới đề cập về giai đoạn sơ khai đến phát triển của văn học Hán Nôm xứ Đàng Trong.
Theo đó, khi sự quản lý về mặt hành chính của các chúa Nguyễn được định hình thì văn học Hán Nôm của xứ Đàng Trong cũng ra đời và phát triển. Khi chính quyền xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn đã đi vào ổn định thì việc học hành, thi cử, các tác phẩm văn chương và khảo cứu địa dư lần lượt ra đời, các loại hình văn tế trong các hoạt động tín ngưỡng cũng được chuẩn hóa mang sắc thái và ngôn ngữ riêng của Nam Bộ. Nổi bật trong tập biên khảo này là: Văn học Hán Nôm thời sơ khai cho đến các tác giả lớn thời kỳ đó như Mạc Thiên Tích, Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt…
Tập 3 – Văn học Hán Nôm và văn học Quốc ngữ thời kháng Pháp và thuộc Pháp biên khảo các tác phẩm văn chương thể hiện tinh thần yêu nước, đấu tranh bất khuất của người Nam Bộ với thực dân Pháp.
Từ khi thành Gia Định thất thủ rồi sau đó các đồn Kì Hòa, Cây Mai bị hạ, người dân đã sớm ý thức trách nhiệm của mình, đứng lên chống giặc. Khắp cả các mặt trận, nơi nào người ta cũng được như nghe thấy “trống nghĩa bảo an theo sấm rạp; cờ thù công tử guộn mây qua”.
Đây là thời kỳ sản sinh ra những nhà văn yêu nước với tài thơ văn xuất chúng với nhiều tác phẩm bất hủ còn lưu lại cho hậu thế, các tên tuổi phải kể như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Quang Diêu … Những áng thơ văn thể hiện lòng yêu nước, khí khái, trọng nghĩa khinh tài trong thời kỳ này ở Nam kỳ đã trăm hoa đua nở làm nên một thời kỳ rạng rỡ cho văn chương nước nhà.
You must be logged in to post a comment Login