Sách Hiệu ứng điện áp lấy một cái tên “vật lý” nhưng lại là sách kinh tế có lối viết lôi cuốn, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả. |
Trong Hiệu ứng điện áp, giáo sư kinh tế học John A.List trình bày góc nhìn đa chiều về tính khoa học của việc mở rộng quy mô, các điều kiện cần và đủ để bứt tốc phát triển những ý tưởng nhỏ thành dự án lớn.
Từ đó, tác giả rút ra kết luận rằng thành công hay thất bại không phải là “canh bạc” may rủi, mà luôn có những lý do xác đáng khi ta nhận ra vấn đề vào đúng thời điểm. Trong một số trường hợp, bạn có thể tìm được giải pháp để cân nhắc việc phát triển ý tưởng thành một cơ hội ở quy mô lớn hơn, hoặc có thể lập tức từ bỏ để bắt đầu phương án mới.
Ý tưởng sáng tạo luôn xuất phát từ mong muốn thay đổi chất lượng tư duy
Những ai đang mong muốn hiện thực hóa ước mơ, kỳ vọng của mình đều đau đáu với câu hỏi làm thế nào để phát triển ý tưởng, những thách thức và cơ hội khi chuyển đổi quy mô kinh doanh từ nhỏ đến lớn sẽ là gì. Trong phần đầu của cuốn sách, tác giả vạch ra năm dấu hiệu quan trọng để mỗi cá nhân, tổ chức có thể tự đánh giá tiềm năng của một ý tưởng trước khi mở rộng quy mô lớn.
Các chương trong phần này bao gồm: Những kẻ bịp bợm và dấu hiệu dương tính giả (cần xem xét các vấn đề quyền lợi trong khi lựa chọn), Biết rõ khán giả của bạn (hiểu được nhu cầu khách hàng), Đầu bếp hay nguyên liệu, đâu là điều quan trọng hơn (nắm rõ các giới hạn của mình trong bối cảnh thực tế), Hiệu ứng lan tỏa (cân nhắc các hiệu ứng lan tỏa: cân bằng chung, lan tỏa hành vi xã hội, lan tỏa theo mạng lưới), Bẫy chi phí (bài toán chi phí khi mở rộng quy mô).
Dựa trên những nghiên cứu về tâm lý học và kinh tế học hành vi, John A. List chỉ ra yếu tố quan trọng giúp ý tưởng thành công là phải hiểu rõ đối tượng và “pain point” (điểm đau) của khách hàng. Tác giả minh họa điểm này bằng câu chuyện của Rafael Ilishayev và Yakir Gola – những người trẻ thích làm “cú đêm” đã thành công khi mở cửa hàng tiện lợi có dịch vụ giao hàng tận nơi.
Ý tưởng đèn xanh ở Kmart được xem là hình thức sơ khởi của flash sale. Ảnh: The Gazette. |
Hay ví dụ về một siêu thị Kmart ở Indiana nảy ra ý tưởng lắp đặt chiếc đèn nhấp nháy màu xanh, treo bảng giảm giá và thông báo giảm giá qua loa để thu hút khách hàng. Ý tưởng này thành công rực rỡ và được nhân rộng, có thể là được xem là hình thức sơ khởi của “flash sale”.
Phần thứ hai tập hợp những câu chuyện kinh doanh điển hình để gợi mở cho người đọc bốn giải pháp cơ bản để tối ưu, nhân rộng sáng kiến ra thực tế. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực kinh tế học, giáo sư John A. List đã đưa ra hàng loạt hướng dẫn cụ thể, giúp người đọc “gỡ rối” những ý tưởng chưa tốt và tận dụng tối đa cơ hội để phát huy những ý tưởng tuyệt vời.
Với lối viết dễ hiểu, ngắn gọn, John A. List giúp người đọc hiểu thêm về những bài học kinh doanh thực tiễn, các từ khóa trong lĩnh vực kinh tế như: dữ liệu thông tin, chi phí cơ hội, kinh tế học hành vi, văn hóa làm việc nhóm, xu hướng thế kỷ 21…
Bên cạnh đó, tác phẩm còn lý giải những quyết định kinh doanh quan trọng trên thực tế như việc Disneyland cân nhắc nên hay không khi áp dụng thu phí vào cổng ở các khu vực trò chơi, hay câu chuyện đằng sau sự thành công của Instagram với hơn 1 tỷ người dùng…
Thông qua đó, tác giả truyền tải thông điệp: mọi ý tưởng sáng tạo luôn có một mục tiêu tích cực, xuất phát từ sự hiểu biết, mong muốn thay đổi chất lượng tư duy của con người. Đó là động lực khiến chúng ta luôn muốn học hỏi, quan sát mọi thứ.
Học từ thất bại và từ bỏ những ý tưởng khó phát triển
Không chỉ phân tích các trường hợp thành công, Hiệu ứng điện áp còn mổ xẻ cả những thất bại trong quá trình biến một ý tưởng thành bước đột phá. Đó có thể là bài học từ đầu bếp, doanh nhân nổi tiếng Jamie Oliver khi chuỗi nhà hàng của ông phải đóng cửa, McDonald’s với cú thất bại đầy “sang chảnh” khi thử nghiệm món burger phức tạp có tên Arch Deluxe, nội tình trong việc Travis Kalanick tuyên bố từ chức CEO Uber…
Tác giả John A.List. Ảnh: John R. Boehm/Chicagobusiness. |
Giáo sư John A.List dành hẳn một chương để chia sẻ về việc từ bỏ ước mơ hoặc lựa chọn chưa phù hợp để giành chiến thắng dài hạn. Ông kể về kinh nghiệm mình từng từ bỏ ước mơ golf thủ vì đánh giá không thể cạnh tranh trong môi trường chuyên nghiệp dẫu thành công ở các giải đấu sinh viên. Sau đó John A. List đã chuyển hướng sang lĩnh vực mới là kinh tế và gặt hái nhiều thành công bất chấp quãng thời gian khó khăn ban đầu.
Tác giả tâm niệm: “Cuối cùng, dù bạn đang định chấm dứt việc kinh doanh hay một cuộc hôn nhân hoặc bất cứ điều gì khác, việc từ bỏ cần song hành cùng sự can đảm để có thể thực hiện một bước tiến lớn. Bài học ở đây là dù sự thay đổi có thể rất đáng sợ, nhưng một khi đã vượt qua, mọi người thường sẽ hạnh phúc hơn”.
Mỗi câu chuyện thành công hay thất bại được đề cập trong sách đều hé lộ hình mẫu cho những điều kiện cần và đủ nhằm giúp người đọc biết khi nào là thời điểm thích hợp để ứng dụng một ý tưởng trên quy mô lớn hoặc chỉ dừng lại ở việc phát triển trong phạm vi nhỏ.
Hiệu ứng điện áp không chỉ dành cho những độc giả quan tâm đến lĩnh vực kinh tế, mà còn hướng đến bất kỳ ai thích “vui chơi” cùng những ý tưởng mới. Dù là sách kinh tế có tiêu đề mang tính vật lý học, thế nhưng John A. List đã chọn góc nhìn dễ hiểu để kiến giải vấn đề theo hướng phù hợp với mọi đối tượng độc giả.
Tác giả muốn nhắn gửi: ta phải đối mặt với sự từ chối, thất bại và học cách cố gắng để tìm hướng đi mới cho riêng mình. Điều quan trọng là trước khi mở rộng quy mô doanh nghiệp, hay dự án thì bạn cần phải mở rộng tư duy của chính mình. Ý tưởng tốt luôn phải bắt nguồn từ mục đích tốt. Đó là cách duy nhất để trường tồn với thời gian.
You must be logged in to post a comment Login