Henry Ford (30/7/1863-7/4/1947)là người sáng lập Tập đoàn Ôtô Ford và được công nhận vì những đóng góp vĩ đại trong việc thay đổi cuộc sống của người dân Mỹ và phát triển nguyên tắc “sản xuất là phục vụ xã hội”.
Ông là một trong những người đầu tiên áp dụng dây chuyền sản xuất hàng loạt để chế tạo ôtô với giá phải chăng và cũng là người đầu tiên xây dựng ý tưởng về một “chiếc xe phổ thông” – Model T. Thành tựu này không chỉ dẫn tới một cuộc cách mạng trong sản xuất công nghiệp ở Mỹ và các nước khác trên thế giới, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn minh hiện đại đến nỗi các nhà lý luận xã hội phải gọi thời kỳ lịch sử kinh tế và xã hội này là “Thời đại của Ford”.
Tầm nhìn về một phương tiện vận chuyển thay cho ngựa
Trong cuốn tự truyện Henry Ford Cuộc đời và sự nghiệp của tôi (xuất bản lần đầu năm 1922, bản dịch tiếng Việt do Alpha Books thực hiện), Henry Ford không chỉ kể lại cuộc đời và sự nghiệp của mình mà còn chia sẻ những triết lý kinh doanh độc đáo, cách tư duy sáng tạo và những nguyên tắc làm việc đã giúp ông xây dựng nên đế chế Ford Motor Company hùng mạnh.
Ford sinh vào giai đoạn mà mọi người sử dụng ngựa như là một phương tiện đi lại thông dụng. Vì vậy ông định chế tạo một phương tiện vận chuyển thay cho ngựa. Ông khởi đầu mọi việc từ con số không, có nghĩa là dù biết nhiều người đã bắt đầu nghiên cứu về phương tiện vận chuyển không dùng sức ngựa, ông vẫn không biết họ làm gì.
Năm 1892, Ford hoàn thành chiếc xe đầu tiên, nhưng phải đến đầu năm 1893 ông mới toại nguyện khi chiếc xe đó chạy được. Chiếc xe đầu tiên có bề ngoài giống chiếc xe độc mã. Có hai xi lanh với đường kính nòng 2,5 inch và ống dài 6 inch đặt sát bên nhau và trên trục sau. Ông làm ra chúng từ các ống thừa của động cơ hơi nước mà ông mua được. Chúng lên tới 4 mã lực. Chiếc xe này có thể chở được 2 người. Xe có 2 tốc độ 10 dặm và 20 dặm một giờ.
Ý định thiết kế ôtô của Ford không dừng ở việc đơn thuần thiết kế mẫu mã, ông muốn đưa chúng vào sản xuất. Để có tiền chế tạo chiếc xe mới, ông đã bán chiếc xe chế tạo đầu tiên trên cho Ainsley. Năm 1896, ông bắt đầu chế tạo chiếc xe thứ hai, nó giống chiếc xe đầu tiên nhưng nhẹ hơn một chút.
Ngày 15/8/1899, đứng trước sự lựa chọn giữa công việc với cơ hội thăng tiến đang rộng mở và niềm say mê ôtô của mình, Ford thôi việc ở Công ty Edison để chính thức bước vào lĩnh vực kinh doanh ôtô, với niềm tin nó sẽ mang lại thành công cho ông.
Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu khởi nghiệp, Ford đã phải đối mặt với những thử thách. Đầu tiên là ông không có bất kỳ nguồn vốn cá nhân nào. Số tiền ông tiết đã dành hết cho thử nghiệm.
Mặt khác, trên thị trường lúc bấy giờ cũng không có nhu cầu ôtô và bất cứ thứ hàng hóa gì là mới. Nhiều người cho rằng ôtô – “loại xe kéo không dùng ngựa” chỉ được coi là một ý niệm mơ hồ và những nhà thông thái thì phân tích nó chỉ là thứ đồ chơi. Ngay cả những nhà tài phiệt cũng không nhận ra tiềm năng của loại xe này.
Do không có nguồn vốn cá nhân, Ford kết hợp với một nhóm nhà đầu tư để lập ra công ty Detroit Automobile Company. Tuy nhiên, Ford nhanh chóng nhận ra rằng những nhà đầu tư này chỉ quan tâm đến kiếm tiền trước mắt hơn là sản xuất ra một chiếc xe tốt hơn, vì thế tháng 3/1902, Ford rút ra khỏi công ty.
Lợi nhuận không phải là điều quan trọng nhất
Trong khoảng thời gian từ năm 1902 đế khi thành lập Ford Motor Company (1903), Ford đã tiến hành một thử nghiệm thực sự. Trong cửa hiệu nhỏ bằng gạch của mình, Ford đã thiết kế động cơ 4 xi lanh, và khi ra ngoài, ông cố gắng khám phá xem thực sự kinh doanh là gì và có cần thiết làm chỉ vì đồng tiền như ông đã làm lần đầu không.
Sách Tự truyện Henry Ford: Cuộc đời & sự nghiệp. Ảnh: Alpha Books. |
Ford cho biết, đặc tính đáng kinh ngạc nhất của hoạt động kinh doanh lúc đó là người ta chỉ tập trung vào vấn đề tài chính là chủ yếu, còn vấn đề dịch vụ xã hội chỉ là phụ. Không ai quan tâm đến việc làm sao để sản xuất tốt hơn mà chỉ cần đảm bảo làm gì cũng phải có lợi nhuận và kiếm được tiền.
Nói cách khác là sản phẩm làm ra không phải phục vụ cộng đồng mà chỉ để kiếm thật nhiều tiền, không ai cần biết khách hàng có vừa lòng hay không. Chỉ cần bán hàng được là đủ. Người ta không lo rằng khách hàng không vừa ý sẽ mất lòng tin vào sản phẩm của mình mà chỉ thấy điều đó thật phiền toái, thậm chí nhờ có vậy họ lại có thể kiếm thêm nhiều tiền từ việc sửa chữa chỉnh sửa – những việc đáng nhẽ ra họ phải làm ngay từ đầu.
Ngược lại với kiểu cách kinh doanh bất chấp vì tiền trên, Ford lại cho rằng nền tảng của kinh doanh chân chính là phục vụ cộng đồng. Ông cũng cho rằng một sản phẩm có chất lượng cao với giá cả phù hợp bạn sẽ nhận được lợi nhuận lớn hơn.
Theo Ford dù đã bán xong thì mối quan hệ giữa nhà sản xuất và khách hàng vẫn chưa kết thúc. Ngược lại, nó mới chỉ bắt đầu. Trong lĩnh vực kinh doanh ôtô, bán được hàng mới là giai đoạn giới thiệu sản phẩm. Nếu sản phẩm không mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng thì tốt nhất không nên giới thiệu sản phẩm. Nếu không những quảng cáo tồi đó sẽ thất bại. Với Ford, dịch vụ tốt nhất có nghĩa là cung cấp các sản phẩm hữu ích cho khách hàng với giá cả phải chăng và đảm bảo phúc lợi cho nhân viên.
Từ những khám phá về kinh doanh trong khoảng thời gian từ 1902 đến khi thành lập Ford Motor Company, Ford đã đúc kết thành quan điểm, triết lý kinh doanh mà nhiều năm sau này ông vẫn không thay đổi đó là:
1. Nếu bạn coi trọng đồng tiền hơn sản phẩm của mình thì nó sẽ tiêu diệt sản phẩm và phá hủy nền tảng mọi dịch vụ.
2. Nếu bạn chỉ nghĩ đến đồng tiền trước mắt mà không quan tâm đến sản phẩm thì bạn sẽ luôn sợ bị thất bại và nỗi sợ hãi đó cản trở việc kinh doanh. Nó khiến bạn sợ hãi cạnh tranh và không dám thay đổi cách thức kinh doanh.
3. Thành công luôn đến với những người luôn nghĩ đến mục đích phục vụ cộng đồng trước và luôn làm việc theo phương pháp hiệu quả nhất.
Từ những quan điểm về kinh doanh trên, cộng với nhiều yếu tố khác như: sự kiên trì, sáng tạo và tinh thần doanh nhân của Ford, tầm nhìn của Ford về tương lai của công nghiệp và xã hội, quá trình phát minh và phát triển dây chuyền lắp ráp ôtô, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh…, Henry Ford biến giấc mơ sản xuất ôtô của mình thành hiện thực.
Từ một người thợ máy đơn giản, Ford đã trở thành người sáng lập và lãnh đạo một trong những công ty ôtô lớn nhất thế giới. Tính đến ngày 31/5/1921, Ford Motor Company của ông (sau 18 năm thành lập) đã cho ra đời chiếc xe ôtô thứ 5 triệu.
You must be logged in to post a comment Login