Như một “chiếc vé” du hành ngược thời gian, cuốn sách đưa độc giả dạo quanh những địa điểm nổi tiếng cũng như ít người biết thời Pháp thuộc, như chợ Bến Thành, những đại lộ đầu tiên người Pháp xây dựng; hay ghé thăm từng căn nhà, giới thiệu từng nếp sống của những gia đình Sài Gòn xưa.
Thời thuộc Pháp, chợ Bến Thành được xác định là chợ trung tâm của Sài Gòn, thành phố lớn nhất, có lúc là thủ phủ của Đông Dương xưa. Các bưu ảnh, bưu thiếp thời đó ghi rõ điều này: Saigon marché central (chợ trung tâm, chợ chính Sài Gòn), Grand marché (chợ Lớn)…
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, giữa thành phố Sài Gòn có một vùng đầm lầy, ao hồ khá rộng, trong phạm vi bốn con đường: Némésis (nay là Phó Đức Chính) – Dayot (d’Ayot – Nguyễn Thái Bình) – Boresse (Yersin) – qua đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn) một chút; gọi là ao, đầm Bồ-rệt (marais Boresse).
Ghi chép của M. A. Petition, một nhà du lịch Pháp cuối thế kỷ 19:
“Vào khoảng năm 1890, trong khu Boresse vẫn còn nhiều đường đất đắp cao, cắt nhau khá đều đặn, chạy ngang dọc, chia khu đầm lầy ra thành từng xóm nhỏ. Những chỗ trũng ngập nước chỉ sâu một vài mét. Mỗi xóm là một khu nhà sàn mái lá xây trên cọc gỗ. Từ trong xóm, mỗi căn chòi có cầu ván đi thông ra ngoài đường, có khi hai hay ba tấm ván nối nhau nếu vũng sình quá rộng.
Người qua cầu nếu lỡ bước hụt chân sẽ rơi xuống vũng sình bùn lẫn với rong rêu, ếch nhái…”.
(…) “Ban ngày các khu xóm tồi tàn ấy vắng ngắt như một ngôi làng bỏ hoang, nhưng khi đêm về cảnh vật tưng bừng như hội chợ. Hàng nghìn đèn lồng bằng giấy đủ màu treo khắp mọi nhà, ánh đèn phản chiếu trên mặt nước thật ngoạn mục làm ta quên đi nơi đây là một khu xóm nghèo bẩn thỉu.
Dọc theo lề các đường đất hàng trăm lò lửa được nhóm lên. Ðấy là những cái bếp lộ thiên, nơi chiên, xào, nấu, nướng đủ loại thức ăn, món nhậu. Khách hàng gắp ăn hoặc chỉ cần bốc tay lùa vào miệng khi món ăn còn nóng. Trên đường người đi đông vô kể, trong đám đông đó có những thủy thủ đã từng đi khắp năm châu bốn biển, có cả lính tráng đủ các binh chủng, và người thường dân thuộc đủ các nghề nghiệp. Họ chen nhau đi giữa những hàng cháo, hủ tiếu, bánh mứt, rượu trà, thuốc lá…
Lẫn trong đám người qua lại, có cả những cô gái buôn hương bán phấn thuộc đủ mọi quốc tịch. Không khí càng thêm ồn ào vì tiếng rao mời khách mua hàng, tiếng người gọi nhau, các chú lính thủy say sưa vừa đi vừa hát. Bên ngoài xóm nhà sàn, dọc theo hành lang một dãy nhà, những cô gái mặt hoa da phấn đang ngồi gảy đàn đợi khách dưới chuỗi đèn lồng xếp bằng giấy hồng”.
Khu vực đầm lầy Bồ-rệt (marais Boresse) năm 1907 trên bưu ảnh. Ảnh: Tư liệu trong sách. |
Vùng đầm lầy này là một vấn đề “đau đầu” của chính quyền Pháp ở Sài Gòn vài chục năm, từ quản lý đô thị, an ninh trật tự tới môi trường. Năm 1894, Toàn quyền Đông Dương De Lanessan ký sắc lệnh yêu cầu chính quyền thành phố Sài Gòn làm năm dự án: lập Sở Cấp thủy, xây một nhà hát lớn, xây tòa thị chính, dựng chợ trung tâm và chỉnh trang đầm Boresse sao cho hợp vệ sinh. Ông De Lanessan vốn là một bác sĩ.
Dầu vậy, sau khi ký sắc lệnh này ít lâu, ông De Lanessan lại về Pháp. Khiến sáu năm sau, năm 1900, dược sư Holbé, thành viên Hội đồng Quản hạt (Hội đồng Thuộc địa Nam kỳ) đã lắc đầu: “Thật ngao ngán khi thấy vấn đề đầm lầy Boresse được nhắc lại mỗi năm và chẳng bao giờ đạt được kết quả. Tại trung tâm thành phố có một ổ hôi thối, là một mối nguy thường trực. Chính quyền chẳng muốn làm gì để cứu chữa tình trạng tệ hại này”.
Nói vậy nhưng mãi tới năm 1907, Thống đốc Nam kỳ François Pierre Rodier ra nghị định thực hiện dự án của Hội đồng thành phố Sài Gòn:
Xây nền nhà ga xe lửa xuyên Đông Dương trên diện tích 10 hecta.
Mở đại lộ Sài Gòn – Chợ Lớn rộng 40m, nối thẳng tắp từ Sài Gòn với vùng Chợ Quán.
Lấp đầm Boresse, làm cống ngầm để nước mưa, nước thải chảy ra rạch Bến Nghé.
Phát triển đường xe điện (tramway) và xây chợ trung tâm (halles centrales).
Việc giải quyết đầm Boresse khá ổn khi khu vực này sẽ là ngôi chợ mới Sài Gòn thay cho ngôi chợ trên đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ). Lúc đó, một phần khu này thuộc quyền sở hữu của đại gia Hui Bon Hoa (chú Hỏa) và ngôi chợ trung tâm này được Công ty Hui Bon Hoa & các con góp vốn xây dựng. Hãng thầu Brossard et Maupin thực hiện việc xây chợ trong hai năm (1912-1914). Cuối tháng 3-1914, ngôi chợ rộng 13.000m2 khánh thành với ba ngày hội tưng bừng gọi là “Tân Vương Hội” (28, 29 và 30-3-1914). Hơn 100.000 người Sài Gòn và các tỉnh đã dự những ngày hội này.
You must be logged in to post a comment Login