Nhân vật Sorel trong phim chuyển thể Đỏ và đen năm 1997. Ảnh: JustWatch. |
Trong tiểu thuyết Đỏ và Đen (Le Rouge et le Noir, 1830) của Stendhal, nhân vật Julien Sorel bước vào con đường làm tu sĩ, nhận ra rằng đó là con đường thăng tiến triển vọng nhất ở nước Pháp thời chế độ quân chủ Bourbon được khôi phục.
Là con trai một người thợ mộc, Sorel ưa thích chế độ nhân tài “cơ hội cho người tài giỏi”, đặc trưng của triều đại thời Napoléon Bonaparte. Nhân vật Sorel có kết cục bi thảm, phần nhiều là nạn nhân của thứ bậc xã hội cứng nhắc thời kỳ Trung hưng nhiều hơn là do tính trăng hoa của bản thân anh ta.
Tuy nhiên, Stendhal bao dung với bản tính bốc đồng của Sorel hơn là chế độ Bourbon trưởng giả. “Chỉ còn duy nhất một quý tộc thực sự; đó là danh hiệu Công tước. Hầu tước thật lố bịch, [nhưng] khi nghe đến Công tước người ta quay đầu lại”, trích từ một phần đề từ của cuốn sách (nhiều phần trong số đó đơn giản do Stendhal dựng lên). “Phục vụ! Năng lực! Xứng đáng! Ôi chà!” là một câu trích dẫn khác: “Gia nhập bè phái”. Và: “Viên cảnh trưởng cưỡi trên lưng ngựa nghĩ thầm: ‘Tại sao ta không được làm bộ trưởng, đứng đầu Nội các, hay một vị công tước?… Ta sẽ gô cổ cả lũ cải cách lại'”.
Nỗ lực khôi phục trật tự thứ bậc Chế độ cũ của Nhà Bourbon chừng như không bền vững. Năm 1830, một cuộc cách mạng Pháp khác đã lật đổ Charles X. Mười tám năm sau đó, cuộc cách mạng thứ ba khiến người kế vị ủng hộ dòng dõi quận công Orléan của ông, Louis Philippe, phải chịu chung số phận. Cuối cùng, năm 1870, cuộc xâm lược của Đức và một cuộc cách mạng khác đã lật đổ Hoàng đế Napoléon III, mở đường cho nền Đệ tam Cộng hòa – chế độ tồn tại lâu nhất trong năm nền hiến pháp cộng hòa của Pháp (tính đến nay).
Phần lớn sự mê hoặc của thời đại này trong lịch sử châu Âu chính là do những bất ổn trong từng nỗ lực mới nhằm thiết lập lại trật tự quân chủ. Tuy nhiên, thế kỷ 19 là khoảng thời gian mà thật chậm rãi nhưng chắc chắn, những năng lượng cách mạng từng được giải phóng nhờ máy in lại dần dần từng bước bị giam lại trong các cấu trúc quyền lực mới. Nếu không khôi phục lại chế độ quân chủ Bourbon, thì làm thế nào?
Các cuộc cách mạng dựa trên mạng lưới – Phong trào Kháng cách, Cách mạng Khoa học và Khai sáng – đã làm thay đổi sâu sắc nền văn minh phương Tây. Các cuộc cách mạng chính trị, không chỉ ở Mỹ và Pháp, mà trên khắp châu Mỹ và châu Âu, hứa hẹn một thời đại dân chủ mới dựa trên lý tưởng về tình bằng hữu vô tư được Hội Tam điểm khởi xướng và được viện dẫn đầy mê hoặc trong tác phẩm Khải hoàn ca (Ode to Joy) của Schiller. Lời hứa đó đã không thành hiện thực.
Để hiểu lý do vì sao lợi thế lại chuyển từ mạng lưới sang hệ thống thứ bậc, chúng ta một lần nữa cần tránh hình dung ra sự lưỡng phân ảo ở đây. Ngay cả sự phân tầng ngột ngạt của nước Pháp những năm 1820 cũng mang kiến trúc mạng lưới đặc thù. Như đã thấy, hầu hết mạng lưới cũng mang tính thứ bậc ở một số khía cạnh, nếu chỉ vì một số nút có tính trung tâm hơn các nút khác, trong khi hệ thống thứ bậc là loại mạng lưới đặc biệt trong đó các luồng thông tin hoặc tài nguyên được giới hạn ở các cạnh nhất định để tối đa hóa tính trung tâm của nút cai trị. Đó chính xác là điều khiến nhân vật Julien Sorel thất vọng về nước Pháp thời Bourbon: có quá ít phương thức leo lên nấc thang xã hội đến mức anh ta buộc phải phụ thuộc quá nhiều vào một số ít người quen.
Hơn nữa, mô típ trung tâm của tiểu thuyết Stendhal là cái mà lý thuyết mạng lưới gọi là bộ ba bất khả thi. Để giành được trái tim cô con gái ông chủ quý tộc – Mathilde de Mole, Sorel giả đò yêu thích một góa phụ – Madame de Fervaques. Mặc dù Sorel tán tỉnh cả hai người phụ nữ, họ không có khả năng kháng cự anh ta. Khi người tình cũ – Madame de Rênal – tố cáo anh với cha của Mathilde, anh đã ra tay định sát hại bà. Khi anh bị bắt giam, cả Mathilde và Madame de Rênal đều đến thăm riêng anh. Năm 1961, nhà phê bình văn học René Girard đã đặt ra cụm từ “khao khát bắt chước”: Mathilde chỉ muốn có Sorel khi cô nhận ra có người phụ nữ khác cũng khao khát anh.
Mạng lưới đơn giản hơn trong các trật tự thứ bậc, đôi khi bởi vì những người ở trên cùng áp dụng một cách có ý thức nguyên tắc phân chia và cai trị, đôi khi bởi vì trong một trật tự thứ bậc chỉ có một số lượng nhỏ các trung tâm thực sự quan trọng. Khi người ta tìm cách sắp xếp lại trật tự chính trị châu Âu sau biến động của Cách mạng Pháp và Chiến tranh Napoléon, các chính khách tham dự Đại hội Vienna đã tạo ra một loại mạng lưới đơn giản khác: một “chính thể ngũ hùng” gồm năm cường quốc, theo đúng bản chất của nó, với các cách thức hạn chế để đạt được trạng thái cân bằng.
Thành công của nó dựa một phần vào điểm đơn giản này. Sự cân bằng quyền lực, như chúng ta sẽ thấy, mặc nhiên cho rằng phần lớn các quốc gia châu Âu không quan trọng: trạng thái cân bằng phụ thuộc vào mối quan hệ giữa Áo, Anh, Pháp, Phổ và Nga, và chỉ năm nước đó.
Sự tái khẳng định trật tự thứ bậc của thế kỷ 19 không vô hiệu hóa các mạng lưới trí tuệ, thương mại và chính trị từng được tạo ra trong ba thế kỷ trước. Những mạng lưới đó vẫn tiếp tục tồn tại. Thật vậy, đời sống tôn giáo trong thế giới Tin lành ngày càng sinh động và bướng bỉnh hơn, nhờ kế thừa “thức tỉnh” và “phục hưng”. Cuộc Cách mạng Công nghiệp – theo nhiều cách, mang tính chuyển hóa nhất trong tất cả các cuộc cách mạng – có thể dễ dàng được so sánh với các cuộc cách mạng khác của thế kỷ 18 vì nó cũng là sản phẩm của một mạng lưới các nhà cách tân, một số người được học hành bài bản, một số khác tự học chắp vá về khoa học.
Và ngay cả khi Hội Tam điểm suy tàn sau năm 1800, mục tiêu mở rộng và thể chế hóa quan niệm về tình huynh đệ (vượt ra ngoài ý nghĩa anh em hạn hẹp) được chia sẻ trong một loạt phong trào mới, không chỉ các phong trào hội đoàn mà còn nhiều tổ chức dân tộc, đặc biệt là các hội huynh đệ sinh viên Đức. Điểm khác biệt là hệ thống thứ bậc hoàng gia, quý tộc và giáo hội dần làm tốt hơn trong việc kết nối tất cả mạng lưới này, khai thác năng lượng sáng tạo và định hướng chúng theo ý muốn của họ.
You must be logged in to post a comment Login