Connect with us

Sách hay

Sách Tết Quý Mão 2023

Được phát hành

,

Cuốn sách thứ năm trong dự án Sách Tết, là một hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày Tết của nhiều cây bút tên tuổi.

Phần đầu của chương “Tết quê nội, Tết quê ngoại” của nhà văn Xuân Phượng, in trong “Sách Tết Quý Mão 2023”.

Những năm 40 của thế kỷ 20.

Trong cái rét căm căm của những tháng cuối năm ở Đà Lạt, năm chị em chúng tôi luôn thập thò vào căn phòng của mấy bác thợ may được mẹ tội mời đến. Năm chị em chỉ một kiểu áo cánh, quần dài vải màu nâu nhạt. Kèm theo mỗi người một cái áo dài lụa màu vàng cho hai em trai, màu xanh cho ba chị em gái.

Lo cơm rượu, nơi ngủ cho bốn bác thợ may đến tận nhà trong những ngày giáp Tết vẫn là việc hầu như năm nào, trước khi về ăn tết ở Phan Rí, mẹ tôi vẫn phải thu xếp chu đáo.

Advertisement

Ông nội tôi, một vị quan triều đình Huế đã về hưu, là tiên chỉ của làng Liêm Công, thuộc phủ Hòa Đa, tỉnh Phan Rí. Ông rất ghét bọn “mắt xanh mũi lõ” Pháp, nên không cho phép chúng tôi về quê nội với những bộ quần áo hàng ngày ở trường Đà Lạt.

Khoảng hăm sáu Tết.

Súng sính trong những bộ quần áo mới tinh, năm chị em được ba tôi lùa lên chiếc xe ô tô Renault màu đen độc nhất lúc bấy giờ ở thành phố.

Khỏi phải nói là chúng tôi háo hức về chuyến đi từ Đà Lạt về Phan Rí quê nội này như thế nào.

Xe dừng lại một quán ven đường, gần huyện Đức Trọng. Bác chủ quán tỏ vẻ e ngại: “Nên nghỉ tối ở đây, sáng mai hãy đi. Dạo này voi rừng về phá dữ lắm”. Ba tôi chỉ cười mỉm, cảm ơn, rồi lùa chúng tôi lên xe.

Advertisement

Trời sập tối rất nhanh. Đang ngủ gà ngủ gật, bỗng có tiếng thét của mẹ tôi: “Voi về”.

Tuy đã gần tám mươi năm, vẫn còn trong trí nhớ hình ảnh một khối đen xám xịt khổng lồ sầm sập lao tới.

Ba tôi đóng vội các cửa xe, tắt máy và hét to: “Ngồi im”. Một phát đập mạnh. Chiếc xe chao đảo. Những tiếng rống kinh hoàng. Lại tiếng đập vào xe. Rung lắc dữ dội. Tiếng mẹ tôi thầm thì: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát”.

Em Nhạn tôi, ba tuổi, khóc ré lên. Tôi bịt mồm, ôm chặt em. Tiếng gầm thét, vang vang, cuồng loạn. Mồ hôi túa ra, ướt đẫm quần áo. Toàn là một màu xám rùng rợn, xen lấn, chà đạp vào nhau. Những thân cây đổ rào rào xung quanh chiếc xe. Kinh hoàng đến nỗi tám mươi năm sau vẫn không quên.

Bỗng chiếc xe bớt chao đảo. Trong ánh sáng nhọ nhem của rừng sâu Đức Trọng, cái mảng xám khổng lồ tản dần. Tiếng nghẹn ngào niệm Phật lẫn tiếng nức nở của mẹ tôi. Đàn voi rừng đã bỏ đi.

Advertisement

Ba tôi rồ máy. Chúng tôi rời khỏi khu rừng trong đêm tối mù mịt…

Những ngày sau, gia đình của năm chú và bốn cô ruột của chúng tôi cũng đã từ Phan Thiết, Quy Nhơn, Nha Trang trở về tụ tập đông đủ. Cả tòa ngang dãy dọc mênh mông của gia tộc Nguyễn Xuân, vốn vắng lặng ngày thường, nay đã sáng đèn và rộn rịp tiếng cười nói.

Sáng ba mươi.

Tiếng lanh canh rộn rã ở trước cổng làm tôi tỉnh ngủ. Một cây tre gộc cao vút, ngọn phất phơ một túm lá còn xanh, đang đung đưa theo gió với những chiếc khánh bằng sành kèm mấy dải lụa xanh đỏ vàng. Ba quay lại nói với mẹ: “Mình không năm nào kịp về dự lễ dựng nêu. Biết làm sao được”.

Bác Cửu, người hầu tin cẩn của ông nội tôi, áo dài đen, khăn đóng, bước ra trước sân, dóng lên một hồi trống chầu.

Advertisement

Áo dài vàng, áo dài xanh, giày dép mới, cổ đeo khánh bạc, năm chúng tôi cùng vài chục anh chị em họ, từ ba tuổi đến mười bốn tuổi, từ từ xếp hàng trước cái sân gạch. Bà Tư, bà lão bộc ở với ông bà tôi từ mấy chục năm nay, lưng còng, đôi mắt kèm nhèm, đã đứng sẵn, tay cầm một xấp lụa màu đỏ. Bà gập đôi người, ghé sát tai chúng tôi, phì phò: “Tụi bay phải lau mấy chậu lan thật sạch nghe chưa? Đứa nào làm gãy lá, gãy mầm, hãy coi chừng”.

Nghe mẹ chúng tôi thì thào: “Đúng là Ma Hời giữ của”; còn bác Cửu rỉ tai: “Mụ khọm này có bùa ngải Chàm. Lôi thôi mụ ấy thư cho thì sẽ hóa điên đó”.

Chúng tôi rụt cổ, run run nhận vuông vải điều. Và rồng rắn đến trước dãy những chậu địa lan xếp suốt chiều dài chiếc sân. Lau lá, vun đất, nhổ cỏ. Đến trưa, sau khi bà Tư gườm gườm xem xét từng chậu một, cả lũ được tha, trả về với ba mẹ.

Đêm giao thừa, cả làng rộn tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng pháo. Nhưng chúng tôi bị cấm, không cho ra khỏi nhà, nên chỉ lơ mơ một chặp rồi ngủ thiếp đi.

Mùng một.

Advertisement

Một loạt tiếng pháo đùng chí chát nổ làm chúng tôi choàng thức dậy. Khói pháo chưa tan, các gia đình đã dắt con cái ra đứng chật sân. Hai cánh cửa sơn son thếp vàng, chính giữa chạm hình con hổ vờn mây của ngôi nhà chính, đã mở rộng.

Ông nội tôi mặc triều phục, mũ cánh chuồn, ngồi oai nghiêm nhìn xuống sân. Sau một tiếng trống, Bác Cửu hô: “Bái”. Mấy chục đứa bé quỳ mọp xuống, đầu chạm đất. Đầu tôi đụng phải cái mông của em họ tôi, thằng Tiến, đang cúi lạy ngay sát phía trước tôi. Nó ré lên: “Nhột, nhột”. Chú Bảy tôi vội chạy tới, bịt miệng nó không kịp.

Sau ba tiếng trống, ba lần lạy, tất cả lố nhố nhỏm lên. Ông nội tôi đứng dậy, vung tay. Một loạt đồng tiền điếu bay xuống sân. Bất kể tà áo dài vướng víu, tôi chen thật lực để nhặt một đồng tiền đang kẹt giữa hai mạch của một viên gạch. Em Nhạn tôi, mới lên ba, không chen nổi, thút thít khóc. Mẹ tôi vội vàng đến dúi cho một đồng tiền, nói vào tai em: “Khóc ngày Tết, coi chừng bà Tư”. Nhạn nín bặt.

Sau đó, ba mẹ tôi và chín chú thím, mỗi đôi quỳ lạy chúc Tết ông bà nội và đốt pháo mừng. Thêm dịp để chúng tôi lao ra tìm pháo lẻ, pháo xịt, náo loạn cả sân.

Trưa mùng một Tết, tất cả bọn con trai được lên nhà trên ăn cỗ với người lớn. Mẹ tôi, các thím và lũ nhóc gái chúng tôi ăn ở nhà dưới.

Advertisement

Thắp nhang, cúng lạy tổ tiên ông bà ở gian thờ giữa lộng lẫy sơn son thếp vàng cũng chỉ bọn con trai được phép đi cùng ba mình. Mẹ tôi, các thím và bọn con gái chúng tôi không được phép bước vào gian thờ chính.

Vừa tắt nắng, chúng tôi được cho ra làng chơi. Như chim sổ lồng, chúng tôi ào ra chợ, mấy đồng tiền kẽm xâu toòng teng ở dải rút quần. Chúng tôi sà vào các trò chơi có thưởng: Tôm, Cua, Rùa, Ếch, ném vòng, bịt mắt bắt dê, hô bài chòi, đánh lô tô…

Hai em gái tôi, lên ba và sáu tuổi cũng đòi chơi. Yến đưa hai đồng tiền, Nhạn nhứ nhứ một đồng và nhờ chị Phượng đánh dùm. Tôi giao hẹn: “Thua, tụi bay không bắt đền đó”. Hên quá, không thua, và mỗi đứa hí hửng xâu thêm mấy đồng tiền vào dải rút quần.

Cả ngày mùng hai Tết, chúng tôi được dắt đến nhà bà cô, người cao tuổi nhất trong làng. Ba tôi vừa bước vào, chó Phan Rí rất dữ, cứ thế lao ra sủa, nhe răng trắng ởn. Nhà bà ở trên một đồi cát, gió táp rát mặt.

Ba mẹ tôi bắt chúng tôi quỳ xuống lạy. Bà rút từ từ ra mấy bao giấy đỏ, lẩm bẩm câu gì, đập đập vào đầu mấy đứa, rồi phát cho chúng tôi. Lại lạy, rồi nhanh chóng rút lui. Mẹ tôi giảng: “Bà cô các con đấy”. Hết cả hồn.

Advertisement

Tối về, mấy chị em hí hửng khoe tiền mừng tuổi. Nhớ mãi em Phát, không hiểu chạy đi đâu không có mặt để các cô chú mừng tuổi nên thiếu ba đồng so với “kho tiền” của bốn chúng tôi. Thế là chú ta lăn đùng ra, hai chân đạp tứ phía, rống to: “Bắt đền đây. Bắt đền đây”.

Lại mẹ tôi phải vào cuộc, dúi cho em tôi ba đồng tiền kẽm. Như có phép lạ, cái máy gào khóc câm bặt. Mấy chị em lại dắt nhau, cầm đèn dầu, chạy ra làng rong chơi cùng mấy đứa bạn mới quen đang đứng chờ trước cổng.

Ngày mùng năm Tết.

Ba tôi phải về làm việc. Lại chen chúc nhau lên xe về Đà Lạt. Đứng trước những căn nhà lụp xụp nép mình sau những đồi cát, những bạn bè mới của chúng tôi đưa mắt nhìn theo. Có đứa vẫy tay chào. Trong xe phảng phất mùi cá kho. Bà Tư, làu bàu suốt ngày, đã không quên gửi mấy tỉn nước mắm nhỉ, một nồi to tướng cá nục kho, một bọc me xanh, cho chúng tôi tiếp tục Tết ở Đà Lạt.

Cùng với bác Giáo, cả ba tôi đến chú Bảy chú Chín đều được bà nuôi nấng từ bé. Chúng tôi ai cũng gọi bà bằng bà Tư, kính cẩn và sợ không khác gì bà nội mình. Khi bà mất, mộ bà chôn trong nghĩa trang gia tộc, quanh năm có người chăm lo hương khói.

Advertisement

Vài năm sau, việc ông nội tôi từ giã cõi trần cũng gây xôn xao cả vùng Phan Rí, Phan Thiết.

Ba tôi nhận được một dây thép (bức điện) báo phải cho cả nhà về Phan Rí ngay. Ba ngày sau, khi chúng tôi định lên lạy ông, thì ba tôi nói, giọng rất nghiêm: “Ông nội đang mệt, không được ồn ào”. Cả khối nhà rộng mênh mông với mấy chục đứa con nít, im bặt tiếng cười.

Cho đến một ngày, chúng tôi được lệnh tụ họp sau một hồi trống chầu. Cánh cửa sơn son thếp vàng rộng mở. Một tấm phản lớn được bày trước hiên, phía trên các bậc tam cấp. Cũng theo nhịp trống, hai bác Giáo và các anh họ tôi lên vái lạy ông tôi. Rồi đến lượt gia đình chúng tôi. Sau đó là gia đình các cô các chú.

Ông nội tôi vận bộ triều phục thêu, râu ba chòm dài, bạc phơ, ngồi tựa vào bộ gối xếp bốn tầng bằng gấm màu đỏ, đăm đăm nhìn phía trước. Tôi quỳ lạy mà vẫn nghe tiếng thở khò khè. Bà Tư lọm khọm bưng lên một tô cháo. Ông tôi ăn vài thìa, phất tay ra lệnh dọn ngay. Rồi tiếng ông vang lên, đứt quãng: “Thôi, ông đi đây”.

Bác Cửu chạy đến, đỡ ông nằm dài trên chiếc phản. Chúng tôi nghe tiếng thở khò khè, khò khè, rồi yếu dần, yếu dần. Chung quanh lặng phắt.

Advertisement

Bác Cửu vừa khóc vừa cầm một tờ giấy trắng đặt lên mũi ông. Bác Cả tôi lết đến, vừa lạy vừa đặt một nắm bông trên mặt ông. Rồi cả tòa nhà vang lên tiếng khóc, tiếng trống, tiếng phèn la, tiếng người… Bác Cửu chạy ra trước cổng, hô to: “Ông đi rồi”. Tiếng người rầm rập chạy vào, người lạy, người đốt nhang, đốt đèn bạch lạp, náo động cả xóm.

Ông nội là quan triều đình và tiên chỉ của làng, nên đám tang ông nội tôi kéo dài bảy ngày liền. Việc ông biết trước ngày mất, đánh dây thép gọi cả gia đình về là điều dân làng bàn tán nhiều nhất.

Tôi không nhớ đã thấy ông nội mình cười lần nào chưa. Chỉ nhớ hình ảnh một chòm râu dài trắng như bông, đôi mắt nghiêm nghị và một giọng nói rổn rảng. Có những buổi tối, ông gọi ba tôi, hai em trai và tôi vào phòng khách. Ba chị em nem nép ngồi trên chiếc ghế dài. Ba tôi đứng hầu cạnh ông. Sau khi nâng một chén rượu, ông bắt đầu đọc thơ Đường. Chúng tôi ngồi nghe, lúc đầu còn gắng mở to mắt. Sau đó, đứa nào cũng ngủ gà ngủ gật. Mẹ tôi phải đến lay dậy và dắt về phòng ngủ.

Có lần ông gọi cả ba đứa ra sân, nhìn lên trời. “Các cháu có biết trăng mùng tám gọi là trăng gì không?” Ông lắc đầu: “Ba tụi bay theo Tây học, hỏng quá rồi”. Ngước mắt nhìn lên, chòm râu bạc rung rung, giọng ông sang sảng: “Móng vàng… ai bấm… trời tây…”.

Hơn tám mươi năm đã qua. Tôi không quên câu thơ đêm ấy ở Đà Lạt. Cũng như trên hàng chục năm xa quê hương, ở giữa rừng Việt Bắc, bỗng:

Advertisement

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du…

(Hạc vàng một khi bay đi là không trở lại

Mây trắng nghìn năm vẫn phiêu phiêu)

Hay có những đêm sống giữa rừng già, đã nhói lòng với:

Advertisement

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương…

(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ quê nhà)

Những câu thơ Đường được nghe từ tuổi mười bốn mười lăm đã thấm sâu vào lòng lúc nào không hay. Thích và mê văn thơ, có lẽ bắt đầu từ thuở ấy.

Advertisement

Nghĩ lại, thật biết ơn ông.

Nguồn: https://zingnews.vn/ky-uc-ve-tet-que-noi-post1395186.html

Tiếp tục đọc
Quảng cáo
Nhấn vào đây để bình luận

You must be logged in to post a comment Login

Leave a Reply

Sách hay

‘Bí sử Mông Cổ’ soi sáng cuộc đời Thành Cát Tư Hãn

Được phát hành

,

Bởi

“Bí sử Mông Cổ” được nghiên cứu kỹ lưỡng, dịch và phổ biến bằng hơn 30 thứ tiếng trên thế giới. Đáng nói, bản dịch tiếng Việt tham khảo và sử dụng mọi thành tựu nghiên cứu mới nhất.

Mong Co anh 1

Ảnh: velhogeneral.

Ngay khi phát hành vào tháng 9/2024, Bí sử Mông Cổ(Tiểu sử Chingis Khaan) đã thu hút sự chú ý từ những bạn đọc yêu thích tác phẩm văn học cổ của thế giới.

“Ngọn đèn thần” soi vào lịch sử dân tộc Mông Cổ

Theo một số ghi chép, Bí sử Mông Cổ được viết vào thế kỷ 13 sau Công Nguyên và được mệnh danh là “cuốn sách độc nhất vô nhị”.

Năm 1989, UNESCO công nhận Bí sử Mông Cổ di sản văn hóa, nhấn mạnh đây di sản quý báu về lịch sử, văn hóa không chỉ của người Mông Cổ mà của tất cả bộ tộc du mục. Cụ thể, tháng 6/1989, tại cuộc họp lần thứ 131 của Ban chấp hành UNESCO tổ chức tại Paris, một nghị quyết thông qua kỷ niệm 750 năm xuất bản cuốn Bí sử Mông Cổ và kêu gọi các quốc gia thành viên tổ chức hoạt động kỷ niệm sâu rộng về sự kiện này.

Advertisement

UNESCO tin cuốn sách để lại dấu ấn trong lịch sử phát triển văn hóa nhân loại. Truyền thống nghệ thuật, thẩm mỹ cùng ngôn ngữ thiên tài khiến nó không chỉ đại diện cho nền văn học Mông Cổ mà còn là tác phẩm độc đáo trong kho tàng văn học cổ điển thế giới.

Mong Co anh 2

“Bí sử Mông Cổ” (Tiểu sử Chingis Khaan) bản tiếng Việt do Sonomish Dashtsevel chuyển ngữ, NXB Khoa học Xã hội ấn hành.

Đây được xem là một trong những cuốn sách có sức sống lâu dài. Giáo sư Sh. Ozawa của Nhật Bản từng nói: “Giống như nguồn nước suối tuôn chảy không bao giờ cạn kiệt, khi nghiên cứu Bí sử Mông Cổ, người ta càng nghiên cứu càng thấy nhiều vấn đề phải được nghiên cứu thêm nữa”.

Thậm chí, rong hơn 100 năm qua, Bí sử Mông Cổ dần phát triển thành môn học quốc tế.

Bí sử Mông Cổ (Tiểu sử Chingis Khaan) bản tiếng Việt do Sonomish Dashtsevel chuyển ngữ, Hoàng Thúy Toàn hiệu đính và NXB Khoa học Xã hội ấn hành. Nhiều độc giả Việt đồng ý đây là tác phẩm kinh điển về lịch sử và văn học sớm nhất còn tồn tại của Mông Cổ, ghi lại quá trình phát triển của dân tộc này với giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu độc đáo. Ngoài ra, đúng như tên gọi, Bí sử Mông Cổ ẩn chứa nhiều bí ẩn khó giải đáp.

Theo ý kiến của các học giả, cuộc đời Chingis Khaan – vị anh hùng dân tộc, người đã tạo nên đất nước Mông Cổ vĩ đại, thống nhất nhiều dân tộc Âu – Á, được kể lại trọn vẹn, gần với sự thật hơn cả trong tác phẩm.

Advertisement

Một số nhà sử học chỉ ra, Bí sử Mông Cổ có kết cấu tường thuật táo bạo, hình thức văn học phức tạp và toàn diện, lối ngôn từ uyển chuyển mượt mà, sử dụng phép ẩn dụ không hề trau chuốt, tất cả đều phản ánh chân dung người du mục – thợ săn trên đồng cỏ. Bí sử Mông Cổ cho thấy vẻ đẹp sức mạnh khi một quốc gia trỗi dậy nhanh chóng. Sự va chạm, hội nhập lâu dài của nền văn minh nông nghiệp cổ đại với nền văn minh săn bắn và du mục là chìa khóa giải thích lịch sử nhiều dân tộc.

Cuốn sách chứa đựng số lượng lớn thần thoại, truyền thuyết, truyện kể, thơ ca, tục ngữ… của người Mông Cổ và nhiều dân tộc ở Trung Á được lưu truyền và phát triển từ xa xưa, tạo nên tính độc đáo, hiếm có về mặt thẩm mỹ.

Bí ẩn muôn thuở về tác giả

Sau khi Bí sử Mông Cổ được viết ra, tác giả không ký tên (không rõ lý do) và không có thông tin liên quan nào được lưu giữ trong tài liệu lịch sử các triều đại. Điều này khiến nhiều chuyên gia trong và ngoài nước phải xác minh tác giả.

Theo lời người phiên dịch trích trong Bí sử Mông Cổ (Tiểu sử Chingis Khaan), nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người biên soạn là Shikhi Khutugtu, một người ghi chép mọi sự kiện trong triều đình tuân theo chiếu chỉ của Đại Khaan.

Advertisement

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://znews.vn/bi-su-mong-co-soi-sang-cuoc-doi-thanh-cat-tu-han-post1498860.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Sách hay

Kiến tạo thiên tài

Được phát hành

,

Bởi

Sách thể hiện một cách kịch tính xung đột gay gắt giữa lợi ích quốc gia, giá trị của cổ đông, việc theo đuổi tri thức khoa học và những mối quan tâm rất con người về quyền riêng tư, an ninh, thành kiến và định kiến. Một câu chuyện về những con người “lập dị” mạnh dạn phá vỡ quy tắc để xây dựng công nghệ AI và đưa chúng ra thế giới.

Tính đến khi bước lên chiếc xe buýt từ trung tâm Toronto đến Hồ Tahoe, Geoff Hinton đã không ngồi suốt bảy năm.

Tháng 12-2012

Tính đến khi bước lên chiếc xe buýt từ trung tâm Toronto đến Hồ Tahoe, Geoff Hinton đã không ngồi suốt bảy năm. “Lần cuối cùng tôi ngồi là vào năm 2005, và lần đó là một sai lầm”, ông nói. Hinton bị chấn thương lưng từ thuở thiếu niên khi ráng sức khuân phụ mẹ chiếc máy sưởi. Khi đến gần lục tuần thì ông không còn ngồi được nữa do nguy cơ thoát vị đĩa đệm. Mỗi khi ngồi thì cơn đau lại đến, khiến ông nằm liệt giường nhiều tuần liền. Thế nên ông không ngồi nữa.

Advertisement
Thien tai anh 1

Chân dung Geoff Hinton. Nguồn: Financial Times.

Tại văn phòng của ông ở Đại học Toronto, ông sử dụng một chiếc bàn làm việc đứng. Khi ăn, ông trải lên sàn vài tấm lót xốp nho nhỏ và quỳ gối trước bàn, trong tư thế như một nhà sư hành lễ. Khi đi xe, ông nằm dài trên băng sau, và khi phải đi xa thì ông dùng tàu hỏa. Ông không thể đi máy bay, chí ít là với các hãng hàng không thương mại, vì chắc chắn ông sẽ bị bắt ngồi khi máy bay cất cánh và hạ cánh.

“Có lúc tôi tưởng mình bị liệt, khó mà cầm cự nổi qua ngày, cho nên tôi bắt đầu quan tâm nghiêm túc hơn”, ông nói. “Nếu ta nghĩ phải sống chung với nó thì sẽ chẳng còn vấn đề gì nữa cả”.

Mùa thu năm đó, Hinton đã thành lập một công ty mới trước khi đi đến New York bằng xe buýt, nằm ở băng ghế sau của xe, rồi đi tàu hỏa suốt chặng đường dài lê thê đến Truckee, California, tọa lạc trên đỉnh Sierra Nevada, sau đó lại nằm soài trên băng sau của chiếc taxi trên chặng đường 30 phút đi lên núi đến Hồ Tahoe.

Công ty chỉ gồm hai nhân viên, cả hai đều là học viên cao học trẻ đến từ phòng thí nghiệm đại học của ông. Công ty không tạo ra sản phẩm nào cả. Cũng không có kế hoạch để tạo ra sản phẩm. Trang web của nó không thể hiện điều gì ngoài cái tên DNNresearch, một cái tên nghe còn chán hơn cả chính trang web của nó.

Ông già Hinton 64 tuổi – với mái tóc bạc rối bù và chiếc áo len dài tay, có vẻ như rất quen thuộc với môi trường hàn lâm, cũng như sở hữu khiếu hài hước hơn người – thậm chí ông còn không chắc lắm mình có muốn lập công ty hay không cho đến khi hai học trò thuyết phục ông làm vậy.

Advertisement

Nhưng khi ông đến Hồ Tahoe, một trong những công ty lớn nhất Trung Quốc đã trả giá 12 triệu dollar để mua công ty khởi nghiệp còn non trẻ của ông. Chẳng bao lâu sau, ba công ty khác nữa cũng gia nhập canh bạc, trong số đó có hai công ty lớn nhất của Hoa Kỳ.

Hinton được dẫn đến Harrah’s và Harvey’s, hai sòng bạc đồ sộ nằm dưới chân những ngọn núi trượt tuyết ở mạn nam của hồ. Vươn cao trên những ngọn đồi thông Nevada, những khối nhà song sinh bằng kính, thép và đá còn được dùng làm trung tâm hội nghị, cung cấp hàng trăm phòng khách sạn, hàng chục không gian hội họp và nhiều nhà hàng (tầm trung) đa dạng.

Tháng 12 năm đó, hai tòa nhà này còn đón tiếp cuộc họp thường niên của các khoa học gia máy tính, gọi là NIPS – viết tắt của Neural Information Processing Systems (Hệ thống Xử lý Thông tin Neuron) – một cái tên ẩn chứa tầm nhìn sâu vào tương lai của ngành máy tính – một hội thảo chuyên về trí tuệ nhân tạo.

Là một nhà bác học sinh ra ở London, từng nghiên cứu nhiều lĩnh vực AI tại các trường đại học ở Anh, Hoa Kỳ và Canada từ đầu thập niên 1970, Hinton đến NIPS hầu như mỗi năm. Nhưng cuộc hội thảo lần này lại rất khác. Mặc dù mối quan tâm của Trung Quốc đến công ty của Hinton đã được thể hiện rõ, nhưng ông biết còn có nhiều người khác cũng quan tâm, và NIPS có vẻ là một nơi lý tưởng để đấu giá.

Hai tháng trước đó, Hinton và các học trò của ông đã làm thay đổi cách máy móc nhìn thế giới. Họ xây lên cái gọi là mạng neuron (neural network), một hệ thống toán học dựa theo mô hình mạng neuron trong não, và mạng này có khả năng nhận dạng những đồ vật thông thường, như bông hoa, con chó hay chiếc xe với một độ chuẩn xác mà trước đó tưởng chừng như bất khả.

Advertisement

Như Hinton và các học trò của ông chỉ ra, mạng neuron có thể học được những kỹ năng “rất người” này thông qua phân tích một lượng lớn dữ liệu. Ông đặt tên việc này là “học sâu” (deep learning), và nhìn thấy ở nó tiềm năng khổng lồ. Học sâu hứa hẹn một sự biến chuyển không chỉ trong thị giác máy tính (computer vision) mà trong tất tần tật mọi thứ, từ trợ lý kỹ thuật số có khả năng trò chuyện cho đến xe không người lái và việc phát minh thuốc mới.

Nguồn: https://znews.vn/nguoi-dan-ong-khong-ngoi-suot-bay-nam-post1503067.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Bi kịch bị bạn trai mẹ xâm hại tình dục của Lisa Marie

Được phát hành

,

Bởi

Nỗi đau mất cha, bị bạn trai của mẹ xâm hại tình dục, hôn nhân với Michael Jackson… được kể trong cuốn hồi ký “From Here to the Great Unknown” của Lisa Marie.

Trái tim Lisa Marie không bao giờ lành lại sau khi mất đi người cha Elvis Presley. Tìm cảm này được thể hiện sâu sắc trong cuốn hồi ký From Here to the Great Unknown.

From Here to the Great Unknown được con gái của Lisa là Riley Keough hoàn thành sau khi bà Lisa Marie qua đời ở tuổi 54. Theo USA Today, đây là một tác phẩm hấp dẫn nhưng rất u ám khi những bi kịch nối tiếp nhau được miêu tả chi tiết.

Khoảng một phần ba cuốn sách tập trung vào những năm tháng tuổi thơ của Lisa Marie, cả khi có và không có cha, cũng như kể chi tiết về mối quan hệ căng thẳng của bà với mẹ, và một phần đáng kể dành cho Michael Jackson.

Advertisement
con gai Elvis Presley anh 1

Lisa Marie (trái) cùng con gái Riley Keough. Ảnh: USA Today.

Có những khoảng trống lớn trong dòng thời gian, đáng chú ý nhất là cuộc hôn nhân của bà với Nicolas Cage và Michael Lockwood. Con gái bà là Keough cũng không nói nhiều về khoảng thời gian này, tuy nhiên, chia sẻ nhiều về khoảng thời gian Lisa mắc chứng nghiện opioid và vụ tự tử của Ben Keough. Lisa đã dành nhiều tình yêu cho âm nhạc, nhưng đáng ngạc nhiên là lại có rất ít thông tin về sự nghiệp của bà.

Những tiết lộ về Elvis và thời thơ ấu

Trước khi Elvis qua đời một khoảng thời gian dài, Lisa đã lo lắng rằng ông có thể chết. Bà nhớ lại: “Tôi đã viết một bài thơ với câu: ‘Tôi hy vọng cha tôi không chết’”. Lần cuối cùng bà nhìn thấy Elvis còn sống là khi bà về nhà sau khi chơi bóng. Bố ôm, hôn bà và nói: “Bố yêu con, đi ngủ đi”.

con gai Elvis Presley anh 2

Lisa Marie và cha Elvis Presley. Ảnh: USA Today.

Và vào ngày Elvis xảy ra chuyện, bà tỉnh dậy khi nghe thấy tiếng ồn ào. Sau đó, bà thấy Elvis được đưa đến bệnh viện bằng cáng cứu thương. Lisa Marie, khi đó mới 9 tuổi, vào phòng ngủ, lo lắng và chờ tin tức. Một giờ sau, bà nghe thấy ông nội Vernon than khóc, “Nó đi rồi, đi rồi”.

Lisa chia sẻ trong cuốn hồi ký: “Cuộc sống cũ của tôi hoàn toàn kết thúc. Ông ấy mất và giờ tôi mắc kẹt với bà ấy (Priscilla)… Tôi cũng nhớ khi còn nhỏ, tôi đã tức giận với Elvis vì đã bỏ rơi mẹ tôi và gây ra tất cả nỗi đau này”.

Lisa Marie cáo buộc rằng bạn trai của mẹ mình đã xâm hại tình dục bà trong nhiều năm. Theo chia sẻ của Lisa, khi bà 10 tuổi, bạn trai của Priscilla là Michael Edwards, một người mẫu và diễn viên, đã vào phòng bà vào giữa đêm. Bà viết: “Ông ấy nói rằng sẽ dạy tôi những gì sẽ xảy ra khi tôi lớn lên. Ông ấy đặt tay lên ngực tôi và nói rằng một người đàn ông sẽ chạm vào đây, sau đó ông ấy đặt tay giữa hai chân tôi và nói rằng họ sẽ chạm vào đây”.

Advertisement

Sau khi Lisa Marie tiết lộ sự việc, Priscilla đã rất tức giận và yêu cầu Edwards xin lỗi. Nhưng mọi việc không dừng lại và mối quan hệ giữa Lisa và mẹ mình cũng ngày càng căng thẳng. Sau đó, Priscilla đã đưa Lisa Marie vào Trung tâm giáo dục dành cho người nổi tiếng của giáo phái Scientology.

Cảm xúc với những cuộc hôn nhân

Đau khổ sau khi phải phá thai, Lisa Marie tìm cách mang thai và sinh ra Riley Keough.

“Tôi đã lên kế hoạch, tôi âm mưu và đã lập kế hoạch thực hiện. Tôi xác định chính xác thời điểm tôi rụng trứng và gặp Danny khi ban nhạc của họ chơi nhạc trên một du thuyền. Hai tuần sau, với que thử thai dương tính trên tay, ‘Danny biết anh ta phải cưới tôi. Tôi đã bẫy anh ta’”.

Bà cũng gọi việc phá thai của mình là “điều ngu ngốc nhất mà tôi từng làm trong suốt cuộc đời mình” và cuộc hôn nhân với Danny cũng không kéo dài.

con gai Elvis Presley anh 3

Lisa và ông hoàng nhạc pop Michael Jackson.

Sau đó Lisa đã đến với ông hoàng nhạc pop Michael Jackson. Một tiết lộ lớn Lisa Marie Presley tiết lộ là trước khi đến với bà, Michael Jackson chưa hề có kinh nghiệm thực sự. Michael đã hôn Tatum O’Neal và Brooke Shields một cách trong sáng, và “ông ấy nói rằng Madonna cũng từng muốn qua lại với ông ấy, nhưng không có chuyện gì xảy ra,” Lisa Marie viết.

Advertisement

Lisa Marie nhớ lại thời gian đầu bên nhau tuyệt vời của họ: tuần trăng mật ở Orlando và đến Disney World cách ngày. Bà viết: “Tôi thực sự rất hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ hạnh phúc như vậy nữa. Có một nguồn năng lượng tồn tại giữa chúng tôi. Có điều gì đó rất gây chú ý ở Michael, điều mà tôi chưa bao giờ thấy hoặc cảm thấy trong suốt cuộc đời mình, ngoại trừ với bố tôi. … Tôi đã yêu anh ấy như vậy”.

Đau khổ về sự ra đi của con trai

Năm 2020, Lisa Marie trải qua nỗi đau mất con trai Benjamin Keough. Anh tự tử bằng súng khi mới 27 tuổi. Bà đã giữ thi thể Ben tại nhà và bảo quản bằng đá khô trong nhiều tháng. “Tôi đã quen với việc có con bên mình, chăm sóc thi thể và giữ Ben ở đó”, bà viết.

Lisa Marie và Riley đã quyết định xăm tên Ben lên xương đòn và bàn tay của họ, giống như cách Ben xăm tên hai người thân thiết. Ben là người đã bên cạnh Lisa Marie vào những thời điểm khó khăn.

Lisa Marie mắc chứng nghiện opioid và vào thời điểm nghiêm trọng nhất, sau khi bà sinh đôi vào năm 2008, bà đã dùng 80 viên thuốc mỗi ngày. “Toàn bộ cuộc sống của tôi đã bị phá hủy, cảm giác như mọi chuyện không hay cứ liên tiếp xảy ra, và tôi không thể chịu đựng thêm bất kỳ điều tồi tệ nào nữa”, bà viết.

Riley viết rằng bà thường xuyên đến Graceland để ngủ trên giường của Elvis. Bà “tuyệt vọng khi không tìm được cảm giác được bảo vệ và muốn kết nối với cha mình… Đó là cảm giác đến nhà thờ khi mọi thứ đã mất và nói rằng, ‘Làm ơn, xin Chúa, hãy giúp con’”.

Advertisement

Và khi sức khoẻ của mẹ không tốt, Ben đã thuê một chiếc xe buýt du lịch ở Nashville để đưa Lisa Marie và cặp song sinh đến Los Angeles, nơi có bác sĩ riêng. “Chúng tôi lái xe vì tôi muốn dùng thuốc suốt thời gian đó và không thể dùng nếu tôi ở trên máy bay. Tôi thậm chí không nghĩ mình có thể qua được an ninh sân bay”, bà chia sẻ.

Hai tuần trước khi tự tử, Ben nhắn tin cho Lisa Marie rằng sức khỏe tâm thần của anh đang bị ảnh hưởng. Ben nói: “Con nghĩ có vấn đề gì đó về mặt tinh thần hoặc đại loại thế”.

Riley đã chia sẻ về điều này. Chìm trong rượu và thuốc, Ben đã không nhận ra mức độ trầm cảm của mình cho đến khi quá muộn, Riley viết: “Ben đã không đi trị liệu, thậm chí không một lần nào”. Dù vậy, Lisa Marie vẫn giữ được sự tỉnh táo, mặc dù “tất cả chúng tôi đều biết mẹ tôi rất đau khổ”, Riley cho hay.

Và trong quá trình cai nghiện, Lisa Marie đã trải qua cuộc phẫu thuật cắt dạ dày để giảm cân. Đây là một nguyên nhân phần nào dẫn đến cái chết của bà do biến chứng tắc ruột non.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Advertisement

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://znews.vn/bi-kich-bi-ban-trai-me-xam-hai-tinh-duc-cua-lisa-marie-post1502999.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Xu hướng