Một phần tranh “Zwei sich umarmende Frauen” của Egon Schiele. Ảnh: artmajeur. |
Điển hình của những hành vi tàn nhẫn này là việc đầu mình liên tục nhai đi nhai lại những điều xấu hổ mình đã phạm phải trong quá khứ. Tất cả đều là những sai lầm mình không bao giờ muốn kể ra cho người ngoài, nhưng lại không ngừng dằn vặt bản thân và làm bầm dập sức khỏe tinh thần của chính mình. Tất cả đều là những chuyện không thay đổi được, đều là những sai lầm tuổi trẻ, đều là những hành vi chưa từng gây hại đến ai, nhưng mình nhận thức được đó là những hành vi sai trái và do đó mình không đáng được tha thứ, không đáng được xem là một con người đàng hoàng.
Những ký ức này quay đi quay lại trong đầu mình như những thước phim, khi mình đứng tắm trong nhà tắm, khi mình nấu ăn, khi mình đi bộ bâng quơ và nhìn thấy một đồ vật liên quan đến những ký ức đó. Rất nhiều lần mình phải bấu vào cẳng tay để cắt đứt những dòng suy nghĩ này. Đầu óc mình không bao giờ ngơi nghỉ chỉ trích bản thân.
Đến bây giờ để nhìn lại sức khỏe tinh thần tồi tệ của mình hồi năm hai đại học, mình nghĩ rằng phần lớn nguyên nhân bắt nguồn từ việc không biết mình là ai, cũng không có giá trị sống để định nghĩa bản thân. Hệ quả của nó là việc mình tự tước đoạt lòng trắc ẩn với chính mình và tự tra tấn tinh thần mỗi ngày.
Neff (2003) định nghĩa lòng trắc ẩn cho chính mình là khi bạn đối xử với cá thể đang chật vật trong đời – không ai khác là chính bạn – bằng sự tử tế thay vì sự chỉ trích, bằng cách thấu hiểu thay vì liên tục nhai đi nhai lại những sai lầm cùng khiếm khuyết của bản thân trong đầu và chấp nhận rằng việc phạm lỗi hay vật lộn trong đời là một điều rất con người.
Không giống như lòng tự trọng là một thứ chỉ có thể xây dựng dựa trên những thành tựu hay những điều đẹp đẽ bạn làm, lòng trắc ẩn cho chính mình là loại xúc cảm vô điều kiện, bất kể bạn có thành đạt hay không, tốt đẹp hay không, đó là việc luôn đối xử với chính bạn một cách dịu dàng và tử tế.
Nghiên cứu của Neff (2003) cho thấy những người có lòng tự trắc ẩn cao thường cảm thấy ít lo âu và trầm cảm hơn, đồng thời cảm thấy gắn kết với xã hội và hài lòng với cuộc sống hơn, bất kể lòng tự trọng của họ có cao hay không. Việc ghét bản thân, do đó, nên được định nghĩa là khi bạn tự mình tước đoạt lòng trắc ẩn với bản thân.
Một khái niệm khác cũng gắn liền với lòng trắc ẩn tự thân và sự chán ghét bản thân là nỗi sợ lòng trắc ẩn, bao hàm cả việc từ chối yêu thương bản thân và lòng tốt người khác dành cho chúng ta.
Nghiên cứu của Gilbert và cộng sự (2014) về nỗi sợ này đề cập đến hai lý do khiến chúng ta không muốn dành lòng trắc ẩn cho chính mình. Lý do thứ nhất nằm ở chỗ chúng ta nhìn nhận việc đón nhận lòng tốt là một sự yếu đuối hoặc nuông chiều bản thân. Do đó, để là một người mạnh mẽ, chúng ta vô tình khước từ lòng tốt từ mọi người xung quanh đồng thời không thể tự xây dựng lòng trắc ẩn cho chính mình.
Lý do thứ hai cho rằng nỗi sợ này đã được cắm rễ từ những tổn thương trong tuổi thơ. Cụ thể hơn, nghiên cứu này cho thấy rằng những đứa trẻ bị bạo hành hay thiếu sự quan tâm từ các bậc cha mẹ thường lớn lên với nỗi sợ về lòng tốt và sự gắn kết. Nỗi sợ này thường kích hoạt xu hướng né tránh cảm xúc trong mối quan hệ giữa người với người.
Nghiên cứu của Naismith (2019) cho thấy rằng những đứa trẻ thiếu thốn tình thương của ba mẹ trong tuổi thơ sẽ có lòng trắc ẩn thấp cho bản thân khi trưởng thành. Đồng thời, cảm giác yếu kém và không bao giờ là đủ cũng là hệ quả của việc không nhận được sự công nhận từ cha mẹ.
Nghiên cứu của Gilbert cùng các cộng sự (2014) cho thấy biểu hiện sợ hãi đón nhận lòng trắc ẩn từ người khác có mối quan hệ đồng biến với nỗi sợ yêu thương chính bản thân. Hay nói cách khác, nếu bạn không thể để người khác yêu bạn thì chính là do bạn không thể yêu bản thân mình và ngược lại. Nghiên cứu này cũng chỉ ra những người có xu hướng trầm cảm thường cho rằng việc được yêu rất đau đớn vì họ không cảm thấy mình xứng đáng được yêu.
Sự chán ghét bản thân ở đây bắt nguồn từ suy nghĩ: “Đó là bởi bạn không phải là tôi, nếu bạn biết được những gì đang diễn ra trong đầu tôi, bạn sẽ không thể yêu tôi đâu”.
Cảm giác xấu hổ và việc tin rằng bản thân là một kẻ xấu là vật cản khiến chúng ta không thể yêu thương chính mình và càng không thể cho phép người khác thương yêu chúng ta.
Vào năm 2016, thông qua việc trị liệu tâm lý với những bệnh nhân trầm cảm, Austin đã nghiên cứu về sự chán ghét bản thân và cho rằng đây là biểu hiện của nỗi hổ thẹn hiện sinh. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, việc ghét bản thân là một phần của quá trình sống và tự vấn về sự tồn tại của một người. Đây là cách nỗi hổ thẹn của ai đó tự lên tiếng cho sự tồn tại của nó trong đời họ.
Mình nghĩ rằng, đây là một điều rất con người, rất phức tạp, nhưng cũng rất bình thường. Chúng ta có thể chấp nhận và làm quen với những suy nghĩ phức tạp này để công nhận sự tồn tại của chúng thay vì chối bỏ và lờ đi sự tiêu cực này. Chúng ta bị bán cho lối tư duy mọi thứ trên đời đều phải được vận hành bằng tình yêu và rằng yêu bản thân hoàn toàn là một quá trình đơn sắc màu hồng mà một buổi đi spa hay một ngày quẹt thẻ thả ga mua sắm có thể giải quyết được. Vậy nhưng thực chất, việc ghét bản thân là một phần của quá trình học cách yêu bản thân.
Từ khi bắt đầu công nhận mình có những suy nghĩ căm ghét bản thân, mình đã không còn nhớ rõ những dằn vặt và cảm giác ghê tởm từng trải nghiệm trong nhà tắm, khi đi bộ, khi nấu ăn về những kí ức đáng hổ thẹn thuở nào. Mỗi lần những kí ức đó ùa về, mình bắt đầu nhắc nhở bản thân rằng đây là hành vi ghét bỏ chính mình, chuyện này đã qua rồi, mình tha thứ cho mình của quá khứ, mình tha thứ cho bản thân, mình chọn cách yêu bản thân.
Mình cần phải tha thứ và viết lại bản thân, tự trả lời cho câu hỏi mình là ai, giá trị sống của mình là gì, mục đích sống của mình là gì. Mình biết rằng đây không phải là đích đến.
Trong cuộc sống và trong tương lai, mình sẽ còn phạm phải nhiều sai lầm và làm những điều xấu hổ khiến mình căm ghét bản thân, như mọi người đang sống. Nhưng việc duy nhất mình có thể làm là cố hết mình để nương theo những giá trị sống mình đã tự định nghĩa. Và nếu như mình lại phải căm ghét bản thân, việc công nhận nó và chấp nhận sự xấu xa của chính mình là bước đầu để chuộc lỗi và học cách tha thứ.
You must be logged in to post a comment Login