Các loại gia vị phổ biến hiện nay. Ảnh: Food Business. |
Vào thế kỷ 10-17, các loại gia vị hàng ngày chúng ta sử dụng lại có giá trị không tưởng. Thậm chí, tiêu còn được ví như một vàng đen. Sở hữu càng nhiều muối càng thể hiện rõ sự giàu sang của một điền chủ.
William J.Bernstein (nhà lý thuyết tài chính của Mỹ) từng ví sự khan hiếm của gia vị khiến chúng đắt đỏ không khác gì những chiếc BMW hay đôi giày Gucci thời nay. Gia vị đã thúc đẩy giao thương quốc tế phát triển mạnh mẽ và định hình các đặc trưng vùng miền theo mặt hàng kinh doanh.
Quần đảo gia vị bí ẩn
Với các sinh viên Việt Nam đi du học, điều đầu tiên họ than phiền là phương Tây có quá ít gia vị, hầu như họ chỉ có muối và tiêu. Một số khác là gia vị có sẵn trong tự nhiên cần phải trải qua quá trình sơ chế, tẩm ướp phức tạp. Nếu các sinh viên đó đọc cuốn sách Lịch sử giao thương của William J.Bernstein, họ sẽ hiểu tại sao các gia vị bên đó lại thiếu phong phú đến vậy.
Bernstein đã chỉ ra trong cuốn sách rằng hồ tiêu và quế lần lượt xuất hiện tại Ấn Độ và Sri Lanka, nhục đậu khấu và đinh hương lại đến từ nơi gọi là Quần đảo Gia vị. Điều này cũng được ghi chép lại trong cuốn sách Before European Hegemony của Abu-Lughod. Phải đến thế kỷ thứ 15, vùng đất truyền thuyết mang tên Quần đảo Gia vị mới được biết đến. Chúng nằm trong khu vực biển hiện nay gần với Phillipines và Indonesia.
Nhục đậu khấu còn vỏ, đã bóc vỏ và xay thành bột (theo thứ tự từ trái sang). Ảnh: Finefood. |
Các thương lái rất chú ý đến mặt hàng gia vị, đặc biệt là quế và mace (gia vị được làm từ nhục đậu khấu). “Người La Mã và châu Âu trở nên mê đắm gia vị. Các thầy thuốc dùng chúng để chữa trị mọi bệnh tật, Chaucer làm thơ về khu rừng tưởng tượng có đinh hương xông tủ quần áo, nhục đậu khấu để tạo hương cho bia”, Bernstein viết trong cuốn Lịch sử giao thương.
Vì tính khan hiếm của các gia vị này, một số nhà kinh doanh thường thao túng giá cả thị trường, đẩy giá lên cao nhằm trục lợi. Đây là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc tranh giành con đường thương mại gia vị. Ba con đường chính dẫn tới khu vực mua bán gia vị tại Ấn Độ, Sri Lanka và Quần đảo Gia vị gồm: Qua Biển Đỏ, Qua Vịnh Ba Tư hoặc Con đường Tơ lụa (Đường bộ).
Tất cả khu vực này nằm trong tầm kiểm soát của Italy. Xung đột nổ ra giữa các thế lực tôn giáo nhằm tranh giành các tuyến đường giá trị. Cũng từ đây, những cuộc mua bán nô lệ được thúc đẩy, họ cần thêm người để xây dựng binh lính cho chiến tranh.
Chiến tranh muối
Nếu cuốn sách Lịch sử giao thương nhắc đến các cuộc chiến tranh gia vị trong suốt thế kỷ thứ 10 cho đến 13, tác phẩm Đời muối của Mark Kurlansky lại cho thấy bức tranh gia vị từ thế kỷ 16 và 17. Mối quan hệ giữa các cường quốc châu Âu trở nên căng thẳng để giành lại các hòn đảo ở Caribe phục vụ cho việc trồng mía. Những người Anh, Hà Lan (hai đế chế thương mại cũng được nhắc đến trong Lịch sử giao thương) tìm kiếm đầm lấy muối như quần đảo Cape Verde.
Cuốn sách Đời muối của Mark Kurlansky. Ảnh: Huy Hoàng Bookstore. |
Mark Kurlansky viết: “Đối với Anh, giải pháp cho tình trạng thiếu muối biển là gây chiến tranh hoặc ngoại giao với những nơi có thể sản xuất muối. Bồ Đào Nha có cả muối biển và một đội tàu đánh cá trọng yếu nhưng cần được bảo vệ khỏi người Pháp thường xuyên bắt giữ tàu của họ. Vì vậy Anh và Bồ Đào Nha đã thành lập liên minh tự vệ thương mại để bảo vệ muối biển”.
Loại hàng hóa hàng đầu được vận chuyển đến Bắc Mỹ, có trọng tải lớn hơn cả đường, mật mía hoặc rượu rum, chính là muối. Đây là nguyên liệu chính để người Mỹ tẩm ướp cá tuyết. Chiếm được các vựa muối là gián tiếp chiếm được con đường tiếp cận với thị trường Mỹ. Muối biển có giá trị tới mức trả được thù lao cho cả con tàu và thủy thủ trong vài tháng.
Bước vào thế kỷ thứ 16, người Anh thu thập muối trái phép từ người Tây Ban Nha. Vì ghét bỏ người Hà Lan, hai bên hầu như luôn tránh mặt nhau và đem theo các trang bị vũ khí theo tàu, vừa để tránh hải tặc, vừa chống lại kẻ thù. Con đường đến đảo muối rất nguy hiểm, mọi việc phải thực hiện khẩn trương.
Sau đó, người Mỹ ngày càng xung đột sâu sắc với người Anh. Năm 1775, xung đột vũ trang nổ ra tại Lexington, Concord và đồi Bunker (Mỹ). Các chiến thuật quân sự được đưa ra bởi phía Anh nhắm thẳng vào nguồn cấp muối của quân Mỹ. Bởi đây là mặt hàng trọng yếu trong chuỗi cung ứng thực phẩm của người Mỹ.
Qua đây có thể thấy tầm quan trọng của muối từng đặt lên hàng đầu các cường quốc trong suốt chiều dài lịch sử. Chúng là nguyên nhân dẫn đến các cuộc chiến tranh nhưng phần nào thúc đẩy các sự cam kết hợp tác song phương của các đế chế thương mại.
Nguồn: https://zingnews.vn/khi-cac-gia-vi-hang-ngay-tro-thanh-mot-loai-chien-loi-pham-post1431503.html
You must be logged in to post a comment Login