Achilles thương tiếc cái chết của Patroclus, tranh của Gavin Hamilton. Ảnh: Niday Picture Library. |
Tháng 6 này, người yêu sách khắp nơi trên thế giới được truyền cảm hứng bởi bầu không khí của Tháng Tự hào và tìm đọc các tác phẩm viết về cộng đồng LGBTQ+. Một số đầu sách viết về đề tài này theo các tiêu chí khác nhau, cho bạn đọc đa dạng lựa chọn.
Sách đoạt giải thưởng danh giá – Shuggie Bain
Shuggie Bain – Chiếc linh hồn nhỏ đoạt giải thưởng Booker năm 2020. Nhân vật chính của cuốn sách chỉ là một cậu bé, do vậy, tác phẩm không khai thác sâu vào tình cảm đôi lứa, mà hướng ngòi bút về tình cảm gia đình, mà cụ thể là giữa Shuggie và mẹ. Cậu bé Shuggie Bain là một người queer, nhưng vì tuổi còn nhỏ, cậu bé chưa có nhận thức rõ ràng về xu hướng tính dục của mình. Cậu chỉ mơ hồ cảm thấy mình khác biệt so với những cậu trai khác.
Tác giả Douglas Stuart tiếp cận đề tài này một cách tinh tế, tập trung khai thác vào mâu thuẫn giới, giữa tính nam và tính nữ, giữa mối quan hệ phức tạp giữa người với người. Đó là mối quan hệ giữa Shuggie và mẹ, mối quan hệ giữa Shuggie và các cậu bé cùng trang lứa, mối quan hệ giữa Agnes và những người đàn ông.
Shuggie Bain kể một câu chuyện cảm động và mang tính thời đại, gợi nhiều tranh luận, thuyết phục được cả giới phê bình lẫn độc giả đại chúng.
Nhà văn Douglas Stuart, tác giả Shuggie Bain. Ảnh: Daily Record. |
Sách tình cảm với kết thúc có hậu – Tận đáy cảm xúc
Đây là nguyên tác cho bộ phim chuyển thể nổi tiếng Carol. Tác phẩm kể một chuyện tình nhiều khắc khoải giữa hai người phụ nữ vào những năm 1940. Cuốn sách xuất bản lần đầu vào năm 1952 dưới cái tên The price of salt và bút danh giả – Claire Morgan. Cũng dễ hiểu rằng đây là một thời điểm mà xã hội còn chưa cởi mở với người đồng tính, do vậy, tác giả Patricia Highsmith chọn sử dụng bút danh khác để không bị đóng khung là một “nhà văn đồng tính nữ”.
Bản thảo cuốn sách từng bị từ chối, bị nhìn nhận như thứ có thể kết thúc sự nghiệp của nhà văn
Dấu ấn thời đại này thường ám lên các tác phẩm queer cùng thời khi các nhân vật queer trong sách thường không có kết thúc có hậu. Tận đáy cảm xúc là tác phẩm “hiếm có khó tìm” khi cho cặp nhân vật chính một cái kết tương đối có hậu.
Cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt, được tái bản nhiều lần và bán ra hàng triệu bản. Highsmith đã nhận được nhiều lá thư gửi tới “Claire Morgan” thông qua nhà xuất bản, cảm ơn bà vì đã viết một câu chuyện mà phụ nữ đồng tính có thể đồng cảm.
Hình ảnh trong phim Carol, chuyển thể từ tiểu thuyết Tận đáy cảm xúc. Ảnh: austinchronicle. |
Sách tình cảm với kết thúc buồn – Nhật ký cá sấu
Nhật ký cá sấu “cuốn người đọc vào thế giới nội tâm của một người đồng tính nữ trẻ tuổi quẫy vùng trong những rào cản chống lại căn tính queer của chính mình”. Tác giả Khâu Diệu Tân được coi là nhà văn đồng tính đầu tiên dám tuyên ngôn trên văn đàn Đài Loan: “Tôi là một người con gái yêu con gái”.
Nhật ký cá sấu xuất bản với tên thật của cô “như một cách khiêu chiến xã hội Đài Loan mới dần cởi mở sau hơn ba thập kỷ nằm dưới thiết quân luật và những giá trị cổ điển (bảo thủ)”.
Chuyện tình cảm trong sách là của nhân vật “tôi” và Thủy Linh. Nếu “tôi” mạnh mẽ, cương quyết thì Thủy Linh lại mềm mỏng, dịu dàng. Họ là một cặp với hai cá tính dường như trái ngược. Trong khi nhân vật “tôi” muốn đấu tranh cho tình yêu, đấu tranh để được sống thật với chính mình, Thủy Linh vẫn bị bao trùm bởi mặc cảm, thứ mặc cảm hút cạn tình yêu trong cuộc sống của cô.
Sách về chuyện tình độc hại – Điều thuộc về em
Jonathan McAloon trên tờ The Telegraph đã nhận xét về cuốn tiểu thuyết này như sau: “Một câu chuyện về nỗi ám ảnh tình dục mang tính kinh điển… Một cuốn tiểu thuyết đầu tay đáng kinh ngạc… Điều thuộc về em tự tin đứng cạnh những tác phẩm vĩ đại về nỗi ám ảnh tình dục đầy tai hại như Chết ở Venice của Thomas Mann và Lolita của Vladimir Nabokov… ”.
Điều thuộc về em mở đầu với cuộc gặp gỡ và mua dâm tại nhà vệ sinh công cộng giữa nhân vật chính và Mitko. Khát tình và cô đơn, nhân vật chính gặp lại Mitko nhiều lần nữa, vướng vào mối quan hệ mà dục vọng dẫn lối cho nỗi hổ thẹn, khao khát yêu đương dẫn đến nỗi sợ và những dằn vặt nội tâm.
Tác phẩm của Garth Greenwell cũng khai thác cảm giác lạc lõng của người queer trong một xã hội kém cởi mở. Greenwell từng chia sẻ: “Đây không phải cuốn sách về sự cởi mở hay vẽ ra một tương lai tốt đẹp cho cộng đồng LGBTQ+. Tôi viết về một vấn đề khó nói, nhưng đáng được lên tiếng và nhìn nhận với những giá trị nhân văn”.
Sách Trường ca Achilles của Madeline Miller. Ảnh: WingsBooks. |
Sách kể câu chuyện sử thi – Trường ca Achilles
Dựa trên nền tảng của sử thi Iliad, cuốn tiểu thuyết của Madeline Miller thuật lại câu chuyện tình yêu bi tráng giữa hai người hùng Hy Lạp – Patroclus và Achilles. Họ xuất phát là hai người bạn ấu thơ, dần trở thành chiến hữu trung thành và hơn hết. Trong suốt những năm tháng ấy, hai chàng trai đã phát triển một tình cảm sâu sắc dành cho nhau.
Khi Achilles tham gia hàng ngũ những chiến binh Hy Lạp vây hãm thành Troy nhằm giải cứu nàng Helen, Patroclus ra trận theo người bạn của mình. Cậu cảm thấy bị giằng xé giữa tình yêu và nỗi lo sợ dành cho người bạn của mình. Hai người tiến vào chiến trận, không hay biết rằng các nữ thần Số Phận đã quyết định cho họ một thử thách khủng khiếp.
Trường ca Achilles đã đoạt giải Orange năm 2012 và thường nằm trong top các sách bán chạy của tờ New York Times.
Sách hình sự, gay cấn – Dao cạo
Ike Randolph được cảnh sát thông báo về cái chết của con trai ông – Isiah – cùng người bạn đời của cậu, Derek. Randolph chưa chấp nhận được xu hướng tính dục của con trai mình; trước cái chết của con trai, ông vẫn bàng hoàng, thương xót.
Buddy Lee, bố Derek, cũng đã xấu hổ khi biết con mình là người đồng tính. Khi nghe tin dữ, ông vẫn quyết tâm dấn thân đi tìm cho ra hung thủ đã sát hại con mình.
Ike và Buddy Lee đã cùng bắt tay hợp tác để trả thù cho cái chết của con mình. Trong hành trình ấy, hai người đàn ông này đã phải đối mặt với những mâu thuẫn giữa họ và con trai, với những định kiến họ từng giữ chặt và những định kiến đã đày đọa con trai họ.
Song song với câu chuyện hình sự gay cấn là những bình luận xã hội sắc bén về nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính và tính nam độc hại. Mặc cho cốt chuyện nhạy cảm và dễ gây mích lòng, giới phê bình cho rằng tác giả SA Cosby đã xử lý các vấn đề rất tinh tế, khéo léo, mang lại một trải nghiệm đọc giàu cảm xúc.
Sách khoa học – Thấy giới
Seeing Gender – Thấy giới của Iris Gottlieb cho thấy cách chúng ta hiểu và thể hiện sự phức tạp, đa chiều, đa góc cạnh của giới như thế nào.
Sách Thấy giới của Iris Gottlieb. Ảnh: NXB PNVN. |
Sách trình bày kiến thức từ tổng quát đến chuyên sâu, trình bày những quan điểm hiện đại về giới, giúp góp phần mềm hóa khung nhận thức cứng nhắc về giới.
Tác giả cũng giới thiệu một số thuật ngữ về giới và tính dục phổ biến hiện nay, tầm quan trọng của danh xưng đối với người chuyển giới, cùng những kiến thức khoa học thú vị.
Ngoài ra, tác giả bàn sâu về các chủ đề về xã hội như sự giao thoa, chủ nghĩa thuộc địa, nam tính độc hại, thể thao, bạo lực giới, định kiến văn hóa… và cho thấy các căn tính đang tồn tại song song (chủng tộc, giai cấp, giới, tính dục, sức khỏe tâm thần) quan hệ thế nào đến giới trong xã hội.
Thấy giới là điểm khởi đầu dễ tiếp cận để hiểu về lịch sử và sự đa dạng của việc thể hiện giới.
Nguồn: https://zingnews.vn/goi-y-sach-doc-trong-thang-tu-hao-post1437893.html
You must be logged in to post a comment Login