Trong cuốn Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố, tác giả Phạm Hy Tùng đã công bố 87 bức thư, chủ yếu các bản dịch những bức thư tay bằng tiếng Pháp của hoàng hậu Nam Phương (73 bức) gửi cho cựu hoàng Bảo Đại, trong khoảng thời gian từ ngày 31/8/1946 đến 23/3/1954.
Theo tác giả “đây là những bức thư vợ gửi cho chồng, mẹ gửi cho con, chị gửi cho em đều mang tính riêng tư thầm kín, hoặc do bầy tôi gửi cho vua… Do vậy nội dung của chúng chân xác tuyệt đối. Nó thể hiện tình cảm của bà Nam Phương, mẹ ruột và mẹ nuôi của Vua Bảo Đại, chị ruột bà Nam Phương hay sự tôn kính của cận thần của cựu hoàng là những người gửi thư. Ở chiều ngược lại nó giúp ta nắm bắt những thông tin mà người nhận thư – tức cựu hoàng Bảo Đại – đã đòi hỏi người viết thư cho ông phải phúc đáp”.
Cựu hoàng Bảo Đại năm 1948. Nguồn: manhhai/flickr. |
Tài sản của Bảo Đại
Nam Phương hoàng hậu và vua Bảo Đại kết hôn năm 1934 và có với nhau 5 người con. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, vua thoái vị. Ngày 2/9/1945, ông đã chia tay bà Nam Phương ra làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 3/1946, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh, nhưng khi công việc kết thúc, ông không về nước mà sống lưu vong ở HongKong. Đến năm 1949, Bảo Đại chính thức bắt tay với Pháp trở lại Việt Nam làm Quốc trưởng cho tới khi bị lật đổ năm 1954.
87 bức thư tác giả Phạm Hy Tùng công bố trong cuốn sách đã góp phần soi rọi cuộc đời của Nam Phương và cựu hoàng Bảo Đại (giai đoạn 1945-1954) với rất nhiều thông tin quý giá, chưa từng biết trước đó.
Chẳng hạn trước đây một số sách vở viết về cựu hoàng Bảo Đại nói ông sống thiếu thốn và dựa vào tiền tiết kiệm của tình nhân Lý Lệ Hà khi sống lưu vong ở HongKong, nhưng nội dung của các bức thư lại cho chúng ta cái nhìn hoàn toàn khác.
Các bức thư này cho biết, ngay khi vừa đến HongKong, Bảo Đại đã chủ động liên lạc ngay thân nhân ở Pháp và Việt Nam, với sự giúp đỡ của cựu Thống sứ Le Fol, ông đã hoàn thành các thủ tục hành chính nên Ngân hàng Đông Dương ở Pháp vốn đang giữ số tiền ký gửi rất lớn đã ủy thác cho chi nhánh ở HongKong chi trả cho ông.
Chưa hết, một số bức thưc bà Charles (mẹ nuôi của cựu hoàng) còn tiết lộ ông rất giàu có, sở hữu nhiều tài sản đắt giá và tiền mặt. Thông tin trong các bức thư của Nam Phương gửi Bảo Đại cũng tiết lộ, trong thời gian đầu sang Pháp bà đã được cựu hoàng khi đó đang lưu vong ở HongKong chuyển tiền chi tiêu một số việc.
Các bức thư của Nam Phương cũng khẳng định thêm Bảo Đại (sau khi ông trở lại Việt Nam làm Quốc trưởng) còn sở hữu nhiều bất động sản, du thuyền, máy bay và nhiều tài sản giá trị khác.
Thư tay bà Nam Phương viết ngày 30/11/1950 gửi cựu hoàng Bảo Đại ở Đà Lạt tiết lộ “Có người đang hỏi em, nếu đứng tên cái cơ ngơi R. có phải tốt hơn không và nếu mình bỏ ra 25 triệu để xây dựng lại và trang bị nội thất thì cũng tốt”.
Hay thư tay bà Nam Phương viết ngày 25/1/1952 gửi cựu hoàng Bảo Đại viết: “Em đã tới xem ngôi biệt thự mới và đã hoàn thành mọi việc xếp đặt. Agnès và Monique đi cùng em. Cả hai bà tới đây từ hơn một tháng trước để làm những việc cần thiết. Em tin là mình thích biệt thự này”.
Thư tay bà Nam Phương viết ngày 22/10/1951 gửi cựu hoàng Bảo Đại ở Sài Gòn cho hay: “Nhân viên bưu chính vừa chuyển tới em lá thư của Mình. Vui quá! Em không ngờ rằng Mình lại tậu những hai chiếc máy bay. Mình thật đáng yêu và nghĩ đến việc dành một chiếc cho em. Nhưng nếu dùng máy bay này của Mình để đi Paris thì mỗi cây số em phải trả một khoản tiền bằng chi phí có thể bằng cả một tháng tiêu xài thoải mái ở nơi này, nếu đi bằng xe lửa. Đi máy bay đúng là tiện nghi nhưng em không muốn sử dụng một chiếc nào cho riêng em cả”.
Bà Nam Phương và một bức thư gửi cho cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh: Tư liệu trong sách. |
“Giọt máu” và niềm hy vọng của bà Nam Phương
Một số lá thư của bà Nam Phương và chị gái – bà Agnès còn cho biết cựu hoàng và Nam Phương còn có những tháng ngày hàn gắn sau những tháng ngày trôi dạt, xa cách. Nó rất khác với thông tin của một số cuốn sách viết cựu hoàng chỉ mải mê theo đuổi những bóng hồng khác và bỏ mặc Nam Phương cô đơn trên đất Pháp.
Thậm chí, những lá thư này còn cho biết cựu hoàng và Nam Phương còn có thêm một “giọt máu” và đối với Nam Phương đó là niềm hy vọng lớn sau những ngày “một thân một mình tựa như bị bỏ rơi, tứ phía chất chồng những lo toan”.
Trong thư tay viết ngày 13/12/1950 gửi cựu hoàng Bảo Đại, bà Nam Phương viết: “Và nếu đó là đứa em trai của đàn con của chúng ta thì em muốn nó sẽ là một vì sao nhỏ bé nhưng lại là niềm tin lớn lao trong trái tim của mỗi chúng ta. Và nó sẽ là báu vật bảo lãnh cho tổ ấm của chúng ta, một tổ ấm mới tìm lại được nhịp sống sau những tháng ngày chia ly cay đắng”.
Tuy nhiên, bà Nam Phương đã bị sảy thai và đứa trẻ đã không được chào đời như dự kiến (tháng 6/1951).
Trong thư viết ngày 18/12/1950 gửi cựu hoàng Bảo Đại, bà Agnès viết: “Như bức điện tín tôi đã gửi tới Bệ hạ, Mariette vừa mới trải qua một cuộc giải phẫu khẩn cấp vào sáng chủ nhật vừa qua tại bệnh viện Đa khoa ở Cannes. […] Tôi cũng đã duy trì liên lạc thường xuyên với mọi người ở nhà Thorence và với giáo sư Monchotte ở Paris. Sau khi mổ xong, chính giáo sư cũng gọi dậy nói cho tôi nói là tất cả mọi việc đã được tiến hành rất kịp thời vào lúc bào thai đã chết”.
Sau ca mổ 10 ngày, ngày 27/12/1950, Nam Phương đã viết cho cựu hoàng Bảo Đại thông báo tình hình sức khỏe và cho biết những gì mà bà đã trải qua.
“Em cảm thấy khỏe, mặc dù rất buồn vì nhận được những lời trách móc của Mình nhưng tim em vẫn tràn ngập hy vọng nghĩ đến khả năng một ngày tốt lành nào đó tổ ấm của em không còn trôi dạt nữa. Chưa bao giờ em tự dễ dàng mơ ước như thế. Nhưng hỡi ôi! Tất cả mọi sự đã bị xóa sạch chỉ trong vài giờ đồng hồ, mà cũng chẳng phải vì em thiếu thận trọng một chút nào. […]
Ngày Chủ nhật 17.12, lúc 8 giờ 30 em được chuẩn bị mổ, lúc đầu uống thuốc, 9 giờ tiêm thuốc tê, rất dễ chịu, nhưng người ta không dám dùng tay mà phải dùng một vật mềm để nạo vì bào thai hơn 3 tháng đã chết. […]
Chuyện vừa rồi đã khiến cho đứa con của chúng ta không được chào đời trong niềm vui chung của những đứa con khác vì nó muốn từ bỏ em, có lẽ để tránh cho em khỏi gặp phải những điều tệ hại”.
Tóm lại, những bức thư thư tay công bố trong cuốn sách đã góp phần vào việc soi rọi chân dung cựu hoàng và bà Nam Phương (giai đoạn 1945-1954), giúp chúng ta loại bỏ những nhận định, thêu dệt không hay và có cái nhìn chính xác hơn về vị vua và hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam.
You must be logged in to post a comment Login