Thất tổ là gì?
Thất tổ là bảy đời trên mình. Trong Kinh Lễ, chương Vương Chế, câu 26 có đề cập đến Thất Tổ Miếu như sau: “Thiên tử thất miếu, tam chiêu tam mục, dữ thái tổ chi miếu nhi thất. Chư hầu ngũ miếu, nhị chiêu nhị mục dữ thái tổ chi miếu nhi ngũ. Đại phu tam miếu, nhất chiêu nhất mục dữ thái tổ chi miếu nhi tam. Sĩ nhất miếu, thứ nhân tế ư tẩm”. (Hoàng đế lập bảy miếu, ba hàng chiêu (đời thứ 2, thứ tư, thứ sáu thờ bên trái), ba hàng mục (đời thứ ba, thứ năm, thứ bảy thờ bên phải) và miếu Thái Tổ là bảy. Chư hầu lập năm miếu, hai miếu hàng chiêu (đời thứ 2, thứ tư thờ bên trái), hai miếu hàng mục (đời thứ ba, thứ năm thờ bên phải) và miếu Thái Tổ là năm. Đại phu lập ba miếu, một miếu hàng chiêu (bên trái), một miếu hàng mục (bên phải) và miếu Thái Tổ là ba. Sĩ lập một miếu, thứ dân cúng tế tại mộ).
Như vậy, khi xưa, thứ dân được gọi là tiểu nhân, không có quyền lập miếu thờ nên người ta viết chữ THẤT TỔ lên bài vị, còn gọi là thần chủ khi viết đầy đủ họ tên tổ tiên đã khuất.
Sách Thực hành văn hoá tín ngưỡng Việt Nam. Ảnh: NXB. |
Cửu huyền là gì?
1/ Cách giải thích theo từ ngữ: cửu (số 9 hay nhiều tột cùng), huyền (sâu xa). Cửu huyền là tổ tiên chín đời và chín đời con cháu. Đó là: 1. phụ (cha), 2. tổ (ông nội), 3. tằng tổ (ông cố / cụ), 4. cao tổ (ông sơ / kị), 5. thiên tổ (cha của ông sơ), 6. thiên tổ (ông nội của ông sơ), 7. thái tổ (ông cố của ông sơ), 8. viễn tổ (ông sơ của ông sơ), 9. tỵ tổ (cha của ông sơ của ông sơ).
Hoặc: 1. tử (con), 2. tôn(cháu), 3. tằng tôn (chắt), 4. huyền tôn (chút), 5. lai tôn (con của chút), 6. côn tôn (cháu của chút), 7. nhưng tôn (chắt của chút), 8. vân tôn (chút của chút), 9. nhĩ tôn (con của chút của chút).
2/ Cách giải thích theo cửu tộc trong Tam Tự Kinh: Hán Việt: Cao tằng tổ, phụ nhi thân, Thân nhi tử, tử nhi tôn,
Tự tử tôn, chí nguyên tằng; Nãi cửu tộc, nhân chi luân.
Dịch nghĩa:
(Ông Sơ, Cố, Nội, Cha tới mình
Mình tới con, con tới cháu
Từ con, cháu đến chắt, chít
Là chín dòng nội lập nên quan hệ họ hàng của con người)
Diễn giải đơn giản hơn, mình là 1 đời, 4 đời trên mình và 4 đời dưới mình thành 9 đời.
Vậy, tại sao phải thờ 4 đời con cháu? Bởi vì người xưa tin rằng tổ tiên vẫn hiện diện qua con cháu nối dõi. Vì vậy, khi không có con nối dõi nghĩa là chấm dứt sự hiện diện của tổ tiên nơi dòng họ đó: bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại: Bất hiếu có ba, không chịu lập gia thất để có con nối dõi là tội lớn nhất.
Cửu huyền thất tổ là gì?
Cửu huyền thất tổ là cụm từ thường xuất hiện trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, với ý nghĩa bao gồm các vị ông bà tổ tiên đã mất – không hề có màu sắc mê tín.
You must be logged in to post a comment Login