Mới đây, tác phẩm Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ mới (1865-1932) của nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh đã trở lại với độc giả khi được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.
Được xuất bản lần đầu năm 1975 với tên Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới, đến lần tái bản năm 2002, tác phẩm được Bùi Đức Tịnh bổ sung thêm mảng truyện ngắn để làm phong phú thêm nguồn tư liệu phục vụ độc giả.
Đến nay, công trình này vẫn thể hiện được giá trị của nó ở những nghiên cứu cùng tư liệu gốc mà tác giả dày công sưu tầm, biên soạn.
Sách Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và Thơ mới (1865-1932) qua các lần xuất bản. Ảnh: Đình Ba. |
Từ góc nhìn riêng về báo chí, truyện ngắn
Nói về lý do biên soạn tác phẩm này, tác giả bày tỏ nơi phần “Tựa”, theo đó một trong những lý do chính thôi thúc ông thực hiện là sự thiếu khuyết trầm trọng của lịch sử văn học miền Nam trong suốt giai đoạn chuyển tiếp từ văn học cổ điển sang văn học hiện đại và giai đoạn hình thành của nền quốc văn mới, nghĩa là từ 1865 đến 1932.
Qua Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ mới (1865-1932), lịch sử hình thành và phát triển buổi đầu của các thể loại báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và dòng thơ mới ở Việt Nam được tác giả trình bày cặn kẽ xen lẫn nhưng dẫn chứng, trích dẫn thuyết phục từ tư liệu gốc.
Điều đó giúp độc giả hình dung sự sống động của đời sống văn chương, báo chí nước nhà qua những điểm nhấn phân kỳ, nhận định biện chứng của nhà nghiên cứu.
Đối với báo chí, tác giả cho hay tờ Phan Yên báo do Diệp Văn Cương chủ trương, tồn tại qua 7 số (tháng 12/1898-2/1899) là tờ báo duy nhất do người Việt sáng lập, làm chủ nhiệm tính đến trước 30/12/1898 khi có sắc lệnh báo chí của Toàn quyền Paul Doumer.
Trong khi ấy, với tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, tờ Gia Định báo ra đời ngày 15/4/1865, tác giả có góc nhìn rất riêng khi cho rằng tờ báo này ngoài những tác dụng như phổ biến văn kiện chính thức của chính quyền cho dân chúng, truyền bá chữ quốc ngữ, thì nó còn “được dùng như một phương tiện gián tiếp để khuyến khích công chức tập tành làm báo, viết văn”.
Trong tiến trình ra đời, phát triển của báo chí Việt Nam buổi ban đầu, ngoài những tên tuổi Gia Định báo, Phan Yên báo, Nam Kỳ địa phận, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn… được tác giả điểm tên như những tờ báo tạo nền cho báo chí quốc ngữ, thì những tên tuổi nhà báo gắn liền báo chí buổi đầu cũng được lưu ý.
Gia Định báo số 33, ra ngày 18/9/1890. Ảnh: Thư viện quốc gia Việt Nam. |
Họ là Trương Vĩnh Ký, nhà báo đầu tiên của báo chí Việt Nam, là Trần Chánh Chiếu, Lương Khắc Ninh, Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu… Mỗi người trong số ấy lại có những dấu ấn, đóng góp cụ thể cho báo chí nước nhà.
Với thể loại truyện ngắn hiện nay độc giả quen thuộc, thì khi xưa, được biết đến với tên gọi “đoản thiên tiểu thuyết”. Và việc tìm về những truyện ngắn buổi ban đầu của văn học Nam Bộ cũng là một điều thú vị.
Qua nghiên cứu, so sánh, tác giả thấy rằng các truyện ngắn của văn học Nam Bộ dạo xưa không ít thì nhiều có ảnh hưởng của văn học Pháp, được viết ra với mục đích giúp độc giả “mua vui” và suy ngẫm về thế thái, nhân tình.
Một số truyện ngắn được tác giả đưa vào sách từ các báo thời đó, giúp độc giả ngày nay cảm nhận rõ hơn về thể loại “đoản thiên tiểu thuyết” dạo ấy với những truyện có thông điệp truyền tải rõ ràng, như Ôi! Ái tình (Công luận báo, số 501, ngày 2/5/1922) đả kích lối sống sa đọa, Dưới cội đào (Sách quảng cáo hiệu bánh Nữ công, 1932) thể hiện việc tiếp nhận đổi mới trong tình yêu, hôn nhân…
Những luận giải thú vị về tiểu thuyết, thơ mới
Theo nghiên cứu của tác giả, thời gian 1887-1920 chính là giai đoạn hình thành của tiểu thuyết ở Việt Nam với những tác phẩm ghi tên những nhà báo kiêm nhà văn như Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Trương Duy Toản…
Đối với Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947), trong thời gian làm chủ bút báo Nông cổ mín đàm, ông đã có viết các tiểu thuyết Gái trả thù cha, Tài mệnh tương đố, Nghĩa hiệp kỳ duyên, Lòng người nham hiểm… Trong đó Nghĩa hiệp kỳ duyên là tác phẩm nổi tiếng. Những tác giả khác cũng được điểm tên kèm những tiểu thuyết do họ sáng tác.
Tiểu thuyết Lòng người nham hiểm của Nguyễn Chánh Sắt được in tại Nhà in Nguyễn Văn Của năm 1926. Ảnh: Gallica. |
Nhiều tiểu thuyết đặc sắc, có ý nghĩa khởi đầu cho thể loại tiểu thuyết quốc ngữ được tác giả minh họa, phân tích, trong đó không thể bỏ qua Truyện Thầy Lazaro Phiền, Nghĩa hiệp kỳ duyên, Kim thời dị sử…
Không chỉ khảo về tiểu thuyết, trong phần nghiên cứu về thể loại này, thơ, truyện cũng được đề cập tới với những tác phẩm mang đặc trưng hơi thở văn học Nam Bộ.
Chẳng hạn như thơ gắn với những tác phẩm U tình lục, Việt Trung tiểu lục hoặc Thơ Sáu Trọng, Thơ thầy Thông Chánh… Trong khi đó truyện được dẫn ra với những tác phẩm Phan Yên ngoại sử Tiết phụ gian truân, Giọt máu chung tình… Mỗi tác phẩm có vai trò, vị trí riêng của nó trong nền văn học Nam Bộ thuở ban đầu.
Bước sang địa hạt thơ mới, tác giả cho rằng Phan Khôi là người có công lớn với việc kêu gọi “duy tân”, “cải lương” thơ cũ với bài báo Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ đăng trên Phụ nữ tân văn số 122, ra ngày 10/3/1932, trong đó có đoạn:
“Lâu nay, mỗi khi có hứng, tôi toan dở ra ngâm vịnh, thì cái hồn thơ của tôi như nó lúng túng. Thơ chữ Hán ư? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô cho án trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư? Thì cụ Tiên Điền, bà Huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi làm cho tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại nghe như họ đã nói rồi.
Cái ý nào họ chưa nói, mình muốn nói ra, thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh quanh lẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài thật là dễ tức. Duy tân đi! Cải lương đi!”.
Và những bài thơ mới đầu tiên, theo tác giả, cũng đã xuất hiện trước nhất trên tờ báo Phụ nữ tân văn vào năm 1933. Trong đó có thể kể đến Con nhà thất nghiệp (Hồ Văn Hào, Phụ nữ tân văn số 208, ra ngày 20/7/1933), Nhớ ai (Thiết Mai T.T.C., Phụ nữ tân văn số 216, ra ngày 14/9/1933)…