Trong lịch sử du hành vũ trụ, Apollo 11 là chuyến bay lần đầu đưa con người bước xuống, để lại dấu chân trên Mặt Trăng (ngày 21/7/1969). Hào quang thuộc về Apollo 11, nhưng trước đó, vào năm 1968, Apollo 8 đã minh chứng cho khả năng bay lên Mặt Trăng của con người.
Sách Người hỏa tiễn. Ảnh: Y Nguyên. |
Hành trình của ba phi hành gia thực hiện nhiệm vụ trên tàu Apollo 8 đã được kể trong cuốn Người hỏa tiễn của tác giả Robert Kurson.
1968 được coi là một năm đầy bạo lực, chia rẽ của Mỹ. Trong bối cảnh ấy, Apollo 8 là nước đi liều lĩnh và mạo hiểm. Trước tháng 8/1968, chương trình của Apollo 8 còn chưa được lên kế hoạch. Mọi khâu từ huấn luyện, phân tích, tính toán, vận động chính trị được tức tốc tiến hành trong khoảng thời gian ngắn.
Ba phi hành gia Frank Borman, Jim Lovell, Bill Anders không chỉ có nhiệm vụ bay vào quỹ đạo Trái Đất, vượt qua độ cao 1.373 km từng được xác lập. Họ có mục tiêu vượt gần 400.000 km để tới nơi chưa ai từng đặt chân đến: Họ muốn lên Mặt Trăng, rồi quay về Trái Đất an toàn.
Tên lửa đưa phi hành đoàn vào quỹ đạo là Saturn V – một phương tiện được coi là viên ngọc quý của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) – nhưng nó chưa từng chở người, và mới trải qua hai lần thử nghiệm.
Ngày 21/12/1968, ba phi hành gia ngồi trong tàu vũ trụ, ở trên đỉnh một trong những cỗ máy mạnh nhất từng được chế tạo, chờ được phóng lên không trung. “Khi thời gian đếm ngược bắt đầu, một số kỹ sư, nhà khoa học NASA tự hỏi liệu phi hành đoàn có trở về hay không. Ngay bản thân các phi hành gia cũng hiểu rõ cơ hội sống sót của mình trong chuyến bay đầy mạo hiểm này, độ rủi ro cao hơn bất cứ nỗ lực nào mà NASA từng thực hiện”, tác giả Robert Kurson viết. Thậm chí, một trong số ba phi hành gia đã ghi âm lời từ biệt sau cuối với vợ, phòng khi không thể quay về.
Cuốn sách Người hỏa tiễn kể lại hành trình của Apollo 8 rời khỏi quỹ đạo Trái Đất, đến Mặt Trăng, quay xung quanh Mặt Trăng, trở về an toàn. Những trải nghiệm sống động, những tình huống nguy hiểm được ghi lại trong sách, qua đó làm nổi bật lòng dũng cảm – điều giúp con người dấn bước vào không gian mới.
Bằng nguồn tư liệu phong phú, sách kể với độc giả những khoảnh khắc sinh tử, đôi khi chứa đựng yếu tố may rủi. Những chuyện dở khóc dở cười về hoạt động của phi hành gia ngoài Trái Đất cũng được ghi lại.
Bức ảnh Trái Đất mọc. Ảnh: NASA. |
Trong chuyến du hành có tính bước ngoặt này, phi hành đoàn đã chụp được bức ảnh “Trái Đất mọc”. Bức ảnh chụp Trái Đất từ ngoài không gian được thực hiện vào ngày 24/12/1968, cho thấy dường như Trái Đất đang “mọc” lên từ đường chân trời của Mặt Trăng. Trước thời điểm ấy, chưa ai được chứng kiến hành tinh xanh từ khoảng cách xa như vậy.
Bức ảnh giúp cảm nhận được vẻ đẹp và tính dễ bị tổn thương của hành tinh xanh khi nó đặt trong nền đen sâu thẳm của vũ trụ.