Hướng dẫn chọn nhóm
Chắc chắn, bạn có thể tìm thấy những nhóm thân tình khác ngoài nhóm Mười Hai Bước. Những nhóm như thế có thể được tìm thấy từ trong nhà thờ, giáo đường. Nhiều người đã tìm được cảm giác cởi mở, gần gũi, không hổ thẹn từ các nhóm trị liệu tâm lý hoặc với các nhà trị liệu cá nhân. Sau đây là những điều quan trọng cần lưu ý khi tìm kiếm những nhóm này:
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Elina Fairytale/Pexels. |
- Nhóm phải là một không gian an toàn, không phán xét, không gây hổ thẹn. Khi bạn mạo hiểm mở lòng mình với một nhóm, hãy nhớ rằng bạn có thể chọn rời khỏi nhóm nếu bạn cảm thấy mình bị phơi bày một cách quá mức, hoặc việc tham gia khiến nỗi hổ thẹn trầm trọng hơn.
- Nhóm phải có tinh thần dân chủ, không kiểm soát. Như vậy người tham gia nhóm mới có thể thành thật là chính mình. Mỗi thành viên được phép khác biệt với cá tính riêng mình. Đây là điều mà không một ai sống trong hổ thẹn từng cảm nhận được.
- Người trưởng nhóm cần là tấm gương cho sự hổ thẹn lành mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc người trưởng nhóm sẽ không hành động một cách “bất thẹn”. Hành động bất thẹn là hành động kiểm soát, cầu toàn, cứng nhắc. Người lãnh đạo phải là người “nói đi đôi với làm”. Đây sẽ là người dẫn đường đi trước cả nhóm, có thể chỉ cho những thành viên khác điều gì chờ đợi cả đoàn ở đoạn đường tiếp theo.
- Nhiều người trong chúng ta đã cảm nhận nỗi hổ thẹn từ lúc chưa biết nói, vì khi đó không có ai ôm ấp hay chạm vào ta. Trước khi có ngôn ngữ, cầu nối giữa các cá nhân được xây dựng thông qua sự tiếp xúc, gần gũi cơ thể. Những đứa bé sơ sinh không được chạm vào, không nhận được sự tương tác cơ thể sẽ chết vì một loại đột quỵ gọi là “mirasmus”. Marcel Geber, trong chuyến công tác của Liên Hợp Quốc đến Uganda để nghiên cứu về tình trạng thiếu protein ở trẻ em nước này, phát hiện rằng trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi ở Uganda thuộc nhóm những đứa trẻ phát triển nhất trên thế giới. Có vẻ như đó là vì trẻ sơ sinh ở nước này thường xuyên được mẹ bế bồng. Cơ thể chúng liên tục tiếp xúc với mẹ, chuyển động cùng mẹ.
Hầu hết những người bị trói buộc trong hổ thẹn đều cần một nhóm, nơi cho họ những cái chạm và những cái ôm. Điều này không có nghĩa đơn giản là ai đó nhào đến và ôm chầm lấy bạn. Ranh giới cần được tôn trọng. Nếu việc tiếp xúc cơ thể gây đe dọa về mặt thể chất, bạn có thể từ chối cái ôm mà không cần giải thích. Nhóm sẽ hướng dẫn bạn, hỏi xem bạn có muốn được ôm không, và bạn sẽ được hỏi trước khi có ai đó đến ôm bạn.
Cuối cùng, nhóm phải cho phép người tham gia thể hiện đủ mọi cảm xúc. Đây là khía cạnh quan trọng nhất của quá trình tham gia nhóm. Người ta phải được phép bày tỏ cảm xúc một cách cởi mở và tự do. Hổ thẹn là cảm xúc chủ đạo vì nó trói buộc tất cả những cảm xúc khác. Việc tự do thể hiện cảm xúc tương tự như việc làm tan băng.
Khi ta bị nỗi hổ thẹn trói buộc mọi làn cảm xúc, ta trở nên tê liệt về mặt tâm lý. Ban đầu, việc tiếp xúc với cảm xúc rất khó khăn. Bạn có thể cảm thấy choáng ngợp. Bạn có thể thấy bối rối. Đôi khi chúng ta phải cảm thấy tệ hơn trước khi có thể cảm thấy tốt hơn. Điều quan trọng là ta phải cảm nhận. Cảm xúc tạo nên con người của chúng ta ở bất kỳ thời điểm nào. Khi chúng ta tê liệt với cảm xúc của mình, chúng ta sẽ mất kết nối với chính con người mình.
Hãy đi từng bước chậm rãi khi học cách xác định và thể hiện cảm xúc. Đây là điều mà chúng ta chưa bao giờ được học vì quy tắc “không được nói ra”, và vì trong những gia đình rối loạn chức năng, không có ai làm gương, chỉ cho ta cách thể hiện cảm xúc. Ban đầu, cảm xúc sẽ khiến ta thấy kỳ lạ và đáng sợ. Chúng ta sẽ sợ bị cảm xúc của mình lấn át.
Một số người trong chúng ta sẽ phải nỗ lực không ngừng để cải thiện vấn đề cảm xúc của mình. Ban đầu, chỉ cần có thể cảm nhận được cảm xúc của mình, ta đã có thể giảm bớt sự hổ thẹn. Chia sẻ cảm xúc với người khác là cho phép mình mở lòng với tất cả sự yếu mềm và mong manh. Đó là một phần của quá trình ngoại hiện hóa và thoát khỏi nơi ẩn náu.
Robert Firestone, trong cuốn sách Ràng Buộc Ảo, đã nói rằng chúng ta sẽ không hoạt động toàn vẹn như một con người cho đến khi ta có trải nghiệm về tình bạn và sự sống trong một cộng đồng thực sự. Điều ngược lại sẽ là sống trong một ảo ảnh giả tưởng về sự kết nối.
Tất cả những cơn nghiện và những mối quan hệ mang tính đan kết đến mức đánh mất ranh giới đều là những mối ràng buộc ảo tưởng. Những liên kết ảo tưởng như vậy sẽ khiến người ta thu mình lại hoặc liên tục bị chi phối bởi nhu cầu tự thỏa mãn. Một cuộc sống như vậy là phi nhân tính. Chỉ trong cuộc sống có tiếng nói đối thoại và liên kết cộng đồng, chúng ta mới có thể thực sự sống và trưởng thành.
You must be logged in to post a comment Login