“Ai trong lòng cũng có
Một đứa trẻ tổn thương
Cưu mang từ lúc nhỏ
Theo ta suốt chặng đường
Đứa trẻ hay hờn dỗi
Tâm đòi hỏi rất nhiều
Đứa trẻ luôn mong mỏi
Được thân chủ thương yêu
Đừng cố từ chối nó
Hãy tìm cách dỗ dành
Đừng nhẫn tâm từ bỏ
Đừng khơi mào chiến tranh
Hãy yêu thương chăm sóc
Vì đó là chính ta
Là vết thương giấu cất
Là ký ức chưa nhòa
Hãy lắng nghe thấu hiểu
Soi rọi trái tim mình
Khi chính mình đủ hiểu
Đất trời cũng lung linh”
(Trích Cảm ơn bạn đã không từ bỏ chính mình, Mai Thanh Hạ).
Sách Thiền sư và em bé 5 tuổi. |
Đọc những câu thơ của Mai Thanh Hạ khiến tôi nhớ đến quyển sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh với tựa đề Thiền sư và em bé 5 tuổi.
Dù bạn là ai đi chăng nữa, trong lòng chúng ta đều có một “đứa bé” đang đau khổ. Có người chọn đối mặt với em bé đó, trò chuyện tâm sự cùng em thì cũng có người chọn phớt lờ, cố ý tránh né khi em bé ấy xuất hiện. Cho dù chọn cách nào, em bé vẫn luôn ở đó, để thỉnh thoảng trong lòng chúng ta lại nghe được tiếng nói của em: “Em đang ở đây, anh (chị) không thể tránh em đâu”.
Chúng ta thường muốn giấu em đi như cách trốn chạy những khổ đau trong quá khứ, với hy vọng khi chôn vùi những điều không tốt đẹp đó, cuộc sống phía trước sẽ trở nên tươi đẹp hơn nhưng càng trốn tránh, em bé càng bị chồng chất nỗi đau, và nó cứ kéo dài dai dẳng như một căn bệnh kinh niên chứ vĩnh viễn không có kết thúc.
Quyển sách giúp người đọc nhận ra đứa trẻ trong mình, mời em lên, ôm ấp những đau khổ của em, chấp nhận trị liệu cùng em và chuyển hóa những khổ đau đó để chính bản thân ta và em bé cùng chữa lành cho nhau, để khi nhìn lại quá khứ, ta không thấy khổ đau nữa mà có thể nhoẻn miện cười vì đã vượt qua nó.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đi qua 8 phương pháp trị liệu, từng bước từng bước bóc tách khổ đau từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành. Những chia sẻ của thầy không đặt nặng về lý thuyết mà chủ yếu qua việc thực tập, thực tập quay về với chính mình, nhìn sâu bên trong mình, bạn sẽ thấy đứa bé đang ở đó, đứa bé ngồi co ro, đợi bạn nhận ra để em có thể chia sẻ những nỗi niềm của mình và chấp nhận được trị liệu.
Điều chúng ta cần làm đầu tiên đó chính là chế tác năng lượng chánh niệm để nhận diện và chữa trị cho em bé trong ta. Hãy xem tâm trí chúng ta như một phòng khách, mỗi khi có một cảm xúc xuất hiện (như giận dữ), hãy mời cảm xúc ấy lên phòng khách và mời cả chánh niệm cùng lên theo. Chánh niệm ở đó không đàn áp, cố gắng kiềm chế hạt giống giận dữ mà để nhận diện ôm ấp một cách dịu dàng.
Những nỗi đau khổ, tuyệt vọng, sầu khổ cũng muốn lên phòng khách để ta nhìn thấy chúng nhưng chúng ta lại cố gắng đàn áp nó xuống tầng hầm vì ta nghĩ cảm xúc này sẽ gây ra đau khổ. Tuy nhiên, tất cả những cảm xúc của chúng ta đều cần được lưu thông, đừng cố kìm nén nó dưới tầng hầm, như vậy triệu chứng của bệnh tâm thần và trầm cảm sẽ biểu hiện ra. Hãy mời những cảm xúc ấy lên cùng chúng ta, cùng vỗ về nó, ôm ấp và làm dịu khổ đau.
Hơi thở là phương tiện tuyệt vời đưa chúng ta trở về với thân, tâm và cảm thọ của mình. Chỉ có giây phút thở ta mới tiếp xúc sâu sắc với sự sống, trở về với giây phút hiện tại. Khi đã trở về với thân tâm ý rồi, là lúc ta sẽ chuyển hóa khổ đau qua 3 cách sau:
1. Tập trung gieo trồng và tưới tẩm hạt giống hạnh phúc (cách chuyển hóa gián tiếp).
2. Thực tập chánh niệm liên tục để khi hạt giống khổ đau phát khởi, chúng ta có khả năng nhận diện chúng, tắm gội chúng trong ánh sáng chánh niệm để chúng suy yếu.
3. Xử lý phiền não đã có trong ta từ thời thơ ấu bằng cách mời nó lên trên bề mặt ý thức và đảm bảo ngọn đèn chánh niệm trong ta cháy đều và cháy mạnh để ta không bị cuốn theo những phiền não đó.
Và còn rất rất nhiều bài học chúng ta có thể học được qua quyển sách này…
Thiền sư dẫn dắt người đọc bằng giọng văn nhẹ nhàng, vừa vỗ về, vừa khơi gợi những cảm xúc trong chúng ta một cách rất tinh tế và vừa vặn. Nếu có thể, hãy chọn cho bạn một không gian yên tĩnh, vừa nhâm nhi tách trà thoang thoảng và tận hưởng giọng văn tuyệt vời này. Khi gấp lại quyển sách này, có thể đứa trẻ trong bạn chưa được chữa lành hẳn, có thể khổ đau trong bạn vẫn còn, những khó khăn chưa được xóa bỏ hoàn toàn nhưng ít nhất bạn đã thấy được đứa trẻ trong mình và chấp nhận hành trình chữa lành cùng em…
Bài viết của độc giả Lê Hồ Ngân Tuyền, được gửi từ email “ngan…[email protected]”.
You must be logged in to post a comment Login