Nỗi hổ thẹn độc hại là nguồn gốc của nhiều vân đề tâm lý nghiêm trọng. Nguồn: thrivologyinc. |
Sách Hiểu để chữa lành của John Bradshaw – “cha đẻ của phong trào self-help” – chỉ ra điều mà tác giả cho là nguồn gốc của nhiều vấn đề tâm lý nghiêm trọng: nỗi hổ thẹn độc hại. Đồng thời, sách phân tích rõ các nguyên nhân, biểu hiện và vạch ra một quá trình để hồi phục, chuyển đổi hổ thẹn độc hại thành lành mạnh để có được sự cân bằng trong tinh thần.
Nỗi hổ thẹn độc hại – nguồn gốc của nhiều vấn đề nội tâm phức tạp
Trước khi phân tích làm rõ nỗi hổ thẹn độc hại là gì, tác giả đưa ra định nghĩa về hổ thẹn, chỉ ra nó là một cảm xúc vốn có trong mỗi con người, cần thiết với sự hình thành và phát triển của nhân tính. Từ đó, ông đưa ra cách phân biệt giữa sự hổ thẹn lành mạnh và hổ thẹn độc hại.
Theo tác giả, hổ thẹn là cảm xúc cho phép chúng ta trở thành con người. Sự hổ thẹn cho chúng ta biết giới hạn của chính mình, giữ chúng ta trong ranh giới con người, cho chúng ta biết mình có thể và sẽ mắc sai lầm, và hiểu rằng chúng ta cần giúp đỡ.
Tuy nhiên, một khi nỗi hổ thẹn chuyển thành căn tính, nó sẽ trở nên độc hại. Nỗi hổ thẹn độc hại thì không thể chịu đựng được và luôn cần một vỏ bọc, đó là cái tôi giả dối. Khi một người cảm thấy con người thật của mình là khiếm khuyết và thiếu sót, họ cần một cái tôi giả dối không khiếm khuyết và không thiếu sót.
Tác giả cũng cho rằng nỗi hổ thẹn độc hại là hình thức bạo lực nội tại lớn nhất được biết tới. Nó hủy hoại cuộc sống con người. Nỗi hổ thẹn độc hại là cốt lõi của hầu hết căn bệnh cảm xúc.
Hổ thẹn là nguồn gốc của nhiều vấn đề nội tâm phức tạp và đáng lo ngại, bao gồm: trầm cảm, cô lập, nghi hoặc bản thân, cô đơn xa lánh thế giới, hoang tưởng và phân liệt, chứng rối loạn cưỡng chế, sự phân hóa bản thân, chủ nghĩa hoàn hảo, nỗi tự ti sâu sắc, cảm thấy mình yếu kém hoặc thất bại, những tình trạng như rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn ái kỷ.
Sách Hiểu để chữa lành. Ảnh: ML. |
Nguồn gốc, biểu hiện của nỗi hổ thẹn độc hại
Trong cuốn sách, tác giả truy ra nguồn gốc của nỗi hổ thẹn độc hại trong các hệ thống: gia đình, học đường, tôn giáo, văn hóa.
Tác giả phân tích gia đình là nơi đầu tiên chúng ta tìm hiểu về bản thân, con cái sẽ coi cha mẹ là hình mẫu, nên những bậc cha mẹ mang nỗi hổ thẹn này sẽ truyền nó cho con cái.
Tác giả cũng cho rằng hổ thẹn độc hại có tính đa thế hệ. Nó được truyền từ đời này sang đời khác. Trong các gia đình rối loạn chức năng (dysfunctional families), đứa trẻ sẽ thường xuyên đối mặt với sự hỗn loạn, bị áp đặt hoặc bị bỏ mặc; các thành viên không được bày tỏ các nhu cầu của mình, chỉ khư khư lo cho bản thân, không dám mở lòng, không thể trông cậy vào ai.
Trong hệ thống học đường, tác giả cho rằng nỗi hổ thẹn độc hại đến từ: chủ nghĩa hoàn hảo – một quy tắc không cho phép ta mắc lỗi, không thừa nhận rằng mắc lỗi là điều tự nhiên; chủ nghĩa duy lý – thiên vị giáo dục trí óc hơn cảm xúc hay trí tưởng tượng; nhóm đồng tuổi – những cặp mắt quan sát, đánh giá và trêu chọc về ngoại hình hay sự khác biệt của người khác.
Còn trong hệ thống văn hóa, tác giả lại cho rằng huyền thoại về thành công cũng khiến con người có những niềm tin sai lầm: có tiền có quyền = được người khác yêu mến, không có danh vọng = thất bại và đáng hổ thẹn. Bên cạnh đó, các vai trò giới tính cứng nhắc được lấy làm tiêu chuẩn đo lường sự hoàn hảo, và tất cả những ai lệch khỏi hình dung cứng nhắc đó dễ bị chế giễu và phê phán.
Ngoài ra, huyền thoại về điểm 10 hoàn hảo gây ra những hổ thẹn về tình dục khi người nam hay người nữ không có cơ thể hoàn hảo đáng mơ ước, huyền thoại về trai tốt và gái ngoan bắt buộc con người phải đóng vai và diễn xuất để được công nhận và không bị tẩy chay, sự phủ nhận cảm xúc cũng khiến chúng ta phải che giấu cảm xúc không “tích cực”.
Sau khi truy nguồn gốc, John Bradshaw đi tìm nơi ẩn náu của nỗi hổ thẹn độc hại: những biểu hiện của nó.
Theo ông, khi mang nỗi hổ thẹn này, con người sẽ dựng lên các tầng phòng vệ, phủ nhận sự thương tổn, phụ thuộc vào mối ràng buộc ảo, trở nên tê cứng. Họ rơi vào trạng thái phân ly, giải thể nhân cách. Họ phóng chiếu những thứ bị kìm nén ra bên ngoài vào người khác. Họ bị ức chế, phản ứng ngược với điều họ thực sự cảm thấy, cô lập cảm xúc, chống lại bản thân.
Một số trạng thái bộc lộ ra bên ngoài là sự đố kỵ, ý muốn theo đuổi quyền lực, cơn thịnh nộ, thái độ ngạo mạn, chủ nghĩa phán xét. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, nỗi hổ thẹn độc hại gây ra các chứng nghiện ngập (nghiện các chất kích thích, nghiện cảm xúc…), rối loạn (rối loạn ăn uống…) và có thể dẫn đến các hành vi phạm tội.
Cách thoát khỏi nỗi hổ thẹn độc hại
Sau khi phân tích cặn kẽ nguồn gốc, biểu hiện và tác hại của nỗi hổ thẹn độc hại, Bradshaw dẫn dắt bạn đọc vào hành trình để hồi phục và khai mở.
Theo tác giả do nỗi hổ thẹn độc hại đưa con người vào trạng thái cô đơn tột độ, nên để được chữa lành, chúng ta phải thoát khỏi sự cô lập.
Nỗi hổ thẹn độc hại cũng che đậy những bí mật sâu kín nhất của chúng ta về bản thân; nó thể hiện niềm tin ta có, rằng về cơ bản, mình là khiếm khuyết. Chúng ta thấy thật khủng khiếp, không dám tự nhìn vào chính mình, vậy nên việc chia sẻ với người khác dường như là không tưởng.
Do vậy, theo tác giả cách tốt nhất để làm được điều này là tìm cho mình một mạng lưới xã hội gần gũi sâu sắc và không làm ta hổ thẹn. Vì nỗi hổ thẹn độc hại đến từ các mối quan hệ cá nhân, công cuộc chữa lành cũng cần đến những mối quan hệ cá nhân.
Yêu thương và được yêu thương là nhu cầu cơ bản của con người, chỉ khi nhu cầu cơ bản này được lấp đầy, ta mới có thể là con người toàn vẹn. Ta phải từ bỏ cái tôi giả dối và tìm thấy con người thật đang bị giấu trong bóng tối nội tâm.
Trong cuốn sách, Bradshaw cũng giới thiệu một chương trình 12 bước để chuyển đổi hổ thẹn độc hại thành hổ thẹn lành mạnh. 12 bước này sẽ dần dà giúp bạn chấp nhận thực tế, thừa nhận hạn chế của mình, chịu trách nhiệm và sửa chữa những khiếm khuyết cá nhân, khắc phục mối quan hệ với người khác.
Đây là phương pháp giúp bạn từng chút một chữa lành mối quan hệ với nguồn sống, với chính mình, với người khác, rồi tiếp tục duy trì trong tương lai…
You must be logged in to post a comment Login