Trong tọa đàm giới thiệu sách Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó, TS Nguyễn Đức Nhật, ThS. BS Đào Thị Thu Hương, ThS Nguyễn Tú Anh đã dựa trên những tình huống trong sách để mở rộng, bàn luận về những ca sang chấn ở trẻ em vốn rất phổ quát trong đời sống.
Từ trái qua: TS Nguyễn Đức Nhật, ThS. BS Đào Thị Thu Hương, ThS Nguyễn Tú Anh tại buổi chia sẻ. |
Bác sĩ tâm thần nhi, TS Bruce D. Perry đã nghiên cứu cũng như điều trị cho vô số trẻ em từng trải qua sang chấn – từ bị ngược đãi, bạo lực, lạm dụng nghiêm trọng, cho đến bị bỏ bê hoặc chứng kiến tội ác kinh hoàng. Từ đây, TS Perry và nhà báo Maia Szalavitz chọn lọc những ca bệnh điển hình trong quá trình làm việc và nghiên cứu, sắp xếp theo trình tự thời gian, cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển của lĩnh vực tâm thần nhi.
Theo đó, hai tác giả không chỉ lật đổ quan niệm sai lầm về khả năng tự phục hồi ở trẻ em mà còn cho thấy vô tâm, nghèo đói, bạo lực, lạm dụng tình dục… có thể hủy hoại những nhân cách còn non trẻ và những bộ não đang trong quá trình phát triển ra sao.
Bỏ bê trẻ có thể dẫn đến sang chấn
Một trường hợp điển hình được nhắc đến trong cuốn sách là ca bệnh nhi nổi tiếng: cậu bé Justin được nuôi như một con chó (tựa đề tiếng Việt đã dịch thoáng hơn). Mẹ Justin sinh em khi mới 15 tuổi, sau đó bỏ em lại cho bà ngoại chăm sóc. Người bà này mất khi Justin chưa đầy một tuổi và bạn trai bà là Arthur tiếp quản công việc nuôi nấng em.
Justin được chẩn đoán mắc bệnh não tĩnh mạch khi mới hai tuổi, tức là em bị tổn thương não nghiêm trọng chưa rõ nguyên nhân, có lẽ sẽ không thể phục hồi. Các bác sĩ không biết đứa trẻ phải chịu đựng thiếu thốn gì. Chỉ đến khi hỏi về cách ông Arthur chăm sóc Justin, mọi chuyện mới sáng rõ: Dù không ác ý có những hành động như bỏ đói, bạo lực, song qua tìm hiểu, song ông đã nuôi Justin cùng với bầy chó của mình, như một con chó – cho em đầy đủ thức ăn và thay tã nhưng không có sự giao tiếp, an ủi, vỗ về, chia sẻ tình cảm.
TS Perry cũng nhận định rằng phần lớn trẻ em không phải chịu đựng những chuyện kinh khủng như nhiều bệnh nhi của ông phải nếm trải, nhưng hiếm đứa trẻ nào hoàn toàn chưa gặp phải sang chấn.
Từ kinh nghiệm thăm khám, tư vấn, điều trị cho các bệnh nhân của mình, bác sĩ nội trú chuyên khoa Tâm thần nhi Đào Thị Thu Hương và nhà tâm lý trong lĩnh vực Trẻ em và Làm cha mẹ Nguyễn Tú Anh cũng gặp rất nhiều trường hợp trẻ có biểu hiện lạ mà nguyên do là cách chăm sóc, giao tiếp của cha mẹ.
Tú Anh viện dẫn một ca tư vấn cô từng gặp, người mẹ giao phó đứa con lại cho bảo mẫu đến khi phát hiện con có những biểu hiện lạ, không tiếp nhận dù vẫn đòi hỏi tình yêu thương từ mẹ.
“Xúc chạm, ôm ấp rất quan trọng với quá trình lớn lên và phát triển của trẻ nhỏ”, nhà tham vấn, giám sát lâm sàng Nguyễn Đức Nhật nhận định. BS Thu Hương cũng nói: “Chỉ thức ăn dinh dưỡng là không đủ, mà đứa trẻ cần có giao tiếp ánh mắt, giao tiếp qua cử chỉ, lời nói yêu thương”.
Ảnh hưởng của môi trường lên đứa trẻ
BS Thu Hương cho biết khi tiếp nhận những trường hợp trẻ được chẩn đoán là gặp vấn đề, đầu tiên bác sĩ cần phân loại xem trẻ có bị rối loạn phát triển (bẩm sinh), hay trẻ sinh ra hoàn toàn bình thường thì bác sĩ điều trị cần tìm hiểu nguyên nhân.
Đôi khi, ca bệnh cần được “bóc tách như bóc một củ hành” – theo lời nhà thực hành tâm lý Tú Anh, cốt lõi vấn đề không chỉ dừng lại ở cách chăm sóc đứa trẻ, mà cả hoàn cảnh tâm lý của người chăm sóc. Cô từng gặp trường hợp người con trai 10 năm bị bố bạo hành, mẹ thì không có hành động bảo vệ phù hợp. Qua tìm hiểu, chính người bố cũng có tuổi thơ bất hạnh dẫn đến nghiện rượu.
Một trường hợp khác được nhắc đến trong cuốn sách là đứa trẻ 4 tuổi nhưng chỉ nặng chưa bằng một nửa cân nặng trung bình của trẻ em cùng tuổi (10-15 kg). Em không hề bị bỏ mặc nhưng ăn mà không lớn.
Sách Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó. Ảnh: H.Q. |
Sau rốt, bác sĩ phát hiện ra rằng mẹ của đứa trẻ không biết cách chăm sóc con, vì bản thân người mẹ này từng có một tuổi thơ bất hạnh phải liên tục luân chuyển qua nhiều gia đình mái ấm, không thực sự biết đến tình yêu thương và sự quan tâm đúng mực. Do đó cô chỉ biết chăm con ở bình diện căn bản (ăn uống, vệ sinh).
Từ đây, có thể thấy rằng môi trường xã hội xung quanh, bao gồm hoàn cảnh của người chăm sóc có thể ảnh hưởng đến điều kiện chăm sóc mà đứa trẻ được thụ hưởng.
Tú Anh nói: “Cha mẹ có thể không hoàn hảo, nhưng cần đủ tốt để con trẻ cảm nhận được tình yêu thương”. Điều này có nghĩa phụ huynh phải nhận biết được những tổn thương tâm lý, vấn đề của chính mình, điều chỉnh hành vi, có phản ứng phù hợp để tránh ảnh hưởng xấu đến trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cần trang bị cho bản thân những kiến thức căn bản về nuôi dạy trẻ nhỏ, đồng thời giáo dục trẻ từ sớm để trẻ xây dựng khả năng bảo vệ bản thân trước những biến cố từ bên ngoài như bạo lực, xâm hại, v.v.
Tất cả các sự kiện gây sang chấn đều tạo ra những tác động phức tạp, khó lường và kéo dài đối với các trẻ nhỏ. Những gì các em không biểu đạt, chia sẻ được bằng lời sẽ được biểu lộ qua các phản ứng bản năng mang tính cực đoan, không phù hợp độ tuổi – thường khiến người lớn nhầm tưởng các em mắc các khiếm khuyết bẩm sinh về thể chất hoặc các chứng rối loạn tâm lý như ADHD, ADD…
Khi gặp phải những vấn đề kể trên, trẻ nhỏ cần được đưa đến thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong “giai đoạn vàng” của quá trình phát triển: 3-6 năm đầu đời.
You must be logged in to post a comment Login