Sang chấn thời thơ ấu có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ. |
Trong giai đoạn đầu của lĩnh vực tâm thần học trẻ em, người ta vẫn cho rằng trẻ em có khả năng tự phục hồi sau các sự kiện gây sang chấn. Thế nhưng, sau nhiều năm nghiên cứu, cũng như điều trị cho rất nhiều trẻ em từng trải qua sang chấn – từ việc bị ngược đãi, bạo lực, lạm dụng nghiêm trọng…, tiến sĩ, bác sĩ tâm thần nhi, Bruce D. Perry đã nhận ra rằng, trẻ em không hề “tự phục hồi” như người ta vẫn nghĩ.
Ảnh hưởng của sang chấn lên trẻ
Cuốn sách Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó do tiến sĩ Perry và nhà báo Maia Szalavitz thực hiện đã chọn lọc những ca điển hình trong quá trình làm việc của bác sĩ Perry, mỗi ca sẽ mổ xẻ một vấn đề về tác động của sang chấn lên trẻ. Những câu cuyện trong sách được sắp xếp theo trình tự thời gian, cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển của ngành sang chấn học và lĩnh vực tâm thần nhi.
Trong sách, các tác giả cũng giải quyết ba vấn đề: Sang chấn ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách và hành vi của trẻ em như thế nào? Làm thế nào để giúp trẻ em đối phó tốt hơn với sang chấn? Và làm thế nào để ngăn ngừa trẻ em khỏi những sự kiện bi thảm?
Trong quá trình hành nghề, Perry nhận ra rằng tuy phần lớn trẻ em không phải chịu đựng những chuyện kinh khủng như nhiều bệnh nhi của ông phải nếm trải, tuy nhiên, hiếm có đứa trẻ nào hoàn toàn chưa gặp phải sang chấn.
Theo ước tính, khoảng 40% trẻ em Mỹ sẽ gặp ít nhất một trải nghiệm có khả năng gây sang chấn trước khi bước vào tuổi 18, bao gồm việc mất mát người thân, bị bỏ bê, bị xâm hại tình dục, đối mặt với thiên tai hay một tai nạn nghiêm trọng, sống trong bạo lực gia đình hay các tội ác bạo lực khác…
Khi gặp phải sang chấn, trẻ em sẽ phải chịu những tác động phức tạp, khó lường, và kéo dài, thậm chí nghiêm trọng có khi là cả đời. Những gì các em không biểu đạt, chia sẻ được bằng lời sẽ được biểu lộ qua các phản ứng bản năng mang tính cực đoan, không phù hợp độ tuổi – thường khiến người lớn nhầm tưởng các em mắc các khiếm khuyết bẩm sinh về thể chất hoặc các chứng rối loạn tâm lý như ADHD, ADD.
Theo bác sĩ Perry, để hiểu về sang chấn thời thơ ấu và tác động lâu dài của nó, trước tiên chúng ta cần hiểu bộ não phát triển như thế nào. Não phát triển theo trình tự, bắt đầu với các vùng đơn giản nhất, sau đó phát triển phức tạp hơn theo tuổi tác. Thân não phát triển đầu tiên, tiếp theo là não trung gian, hệ viền và cuối cùng là vỏ não. Bất kỳ vùng não nào đang phát triển hoặc chưa phát triển trong giai đoạn xảy ra sự kiện sang chấn đều sẽ có những khiếm khuyết nhất định về sau.
Não của trẻ bị chấn thương có thể được định hình lại bằng những trải nghiệm lặp đi lặp lại, có khuôn mẫu trong một môi trường an toàn. Khi các khuôn mẫu hoạt động thần kinh được lặp đi lặp lại, xảy ra đồng thời hoặc cùng diễn ra, một mối liên hệ sẽ được hình thành giữa các khuôn mẫu này.
Sách Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó. Ảnh: H.Q. |
Tình yêu thương con người, liệu pháp hiệu quả nhất
Trong một số chương trình liên quan đến tâm lý tuổi mới lớn, khi được hỏi các em cần điều gì ở cha mẹ, phần lớn câu trả lời chính là thời gian. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng điều kiện tài chính là quan trọng nhất để nuôi dạy con trẻ mà quên đi việc dành thời gian bên con.
Thế nhưng, chính sự quan tâm và tình yêu thương mới là liều thuốc tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với trẻ em gặp sang chấn.
Trường hợp của Justin là một ví dụ. Tuy bị bỏ mặc suốt nhiều năm, sống trong chuồng chó, nhưng nhờ có những xúc chạm ấm áp từ những chú chó nên cậu bé vẫn có những kết nối tích cực.
Justin sau đó được bác sĩ Perry chữa trị bằng mô hình trị liệu thần kinh tuần tự – một phương pháp trị liệu chú trọng tìm hiểu lịch sử của bệnh nhân, xác định những thiếu hụt và tổn thương mà bộ não phải chịu trong quá trình phát triển, từ đó có sự bù đắp và chữa trị thích hợp đã được áp dụng. Cậu bé đã dần hồi phục và xuất viện.
Khoảng hai năm sau khi Justin được xuất viện, phòng khám của Perry nhận được một lá thư gửi đến từ một thị trấn nhỏ – một cập nhật ngắn gọn về Justin mà gia đình nhận nuôi tạm thời chuyển đến. Cậu bé vẫn tiếp tục tiến triển tốt, nhanh chóng đạt được các cột mốc phát triển mà trước đó không ai dám mong đợi.
Cũng theo bác sĩ Perry, nếu càng có nhiều mối quan hệ lành mạnh thì một đứa trẻ càng có nhiều khả năng hồi phục sau sang chấn và phát triển mạnh mẽ. Các mối quan hệ chính là tác nhân của sự thay đổi và liệu pháp hiệu quả nhất chính là tình yêu thương của con người.
“Không hề có phương pháp chữa lành ngắn hạn thần kỳ nào cả, mà chỉ có sự chăm sóc một cách kiên nhẫn, yêu thương và nhất quán mới mang lại hiệu quả. Điều này đúng với một đứa trẻ ba, bốn tuổi và cũng đúng với một thiếu niên”, bác sĩ Perry nhấn mạnh.
Là tập hợp những ghi chép của một tiến sĩ, bác sĩ tâm thần nhi nhưng Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó không hề khô khan, mà đầy trắc ẩn và tình thương, nhờ sự cân bằng hài hòa giữa kể chuyện và truyền đạt thông tin.
Qua cuốn sách, chúng ta thấy rõ hơn những vết hằn mà trải nghiệm gây sang chấn để lại, những ảnh hưởng của các sang chấn đến nhân cách cũng như khả năng phát triển cảm xúc và thể chất của trẻ. Từ đó, chúng ta sẽ biết rõ hơn những gì mà trẻ em cần ở ta – các bậc cha mẹ, người giám hộ, bác sĩ của các em hay những người làm chính sách – để các em có thể có một cuộc đời trọn vẹn và phát triển lành mạnh.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login