“Với bất kỳ dòng sách nào, yêu cầu về sự chỉn chu của bản thảo cũng quan trọng. Tuy nhiên, nếu biên tập viên dòng sách phi hư cấu quan tâm tới cách tổ chức, sắp xếp nội dung, kiểm chứng thông tin; thì dòng sách văn học yêu cầu người biên tập phải chú ý tới nhiều yếu tố khác nữa”, chị Trần Lê Thùy Linh – biên tập viên mảng văn học dịch tiếng Anh, Công ty sách Nhã Nam – trải lòng về công việc của mình.
Chị Trần Lê Thùy Linh – biên tập viên mảng văn học dịch tiếng Anh, Công ty sách Nhã Nam. Ảnh: NVCC. |
Tiêu chí chọn bản thảo
Với 14 năm trong nghề, thay vì làm việc trực tiếp với các tác giả và bản thảo gốc, biên tập viên Thùy Linh gắn bó chủ yếu với bản dịch và dịch giả.
Xét về mặt kỹ thuật, biên tập viên sách văn học ngoài đảm bảo sự chỉn chu, chuẩn mực cho bản thảo, phải đủ nhạy cảm để tôn trọng phong cách sáng tạo, đôi khi là sự phá cách của tác giả cả về ý tưởng lẫn văn phong. Chẳng hạn như dụng ý văn chương khi tác giả viết thường các chữ mà theo quy định chính tả phải viết hoa, hoặc cố ý ngắt dòng giữa trang…
“Độc giả của dòng sách phi hư cấu thường đọc để lấy thông tin, kiến thức. Nhưng bạn đọc của mảng sách văn học còn muốn được thưởng thức. Đó cũng là đặc thù của dòng sách này”, chị Thùy Linh nói.
Theo biên tập viên Công ty sách Nhã Nam, người làm công việc biên tập phải đứng ở giữa, dung hòa các yêu cầu từ nhiều phía (nhà xuất bản, tác giả, dịch giả, độc giả), đặc biệt là đối với các tác phẩm có nhiều phá cách mới mẻ, lạ lẫm trong một thời điểm nào đó.
Do mang những đặc thù riêng, việc khai thác bản thảo văn học cũng cần có tiêu chí nhất định. Với chị Thùy Linh, nếu là câu chuyện, trước hết nó phải thuyết phục, logic, có cái kết bất ngờ (hoặc ít nhất là hợp lý) và cách viết hấp dẫn.
“Còn với các tác phẩm có hàm lượng văn chương cao hơn, không đề cao yếu tố câu chuyện, thì nó phải mang sự độc đáo. Đôi khi chúng tôi phải lựa chọn bản thảo dựa trên trực giác mà không có tiêu chuẩn cụ thể nào”, biên tập viên Thùy Linh cho hay.
Mỗi đơn vị xuất bản đều có định hướng riêng khi lựa chọn bản thảo. Sở hữu thế mạnh về tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn đương đại, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam nhận được nhiều bản thảo gửi về trong một tháng.
“Có tháng, chúng tôi nhận được hơn 20 bản thảo. Công việc của biên tập viên là phân loại theo đề tài, đọc và phản hồi lại với tác giả. Đối với đơn vị chúng tôi, những bản thảo thóa mạ hình tượng phụ nữ, mang tính cá nhân, đề cao cái tôi quá mức sẽ không được chấp nhận. Văn chương cần tìm được sự đồng cảm từ số đông”, chị Nguyễn Thu Giang – biên tập viên mảng sách văn học trong nước, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam – cho biết.
Khi đọc bản thảo văn chương, theo chị Thu Giang, người biên tập còn phải lưu ý cả về mặt tư tưởng, chính trị, văn hóa, để đảm bảo tác phẩm không chứa chi tiết nhạy cảm.
Một số cuốn sách văn học do chị Nguyễn Thu Giang (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam) biên tập. Ảnh: Thu Giang. |
Công việc thầm lặng
Công việc biên tập sách văn học liên quan nhiều đến cảm hứng sáng tác của các nhà văn. Nó mang tính chất tự do, không khuôn phép như những dòng sách về khoa học, kỹ năng. Khi làm việc với các nhà văn, nhà thơ, khó khăn đối với chị Thu Giang là thuyết phục tác giả chỉnh sửa “đứa con tinh thần” của họ.
“Văn mình – vợ người” là câu nói khá chính xác khi nhận xét về một tác phẩm văn chương. Sẽ rất khó để thuyết phục nhà văn, nhà thơ chỉnh sửa những ý mà đôi khi họ cho là hay nhất và có dụng ý nghệ thuật.
Làm “bà đỡ” cho những tác phẩm văn chương như Phật trong hẻm nhỏ (Huỳnh Trọng Khang), Người khách kỳ dị (Ma Văn Kháng), Người bán linh hồn (Trần Thùy Mai)… chị Thu Giang cho rằng bản thân mình chỉ là người đứng ở hậu trường, nhưng luôn “đồng cam, cộng khổ” với tác giả trước sự đón nhận của bạn đọc.
“Trong quá trình trao đổi với tác giả, tôi học hỏi được nhiều điều hơn về cuộc đời, con người và trải nghiệm của những nhân vật khác nhau. Văn chương luôn có sự đa dạng trong cách viết, nên khi tiếp cận các bản thảo khác nhau, tôi thấy thú vị vì cùng viết về một đề tài nhưng mỗi người sẽ có cách khai thác riêng”, biên tập viên Thu Giang chia sẻ.
Bẫy 22, Cô gái trên tàu,Chân dung của Dorian Gray… là các tác phẩm do chị Thùy Linh (Nhã Nam) làm “bà đỡ”. Ảnh: Thùy Linh. |
Trong khi đó, niềm vui với biên tập viên Thùy Linh (Nhã Nam) khi làm nghề trước hết là được đọc nhiều câu chuyện và đóng góp cho sự ra đời của một sản phẩm mang tính sáng tạo, từ khi nó còn ở dạng bản thảo thô đến khi trở thành cuốn sách hoàn chỉnh, đẹp đẽ trong các hiệu sách.
“Tất cả khó khăn sẽ được bù đắp bằng sự đón nhận từ độc giả và nếu may mắn thì của cả giới phê bình. Dòng sách văn học dịch thường không bán được số lượng lớn, nhưng được tham dự một phần nào đó vào thế giới hư cấu đã là một điều rất thú vị”, chị Thùy Linh bày tỏ.
Từng biên tập nhiều dòng sách khác nhau, trong đó có mảng văn học, chị Đàm Thị Ly – Phó trưởng Ban biên tập, Nhà xuất bản Hà Nội – luôn tự hỏi bản thân: Bản thảo văn chương này khi được xuất bản thành sách sẽ mang giá trị gì tới bạn đọc?
Theo chị Ly, giá trị, thông điệp của bản thảo là yếu tố tiên quyết trong khâu lựa chọn để biên tập. Cách khai thác đề tài tùy thuộc hướng tiếp cận và văn phong của mỗi nhà văn. Đề tài đó không cần quá mới mẻ, chỉ cần có cách viết mới mẻ, lôi cuốn, thì sẽ trở thành tác phẩm hay.
“Dù ở thể loại truyện ngắn hay tiểu thuyết, tác phẩm đó cũng phải truyền tải được giá trị nhân văn tốt đẹp đến độc giả. Khi khép cuốn sách, những gì đọng lại trong lòng độc giả sẽ là điều quyết định tác phẩm đó có thành công hay không”, chị Ly nói thêm.