Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa cho ra mắt cuốn sách Tiếng vọng triền sông của nhà báo Lê Mậu Lâm, một trong những tác phẩm tâm đắc của anh trong sự nghiệp viết văn và làm báo.
Trong 5 cuốn sách về văn học và chính luận của Lê Mậu Lâm đã xuất bản, đây là tác phẩm thứ ba về văn học ghi lại những vùng đất, con người, sự kiện, câu chuyện lịch sử… những nơi anh đã đi qua, trải nghiệm hợp thành một cung bậc cảm xúc “dữ dội và dịu êm” đầy sâu lắng, gửi tới bạn đọc.
Tôi và Lê Mậu Lâm vốn là đồng đội, đồng môn rồi là bạn vong niên. Sinh năm 1963, trong một gia đình trí thức tại Hà Nội, nhà báo Lê Mậu Lâm được thừa hưởng vốn kiến thức sâu rộng và sự tài hoa của bố, cùng sự nho nhã lịch thiệp của mẹ. Tuy nhiên, anh lại quyết định chuyển sang con đường binh nghiệp và trở thành một trong những sĩ quan trẻ trong Quân đội. 21 tuổi, đảng viên với quân hàm trung úy anh trở thành sĩ quan tham mưu tại Binh chủng Pháo binh, rồi sĩ quan Bộ tham mưu – Quân đoàn 2.
Sách “Tiếng vọng triền sông”. |
Nghề viết đến với anh như một cơ duyên, với tấm lòng tâm huyết với đơn vị, đồng đội, cuộc sống quân trường. Những bài viết mang dấu ấn và phong cách riêng của một nhà báo tay ngang đậm chất lính: hào hoa, phóng khoáng, tinh nhuệ nhưng đầy duy cảm và duy mỹ. Nghề cầm bút đã chọn Lê Mậu Lâm.
Chúng tôi sống bên nhau khi cùng về học Báo Chí quân đội do Tổng cục Chính trị tổ chức (khóa III năm 1987-1988). Lúc đó, Lê Mậu Lâm từ Quân đoàn 2 về học. Quả là với lối đào tạo truyền nghề, những người thầy của chúng tôi lúc đó như nhà báo Quang Đạm, Hữu Thọ, Phan Quang, Trần Công Mân, Chi Niên, Phạm Phú Bằng… tạo cho chúng tôi không chỉ học được kiến thức mà lớn hơn là đức hy sinh với nghề. Các thầy truyền cho chúng chúng tôi sự dấn thân với nghề. Chúng tôi lại “rút ruột” trao nhau những bài học, trải nghiệm và cả sự khắc khoải trong từng trang viết.
Sau này, các khóa học đào tạo báo chí như vậy được Tổng cục Chính trị đánh giá cao, đã góp phần tạo nên lực lượng những cây viết giàu tâm huyết, giàu năng lực uy tín trong làng báo, làng văn. Năm 1990, sau một thời gian tốt nghiệp Báo chí Quân đội (Khóa III) anh được điều động về công tác tại Báo Quân đội Nhân dân. Tại đây, anh được thỏa sức đam mê với nghề. Dấu chân trải dài trên nhiều vùng đất từ Bắc tới Nam, biên giới tới hải đảo. Nhà báo Lê Mậu Lâm liên tục thăng hoa trong rất nhiều bài báo, truyện ngắn, thơ… Trong đó, không ít tác phẩm tạo tiếng vang trong giới cầm bút trong và ngoài quân đội.
Năm 2005 anh về công tác tại Báo Nhân Dân. Là một nhà báo có tư duy sắc bén, Lê Mậu Lâm lại tiếp tục thử sức mình ở những mảng đề tài khó và mới hơn, đề tài chính luận, chính trị cho đến nay. Trong tâm thức, anh luôn nhủ lòng: một nhà báo đúng nghĩa cần được thử thách, khẳng định mình và chuyên nghiệp ở mọi mảng đề tài, từ chính trị đến văn hóa, xã hội…
Nói về tác phẩm Tiếng vọng triền sông của mình, Lê Mậu Lâm chia sẻ: Tập truyện ký là ghi chép chắt lọc, cảm nhận của anh về cuộc sống. Tác phẩm mở đầu với tiếng lòng hoài niệm của anh về quê cha trong Lời ru đất Phù Cừ. Một miền ký ức sâu thẳm mà mênh mang nghĩa tình! Anh viết: “Dân quê tôi có khiếu nhạy bén với thời cuộc. Thuở nhỏ, tôi thường theo cha về quê. Con đường từ chợ Gạo Hưng Yên về làng đi dọc con sông đào Hòa Bình, dày vó bè vắt vẻo cầu tre. Hàng nhãn hàng chục cây số có từ thuở nào thân tán sum sê, cành cội gân guốc, trầm mặc như những nhà hiền triết, chứng nhân của một thời”.
Tình cảm tinh tế mà sâu nặng của anh về đất và người quê mẹ trong Chén trà quê ngoại – Lá chè thật ngon thường có ở những nơi ven suối. Lá ngon hơn hết phải có nếp gấp của bẹ cau vừa rụng, đường vòng như yếm của con bò dũng mãnh, uốn lượn như sương từ thung lũng bay lên. Bóng như mặt hồ gợn sóng. Sau hết sờ vào như đất ẩm có mưa vừa rơi xuống… Thật quen mà lạ, cái thứ nước sanh sánh, tỏa chút sương mờ, uống vào êm tê đầu lưỡi, còn nguyên vị hương của chồi, của búp mang tinh hoa của trời và đất. Trà ngon với cách pha của bà, cách uống của ông làm nên không gian văn hóa.
Xa nhau rồi gặp lại, những tháng năm rèn luyện trong quân ngũ đã giúp anh thêm bản lĩnh và khí chất của người lính – một trong những tố chất quan trọng và vững vàng cho tư duy, quan điểm và cảm xúc của anh trong sự nghiệp cầm bút, mà độc giả có thể tìm thấy trong nhiều cuốn sách anh đã xuất bản. Và cụ thể là những tác phẩm ký mang tính tự sự nhưng đầy tinh thần cách mạng của anh trong cuốn sách này, như Chúng tôi vượt ngục Hỏa Lò, Hà Huy Tập, chuyện cuối đời, Tổ quốc phía Trường Sa…
Vốn sống phong phú, tư duy sâu sắc, khả năng quan sát cuộc sống nhanh nhạy, sự kỷ luật nghiêm khắc, cộng với chất lính, thêm chất tài hoa nho nhã, sự duy cảm và duy mỹ đến mềm mại, tất cả đã tạo nên một dấu ấn khó quên về Nhà báo Lê Mậu Lâm trong từng tác phẩm mà bạn đọc đã và đang đón đợi.
Nguồn: https://zingnews.vn/cam-nhan-ve-tieng-vong-trien-song-post1443550.html
You must be logged in to post a comment Login