Hữu Việt, Nguyên tiêu 2021, đang lúc dịch dã căng thẳng làm đình trệ nhiều hoạt động thường lệ, đã khởi xướng buổi livestream đọc thơ ngay dưới gốc đa lịch sử 71 Hàng Trống, Hà Nội, tụ hợp được thật đông người làm thơ, người yêu thơ, để Ngày thơ Việt Nam vẫn diễn ra như trông đợi.
Thế rồi sáng kiến ấy nối dài sang 2022, Ngày thơ tiếp biến trong mùa bình thường mới, là cái cớ kết giao bằng hữu tri âm trên nhiều miền đất nước, nhìn được nhau nghe được thơ, dù chỉ qua màn hình điện thoại, máy tính hay các thiết bị thông minh khác… cùng xua đi những ám ảnh âu lo dịch bệnh trong thời khắc hy hữu ấy…
Ký họa chân dung nhà thơ Hữu Việt trên giấy báo của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường. Ảnh: Nhân Dân. |
1. Thảng hoặc bật tivi lướt báo mạng, lại thấy nhà thơ Hữu Việt xuất hiện trên một game show hoặc sự kiện nào đó, kiểu cố vấn cho Ai là triệu phú, Vua tiếng Việt… hay khách mời tranh luận, diễn giả của Giai điệu tự hào, Quán thanh xuân…
Riết rồi Hữu Việt thành người của công chúng lúc nào chẳng rõ và hình ảnh một người đàn ông trung niên cao lớn phong độ, nụ cười mủm mỉm cao đàm khoát luận từ những vấn đề thời sự nghiêm ngắn đến tỉ tê thủ thỉ chuyện thi hoa hậu… đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhiều gia đình.
Anh nhiệt thành mang thơ, mang những tích lũy cuộc đời tương tác cùng công chúng, để ít nhiều góp phần tri thức hóa những chương trình có xu hướng giải trí đang thu hút số đông…
Thời gian Hữu Việt đôi khi chia ra giữa công việc thường lệ của một người làm nhật báo lẫn tên tuổi được săn đón của các chương trình truyền hình, các sự kiện văn hóa. Vừa gặp Hữu Việt giao lưu bạn đọc ở Hội sách quốc gia, đã thấy anh chấm thi viết thư quốc tế UPU, vừa ngồi giám khảo cuộc thi ảnh đã kịp lên đường khảo sát tìm địa điểm tổ chức Giải Bóng bàn Quốc gia truyền thống báo Nhân Dân, con người thơ luôn phải phân thân, nhường vị thế cho mọi bận rộn hàng ngày.
Đỡ đần chăm chút cho một tác phẩm của một cây viết trẻ chuẩn bị ra mắt, lên ý tưởng, tổ chức bản thảo, đảm nhiệm vai trò “bà mụ” mát tay cho nhiều cuốn sách sửa soạn trình làng, kiểu Tuổi thanh xuân còn mãi – những hồi ức của lứa lưu học sinh Đông Âu thập niên 80 thế kỷ 20 mà anh là một trong số đó – Hữu Việt đã có nhiều, rất nhiều phần việc thầm lặng nhận về mình để cáng đáng, cốt sao hanh thông, thuận buồm xuôi gió mọi nhẽ…
Dạo mấy năm trước, hình như 2018, khi bài thơ Gọi sốt xình xịch trên các diễn đàn mạng xã hội vì nữ nhân vật chính trong bộ phim giờ vàng của VTV Ngày ấy mình đã yêu đọc đi đọc lại: “Có một lỡ bước / Gọi là đến sau / Có một mưa mau / Rụng rời quán nhỏ… / Có một bể dâu / Cho lòng bớt tủi / Có một sợ hãi / Gọi là mất nhau / Có một niềm đau / Đã thành dĩ vãng…”, nhiều người mới ớ ra: Ôi, thơ Hữu Việt.
Đã quen một Hữu Việt thơ tự do nhiều suy tư trải nghiệm, quen Hữu Việt chừng mực điềm đạm triết lý ở những bản thơ dịch, nên thú vị bởi hóa ra còn một Hữu Việt trong veo, lãng mạn, da diết và… thất tình như ai.
Gọi sau đận ấy được chọn đưa vào tập thơ Mắt bò xuất bản cùng năm đó. Vốn dân kỹ thuật, học đại học tại Liên Xô (trước đây) về nước làm kinh doanh, thiên hướng thơ ở Hữu Việt được nhà thơ Khương Hữu Dụng phát hiện khích lệ, lại được rèn cặp từ người kỹ tính bậc nhất về chữ nghĩa một thời – nhà thơ Lê Đạt. Mối duyên, tình thầy trò sâu sắc giữa hai người thơ Lê Đạt – Hữu Việt đã tác động đáng kể tới anh không chỉ về chữ mà cả tình.
Hữu Việt cũng như nhà thơ Bóng chữ, luôn sát sao sát cánh hỗ trợ những cây viết trẻ, những cánh chim non nớt vừa ra ràng. Đảm nhiệm trọng trách Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, ròng rã trước đó nhiều năm gây dựng duy trì sân thơ trẻ, một chốn để những người trẻ tung tẩy thể hiện cái tôi, nhà thơ Hữu Việt đã không chỉ góp vào sân khấu thơ đương đại giọng điệu riêng với nhiều chiêm nghiệm tinh tế mà thật sự phát hiện, nâng đỡ tạo điều kiện giúp các cây viết trở thành tên tuổi.
Phòng làm việc của Trưởng ban Văn hóa văn nghệ báo Nhân Dân Hữu Việt ở 71 Hàng Trống, luôn khách vào khách ra, toàn bạn thơ bạn viết, những người trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng lưu giữ cho cá nhân mình một chốn nương thân ẩn náu ở văn chương.
Mới thấy nhà thơ Nguyễn Quang Hưng ghé trao đổi về… thơ trẻ, đã lại nghe tiếng Giám đốc Nhà xuất bản Văn học Nguyễn Anh Vũ bàn về quyển sách lên kế hoạch in, rồi những học trò lớp võ thập thò giục thầy… tới giờ vào lớp, “áp lực” thế nhưng Hữu Việt luôn khoan thai từ tốn, cảm giác như mọi sự ở đời đều nhẹ bẫng thảnh thơi…
Nhà thơ Hữu Việt. Ảnh: Ngô Vương Anh. |
2. Là con trai thứ của nhà văn Hữu Mai, Hữu Việt may mắn được gần gụi sát sao, được dõi theo phần nào những bổng trầm trong đời văn của tác giả Ông cố vấn – một trong những đầu sách đạt kỷ lục lượng xuất bản xưa giờ. Những tâm sự, những gửi gắm của cha, cả những nỗi niềm chưa thể diễn ngôn, anh đều nâng niu ghi nhớ và tự hóa giải thành những bài học cho mình.
Gen chữ nghĩa của nhà văn Hữu Mai còn “lặn” ở người con trai cả và phải nhịn đến gần tuổi hưu, ông Phó chủ tịch một tỉnh tên Trần Hữu Bình mới đùng đùng xuất hiện trên văn đàn bằng bút danh Bình Ca, để lập tức đình đám chỉ với cuốn tiểu thuyết đầu tay Quân khu Nam Đồng tái bản liên tục.
Sẽ sàng đi nhẹ nói khẽ cười duyên, nên ngạc nhiên hơn cho nhiều người khi biết, nhà thơ Hữu Việt còn là một võ sư Vịnh Xuân quyền. Len giữa mớ thời gian rối bận, Hữu Việt vẫn dành khoảng riêng để luyện võ và dạy võ.
Càng học võ lại càng… hiền, càng thu nhận đủ vốn tri thức càng ít lập ngôn, Hữu Việt chỉ chân thành san ra những hiểu biết tới công chúng và dành sẻ lòng mình trong thơ… Bản lĩnh văn chương, căn cốt văn hóa của Hữu Việt nhà báo đã ấn định ở chuyên mục Trò chuyện văn chương mà anh thực hiện trên ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng trong nhiều năm ròng.
Trong những đối thoại thường kỳ với các nhà văn, nhà thơ ấy là những câu chuyện, vấn đề thế sự, linh cả ra ngoài địa hạt văn chương. Có lẽ thế, loạt 5 bài Trò chuyện văn chương của nhà báo Hữu Việt trên Nhân Dân hằng tháng đã giành giải A Báo chí quốc gia năm 2019, một hiện tượng hiếm đối với các tác phẩm báo chí riêng về văn học.
Trong hành trình 25 năm Nhân Dân hằng tháng kể từ ngày ra mắt số đầu tiên đúng vào thời khắc đặc biệt, 19/5/1997, luôn có sự tham góp chung lối chung đường của các đồng nghiệp, các cộng tác viên, các cây bút, các chuyên gia trên từng lĩnh vực. Hành trình ấy không thể không nhắc đến Hữu Việt, dẫu có trực diện đề cập tới, nhẽ anh cũng chỉ hì hì cười, rồi lại tảng lờ, quay vào công việc của mình: Làm báo, dạy võ, làm đủ việc như một người của công chúng và làm thơ: “Anh thường mơ về đêm mưa ấy / chiếc xe xanh, vương quốc của chúng mình / thật lớn lao tin cậy, thật nồng nàn, run rẩy / cho tim anh ngỡ ngàng nẩy những chồi xanh”.