Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã cho ra đời các sản phẩm nghe nhìn đa dạng, hấp dẫn khiến nhiều người lo ngại về tương lai phát triển của văn hóa đọc. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng và khai thác các ưu thế của công nghệ thì đây chính là chìa khóa quan trọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả thời 4.0.
Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ khiến thói quen đọc sách của nhiều người thay đổi đáng kể. Thực tế này xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ có 21% người Việt đọc sách trong một năm và tỷ lệ 1,4 đầu sách/người/năm là rất đáng lo ngại.
Phát triển văn hóa đọc được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản nói riêng và của cả xã hội nói chung. Để làm được điều này, thời gian qua đã có nhiều giải pháp được đặt ra nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thực tế cho thấy nhu cầu đọc sách luôn tồn tại trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, ở mỗi thời kỳ, các xu hướng hưởng thụ văn hóa đọc cũng khác nhau.
Trước đây, thị trường chỉ tồn tại sách giấy thì hiện nay người đọc hiện đại đã và đang được tiếp cận nhiều loại hình xuất bản phẩm đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Trong bối cảnh đó, công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ được coi là lời giải cho sự tồn tại, phát triển của mọi lĩnh vực, trong đó có xuất bản.
Việt Nam hiện là quốc gia có dân số trẻ, có tỷ lệ người sử dụng Internet ở mức cao trên thế giới (70% người dân sử dụng Internet) và là nước có số dân sử dụng điện thoại thông minh đứng thứ hai Đông Nam Á với hơn 61,37 triệu người (tương đương tỷ lệ 64% dân số) thuộc 10 quốc gia có nhiều người dùng điện thoại thông minh (smartphone) nhất (số liệu tính đến hết tháng 5/2021).
Sách nói đang phát triển nhanh chóng. Ảnh: Y. N. |
Trải qua hơn hai năm phải đối mặt với dịch Covid-19, chuyển đổi số đã nhanh chóng trở thành yêu cầu có tính sống còn, đồng thời tạo “cú huých” quan trọng mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động xuất bản. Một số nhà xuất bản có tư duy nhạy bén đã nhanh chóng bắt kịp những thay đổi của thị trường, mạnh dạn đầu tư cho việc phát triển hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực.
Tính riêng năm 2021, do ứng dụng công nghệ mới, toàn ngành xuất bản đã phát hành được 2.300 xuất bản phẩm điện tử, tăng 12% so với năm 2020. So với số lượng sách giấy, con số này tuy chưa cao nhưng phần nào cho thấy nỗ lực đổi mới, nỗ lực đưa văn hóa đọc phát triển.
Từ đây đã tạo ra sự đa dạng của các xuất bản phẩm cũng như các mô hình, cách thức xuất bản. Tiêu biểu có thể đề cập đến sự ra đời và phát triển của các xuất bản phẩm điện tử như: Sách nói (audio book), sách điện tử (ebook), sách tương tác, sách thực tế ảo… Các xuất bản phẩm điện tử ngoài nội dung, còn có các giá trị tăng thêm như: Tính tương tác cao với nhiều hình ảnh động, video, biểu đồ sinh động, các tính năng tìm kiếm, lưu trữ dễ dàng, tra cứu nhanh… và có thể được tiếp cận ở bất kỳ đâu.
Một điểm sáng của thị trường xuất bản phẩm điện tử là sự trỗi dậy mạnh mẽ của loại hình sách nói với mức tăng trưởng ấn tượng. Ví như Voiz FM – một ứng dụng sách nói của Công ty cổ phần Công nghệ WeWe mới ra mắt từ cuối năm 2019 nhưng đã ghi nhận hơn 1 triệu lượt tải, với khoảng 100 nghìn người dùng tích cực mỗi tháng. Với nhiều tiện ích, sách nói đã trở thành lựa chọn tối ưu của nhiều bạn đọc thời hiện đại.
Cùng các xuất bản phẩm điện tử, nhờ công nghệ số, ngày càng có nhiều loại hình xuất bản phẩm khác ra đời, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng độc giả. Điển hình như: Sách tóm tắt, sách mini, sách rút mở, sách chiếu bóng, sách âm thanh… là những dòng sách tương tác đặc biệt dành cho trẻ em. Những cuốn sách này đã khơi gợi trí tò mò, khả năng tưởng tượng, kích thích tư duy khám phá và từ đó dần hình thành tình yêu sách của các em nhỏ. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số còn hỗ trợ rất lớn cho hoạt động của các thư viện – “điểm chạm” trực tiếp.
Những thành quả bước đầu đạt được từ thực hiện ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số cũng là bằng chứng cho thấy chuyển đổi số là nhu cầu tự thân của ngành xuất bản, cần được thực hiện sớm và quyết liệt. Tuy nhiên, trong bốn giai đoạn của quá trình chuyển đổi số, ngành xuất bản hiện nay mới thực hiện được giai đoạn đầu tiên là dần số hóa dữ liệu.
Việc triển khai các ứng dụng, các nền tảng cũng như ứng dụng các nền tảng vào quy trình xuất bản, từ khâu quản lý, đến khâu biên tập, phát hành, phát triển thị trường, truyền thông… đã bước đầu được thực hiện nhưng tốc độ tương đối chậm, chưa thực sự hiệu quả như kỳ vọng. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong các hoạt động của quy trình còn hạn chế.
Có không ít rào cản trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành xuất bản nhằm phát triển văn hóa đọc. Rào cản lớn nhất là nhận thức, tư duy cũ, thụ động trước xu thế vận động mới của thời cuộc. Những rào cản tiếp theo đến từ các khâu trong quá trình chuyển đổi phương thức xuất bản, đội ngũ nhân lực thiếu và yếu, chưa đồng đều về chuyên môn, chưa nắm bắt được các yêu cầu kỹ thuật xuất bản mới; năng lực và kinh phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ của các đơn vị xuất bản đến các vấn đề về chính sách pháp luật, tác quyền, sở hữu trí tuệ còn nhiền hạn chế, bất cập…
Không ít nhà xuất bản vẫn hoạt động theo kiểu cầm chừng, chủ yếu bán giấy phép, thiếu sự năng động trong việc tìm kiếm thị trường, đầu tư các sản phẩm mới có chất lượng. Một thách thức không nhỏ khác là thói quen đọc sách giấy, thụ động và ngại thay đổi của một bộ phận người đọc cũng khiến cho công cuộc chuyển đổi số ở một số đơn vị xuất bản còn diễn ra với tâm lý nghe ngóng, thăm dò là chính.
Điều này cho thấy phát triển văn hóa đọc dựa trên các giải pháp công nghệ không thể là câu chuyện một sớm một chiều mà đòi hỏi một quá trình bền bỉ, quyết tâm cao với sự chung tay của cả xã hội với các giải pháp căn cơ, bài bản. Theo đó, có hai vấn đề quan trọng nhất cần được chú trọng là nâng cao nhận thức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành xuất bản trước yêu cầu về chuyển đổi số.
Về nhận thức, cần thay đổi tư duy trong hoạt động xuất bản, nhanh chóng thoát khỏi cách nghĩ đã ăn sâu từ nhiều thập kỷ trước, nệ vào cơ chế xin – cho, thay vào đó các đơn vị, với vai trò của người đứng đầu, cần chủ động nắm bắt và thích ứng với xu thế xuất bản mới trên thế giới để triển khai tại đơn vị mình. Về nguồn nhân lực cho ngành xuất bản đòi hỏi phải liên tục đào tạo, đáp ứng được các yêu cầu mới về năng lực, trình độ chuyên môn và công nghệ.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng không kém chính là nguồn lực tài chính và cơ sở hạ tầng công nghệ. Các đơn vị cần cập nhật thường xuyên những công nghệ mới để phục vụ công tác xuất bản. Bởi nếu không có hạ tầng công nghệ cần thiết thì việc ứng dụng các kỹ thuật, phương thức xuất bản mới sẽ không thể vận hành, triển khai trên thực tế. Yêu cầu này cũng cần được triển khai đồng bộ trong toàn ngành xuất bản, không cho phép tiến hành nhỏ giọt, cầm chừng bởi như vậy các sản phẩm sẽ khó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả.
Đồng thời, để biến chuyển đổi số thành cơ hội phát triển văn hóa đọc, mỗi nhà xuất bản cần xây dựng một định hướng, chiến lược phù hợp để vừa có thể bắt nhịp nhu cầu của cơ chế thị trường, vừa vận dụng các nền tảng công nghệ số một cách tốt nhất nhằm không ngừng nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm phục vụ nhiều đối tượng độc giả.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường xử lý nghiêm những hành vi vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản trên môi trường số; tích cực quảng bá, xây dựng thói quen tiếp cận tri thức số tới bạn đọc… Sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bên liên quan sẽ giúp văn hóa đọc được duy trì và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng, xây dựng nền tảng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của đất nước.