Một em gái vừa đi làm tâm sự với tôi rằng những ngày tháng này em cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết.
Sau khi tốt nghiệp, em thấy nhớ bạn bè, nhớ những lúc bắt xe buýt lên Đinh Lễ mua sách, mấy đứa ra ăn kem Tràng Tiền rồi dạo quanh Bờ Hồ đến tận 6, 7 giờ mới về, nhớ những tối đi trà chanh buôn dưa lê… Toàn những ký ức thật đẹp và khó quên. Vậy mà giờ đây, cái gì cũng phải lụi cụi làm một mình: một mình ăn cơm, một mình đi về nhà, một mình khóc, một mình cười. Mỗi tối trở về căn phòng trọ tối om, bất giác trong lòng em cảm thấy trống rỗng cô đơn một cách lạ thường.
Khi ngồi trên xe buýt, nhìn đường phố xe cộ qua lại tấp nập, em bỗng cảm thấy mình không thuộc về nơi này, bên tai chỉ vang lên từng bước chân lẻ loi của chính mình. Nếu gặp phải những chuyện không thuận lợi, nỗi buồn dường như lại nhân lên gấp bội. Em rất nhớ cuộc sống vô lo vô nghĩ ngày xưa, cảm thấy chán nản với cuộc sống bộn bề lo toan như bây giờ. Giá như không phải trưởng thành thì hay biết mấy!
Tôi rất hiểu tâm trạng của em, vì có những lúc tôi từng có cảm giác như vậy. Khi vừa tốt nghiệp đại học, tôi cũng phải bươn chải một mình nơi thành phố. Tôi cũng từng mơ mộng rằng, ước gì mình mãi được sống trong những năm tháng sinh viên vô tư, vui vẻ.
Thế nhưng, chúng ta không thể chỉ sống trong thế giới của riêng mình. Chỉ cần bước chân vào xã hội, bất kể bạn đã trưởng thành, đã chuẩn bị tốt hay chưa, vẫn còn rất nhiều việc bạn phải một mình đối diện – va chạm với cuộc sống, đối diện với sự phức tạp của các mối quan hệ với năng lực hạn chế của bản thân… Chúng ta không còn lựa chọn nào khác, ngoài tự mình trưởng thành lên.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy cô dạy dỗ chúng ta, còn bây giờ, xã hội sẽ đảm nhận việc đó.
Tôi nghĩ trường học cũng như gia đình, khá bao dung với mỗi người học trò. Khi còn là học sinh, chúng ta được thầy cô và bạn bè giúp đỡ để trưởng thành, nhưng xã hội sẽ không giúp, mà ép chúng ta trưởng thành. Trong trường học, bạn có thể học tập và trưởng thành một cách từ từ; còn ngoài xã hội, nếu như bạn trưởng thành quá chậm, nhiều khả năng bạn sẽ bị đào thải, bị những người “trưởng thành” hơn thay thế.
Một người không đủ trưởng thành sẽ mãi chỉ là cái bóng của người khác. Nguồn: alyngan. |
Trong trường học, chỉ cần chúng ta có bảng điểm đẹp, đạo đức tốt là có thể nhận được sự yêu mến của thầy cô và bạn bè; còn ngoài xã hội, làm việc tốt thôi chưa đủ. Trong môi trường xã hội cạnh tranh khốc liệt ngày nay, chỉ cần năng lực của bạn không đáp ứng được yêu cầu công việc, sẽ có người sẵn sàng gạt bạn sang một bên. Người ta sẽ chẳng tốn thời gian và công sức để giúp bạn dần trưởng thành. Bạn không ổn? Bạn không chịu? Bạn không thích? Có hề hấn gì đâu, sẽ có người thay bạn!
Đừng mơ mộng rằng ngoài kia luôn có một công việc “xịn”, mức lương khủng chờ đợi bạn. Chỉ khi bạn đã thực sự trưởng thành đến một mức độ nhất định, xã hội mới tiếp nhận bạn. Có rất nhiều người than thở rằng họ nắm trong tay nhiều bằng đại học nhưng lại chẳng có công ty nào nhận.
Một số người ngụy biện rằng do vận may chưa tới nên toàn tìm phải những công việc chán ngắt; cũng có người ức chế, bất bình, nói những đứa bạn cùng trang lứa đều đã làm đến chức nọ chức kia, mà sao bản thân vẫn giậm chân tại chỗ.
Những người suốt ngày chỉ biết than thân trách phận như thế, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ thành công. Khi bạn đã biết cách đối diện và thích ứng nhanh chóng với xã hội, bạn sẽ không còn thời gian than thở nữa, bởi toàn bộ thời gian bạn có sẽ được dùng vào học tập, làm việc và mở rộng các mối quan hệ của mình. […]
Mỗi giai đoạn trong cuộc đời đòi hỏi chúng ta phải có cách hành xử khác nhau. Nếu như khi chuyển đến giai đoạn này, bạn vẫn giữ lối nghĩ và cách làm của giai đoạn trước thì đồng nghĩa với việc bạn vẫn chưa trưởng thành, mà một người không đủ trưởng thành sẽ mãi chỉ là cái bóng của người khác. Nếu không nỗ lực học tập và cầu tiến, bạn sẽ không bao giờ chạm tới cái đích thành công trong tương lai. Vì vậy khi ở độ tuổi 20, chúng ta cần phải có tinh thần trách nhiệm và xác định được mục tiêu đời mình.
You must be logged in to post a comment Login