Tác phẩm “Người Việt nói tiếng Việt” do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Ảnh: Đình Ba. |
“Chó đái bàn cờ dơ mặt tướng”. Câu này không được tác giả từ điển nào thâu nhận, mặc dù rất hay. Trước hết, hiểu theo nghĩa đen, thì bàn cờ đang chơi mà để chó đái vào là bẩn hết cả. Con tướng dù có đầy đủ lính bảo vệ trong thế trận phòng thủ chặt chẽ cũng không tránh khỏi bãi đái, cũng dơ dáy như ai. Còn theo nghĩa bóng thì phải hiểu đây là bàn cờ thế sự, “bàn cờ chính trị”, như ngày nay người ta vẫn thường nói”.
“Thành ngữ “ăn mắm mút dòi” nghĩa là ăn bẩn quá mức? Không, tôi hỏi, được một bác dân Nam Bộ giải thích là thực ra câu thành ngữ này mang một nghĩa khác. Nó chỉ cảnh cùng cực của người nghèo, mắm có dòi bọ lúc nhúc vẫn phải nhắm mắt mà ăn. Trước đó ít bữa, một bạn ca ngợi một món ăn là “Ngon nức vách”. Tôi hỏi lại, được giải thích rằng câu thành ngữ này đúng ra là ngon nhức nách. Ngon quá, cứ đưa tay lấy hoài làm cái nách đau nhức”.
Trên đây chỉ là 2 trong hơn 500 thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt trong tác phẩm Người Việt nói tiếng Việt (sưu tập, khảo cứu về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt trước nay bị các từ điển bỏ sót, hoặc trao đổi lại phần giải nghĩa) được tác giả Nguyễn Quang Thọ khảo cứu, trao đổi lại phần giải nghĩa so với các từ điển ngữ nghĩa, cách hiểu trước đó.
Với Người Việt nói tiếng Việt, tác giả bày tỏ cơ duyên ra đời tác phẩm khi bản thân được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều việc đồng bào sử dụng tiếng Việt trong những hoàn cảnh khác nhau. Đồng thời, lại gắn bó với nghề biên tập nên qua đó, đúc rút dần cho bản thân những gì được nghe, được thấy.
Trải qua hai chương “Mắt thấy, tai nghe” (Chương 1) và “Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật” (Chương 2), nhiều thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt được Nguyễn Quang Thọ đưa ra tìm hiểu, đối sánh, thậm chí có những bổ chính, trao đổi lại so với những cách hiểu lâu nay được từ điển, các nhà ngôn ngữ phân tích, mổ xẻ. Qua đó, đủ những ngữ nghĩa tả thực hay “nói xa xôi” làm độc giả phải ngạc nhiên vì sự thực mình được biết, hoặc gật gù vì những thành ngữ, quán ngữ mình dùng được dung nạp.
Ví như “Tới luôn đi bác tài!”, nghe như câu cửa miệng và chưa được từ điển ngôn ngữ dung nạp, nhưng nó cùng ý nghĩa chẳng kém gì cái sắp tới, việc cần làm ngay. Rồi những câu đã quen thuộc trong lời ăn tiếng nói như “thử kêu, đốt tịt”, “bán lúa non”, “xa mặt cách lòng”… Ấy nhưng có những câu tưởng đã nằm lòng trong giao tiếp lại bị bỏ quên, kiểu “ba mươi chưa phải là Tết” thì cũng không khác gì việc chưa ngã ngũ; hay tục ngữ “ra ngõ gặp cổng” nghe lạ tai nhưng không khác gì “ra ngõ gặp gái” với nghĩa không tốt.
Hình ảnh trong MV Để Mị nói cho mà nghe. |
Không chỉ thế, có những thành ngữ, quả là mới lạ so với nhiều người khi nó mới được sử dụng, được cập nhật, cần có thời gian để gia nhập vào ngôi nhà thành ngữ, tục ngữ Việt Nam. Kiểu như “Để Mị nói cho mà nghe” phổ biến từ nhạc phẩm cho đến mạng xã hội; hay “Đi Bình Dương” được hiểu là “với mấy anh thợ, có nghĩa là vỡ nợ, là hết đường kiếm sống, bộ đi làm công nhân cho những công xưởng nào đó, xứ người”…
Tác giả còn dành riêng Chương 3 để “Đánh trống qua cửa nhà sấm”, ghi chép lại những vấn đề liên quan đến giải nghĩa thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ; những câu chuyện đó dung dị như tâm sự, mạn đàm để từ đó góp phần trả lời câu hỏi “thành ngữ” là cái chi chi.
Cũng vì là sự trao đổi lại ngữ nghĩa, nên nói như lời nhà báo Lê Minh Quốc trong phần kết Lời giới thiệu cho tác phẩm Người Việt nói tiếng Việt, “xin nhấn mạnh, nếu ông Nguyễn Quang Thọ đã mạnh cãi lại những gì từ điển đã in, tất nhiên, nay ắt cũng có người sẽ… cãi lại ông. Được thế, câu chuyện bàn về tiếng Việt càng thêm hữu ích, rôm rả và lan rộng hơn nữa”.
Nguồn: https://zingnews.vn/de-mi-noi-cho-ma-nghe-tu-mang-xa-hoi-vao-sach-ngon-ngu-post1442546.html
You must be logged in to post a comment Login