Sách Tài phiệt đầu tiên của nước Mỹ Vanderbilt. Ảnh: L.H. |
Nước Mỹ như ngày hôm nay là nhờ vào nhiều yếu tố, nhưng trên hết là bởi những con người. Quốc gia này là công trình của nhiều thế hệ, với dấu ấn đóng góp của những vị chính khách, các nhà khoa học tên tuổi, đặc biệt là của các doanh nhân, các nhà tài phiệt, trùm tư bản đầu tiên.
Nỗ lực “hiểu một con người”
Cornelius Vanderbilt (1794-1877) là nhà đại tư bản đầu tiên của nước Mỹ, tiếp sau ông là vua thép Andrew Carnigie (1835-1919), vua ngân hàng Jonh PierPont “J.P” Morgan (1837-1913), vua dầu mỏ John D. Rockefeller Sr. (1839-1937), vua ôtô Henry Ford (1863-1947)…
Tuy nhiên, khác với nhiều nhà đại tư bản thuộc thế hệ đầu tiên của nước Mỹ, chưa có nhiều sách tiểu sử đầy đủ về Vanderbilt. Cuộc đời và những đóng góp của ông chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Hình ảnh của ông còn đọng lại trong trong ký ức của người Mỹ chủ yếu đến từ những sản phẩm được tạo nên từ những lời đồn đại.
Xuất phát từ nỗ lực “hiểu một con người”, tác giả T.J Stiles đã dành 7 năm tìm tòi, nghiên cứu, tập hợp tài liệu từ nhiều nguồn chính thống, qua đó tái hiện lại cuộc đời của Vanderbilt bằng việc viết cuốn tiểu sử tương đối dày dặn có tên Tài phiệt đầu tiên của nước Mỹ Vanderbilt.
Đây là cuốn sách đầy đủ, toàn diện và công tâm nhất về ông vua đường sắt Vanderbilt – đại tư bản thuộc thế hệ doanh nhân đầu tiên của nước Mỹ và nhờ tác phẩm này T.J Stiles đã nhận giải Pulitzer năm 2010 về Tiểu sử.
Từ hàng nghìn tài liệu lưu trữ, các công trình nghiên cứu có liên quan, các số báo in nguyên gốc trong thời gianVanderbilt còn tại thế, T.J Stiles tái dựng cuộc đời và sự nghiệp của Vanderbilt trong khung cảnh lịch sử, xã hội nước Mỹ, của NewYork trải khắp hơn 100 năm, đặc biệt là trong thế kỷ XIX, khoảng thời gian mà Vanderbilt từng bước tạo lập đế chế của mình.
Qua từng chương sách người đọc sẽ song hành với những sự kiện và biến cố lớn của nước Mỹ, điển hình như cuộc nội chiến; quá trình khai phá, chinh phục, mở rộng biên giới nước Mỹ; cuộc suy thoái tài chính và những năm 1800; cơn sốt vàng California; chế độ chiếm nô dần bị xóa bỏ; giao thương giữa Mỹ và Cựu Lục Địa lên một tầm cao mới; nền văn hóa tôn kính với tôn ti kiểu cũ dần vụn vỡ và giới “tinh hoa mới” nổi lên với những con người tay trắng dựng nghiệp… Và Vanderbilt chính là gương mặt tiên phong đồng thời là nhân vật gây tranh cãi nhất trong bước ngoặt đó.
Tranh vẽ chân dung Cornelius Vanderbilt, khoảng năm 1848. Nguồn: npg.si.edu. |
Người góp phần định hình nước Mỹ
Bắt đầu từ tuổi thơ có phần khiêm tốn trên Đảo Staten dưới thời Tổng thống George Washington cho đến thời của John D. Rockefeller (người mà Vanderbilt đã thực hiện các giao dịch), cuốn tiểu sử kể về quá trình thăng tiến của Vanderbilt từ người lái thuyền buồm đến doanh nhân tàu hơi nước, từ bậc thầy điều hành các tuyến tàu hơi nước xuyên đại dương đến người xây dựng đế chế đường sắt.
Trong quá trình đó, ông đã tự biến đổi rõ rệt, dần khoác lên những vai trò, chức trách mới. Từ một kẻ bị coi là nhà quê thô lậu, cả giới tinh hoa NewYork hắt hủi, ông trở thành một nhà tài chính với tài lực đáng gờm, đã ra tay giải cứu toàn bộ giới tài chính trong hai cuộc khủng hoảng quy mô lớn, thậm chí còn thể hiện tài mưu lược trong những nỗ lực ngoại giao quốc tế ở Cựu Lục địa và Mỹ La-tinh.
Trong cuốn tiểu sử, Stiles cũng mô tả những cuộc phiêu lưu cá nhân của Vanderbilt trong rừng rậm Nicaragua, những chiến dịch hoành tráng của ông ở Phố Wall và cả những âm mưu chia rẽ gia đình ông.
Quan trọng nhất, Stiles cho thấy Vanderbilt đã giúp hình thành tư duy của người Mỹ về sự bình đẳng và cơ hội cũng như tạo ra thế giới kinh tế hiện đại như thế nào.
Stiles viết: “Trong sự nghiệp 66 năm, Vanderbilt trụ ở tuyến đầu của đổi thay, một nhà cải cách hiện đại từ đầu đến cuối. Ông đã nâng cấp và mở rộng hạ tầng giao thông toàn quốc, góp phần vào sự biến đổi của bản thân địa lý nước Mỹ. Ông cũng nắm bắt những công nghệ và loại hình tổ chức kinh doanh mới, rồi áp dụng để cạnh tranh thành công đến nỗi buộc các đối thủ phải noi gương ông hoặc bỏ cuộc.
Vượt trước người cùng thời, ông hiểu thấu những biến đổi lớn lao của văn hóa Mỹ; sự trừu tượng của hiện thực kinh tế, khi mối liên hệ giữa thế giới hữu hình và những công cụ kinh doanh mới – chẳng hạn như tiền giấy, các tập đoàn và chứng khoán – dần dần mờ nhạt. Với những công cụ ấy, ông đã góp phần tạo ra nền kinh tế tập đoàn, định hình nên nước Mỹ thế kỷ XIX”.
Không dừng lại ở một cuốn tiểu sử, sách cũng đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau và được tác giả lý giải một cách dễ hiểu. Đó là: Chứng khoán (cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, thị trường giá lên, thị trường giá xuống, thủ đoạn thao túng giá…); Kinh tế – Tiền tệ; Ngân hàng; Xây dựng và giao thông dân dụng (quan hệ và xung đột công – trong đầu tư cơ sở hạ tầng và vận hành giao thông vận tải)…
Đó là: Ngoại giao (mối quan hệ giữa Mỹ và các nước cựu thế giới, các nước đồng minh mới, lý giải sâu xa về nguồn gốc xung đột triền miên ở các quốc gia Mỹ-Latinh); Chính trị (xung đột đảng phái, nguyên nhân hình thành và diễn biến các phong trào vận động và các đảng nhỏ ở Mỹ); Xã hội (các nhóm cư dân khác nhau tạo nên các vai trò trụ cột và định hình nên lối sống, bản sắc Mỹ như thế nào).
Sức mạnh đáng chú ý nhất của cuốn sách có lẽ nằm ở khả năng phân tích các quyết định chiến lược mà Vanderbilt phải đối mặt khi ông xây dựng đế chế kinh doanh của mình trước vô số đối thủ cạnh tranh xảo quyệt.
Cũng trong cuốn tiểu sử, Stiles còn dành một dung lượng đáng kể để triển khai những chi tiết về đời sống riêng tư của Cornelius Vanderbilt, từ những vấn đề ông gặp phải trong gia đình, biến cố tình cảm, và cả tính cách đời thường của một con người có lẽ đã bị lịch sử và hậu thế hiểu lầm không ít.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login