Cuốn sách Cách những công ty lớn nhất thế giới sinh tồn của tác giả Liz Hoffman xoay quanh cách những công ty – cụ thể là những CEO của những công ty hàng đầu thế giới – đưa ra những quyết định và hành động để lèo lái doanh nghiệp vượt qua một nền kinh tế liên tục biến động, từ khi Covid-19 chỉ là một tin tức phong thanh cho đến lúc khủng hoảng cao trào rồi chuyển sang giai đoạn hồi phục.
Sách Cách những công ty lớn nhất thế giới sinh tồn. Ảnh: M.L. |
Giới tinh hoa kinh tế cũng choáng váng
Cuốn sách ra đời từ những bài báo đầu tiên của Liz Hoffman viết về các thiệt hại kinh tế tức thời do đại dịch Covid-19 gây ra. Nó khởi đầu như một nỗ lực nhằm ghi lại các sự kiện kinh tế bất thường đã xảy ra khi đại dịch đóng băng nền kinh tế nước Mỹ.
Nói về chuyện này, tác giả sách viết: “Con virus được gọi bằng cái tên đơn giản “Covid” đến lúc đó đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và khiến hàng nghìn người đau ốm. Không ai mua bất cứ thứ gì. Các cuộc sa thải hàng loạt được công bố mỗi ngày. Đó là một sự kiện địa chấn đối với nền kinh tế toàn cầu, với tác động lan rộng theo mọi hướng. Nhiệm vụ mà biên tập viên giao cho tôi ngày hôm đó là phải cố gắng làm sao để lột tả khoảnh khắc này và mức độ phức tạp của nó”.
Bài báo được viết ra sau đó, xuất bản vào thứ bảy đầu tiên của tháng 4. Đây là một biên niên sử dài 8.000 chữ về tháng 3/2020, tháng mà thế giới ngừng hoạt động. Nó kể câu chuyện của hơn 20 giám đốc tập đoàn và nhà đầu tư khi họ phải đối mặt với thử thách lớn nhất trong sự nghiệp của mình.
Tiếp đó, với mong muốn đi sâu tìm hiểu cảm giác phải ngồi ở ghế lái của những công ty lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới, nơi các nhà lãnh đạo đã quen nói về chiến lược hàng quý, nếu không muốn nói là hàng năm, và bỗng bị buộc phải đưa ra quyết định ngay lập tức, Liz Hoffman bắt đầu tìm kiếm những câu chuyện hấp dẫn nhất xoay quanh các loại hình công ty khác nhau. Đồng thời, bà tiến hành phỏng vấn hơn 100 nhà lãnh đạo – các nhà tài phiệt ở Phố Wall, các công ty ở Thung lũng Silicon, các nhà sản xuất ở vùng Trung Tây nước Mỹ…
Và qua các cuộc phỏng vấn này, tác giả cho biết giới tinh hoa kinh tế cũng choáng váng chẳng kém gì đám còn lại chúng ta. Đối với hầu hết bọn họ, và ngay với tác giả sách cũng vậy, thập kỷ vừa qua là một chặng đường yên ả.
Công nhân lắp ráp máy thở tại nhà máy Ford Rawsonville ở Ypsilanti Township, Mich. Nguồn: NYT. |
Lèo lái vượt qua cú sốc không ai lường trước được
Đầu năm 2020 mọi thứ đã thay đổi với hầu hết công ty Mỹ, kể cả những tên tuổi lớn được cho là hoàn toàn thoát ly thế giới doanh nghiệp. Thế giới của họ biến thành một thế giới ảo, nhỏ bé, ngắn hạn.
Nhịp phi nước kiệu trên phạm vi toàn cầu khựng lại, bị thay thế bởi những cuộc họp Zoom bất tận và những buổi giải trí tập thể qua Zoom ngượng nghịu đến đau đớn. Người lao động hoảng loạn. Hàng trăm quyết định phải được đưa ra ngay lập tức. Khi đại dịch ngày càng kéo dài, tính chính trị độc hại xoay quanh nó đã ngấm vào hầu như mọi quyết sách nơi phòng họp.
Lấy diễn biến của xã hội, nền kinh tế – chính trị làm bối cảnh và đặt mỗi chương là một câu chuyện, có nhiều sự kiện theo dòng với nhiều nhân vật, cuốn sách lột tả cảm giác chậm-chạp-rồi-đột-ngột của cuộc bùng phát của đại dịch virus corona vào những tháng đầu năm 2020 – một cuộc khủng hoảng ập đến và ban đầu nó chẳng có vẻ gì giống một cuộc khủng hoảng. Đồng thời, cuốn sách khám phá những quyết định mà các các lãnh đạo của những công ty hàng đầu nước Mỹ: GE, GM, Goldman Sachs, Airbnb, Delta Airlines, Hilton, JPMorgan đưa ra qua một lăng kính luôn đổi thay từng giờ.
Trong cuốn sách, Liz Hoffman cho chúng ta biết quyết định của một số CEO đã giúp công ty của họ sớm thích ứng và vượt qua giai đoạn đầy thách thức này. Chẳng hạn Bill Ackman của Pershing Square Capital Management đã thấy sự sụp đổ sắp xảy ra và kiếm được hơn 2,5 tỷ đôla từ một vụ cá cược hoán đổi rủi ro tín dụng dự đoán rằng mọi thứ sẽ đi xuống rất nhanh.
Doug Parker của American Airlines đã đàm phán với Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin về quy mô của gói cứu trợ của Chính phủ, mặc dù trước đây ông chưa từng tương tác với một Bộ trưởng Tài chính nào.
Jim Hackett của Ford Motor đã phản ứng với Covid-19 bằng cách điều chỉnh năng lực sản xuất của Ford để sản xuất máy trợ thở tức thời.
Solomon của Goldman tìm cách sử dụng nhân viên của mình trong một ngành công nghiệp chứng khoán không được thiết lập để làm việc tại nhà, và cũng không cho phép sử dụng máy tính cá nhân cho mục đích giao dịch. Để giải quyết việc này, Goldman đã phân phối máy tính của công ty cho nhân viên trên khắp khu vực New York qua sự kết hợp giữa Uber và phương tiện cá nhân – sự kết hợp giữa tính đổi mới và khả năng phục hồi…
Bên cạnh những nhà lãnh đạo được đề cập đã thể hiện tốt trong những hoàn cảnh đầy thách thức trên, Liz Hoffman cũng cho biết những nhà lãnh đạo có các quyết định bị chỉ trích. Chẳng hạn Randi Weingarten người đứng đầu công đoàn giáo viên đã dùng mọi cách để ngăn trẻ em quay trở lại trường học. Quyết định này không chỉ gây ảnh hưởng không tốt cho trẻ em trong nhiều năm tiếp theo mà còn làm phức tạp thêm bức tranh cho các CEO đang cố gắng đưa phụ huynh trở lại làm việc tại văn phòng…
Cách những công ty lớn nhất thế giới sinh tồn nhận được nhiều lời khen từ giới lãnh đạo doanh nghiệp. Harvey Schwartz, cựu Chủ tịch Goldman Sachs nhận xét: “Liz Hoffman đã mang đến một thứ vừa mới lạ vừa cần thiết: một câu chuyện của người trong cuộc về cách lèo lái một doanh nghiệp – hay nói đúng hơn là cả nền kinh tế – vượt quá cú sốc không ai lường trước được. Các lãnh đạo doanh nghiệp nhiều tham vọng nên học hỏi từ cuốn sách này”.
Còn Mary Childs, đồng dẫn chương trình Planet Money của NPR thì cho rằng đây là: “Một cái nhìn hiếm có đào sâu vào những quyết định chớp nhoáng và nhiều rủi ro của những người đứng đầu các doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ”.
You must be logged in to post a comment Login