Connect with us

Sách hay

10 cuốn sách về kinh doanh đáng chú ý

Được phát hành

,

“Nguyên lý Marketing”, “Ai nói voi không thể khiêu vũ”, “Giải mã doanh nhân”, “Nhỏ là đẹp”… là những cuốn sách kinh doanh gây được sự chú ý trong năm qua.

Năm 2022, nhiều cuốn sách về kinh doanh được thực hiện, cung cấp thông tin cho những người đang hoạt động kinh doanh, giúp những start-up thêm mạnh mẽ, đi đúng đường trên hành trình gây dựng sự nghiệp của mình. Dưới đây là một số đầu sách tiêu biểu về chủ đề kinh doanh trong năm qua.

Sach ve kinh doanh anh 1

Nguyên lý Marketing

NXB Đại học Quốc Kinh tế quốc dân – Alpha Books phát hành.

Được phát hành lần đầu tiên năm 1992, tới nay, Nguyên lý Marketing đã được các tác giả hiệu chỉnh 17 lần để cập nhật không ngừng những xu hướng chính ảnh hưởng đến hoạt động marketing đương đại. Phiên bản thứ 17 bao gồm rất nhiều câu chuyện minh họa cách thức doanh nghiệp sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tối đa hóa tương tác của khách hàng và định hình những cuộc trò chuyện, trải nghiệm cùng cộng đồng thương hiệu.

Với rất nhiều ví dụ và nghiên cứu tình huống thực tế, cuốn sách giúp người đọc ở trình độ nào cũng cảm thấy dễ hiểu, từ đó rút ra được bài học cho bản thân và ứng dụng nhanh vào thực tế.

Advertisement
Sach ve kinh doanh anh 2

Nền kinh tế trải nghiệm

NXB Công thương – Alpha Books phát hành.

Trải nghiệm chính là yếu tố giúp doanh nghiệp trở nên khác biệt, giúp khách hàng sẵn lòng bỏ thời gian, sự quan tâm và tiền bạc vào dịch vụ của doanh nghiệp đó. Để tồn tại và vươn lên, để giành giật sự chú ý và lòng trung thành của khách hàng, doanh nghiệp phải không ngừng cải thiện trải nghiệm của họ.

Trong cuốn sách này, Pine và Gilmore bàn về cách các nhà sản xuất nên “trải nghiệm” hàng hóa của chính họ và biến việc cung cấp dịch vụ thành một sân khấu thật lộng lẫy. Chất lượng của trải nghiệm được cung cấp (mức độ thú vị, ấn tượng, tính giáo dục, hữu ích…) sẽ quyết định mức giá người tiêu dùng phải bỏ ra. Mức giá này có thể cao hơn chính bản thân hàng hóa hoặc dịch vụ đó.

Sach ve kinh doanh anh 3

Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba

NXB Tổng hợp TP.HCM – First News phát hành.

Sách ghi lại trải nghiệm và những đúc kết của nữ tướng Zhuo Julie trong gần 10 năm quản lý, dẫn dắt nhiều nhóm nhân tài tạo nên những sản phẩm thành công ở Thung lũng Silicon.

Sách cũng đề cập đến mọi khía cạnh mà một người quản lý cần biết: Điểm mấu chốt về lòng tin con người, bí kíp làm quen trong “3 tháng đầu tiên”, cách cân bằng và quản lý bản thân… Cùng đó, Julie đưa ra hàng loạt chỉ dẫn về mọi công việc liên quan: Phản hồi, tổ chức cuộc họp, tuyển dụng, nuôi dưỡng văn hóa, kiểm soát những sự việc bất ngờ…

Sach ve kinh doanh anh 4

Ai nói voi không thể khiêu vũ

NXB Công thương – Alpha Books phát hành.

Cuốn sách của tác giả Louis V. Gerstner Jr nói về 2 giải pháp “cứu” IBM khỏi bờ vực thẳm mất phương hướng, nợ nần và phá sản: một là thay đổi “văn hoá tư duy” của IBM, hai là “mọi thứ đều bắt đầu từ khách hàng”. Chiến lược này đã đúng và làm sống dậy IBM một lần nữa. Điều này cho thấy một doanh nghiệp không thể tách khỏi thị trường giống như một cây xanh không thể tách rời khỏi đất. Nếu tách khỏi thị trường quá lâu, cái hình thái doanh nghiệp đấy sẽ trở nên lệch lạc, không lành mạnh và sớm tàn lụi.

Advertisement

Ngoài ra, cuốn sách cũng chứng minh được rằng các tập đoàn lớn với hệ thống tổ chức khổng lồ vẫn có thể linh hoạt như các doanh nghiệp vừa và nhỏ – voi cũng có thể khiêu vũ – tất cả chỉ phụ thuộc vào khả năng của người điều hành.

Sach ve kinh doanh anh 5

Bơi cùng cá mập mà không bị nuốt chửng

NXB Công thương – Alpha Books phát hành.

Nếu một doanh nghiệp muốn sống chung trong một thị trường với các doanh nghiệp ‘cá mập’ khác thì cần thật sự đầu tư vào nguồn sức mạnh từ bên trong. Bơi cùng cá mập mà không bị nuốt chửng là tài liệu hữu ích cho các doanh nhân, các cấp quản lý, lãnh đạo có thể tham khảo, học hỏi.

Cuốn sách đề cập tới cả những điều “không thể, không được” trong giới kinh doanh. Do đó, cùng với những bài học về các giá nội tại của doanh nghiệp thì ta còn hiểu thêm về các kiến thức, nguyên tắc để cạnh tranh trên thị trường.

Sach ve kinh doanh anh 6

Giải mã doanh nhân

Tân Việt Books – NXB Dân trí phát hành.

Cuốn sách của David Sax thẳng thắn chỉ ra những lầm tưởng trong công việc, cuộc sống và tâm hồn của các nhà khởi nghiệp. Thông qua việc kể lại một hành trình hấp dẫn, tìm kiếm thực tế của tinh thần kinh doanh, tác giả thực hiện một cuộc giải mã về những con người làm nghề kinh doanh.

Cuốn sách dành cho những ai đang khởi nghiệp hoặc có ý định khởi nghiệp, giúp họ thấy được những khó khăn, thách thức và giấc mơ của doanh nhân. Trải nghiệm từ các “kiểu” doanh nhân được chia sẻ một cách đầy thú vị, khiến ai nấy đọc cũng đều vỡ lẽ ra nhiều điều.

Advertisement
Sach ve kinh doanh anh 7

Hơn cả khởi nghiệp 2.0

NXB Trẻ phát hành năm 2022.

Kinh doanh luôn hướng đến lợi nhuận, nhưng chỉ lợi nhuận thì không đảm bảo cho sự phát triển trường tồn. Những công ty có bề dày lịch sử đều dần dần xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh, và khẳng định những giá trị cốt lõi làm nên doanh nghiệp.

Hơn cả khởi nghiệp 2.0 phân tích kỹ về nghệ thuật lãnh đạo doanh nghiệp, cách xác định sứ mệnh, cách ra quyết định trong kinh doanh lẫn quyết định liên quan đến con người, mô hình trao quyền hợp lý cho nhân viên. Về tầm nhìn doanh nghiệp, sách bàn về cách định mục tiêu từng giai đoạn một cách sáng suốt, đánh giá các thách thức để từng bước giải quyết, không choáng ngợp.

Sach ve kinh doanh anh 8

Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại

Tân Việt Books – NXB Dân trí phát hành.

Trong Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, thông qua câu chuyện về sự sụp đổ của Đế chế Inca, Paul Williams và Andreas Krebs giúp bạn đọc tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi đó với những bí quyết để trở thành một lãnh đạo sáng suốt, định hướng về tầm nhìn cho doanh nghiệp thông qua câu chuyện của những nhà điều hành các tập đoàn quốc tế, doanh nghiệp gia đình, công ty khởi nghiệp, tư vấn.

Sach ve kinh doanh anh 9

Nhỏ là đẹp

NXB Công thương – Thái Hà Books phát hành.

Cuốn sách là một tập hợp các bài luận và bài phát biểu được viết và công bố trong nhiều năm của TS E.F. Schumacher.

Tác giả cho rằng những quan niệm của kinh tế hiện đại đang xem tiêu thụ là mục tiêu cuối cùng và duy nhất cho tất cả hoạt động kinh tế. Vì thế, đa số doanh nghiệp đã dùng mọi phương thức để kích thích lòng tham của con người. Thực trạng này đang diễn ra tại nhiều nơi, làm đảo lộn lối sống, đánh tráo nội hàm các giá trị, tạo ra sự khủng hoảng xã hội và để lại những hậu quả làm xói mòn niềm tin, gia tăng sự vô cảm…

Advertisement

Thông qua 4 phần, 19 chương, tác giả đã nêu lên những góc nhìn đáng suy ngẫm về các vấn đề nổi cộm hiện nay và đưa ra con đường mới để xây dựng nền kinh tế phục vụ hướng doanh nghiệp đến sự phát triển bền vững.

Sach ve kinh doanh anh 10

Đường đến tự do

NXB Dân trí – First News phát hành năm 2022.

Sách giúp bạn đọc nhận ra mục tiêu tự do tài chính không phải là giấc mơ ngoài tầm với, quản lý tiền bạc và đầu tư cũng chẳng hề phức tạp và cao siêu. Nó cũng tương tự việc nấu một món ăn, trồng cây hay chăm sóc sức khoẻ, chỉ cần bạn làm quen và hiểu được “các nguyên tắc của trò chơi”. Mallouk và Robbins đã phân tích cặn kẽ khái niệm tự do tài chính và đơn giản hóa nó thành một quá trình có nhiều bước nhỏ để bất kỳ ai cũng có thể đạt được mục tiêu này nếu thật sự quyết tâm.

Nguồn: https://zingnews.vn/10-cuon-sach-ve-kinh-doanh-dang-chu-y-post1385794.html

Advertisement
Tiếp tục đọc
Quảng cáo
Nhấn vào đây để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Sách hay

Dí dủm Trần Chiến

Được phát hành

,

Bởi

Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi mời bạn đọc tập truyện ngắn “Tỏ giăng tỏ đèn” của nhà văn Trần Chiến.

Ông này lạ. Quê gốc Nam Định họ Trần, con một nhà cách mạng nổi danh, sinh ở miền trung du thời kháng Pháp (nghe đâu cái tên khai sinh Trần Trường Chiến là do cụ thân sinh rút gọn từ câu khẩu hiệu “trường kỳ kháng chiến” hồi ấy mà ra), nhưng ông lại rặt người phố, sống cả đời ở phố. Phố Hà Nội.

Học văn khoa ra làm báo mà được truyền máu sử của người bố nên ông cũng thích tỉ mẩn sục sạo phố phường, sục vào các xó xỉnh cả vật chất lẫn tinh thần của xứ kinh đô xưa, thủ đô nay. Ông nhìn từng ngôi nhà góc phố lục lọi quá khứ ẩn bên trong đằng sau nó. Ông trò chuyện với từng con đường, hàng cây, mái nhà nghe ra tiếng vọng của quá khứ lịch sử.

Ông giở từng trang sách Việt sách Pháp viết Thăng Long – Hà Nội tìm dấu vết xưa còn ghi lại. Từ đó có một Hà Nội trong văn của Trần Chiến – một Hà Nội riêng của Trần Chiến.

Truyện phố ông viết là viết về những con người Kẻ Chợ bình thường nhưng mang khí chất Hà Nội, kể cả cái hay cái dở. Ông rất khó chịu với sự tràn lấn của dân ngoại tỉnh, nhất là từ vùng phên dậu, vào đất kinh kỳ làm nhòe nhoẹt phẩm giá của đất và người thủ đô. Có lẽ cái sự khó chịu ấy của ông có nguyên do từ cuộc biến thiên lịch sử hào hùng và xô bồ thời hiện đại.

Advertisement

Bằng những trang viết của mình ông muốn viết một thứ lịch sử của phố bằng văn chương những mong cứu vớt và giữ lại chút gì của chốn ngàn năm văn vật. Hà Nội trong truyện Trần Chiến là nỗi hoài niệm cảnh cũ người xưa. Nhưng ông cũng đủ tỉnh táo để thấy và viết ra những nét tính cách của các thị dân thời nay, ngay ở chính nơi phồn hoa đô hội.

Tran Chien anh 1

Tập truyện ngắn Tỏ giăng tỏ đèn của nhà văn Trần Chiến. Ảnh: ST.

Ấy vậy, ông lại có những truyện viết về nông thôn và người quê như thể ông là người sống lâu năm ở làng, là một trưởng thôn trưởng họ, chuyện trong nhà ngoài ngõ ti tỉ tì tì cái gì cũng biết. Trong những truyện đó ông chủ yếu đi sâu bóc tách các mối quan hệ ràng rịt ở thôn quê, nhất là quan hệ họ hàng. Kiểu một ông lão mà hễ xảy việc gì ở làng trên xóm dưới cũng có thể nói cho người trong cuộc biết anh là con nhà ai cháu ông bà nào quan hệ với người này người kia ra sao, chi trên chi dưới thế này thế nọ, khéo không cái tay gây chuyện ấy còn có họ xa với anh đấy, phải gọi anh bằng bác đấy. Thì cũng là từ thực tế ở nhà mình làng mình thôi, mỗi khi nhà văn về quê, sống trong không khí họ mạc.

Thời nay đừng tưởng cái chuyện thân tộc đã nhẹ đi, ngược lại, nó vẫn lằng nhằng dai dẳng, có khi còn phức tạp nặng nề hơn trong một xã hội hiện đại coi nặng quan hệ, địa vị cá nhân gắn với dòng tộc. Truyện nông thôn của Trần Chiến vừa bám sâu mạch xưa vừa cập nhật đời nay nên ở cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập” (2019 – 2021) của báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt tổ chức ông đã giành giải nhất với truyện Con chú con bác. Một khía cạnh khác ở mảng truyện nông thôn là mối quan hệ phố – làng cũng được ông quan tâm thể hiện khi người phố vẫn bị ràng buộc dây mơ rễ má với làng, còn người làng lên phố làm ăn vẫn thấy phố xa cách với mình.

Đọc truyện Trần Chiến ở mảng này tôi lắm khi bất giác thốt ra lời của nhà phê bình văn học Hoài Thanh “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Tác giả Thi nhân Việt Nam viết câu đó khi bình về thơ Nguyễn Bính với những quang cảnh hội hè đình đám yêu đương ở làng quê xưa. Còn tôi nhớ lại câu đó vì qua truyện Trần Chiến tôi thấy ra căn cốt con người Việt Nam hiện đại vẫn còn nặng chất nông dân.

Các truyện trong tập sách này có cả hai mảng viết phố thị – làng quê của Trần Chiến. Nhưng tôi muốn nói đến cách viết của ông. Một lối văn kể truyện dí dủm. Ở đời ông không nói nhiều, không nói to, cứ rủ rỉ rù rì, tháng năm một câu tháng mười một câu, đang nói chợt im, lâu lâu lại tiếp chuyện. Vậy mà người nghe phải lắng nghe và chợt ồ à. Đó là do cái sự dí dủm nói chuyện của ông.

Advertisement

Ông đưa cái giọng dí dủm đó vào truyện. Một giọng điệu ngay từ đầu kéo người đọc nhập cuộc với nhân vật, như đang cùng nhân vật trò chuyện, bỡn cợt, tranh cãi. Nhẩn nha, rề rà, kề cà, câu văn cứ quấn túm chằng chịt vào nhau lời kể lời thoại. Mà ngay cả đối thoại của các nhân vật trong truyện cũng là nằm trong một mạch thoại của tác giả diễn tiếp, nối dài. Mạch thoại theo giọng điệu dí dủm của tác giả khiến câu truyện được kể có ý vị trào lộng.

Phải, truyện Trần Chiến luôn phảng phất một cái cười tủm của tác giả – của một người như đã biết tỏng mọi sự đời, đã thấy ra những sự long trọng nghiêm trang ở đời cũng chỉ là vầy vậy thôi. Tôi những muốn mượn tên một vở kịch của Shakespeare để nói cái ý trong truyện của Trần Chiến – “Much Ado About Nothing” (“Chuyện có gì đâu mà rộn”).

Nhưng có lẽ thế, hay chính thế, truyện ông lại khiến người đọc đọc xong phải ngồi ngẩn ra ngẫm cái sự đời, nhận ra những cái lăng xăng bận rộn, nhiễu nhương rắc rối của người ta ở đời nhiều khi chả để làm gì, thấy ra cứ sống tự nhiên bình thường đừng to ve tỏ vẻ, đừng làm khổ nhau vì cái này cái nọ lại là cách sống tốt nhất. Trần Chiến dí dủm với sự ngày xưa đã đành. Ông còn dí dủm được cả với sự ngày nay, khi nhân vật trong truyện là những người trẻ của bây giờ ở thời đại @. Đọc ông vì thế có được sự dí dủm văn chương thú vị.

Trần Chiến là người thích đi. Đi một mình. Quá lắm và thi thoảng lắm có thêm một, hai người bạn có thể nói chuyện được. Ông đi không phải theo lối du lịch phớt qua mà đi với con mắt nhà sử và cái hồn nhà văn.

Nơi ông thường thích đến là các vùng miền núi phía Bắc. Một mình lụi cụi khoác ba lô bắt xe khách đi, một mình lặn lội lên rẻo cao, tìm đến một bản làng nào đó tá túc, một mình tha thẩn đây đó bằng chân hay bằng xe máy thuê, một mình gặp gỡ cư dân bản địa trò chuyện, hỏi han, một mình tận hưởng niềm vui của người khám phá khi biết thêm được một kiến thức, phát hiện thêm được một địa chỉ, gợi mở thêm được một chuyện mới. Mà cái cách hỏi chuyện người dân của Trần Chiến cũng rõ là dí dủm. Không phải là kiểu hỏi của khách du chỉ hỏi cho có. Không phải là kiểu hỏi của cánh nhà báo cứ chăm chăm moi thông tin. Không phải là kiểu hỏi của người miền xuôi với người miền ngược tỏ vẻ ta đây văn minh. Không phải kiểu hỏi của người Tây nhìn người Nam theo tâm lý chuộng lạ. Mà là kiểu hỏi của Trần Chiến: cứ nhẩn nha, rề rà, hỏi mà như không hỏi, chỉ như là đưa đẩy câu chuyện, rồi trong mạch chuyện đang ăn nhập với chủ nhà vì khách nói đâu biết đó thì chợt buông ra một câu hỏi cốt để biết rõ hơn cái đã biết chứ không phải để biết cái chưa biết, và khi rõ hơn rồi thì câu chuyện lại tiếp tục chủ nói khách nghe.

Advertisement

Khi về lại phố, thảng hoặc trong lúc nào đó trà dư tửu hậu ông thủng thẳng nói à mình mới đi một chuyến lên kia, à mình mới biết được cái này lạ lắm, à thì ra cái điều mình nghe trước nay nó không phải thế mà là thế này…

Cứ vậy Trần Chiến bồi dày thêm vốn sống vốn sử vốn văn của mình. Nhà sử thì tìm kiếm sự kiện, liên kết, ráp nối mạch cũ mới, xưa nay. Nhà văn thì săn tình tiết, dựng cốt truyện, tạo nhân vật, sắp sẵn một tác phẩm mới. Có thể chưa phải là ngay lúc ấy, tại chỗ, mà mãi về sau. Nhưng đấy là cách riêng Trần Chiến tìm hiểu cuộc sống, hay “thâm nhập cuộc sống” như cách nói một thời, ở tư cách một nhà văn.

Ông biết quan sát ở những chi tiết nhỏ nhất, thoáng qua, trong diễn biến thay đổi của con người. Cho nên người đọc thấy ở truyện của ông những cảnh đời sinh động rất thực, ngỡ như nhà văn chỉ việc lấy ra từ đời sống. Hay nói cách khác, Trần Chiến nhìn vào đâu cũng thấy có chuyện và thấy ra truyện. Đó là một phẩm chất quý của nhà văn nơi ông.

Trần Chiến lặng lẽ viết. Ông ít đàn đúm hội hè, càng ít đăng đàn lớn tiếng. Sách ông ra, truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp văn, tính đã đến hàng chục. Được mời vào hội nhà văn cả nước nhưng ông lắc. Sự dí dủm của ông trong cuộc sống ai gần mới biết. Vào văn sự dí dủm ấy được ngấm thấm hơn nhưng người đọc tinh mới thấy. Với ông có thể nói đó đã là một sự lựa chọn sống và viết. Trần Chiến dí dủm.

Đọc tập truyện này, cũng như các tập khác của ông, bạn sẽ gặp được một Trần Chiến nhà văn như vậy, và khác vậy nữa.

Advertisement

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Nguồn: https://zingnews.vn/di-dum-tran-chien-post1435090.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Tâm hơn thuốc

Được phát hành

,

Bởi

Dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học, cuốn sách chỉ ra rằng biện pháp cải thiện tâm lý, suy nghĩ tích cực có thể phòng tránh bệnh tật và giải quyết một số vấn đề về sức khỏe của con người.

Công nghệ phát triển đồng nghĩa với việc chúng ta có thể làm việc gần như mọi nơi, mọi lúc, và sức khỏe của nhân viên ngày càng kém đang phản ánh hậu quả của cách làm này.

tam hon thuoc anh 1

Ảnh: The Guardian.

Chúng ta đều biết rằng sự căng thẳng trong công việc hoàn toàn không tốt và có thể chuyển thành các triệu chứng thực thể. Bất cứ ai từng bị đau nửa đầu sau một cuộc tranh luận nảy lửa hoặc bị tê cứng vai gáy sau khi bị cấp trên chỉ trích có thể chứng thực điều đó. […]

Bạn có thể không nghĩ nhiều về cách mà công việc ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu bị bệnh, bạn có thể cho rằng nguyên nhân là một khiếm khuyết về gen, chế độ ăn kém, ít tập thể dục hoặc do mất cân bằng sinh hóa – và điều này thực sự có thể đúng. Nhưng căng thẳng trong công việc cũng có thể là một yếu tố đóng góp vào, hay thậm chí còn có thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh.

Advertisement

Bạn có thể ngạc nhiên khi nhận ra rằng đơn thuốc cho căn bệnh của bạn có thể không phải là thuốc hay phẫu thuật mà đôi khi chỉ đơn giản là tìm ra những phương cách mới để xử lý căng thẳng trong công việc, thay đổi công việc hiện tại để giảm bớt lo lắng hoặc thậm chí là tìm một nghề nghiệp mới.

Hóa ra, bạn thực sự có thể làm việc đến chết. Bạn cũng có thể nương theo niềm vui trong công việc để khỏe mạnh trở lại.

Ở Nhật Bản, người ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về ảnh hưởng của căng thẳng trong công việc đối với sức khỏe. Họ thậm chí còn gọi nó là karoshi, hay “chết vì làm việc quá sức”.

Giống nhiều người trong số 7,7 triệu người Nhật khác đã làm việc hơn 60 giờ/tuần trong nhiều tuần liền, Satoru Hiraoka là một nhân viên tốt, kiểu người đặt công việc ở thứ tự ưu tiên trên hết và gia đình ở cuối cùng, từ chối mọi ý niệm phù phiếm như thời gian nhàn rỗi, nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ.

Trong hơn 28 năm, Hiraoka, một quản lý cấp trung của nhà máy sản xuất vòng bi chính xác Tsubakimoto Seiko ở Osaka, đã làm việc chăm chỉ từ 12 đến 16 giờ một ngày, thường là hơn 95 giờ mỗi tuần. Đây hoàn toàn không phải là con số được cường điệu. Các bảng chấm công của Hiraoka cho thấy rằng trong một năm trước khi qua đời, Hiraoka đã có hơn 1.400 giờ làm thêm.

Advertisement

Giống một nhân viên hoàn hảo, anh không bao giờ nghỉ bệnh, không bao giờ nghỉ phép, cũng không tạm gác công việc để tham dự các trò chơi của con ở trường học. Anh là một kigyosenshi (người lính của tập đoàn) lý tưởng.

Rồi đến một ngày, ngày 23 tháng hai năm 1988, sau khi làm việc 15 giờ, người đàn ông 48 tuổi này về đến nhà và bị suy tim đột ngột. Anh chết ngay tức khắc.

Cái chết của Hiraoka và hàng chục nghìn người khác giống anh có thể đã không được chú ý, nếu không có một nhóm các chuyên gia y tế nghề nghiệp và bác sĩ tim mạch Nhật Bản nghiên cứu về hiện tượng này. Các bác sĩ nhận thấy rằng những người làm việc quá sức có nguy cơ tử vong đột ngột tăng vì các bệnh tim mạch và não, chẳng hạn đau tim và đột quỵ. Trường hợp đầu tiên đã được báo cáo vào năm 1969, khi một công nhân chết vì đột quỵ ở tuổi 29.

Nhưng đến năm 1987, Bộ Lao động Nhật Bản mới bắt đầu thu thập số liệu thống kê về karoshi. Kể từ thời điểm đó, giới chức Nhật Bản ước tính có khoảng 10.000 trường hợp karoshi xảy ra mỗi năm. Một số luật sư và học giả cho rằng hàng năm số người chết vì karoshi ở Nhật Bản bằng hoặc cao hơn số người tử vong do tai nạn giao thông ở nước này.

[…]

Advertisement
tam hon thuoc anh 2

Ảnh: Shutterstock.

Làm việc đến chết không phải là một hiện tượng mới và cũng không chỉ riêng người Nhật gặp phải tình trạng này. Vào tháng sáu năm 1863, một tờ báo ở London đã tường thuật câu chuyện có tên là “Chết chỉ vì làm việc quá sức” (Death from Simple Over-work) kể về một phụ nữ 20 tuổi đã chết sau một thời gian làm việc trung bình hơn 16 tiếng một ngày (ca làm việc tối đa lên đến 30 giờ trong mùa cao điểm) tại một nhà máy may. Dù điều này nghe có vẻ giống trong những tiểu thuyết của Dickens, nhưng sự thật là nó xảy ra ngay tại đây, ở Mỹ, cũng nhiều như ở Anh hay Nhật Bản.

Thời đại thông tin đã biến chúng ta thành những người nghiện công việc, những người không còn bị buộc phải tạm nghỉ trong khi đợi thư tín truyền thống và các bản ghi nhớ trao tay. Giờ đây, không chỉ các bác sĩ phải trực 24/7. Hầu hết chúng ta đều như vậy.

Sự ra đời của thư điện tử, điện thoại di động, máy nhắn tin, máy fax, máy tính xách tay và iPad đồng nghĩa với việc chúng ta có thể truy cập gần như mọi lúc, và sức khỏe của nhân viên ngày càng kém đi cũng đang phản ánh điều này. Sự ốm yếu không ngăn cản được người lao động đi đến nơi làm việc.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty bảo hiểm sức khỏe Oxford Health Plans cho thấy 1/5 số người Mỹ đi làm ngay cả khi họ bị ốm, bị thương hoặc phải đến gặp bác sĩ vào ngày hôm đó. Theo khảo sát của Expedia.com, cũng chính kiểu ám ảnh về công việc này đã làm khoảng 1/3 người Mỹ không sử dụng thời gian nghỉ phép.

Tương tự, khoảng 1/4 người lao động ở Anh không sử dụng hết thời gian nghỉ phép và nhiều người Pháp cũng thế. Điều khác biệt là hầu hết người châu Âu có nhiều thời gian nghỉ phép hơn, trung bình là 26 ngày đối với người Anh và 37 ngày đối với người Pháp, so với 14 ngày đối với người Mỹ. Một điểm khác biệt nữa là trong khi 137 quốc gia trả lương cho thời gian nghỉ phép theo quy định thì Mỹ là quốc gia công nghiệp duy nhất không làm điều này.

Advertisement

Việc không thể nghỉ ngơi thực sự có liên quan đến tình trạng chết sớm. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Tâm thể (Psychosomatic Medicine) vào năm 2000 đã xem xét 12.000 người đàn ông trong chín năm cho thấy rằng so với những người có nghỉ phép năm, những người không nghỉ phép hàng năm có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 21% và có nguy cơ tử vong do đau tim cao hơn 32%.

Trong một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Mỹ (American Journal of Epidemiology), các nhà nghiên cứu tại Johns Hopkins đã đánh giá dữ liệu thu thập được từ các bệnh nhân thuộc Nghiên cứu về Tim ở Framingham trong khoảng thời gian 20 năm và phát hiện ra rằng những phụ nữ chỉ đi nghỉ mát một lần mỗi sáu năm hay ít hơn có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch vành hoặc đau tim cao gần gấp tám lần so với những phụ nữ đi nghỉ mát hai lần mỗi năm.

Có lý do chính đáng giải thích tại sao Những người Nghiện công việc Vô danh (Workaholics Anonymous) hiện là chương trình 12 bước tích cực tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác. Mặc dù hầu hết dữ liệu về karoshi đến từ Nhật Bản, Tổ chức Lao động Quốc tế đã công bố dữ liệu thống kê cho thấy Mỹ đã vượt xa Nhật Bản về vấn đề làm việc quá sức.

Các bác sĩ và chính phủ Mỹ vẫn chưa công nhận karoshi là một căn bệnh chuyên biệt hay chi trả trợ cấp cho người lao động như cách của người Nhật, và chúng ta cũng rất khó khẳng định sự căng thẳng thường xuyên trong công việc có thể dẫn đến cái chết ở Mỹ nếu không xem xét kỹ nó. Nhưng bạn có thể đặt cược là nó ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người.

Nguồn: https://zingnews.vn/chet-vi-lam-viec-qua-suc-post1434947.html

Advertisement

Tiếp tục đọc

Sách hay

Chuyện ly kỳ, hài hước về giới văn chương và ngành xuất bản

Được phát hành

,

Bởi

Guardian nhận định rằng Rebecca F Kuang đã mang đến một câu chuyện thú vị về một vụ trộm văn học trơ trẽn trong “Yellowface”.

nganh xuat ban anh 1

Nhà văn Rebecca F Kuang. Ảnh: M Scott Brauer/The Guardian.

Sau thành công với tác phẩm Babel, Rebecca F Kuang tiếp tục ra mắt một cuốn tiểu thuyết ly kỳ giật gân, lấy bối cảnh ngành xuất bản và kể câu chuyện của hai tiểu thuyết gia trẻ ở Washington DC.

Một bên là Athena Liu, nhà văn thành công cả mặt phê bình lẫn thương mại vừa ký hợp đồng với Netflix; bên còn lại là Juniper Hayward, người có tác phẩm đầu tay bị độc giả lãng quên, doanh thu kém nên không được phát hành bản bìa mềm.

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu với cảnh đôi bạn nâng cốc chúc mừng thành công của Athena trong căn hộ sang trọng của cô ấy; Juniper, đang kìm nén sự phẫn uất của mình thì đột nhiên, Athena bị nghẹn một chiếc bánh kếp nhà làm và qua đời.

Advertisement

Tai nạn có một không hai này là bước ngoặt đầu tiên dẫn dắt mạch chuyện đến một vụ trộm bản thảo trơ trẽn.

Trước đó, Athena cho Juniper xem bản thảo bí mật mới của mình – một cuốn tiểu thuyết sử thi về những công nhân Trung Quốc được quân đội Anh tuyển mộ trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhân cơ hội, Juniper đã trộm bản thảo rồi xuất bản nó dưới tên của chính mình, lấy bút danh mới là June Song.

nganh xuat ban anh 2

Bìa sách Yellowface. Ảnh: Goodreads.

Vậy là mọi giấc mơ của Juniper đều trở thành hiện thực: Khoản ứng trước (trong xuất bản sách) hàng triệu đôla, lời khen từ giới phê bình, một vị trí trong danh sách bán chạy nhất của New York Times.

Tất nhiên, vẫn có một vài vấn đề nhỏ: Mẹ của Athena đã cầm cố sổ ghi chép nghiên cứu của con gái mình cho kho lưu trữ của trường đại học, chưa kể đến một số lời cằn nhằn từ một trợ lý biên tập người Mỹ gốc Á. Juniper đương đắm chìm trong ánh hào quang rực rỡ thì cộng đồng mạng lên tiếng và cô dính phốt đạo văn.

Nhằm bảo vệ cho lời nói dối của mình dưới mũi dùi dư luận, Juniper không chỉ lừa dối người ngoài mà lừa dối cả chính bản thân mình. Juniper tự nhủ rằng suy cho cùng, cô đã viết nốt một bản nháp mà có thể không bao giờ được hoàn thành kia mà. Vả lại, ngay từ đầu, chẳng phải Athena từng khai thác những chi tiết nhạy cảm về cuộc sống cá nhân của Juniper cho truyện ngắn đầu tay. Đã thế, các nhà văn da trắng thời nay luôn bị đánh giá, xét nét đủ thứ…

Advertisement

Yellowface chuyển biến từ một câu chuyện về tình bạn kỳ phùng địch thủ thành một câu chuyện báo thù rùng rợn và thậm chí là một chuyện ma. Tác phẩm không những mang đậm tính giải trí, mà còn hàm chứa ý nghĩa phê phán thực trạng ngành xuất bản, phê phán thái độ của cộng đồng này trước vấn đề đa dạng sắc tộc.

Cây viết Anthony Cummins của tờ Guardian dành lời khen cho những tình tiết hài hước tréo nghoe trong Yellowface. Đơn cử, Juniper tự huyễn hoặc rằng mình đã viết cuốn tiểu thuyết của Athena, nhưng lại rất vui mừng khi các nhà phê bình chỉ trích cuốn sách vì như thế nghĩa là Athena viết kém.

Theo Cummins, Kuang dường muốn nói rằng chúng ta đều là những kẻ bịp bợm và rằng bất kỳ hành động sáng tạo nào cũng là hành vi ăn cắp vặt dưới hình thức này hay hình thức khác.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Advertisement

Trân trọng

Nguồn: https://zingnews.vn/chuyen-ly-ky-hai-huoc-ve-gioi-van-chuong-va-nganh-xuat-ban-post1435037.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng