World Cup 1978 là kỳ cúp thế giới đầu tiên được phát sóng qua tivi tại Nhật Bản. Hình ảnh những mảnh giấy bay khắp sân cỏ cùng mái tóc sư tử của Mario Kempes khiến chàng trai 18 tuổi Yoichi Takahashi mê mẩn.
Nuôi mộng họa sĩ vẽ truyện tranh từ trước đó, Takahashi chắc mẩm mình sẽ cho ra bộ truyện về bóng chày hoặc sumo, những môn thể thao quốc dân của Nhật Bản ngày đó. Nhưng World Cup 1978 thay đổi tất cả.
Giấc mơ bóng đá Nhật Bản bắt đầu từ hình tượng Tsubasa hay Kojiro. |
Giấc mơ Tsubasa
Những hình ảnh sống động về World Cup 1978 khiến Takahashi hạ quyết tâm phải vẽ bằng được một bộ manga về bóng đá. Trả lời Marca vào năm 2012, ông thừa nhận mình đã vừa vẽ vừa theo dõi Barca thi đấu ngày đó. Ông thích Camp Nou và triết lý của Barca. Cứ thế, Tsubasa ra đời.
Nhân vật chính của bộ truyện là cậu nhóc 11 tuổi, Oozora Tsubasa. Giấc mơ của Tsubasa là một ngày nào đó “đưa ĐT Nhật Bản vô địch World Cup”. Tsubasa được tuyển chọn vào đội U16 quốc gia và vô địch thế giới sau khi đánh bại ĐT Đức.
Takahashi mất tới 3 năm để đưa Tsubasa từ trang giấy vẽ của mình trở thành truyện và phát hành trên tạp chí danh tiếng Weekly Shonen Jump. Quãng thời gian chờ đợi ấy hoàn toàn bõ công khi Tsubasa nhanh chóng trở thành hiện tượng xuất bản tại Nhật Bản.
Trong truyện, Tsubasa tới chơi bóng tại Barca với Rivaldo và Luis Figo. Ảnh: Japantime. |
Tất cả say mê theo dõi từng bước đi của Tsubasa, từng trận đấu đưa bóng đá Nhật Bản ra thế giới. Họ ngóng chờ cậu bé Tsubasa sẽ làm gì với tài năng thiên bẩm của mình, chờ đợi Kojiro dũng mãnh sẽ xử trí ra sao trên sân cỏ, nín thở chờ những pha xử lý đầy điềm tĩnh của Misugi hay xoa tay nhìn Genzo bắt bóng.
Trong thập niên 80 và 90, bóng đá phát triển như vũ bão tại xứ sở mặt trời mọc. Tsubasa là bộ truyện góp công lớn nhất trong cú đại nhảy vọt đó.
Gần 40 năm đã trôi qua từ ngày Tsubasa lần đầu xuất hiện. Bộ truyện của Takahashi giờ thành bất tử với 15 bộ manga khác nhau, 6 bộ anime, 4 phim người đóng, 14 trò chơi điện tử, cùng sức ảnh hưởng không tưởng.
Từ ngưỡng gây sốc tại giải U16 thế giới, Tsubasa dưới ngòi bút của Takahashi đã đưa giấc mơ bóng đá Nhật Bản vươn xa không điểm dừng.
Tsubasa xuất ngoại, hướng tới trời Âu để khoác áo Barca và lập hat-trick trong trận El Clasico với Real Madrid. Không chỉ Tsubasa, Takahashi còn xây dựng nên cả những Hyuga Kojiro, Genzo, Jun Misugi… Tất cả đều tới khoác áo những đội bóng danh tiếng của châu Âu như Inter Milan, Juventus hay Hamburg…
Tsubasa trở thành cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất Nhật Bản, vượt xa những tượng đài có thật như Hidetoshi Nakata hay cả ông vua Kazuyoshi Miura.
Nhiều người vẫn tin Kazu Miura là hình tượng để Takahashi đưa Tsubasa, Kojiro, Misugi… xuất ngoại tới Serie A, La Liga hay Brazil chơi bóng. Song đối chiếu với giai đoạn bộ truyện ra đời, Tsubasa có thể mới chính là lý do khiến Kazu Miura huyền thoại bỏ Nhật Bản để tới Brazil học chơi bóng và bắt đầu hành trình chu du tới Croatia, Italy để đưa bóng đá Nhật Bản ra thế giới.
Trong bộ truyện, Tsubasa đã đưa ĐT Nhật Bản vô địch World Cup cùng những người bạn Kojiro, Genzo, Misaki, Misugi… Giấc mơ ấy có thể hoang đường nhưng 17 năm sau ngày Tsubasa xuất bản những số đầu tiên, Nhật Bản đã tham dự VCK World Cup đầu tiên vào năm 1998. Một thành tích khó tin với quốc gia chỉ có giải VĐQG chuyên nghiệp trước đó đúng 6 năm.
Bóng đá Nhật Bản giờ đã vươn ra thế giới hệt như trong truyện Tsubasa với những thế hệ cầu thủ tài năng chơi bóng tại những đội bóng hàng đầu châu Âu.
Người dân Nhật Bản từ chỗ không biết sân bóng dài ngắn ra sao, cỏ dày mỏng như thế nào, giờ đã đam mê bóng đá cuồng nhiệt. Những học viện bóng đá xuất hiện dày đặc, những ngôi sao trình làng liên tục.
Nhiều thế hệ người Nhật Bản đã lớn lên với giấc mơ bóng đá được vun đắp từ chính những trang truyện Tsubasa.
Nguồn cảm hứng bất tận
Trả lời Nippon vào năm 2011, họa sĩ Takahashi từ chối nhận công lao thúc đẩy sự phát triển của bóng đá Nhật Bản qua hình tượng Tsubasa.
Ông nói: “Tôi không nghĩ bộ truyện Tsubasa lại có sức ảnh hưởng lớn như cách tất cả đang ghi nhận vào lúc này. Tôi thật ra cũng rất mừng vì mọi người nói vậy, thực lòng tôi cảm thấy vui với cái ý nghĩ mình đã góp được một phần công sức cho sự vươn lên của bóng đá Nhật Bản”.
Sự khiêm tốn đúng kiểu Nhật Bản của ông Takahashi không làm thay đổi sự thật Tsubasa đã vươn ra ngoài biên giới xứ sở mặt trời mọc để trở thành niềm cảm hứng về bóng đá trên toàn thế giới.
Iniesta gặp mặt họa sĩ Yoichi Takahashi, cha đẻ của bộ truyện Tsubasa. Ảnh: OhmyGoal. |
Fernando Torres nhấn mạnh Tsubasa đã thay đổi cuộc đời anh từ khi còn là một cậu bé. “Khi ấy tôi còn nhỏ, bạn bè ở trường đều bàn tán về một bộ phim hoạt hình từ Nhật Bản có tên Oliver y Benji theo tiếng Tây Ban Nha. Nó nói về có 2 cầu thủ trẻ, trưởng thành cùng nhau, được triệu tập lên tuyển, vô địch World Cup rồi chuyển tới Barcelona và Bayern Munich. Cứ như một giấc mơ vậy”, Torres nói.
“Tôi bắt đầu chơi bóng đá chính nhờ bộ phim hoạt hình ấy. Tôi muốn trở thành Oliver (tức Tsubasa – PV)”.
Không chỉ Torres, những nhà vô địch World Cup khác là Zinedine Zidane, Gennaro Gattuso và Thierry Henry cũng lớn lên với những hồi ức về Tsubasa. Alexis Sanchez khi mới chuyển tới Barca từ Udinese đã mang theo bộ sưu tập Tsubasa.
“Sanchez luôn tự coi mình là nhân vật hoạt hình trong đó. Cậu muốn chạy mãi, chạy mãi để tìm bàn thắng vàng”, người đại diện Nicolas Olea của chân sút người Chile bộc bạch.
Tình yêu và sự ngưỡng mộ với Tsubasa còn lớn đến mức huyền thoại Barca, Andres Iniesta, đã từ chối mọi lời đề nghị ở Italy, Mỹ, UAE để tới Nhật Bản chơi bóng sau khi rời Barca. Iniesta không giấu sự ngưỡng mộ với Tsubasa. Anh thậm chí từng gặp trực tiếp họa sĩ Takahashi để cảm ơn vì đã sáng tạo ra nhân vật truyền cảm hứng lớn trong sự nghiệp của mình
Chủ tịch Barca, Josep Bartomeu, từng mới họa sĩ Takahashi tới thăm sân Camp Nou vào năm 2016. Lionel Messi, chủ nhân của 6 Quả bóng vàng, dĩ nhiên cũng là fan trung thành của Tsubasa huyền thoại.
Alessandro Del Piero từng nhất quyết tới gặp bằng được họa sĩ Takahashi vào năm 2011 chỉ để cảm ơn ông. Huyền thoại của Juventus sau đó thừa nhận bản thân “mãn nguyện” vì cuối cùng cũng gặp được cha đẻ của Tsubasa.
Tại Việt Nam, Tsubasa cũng được xuất bản và để lại ấn tượng sâu sắc. Cả một thế hệ đã say mê cú đá đôi giữa Tsubasa và Misaki, tuyệt chiêu “cọp tát” của Kojiro, những pha lao lên sút phạt bất ngờ của thủ môn Genzo hay danh xưng mỹ miều “Đại bàng tung cánh” của Tsubasa.
Những CĐV Nhật Bản mang tấm băng rôn khổng lồ in hình Tsubasa tới World Cup 2018 ở trận đấu với Bỉ tại vòng 1/8. Ảnh: Getty. |
Ở góc độ nào đó, Tsubasa cũng mang ít nhiều cảm hứng bóng đá tới Việt Nam. Dù không trực diện như giấc mơ vô địch World Cup với người Nhật Bản, song đó cũng là ảnh hưởng đầy tích cực ở thời điểm thiếu thốn phương tiện giải trí như giai đoạn giữa thập niên 90.
Sẽ tròn 60 tuổi vào tháng 7 này, họa sĩ Takahashi vẫn đang tiếp tục xây dựng hình ảnh Tsubasa. Thậm chí, còn có hẳn một tạp chí tên Captain Tsubasa tại Nhật Bản ra đời ngay trong năm 2020 chỉ để phát hành phần truyện mới có tên Tsubasa: Rising Sun (tạm dịch Tsubasa: Thái dương bừng sáng).
Giấc mơ Tsubasa vẫn chưa khép lại với người Nhật Bản, và cả thế giới.