Tôi còn nhớ khi tôi còn đi học và vào những năm mà máy tính bắt đầu dần trở nên phổ biến trong đời sống của Việt Nam, khoảng năm 2002 và 2003, người ta cần đầu tư một số tiền có giá trị thị trường tương đương với ít nhất là 30 triệu đồng hiện nay để mua một chiếc máy tính để bàn có RAM 128 MB và ổ cứng 20 hay 40 GB gì đó.
Từ USB 128 MB tới lưu trữ đám mây
Giữa năm 2004, tôi và các bạn mình phải sử dụng chiếc đĩa mềm có dung lượng 1,44 MB để copy dữ liệu từ quán Internet sử dụng cho việc tham khảo và biên soạn một số tài liệu thiên văn ngày đó. Ở thời điểm đó, một chiếc USB dung lượng 128 MB là thứ hàng xa xỉ mà với hầu hết sinh viên đó vẫn còn là một mơ ước mà không phải ai cũng có thể biến thành hiện thực.
Hơn 15 năm sau, trên bàn làm việc của mình, tôi sử dụng một chiếc máy tính màn hình rộng với RAM 16 GB (gấp 125 lần thanh RAM 128 MB) được mua với mức giá chưa tới 25 triệu đồng, tức là sau khi tính tới sự trượt giá của thị trường thì nó rẻ hơn chiếc máy nêu trên.
Đĩa mềm dung lượng 1,44 MB và USB 128 MB đình đám một thời. |
USB là thứ từ lâu tôi đã không còn dùng tới, ngay đến những ổ cứng di động 1 hay 2 TB cũng chỉ còn được dùng để backup các dữ liệu quan trọng. Tôi đâu mấy khi cần dùng tới chúng để di chuyển dữ liệu cơ bản khi mà đã có Google Drive, OneDrive, Dropbox,…
Thậm chí, tôi còn có cả hosting riêng để nếu có cần in một tài liệu nào đó ở cửa hàng photocopy thì tôi chỉ cần tới đó và gõ một dòng link rất ngắn và dễ nhớ, hoàn toàn không phải lo lắng gì về việc bị nhiễm virus vào thiết bị hay bị mất thông tin khi đăng nhập ở những máy tính lạ.
Tôi cũng nhớ rằng năm 2005, tôi được mời viết một số bài báo và xuất hiện trên một chương trình của VTV để giới thiệu và hướng dẫn người yêu thiên văn trẻ tuổi chế tạo kính thiên văn từ ống nước và những mắt kính đơn giản được mua ở cửa hàng kính thuốc.
Còn ngày nay, không chỉ những chiếc kính đắt tiền với hệ thống điều khiển điện tử và tự bám mục tiêu đã trở nên không hiếm, mà ngay cả những bạn học sinh cũng có thể dễ dàng mua được những vật kính và thị kính chuyên dụng được khử quang sai cẩn thận cùng nhiều phụ kiện hỗ trợ mà 15 năm trước với chúng tôi vẫn còn là thứ chỉ dành cho người giàu.
Những bước nhảy khó tin
Vậy 30, 50 hay 100 năm nữa thì khoa học và công nghệ còn có thể phát triển tới đâu? Nếu như mới một vài thế kỷ trước, người ta không cần phải quá ngần ngại khi cho rằng “10 năm nữa thì về cơ bản thế giới vẫn thế thôi”, thì giờ đây bất cứ ai dám nói điều đó thì hoặc là đùa cợt, hoặc là hiểu biết quá ít về tốc độ phát triển của khoa học và công nghệ.
Dự đoán tương lai là một điều khó khăn, nhất là với sự phát triển nhanh và khó lường của khoa học và công nghệ ngày nay.
Cùng với “Vật lý của những điều tưởng chừng bất khả” thì một cuốn sách khác của Michio Kaku mà tôi đọc gần đây là “Vật lý của tương lai”.
Cuốn Vật lý của tương lai. Ảnh: ETS. |
Trong “Vật lý của tương lai”, Kaku đưa ra nhiều dự đoán về sự phát triển của khoa học và công nghệ trong gần một thế kỷ tới. Hiển nhiên, sự phát triển của khoa học và công nghệ liên quan trực tiếp tới chính đời sống hàng ngày của con người.
Kaku so sánh để bạn thấy được rằng cuộc sống với những tiện nghi mà bạn tận hưởng ngày nay là thứ hoàn toàn xa lạ, thậm chí không thể tưởng tượng với những người sống vào năm 1900. Vậy thì năm 2100 sẽ ra sao cũng sẽ là một câu hỏi lớn rất khó trả lời.
Một nhà khoa học tất nhiên không phải một thầy bói hay một nhà văn viễn tưởng. Nhà khoa học không thể dự đoán tương lai dựa trên trí tưởng tượng thuần túy mà phải dựa trên những nguyên lý khoa học, kết hợp với lịch sử và thực tế phát triển của khoa học và công nghệ. Michio Kaku đã làm chính xác điều đó.
Không chỉ thế, trong cuốn sách của mình, ông còn kết hợp ý kiến tham vấn từ rất, rất nhiều nhà khoa học và chuyên gia công nghệ hàng đầu để đưa ra một cái nhìn tổng quan nhất về viễn cành phía trước, và cuối cùng là dựng nên một thế giới mà bạn, hoặc con cháu của bạn sẽ sống vào năm 2100.
Phác thảo tương lai
Vậy khoa học và công nghệ ngày nay liệu sẽ phát triển tới đâu với nền tảng là các định luật của vật lý và tốc độ phát triển công nghệ ngày nay?
Theo Kaku, trong dưới 100 năm nữa, con người sẽ làm được những điều kỳ diệu đối với ngày nay. Máy tính sẽ tràn ngập khắp nơi, nhưng sẽ phát triển để không còn là những thiết bị cồng kềnh mà thay vào đó bạn có thể giao tiếp với chúng trên tường nhà bạn và để chúng khám sức khỏe của bạn mỗi ngày. Hay nói cách khác, việc Tony Stark giao tiếp với JARVIS khi đó sẽ chẳng có gì là lạ, nếu không muốn nói rằng đã lỗi thời.
Công nghệ không gian đã phát triển đủ để những con tàu chạy bằng buồm hứng năng lượng Mặt Trời hay sử dụng năng lượng nhiệt hạch dễ dàng đưa bạn đi du lịch Mặt Trăng hoặc Sao Hỏa, còn những con tàu liên sao không người lái đầu tiên thì đã bắt đầu được gửi đi khám phá các hệ hành tinh xa xôi. Robot sẽ vô cùng phổ biến, làm thay việc không chỉ của các công nhân mà còn pha café và phục vụ bạn tại các cửa hàng.
Elon Musk đang thực hiện dự án đưa con người đi du lịch Mặt Trăng. |
Cuối cùng thì, công nghệ nano và các nghiên cứu y khoa đã phát triển tới mức người ta có thể thay thế hầu như mọi thứ trên cơ thể bạn (trừ bộ não) và qua đó chữa lành hoặc khống chế gần như mọi bệnh tật, cũng như chặn đứng hay thậm chí đảo ngược sự lão hóa để bạn có thể sống hàng trăm năm hay hơn thế nữa.
Viễn tưởng và có vẻ xa vời quá. Đúng là như vậy nếu như chúng ta chỉ đang nhìn vào những gì mà nền văn minh ngày nay đang có mà không đánh giá một cách chính xác tốc độ phát triển ngày nay của khoa học và công nghệ.
Các khám phá khoa học mới về những gì diễn ra ở những nơi xa xôi trong vũ trụ hay trong chính cơ thể của chúng ta, những phát minh mới về những vật liệu của tương lai hay những phương thuốc để cải thiện sức khỏe của con người đang xuất hiện liên tục không phải hàng tuần, hàng tháng mà đôi khi là hàng ngày.
10 hoặc 20 năm tới, những tiện nghi mà chúng ta sử dụng sẽ rất khác ngày nay. Ngày nay, không ai còn dùng chiếc máy tính mà tôi dùng 17 năm trước để soạn thảo văn bản, thì hẳn rằng 15 năm nữa thôi, những đứa trẻ sẽ không thể tin được rằng cha mẹ chúng từng dùng một thứ “quá đỗi lạc hậu” như chiếc iPhone.
Hiểu biết sâu sắc về khoa học của Kaku cũng như của những nhà khoa học và chuyên gia công nghệ hàng đầu tham vấn cho ông đã giúp ông dựng nên một viễn cảnh dù xa xôi nhưng lại được xây dựng dựa trên những lập luận vững chắc và đầy thuyết phục.
Hẳn rằng, chẳng ai kiểm chứng được tương lai vào lúc này, và cũng hẳn rằng Kaku hay bất cứ ai khác đều không có một cỗ máy thời gian để dám chắc rằng những dự đoán này là hoàn toàn đúng.
Mặt khác, ngoài vấn đề phát triển khoa học và công nghệ thì những vấn đề về chính trị, kinh tế và xã hội cũng sẽ góp phần định hình thế giới của chúng ta, vì thế những dự đoán trong cuốn sách này chỉ có thể phác thảo cho bạn thấy những gì mà ít ra là về lý thuyết thì hoàn toàn có thể có trong dưới 100 năm tới.
Dù sao đi nữa, những cơ sở và lập luận dễ hiểu nhưng hết sức thuyết phục đó vẫn sẽ mang lại cho bạn một cái nhìn thoáng qua và phần nào chân thực về tương lai của chúng ta trong những thập kỷ tới đây.
Có thể nói rằng, dù bạn có không hề sợ hãi khi nghĩ tới sự kết thúc cuộc sống của mình, thì “Vật lý của tương lai” vẫn là một cuốn sách sẽ khiến cho bạn muốn sống lâu hơn, để chứng kiến những thành tựu vĩ đại và những tiện nghi tuyệt vời mà tương lai sẽ mang lại.
Đặng Vũ Tuấn Sơn là Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA), tác giả nhiều cuốn sách như Từ điển Thiên văn học và Vật lý thiên văn (2016); Trái Đất và hệ Mặt Trời (2017); Các chòm sao: Toàn cảnh về bầu trời đêm (2020)…