Bookstagrammer Tâm Anh. |
Tâm Anh (*) thường được mọi người biết đến với biệt danh Cô Nở, là chủ của tài khoản Instagram @neverblossom. Với 13.000 người theo dõi, hiện cô là một trong những bookstagrammer (tài khoản chuyên chia sẻ về sách trên Instagram) có nhiều lượt theo dõi nhất tại Việt Nam.
Với Cô Nở, đọc sách là sở thích đặc biệt, hễ nhắc đến thì có thể “ngồi nói cả ngày”. Cô nghĩ rằng khó lòng ép đặt người chưa hứng thú đọc sách vì mỗi người sẽ có một sở thích khác nhau. Nhưng “đôi khi thử làm gì đó mới mẻ xem sao, như cầm một cuốn sách lên đọc chẳng hạn, biết đâu bạn lại tìm được cho mình sở thích mới”.
Vốn ban đầu chỉ đơn giản muốn chia sẻ cảm nhận về các cuốn sách mình đã đọc, nhưng nhờ review sách trên Instagram mà Cô Nở có cơ hội tiếp cận và quen biết nhiều bạn bè bốn phương, biết thêm nhiều tựa sách hay ho. Trong phỏng vấn với Tri Thức –ZNews về những cuốn sách yêu thích, Cô Nở nói về ảnh hưởng của sách đến cuộc đời mình: “Đọc sách giúp tôi muốn và luôn cố gắng để trở thành một người tử tế”.
Say mê truyện tranh đến… cận thị
– Cuốn sách yêu thích của tôi thuở ấu thơ
– Cuốn sách yêu thích nhất của tôi thuở ấu thơ không phải là sách chữ, mà là truyện tranh. Tôi “dấn thân” vào con đường đọc nhờ bộ truyện Bóng ma trong nhà hát Opera, bản truyện tranh do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành. Tôi nhớ mãi rằng đến đoạn Eric (nhân vật bóng ma) cởi mặt nạ ra thì tôi sợ quá hét ầm nhà làm bố mẹ tưởng con gái bị làm sao.
Sau đó thì tôi được bố khai sáng thêm cho bộ truyện tranh Archie cũng do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành và càng đọc thì càng mê mệt, nên có lẽ đam mê đọc bén lên từ đó. Bóng ma trong nhà hát Opera và Archie là hai bộ truyện tranh gắn liền với tuổi thơ của tôi.
Hồi còn bé thấy con gái thích nên bố mẹ chiều, đi đâu cũng cầm theo cuốn sách hay truyện tranh về. Tôi còn nhớ mình say mê đọc Conan và Doraemon đến mức đến giờ ngủ vẫn cố cầm đèn pin, chui vào chăn đọc cho hết tập, hệ quả là hiện tại cận khá nặng. Đành tự an ủi mình là vẻ đẹp tri thức vậy (cười).
– Cuốn sách làm tôi cười nhiều nhất
– Những kẻ âu lo của Fredrik Backman. Thực tế là vừa cười vừa khóc.
– Cuốn sách làm tôi khóc nhiều nhất
– Đoạn đường để nhớ của Nicholas Sparks. Trước đây tôi không thể tưởng tượng được rằng một cuốn sách tình cảm mỏng dính như vậy lại có thể khiến mình khóc lụt nhà.
– Cuốn sách tôi đọc đi đọc lại nhiều lần
– Tôi đã đọc tiểu thuyết Ánh sáng vô hình của Anthony Doerr không dưới năm lần. Tôi rất yêu thích những cuốn sách viết về chủ đề Thế chiến thứ hai. Riêng với tác phẩm này, tác giả rất xuất sắc trong cách xây dựng nhân vật và đan cài các mạch thời gian với nhau để tất cả cùng giao tại điểm cuối cùng.
Đặc biệt, tình yêu thương giữa con người với con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt và tuyệt vọng cùng cực thời chiến cũng góp phần làm sáng ngời lên tinh thần nhân văn trong cuốn sách này. Đọc sách xong tôi khóc dữ lắm.
Sách Căn phòng riêng chi chít những ghi chú của Nở. Ảnh: NVCC. |
– Cuốn sách tôi phải ghi chú nhiều nhất
– Căn phòng riêng của Virginia Woolf tuy mỏng nhưng lại khiến tôi tốn nhiều “giấy mực” nhất. Đây là một tiểu luận xuất sắc về nữ quyền, bao gồm những luận điểm sắc sảo. Suy nghĩ cực kì “vượt thời đại” của Virginia Woolf khiến tôi rất ấn tượng và nể phục. Một cuốn sách tôi luôn muốn giới thiệu đến mọi người.
– Cuốn sách tôi từng bỏ dở và nghĩ mình sẽ thử đọc lại vào một dịp nào đó
– Bỏ dở thì không, nhưng có lẽ ngày trước còn nhỏ quá nên chưa hiểu hết, nên là trong một dịp nào rảnh rỗi tôi sẽ đọc lại Ghi chép dưới hầm của Fyodor Dostoyevsky để cảm nhận và hiểu sâu sắc hơn tác phẩm này.
Định hình gu đọc riêng của mình
– Thể loại sách mà tôi quan tâm
– Tôi đặc biệt yêu thích tiểu thuyết. Ba tác phẩm văn học tâm đắc của tôi là:
Jane Eyre. Tiểu thuyết xuất sắc này hàm chứa tư tưởng nổi bật và bứt phá về ý chí và khát vọng tự do của nàng Jane Eyre thời bấy giờ, khi phụ nữ vẫn bị kìm kẹp trong xã hội phụ quyền.
Jane Eyre của tác giả người Anh Charlotte Bronte là một trong những tác phẩm chiếm vị trí hàng đầu trong lòng Cô Nở về thể loại kinh điển. Cô có đến 5 bản khác nhau của cuốn sách, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Ảnh: NVCC. |
Viên ngọc trai vỡ vỏ – tác phẩm mở ra cái nhìn về sự thật trần trụi đến đau lòng về thân phận những người phụ nữ tại đất nước Afghanistan. Ngoài ra, tiểu thuyết này cũng góp phần giúp tôi hiểu được sâu sắc rằng vì sao ủng hộ nữ quyền chính là ủng hộ nhân quyền.
The Guernsey Literary And Potato Peel Pie Society – một cuốn sách viết về sách rất đáng yêu và cảm động, cũng lấy bối cảnh về Thế chiến thứ hai. Sách đã được chuyển thể thành phim cùng tên vào năm 2018. Tôi luôn mong muốn giới thiệu mọi người đọc sách lẫn xem phim vì trải nghiệm đều xứng đáng.
Đôi khi tôi cũng đọc cả sách phi hư cấu nữa và luôn tự nhủ sẽ cố gắng đọc nhiều hơn thể loại này trong tương lai, đặc biệt là những cuốn sách viết về phụ nữ. Đến nay, ba cuốn phi hư cấu tôi tâm đắc nhất là:
Đêm – hồi kí đầy đau đớn và tuyệt vọng của một tác giả Do Thái, cũng là người đã sống sót sau những tháng ngày thống khổ bị giam giữ tại trại tập trung của Đức Quốc Xã.
Cõi người dưng – hồi kí viết về những người Mỹ, ngay trong thế kỷ 21, đã chọn lối sống “không nhà” rày đây mai đó. Sách đem đến cho bạn trải nghiệm mới mẻ và đầy tính phiêu lưu. Bộ phim được chuyển thể từ cuốn sách này đã xuất sắc giành giải Oscar.
Lời nguyện cầu từ Chernobyl – cuốn sách tái hiện lại thảm kịch hạt nhân tại Chernobyl, trong quá trình đọc đôi lần tôi phải dừng lại vì thấy quá thương tâm và đau lòng. Cuốn sách này cũng đã có phim chuyển thể. Tôi thường gợi ý đọc sách kết hợp với đọc tài liệu và xem phim sẽ giúp độc giả hiểu rõ bối cảnh lịch sử của thảm kịch này hơn.
– Nhìn lại cuốn sách đầu tiên mình viết review, tôi thấy…
– Cuốn sách đầu tiên tôi viết review là Rừng Nauy. Giờ đây nhìn lại tôi thấy review ấy khá non nớt, nhưng nhờ đọc lại mới thấy mình ngày trước cũng có những góc nhìn khá thú vị về tác phẩm này.
– Cuốn sách hiện tại tôi đang đọc
– Sống lũy tiến của Sheri Riley. Cuốn sách này giống như tách trà thơm khiến tôi tìm được cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng và được an ủi phần nào mỗi khi thấy chán chường và mất niềm tin vào chính mình.
– Cuốn sách tôi mong sẽ được nhiều người biết đến hơn
– Nông trại ngộ nghĩnh của Laurie Zaleski và Bác Hana của Alena Mornštajnová
Nông trại ngộ nghĩnh là hồi kí của tác giả. Tuy nhiên, nó lại không hề giống với định nghĩa “hồi kí” mà tôi đã hình dung về cuốn sách này ban đầu. Bởi lẽ không chỉ kể về cuộc sống ở trang trại, tác giả còn lồng ghép rất nhiều khía cạnh về gia đình mình, cả chuyện mẹ của Laurie có sức ảnh hưởng to lớn thế nào, đủ khiến cuộc đời tác giả thay đổi mãi mãi. Một cuốn sách cực kì truyền cảm hứng và rất đẹp, cả về ngôn từ lẫn ý nghĩa.
Bác Hana cũng là một tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, nhưng khác với các tác phẩm khác đa phần đậm đà âm hưởng của bầu không khí bi ai và máu lửa nơi chiến trường, Bác Hana được tác giả kể bằng một giọng điệu rất… bình yên như một câu chuyện đời thường vậy, dẫu cái chết luôn lơ lửng trên đầu những nhân vật trong truyện. Đây chính là điều khiến tớ ấn tượng về tác phẩm này.
—————————-
(*) Nhân vật và phóng viên là hai người khác nhau, trùng hợp lại cùng tên.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login