Tranh vẽ hoa triêu nhan của Suzuki Kiitsu. Ảnh: Met Museum. |
Song hành với tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn vốn là những thể loại được độc giả hiện đại ưa chuộng hơn, thơ Nhật Bản cũng được một bộ phận độc giả Việt yêu thích, cụ thể là thơ haiku – thể thơ “tối giản” chỉ 17 âm tiết. Tại Việt Nam, nhiều câu lạc bộ thơ haiku được thành lập trong 20 năm qua, là nơi các thành viên giao lưu, chia sẻ tình yêu với haiku và đặc biệt nhất là làm thơ haiku bằng tiếng Việt.
Đại diện tiêu biểu nhất cho haiku – không ai khác chính là thiên tài thơ Basho. Dù không quan tâm đến văn học, hay không đọc tác giả Nhật, nhưng nếu thường xuyên xem điện ảnh, anime Nhật, thì gần như khán giả cũng từng nghe, thấy thấp thoáng những câu thơ Basho đặc trưng tâm hồn Nhật.
Lịch sử thi ca song hành xuyên suốt lịch sử dân tộc
Nhà nghiên cứu Reginald Horace Blyth thậm chí đã ngợi ca: “Nước Nhật sinh ra cùng với Basho vào năm 1644. Ông chính là người đã sáng tạo ra linh hồn của Nhật Bản” (Nhật Chiêu dẫn trong chương 7 Matsuo Basho và mộng giữa đồng hoang, Ba nghìn thế giới thơm).
Một lời ngợi ca xứng đáng, nhưng cũng phần nào “quá đáng”. Bởi chính trong công trình Ba nghìn thế giới thơm, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã dẫn độc giả đi dọc lịch sử thi ca Nhật Bản, một quá trình phát triển hơn một thiên niên kỷ trước khi những bài haiku của lữ khách Basho ra đời. Vì vậy có thể nói, “linh hồn Nhật Bản” đã hun đúc xuyên suốt lịch sử của dân tộc này, chứ không phải đợi đến thời Edo mới sinh ra.
Sách Ba nghìn thế giới thơm. |
Ba nghìn thế giới thơm gồm hai phần. Phần một Con đường thơ ca gồm 8 chương, mỗi chương có từ 2 đến 7 bài viết. Thông qua tổng cộng 38 bài viết trong phần này, Nhật Chiêu khái lược lịch sử thi ca Nhật Bản, gồm ba giai đoạn chính: thời waka – từ khởi thủy đến thế kỷ XIII, thời renga – từ thế kỷ XIII đến thế XVI, thời haikai (haiku) – từ thế kỷ XVI đến XIX.
Với mỗi giai đoạn, nhà nghiên cứu chọn lọc giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu, làm nổi bật được yếu tính của thơ ca trong giai đoạn đó. Những tập thơ quan trọng nhất lần lượt xuất hiện trong phần này, bao gồm Vạn diệp tập, Cổ kim tập, Thập dị tập… đến các tuyển thơ riêng của tác giả Con đường sâu thẳm (Basho), Mùa xuân của tôi (Issa)…
So với số lượng hàng chục nghìn tác phẩm, những bài thơ, trích đoạn được giới thiệu trong sách hiển nhiên chỉ như mặt nước của hồ sâu. Tuy nhiên, nhờ được chọn lọc kỹ lưỡng và dịch thuật chăm chút, dung lượng ít ỏi này vẫn làm bật lên được tinh thần cốt lõi của thi ca Nhật Bản qua các thời kỳ.
Nhật Chiêu luôn kèm theo những những nhận xét, so sánh của chính bản thân ông và của nhiều học giả khác. Tuy vậy, lời bình trong tác phẩm không hề nặng nề tính học thuật, khô cứng, mà uyển chuyển, nhịp nhàng như kể chuyện.
Song song, Nhật Chiêu dành riêng một số bài viết cho những thi sĩ nổi bật nhất, bao gồm giới thiệu cuộc đời tác giả, trích dẫn và phân tích những áng thơ đặc trưng cho chủ đề, bút pháp sáng tác của họ. Từ đây, người làm thơ ở Nhật hiện ra với xuất thân rất đa dạng, từ hoàng tộc, quý tộc, trí thức, thiền sư, đến những người ưa phiêu bạt, viễn du, kẻ sa cơ lỡ vận, cô gái điếm, người kỹ nữ…
Nhà văn Nhật Chiêu ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: N.N. |
Nền thơ của thiên nhiên, của Phật tính
Tại buổi giao lưu nhân dịp tái bản Ba nghìn thế giới thơm diễn ra vào đầu tháng 8, nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã gọi Ba nghìn thế giới thơm là “sách gối đầu giường” để tìm hiểu về thi ca Nhật Bản. Nhiều người dù đã nghiên cứu chuyên sâu văn chương Nhật Bản vẫn thường xuyên quay lại với cuốn sách để tìm kiếm những gợi ý, hướng dẫn.
Tiền thân của Ba nghìn thế giới thơm là tập sách giáo trình Thi ca Nhật Bản được Nhà xuất bản Giáo dục đặt hàng tác giả viết vào năm 1998. Lúc bấy giờ, văn học Nhật Bản vẫn còn là một thế giới tương đối xa lạ không chỉ với độc giả đại chúng Việt Nam, mà cả với giới nghiên cứu, sinh viên văn học.
Tranh Ếch và Chuột của họa sĩ Getsuju. Ảnh: Artsmia. |
Khi chấp bút bản thảo đầu tiên của cuốn sách, Nhật Chiêu, như lời ông nói, “mang trên đôi vai nhỏ bé của mình ‘trọng trách’ phải giới thiệu một nền thi ca đồ sộ nhưng hầu như chưa được biết đến ở Việt Nam”.
Thời điểm đó văn học Nhật, văn học Ấn Độ, văn học Trung Đông… hầu như chưa xuất hiện trong giảng đường đại học.
Cuốn sách về sau đã được tái bản, bổ sung nhiều lần và trong phiên bản mới nhất ra mắt tháng 8 năm nay, được thêm vào 9 bài viết hoàn toàn mới, những bài viết cũ cũng được nhuận sắc.
Phần hai Ba nghìn thế giới thơm có tiêu đề trùng tới tựa sách, lấy cảm hứng từ câu thơ trong Thiền lâm cú tập (Zenrinkushu): “Hoa mơ một chút nhụy/ Ba nghìn thế giới thơm” (Nhất điểm mai hoa nhụy/ Tam thiên thế giới hương).
Trong phần này, nhà nghiên cứu đối chiếu, so sánh thi ca Nhật Bản với những nền thi ca, văn học khác. Bằng vốn hiểu biết sâu rộng của mình, Nhật Chiêu đặt Basho, Buson, Teika, Issa, Reikan, Ietaka… cạnh hàng loạt những thi hào từ Đông sang Tây như Tagore, Bhasa, Huyền Quang, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi… đến William Blake, Walt Whitman, Emily Dickinson, Jorges Luis Borges…
Từ đây, thi ca Nhật hiện lên vừa đồng vọng tương ứng với những nền thi ca khác, những đại thi hào chính là những “tư tưởng lớn gặp nhau”, vừa nổi bật những đặc trưng riêng biệt.
Nhật Chiêu nhận định “Không nền thơ nào tự hào ‘nền thơ của thiên nhiên’ như thơ Nhật”. Trong thi ca Nhật Bản luôn nổi bật tinh thần “nhất thiết bình đẳng” của Phật giáo – mọi loài, mọi người đều đáng sống như nhau. Người Nhật viết về chuột tức là viết về con chuột, không nhằm để ẩn dụ cho con người hay bất kỳ hiện tượng xã hội nào. Thi sĩ Nhật không chỉ viết về “quân tử chi hoa”, mà hoa triêu nhan (hoa bìm bịp) thì cũng đáng ngắm nhìn, đáng đưa vào thơ ca như mai, lan, cúc, trúc.
Kobayashi Issa là nhà thơ haiku sống vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Cuộc đời ông chịu nhiều bất hạnh, mẹ mất sớm, suốt đời tiếp tục mất đi những người yêu thương. Do đó mà ông làm bạn với những loài vật, loài cây của miền đồng quê.
Issa đã viết khoảng 230 bài haiku về đom đóm, hơn 200 bài về ếch nhái, hơn 100 bài về chấy rệp, gần 90 bài về ve sầu, khoảng 70 bài về các côn trùng khác và chừng 54 bài haiku về con ốc nhỏ…”Tóm lại, không dưới ngàn bài về những sinh linh ‘hèn mọn’, nhà quê”. Sau đây là một số bài thơ như thế được trích trong Ba nghìn thế giới thơm:
Ruồi trên nón ta ơi / Hôm nay vào thành phố / Thành dân Edo rồi.
Con ruồi nhỏ ấy / Chắp hai tay, hai chân / Xin tha một lần.
Đom đóm hẳn lầm / Tay áo ta là cỏ / Nên ghé vào thăm?
Con loăng quăng à / Một ngày mấy bận / Chú mình vào ra?
Một số chủ đề phổ quát của nhiều nền thơ thế giới cũng được thảo luận sâu trong các chương sách là thiền tính, trà đạo, ánh trăng, mưa, biển, hình ảnh bươm bướm, hoa mơ, hoa triêu nhan, hoa bụt, hoa phù dung…
You must be logged in to post a comment Login