Là một người đã và đang nhận được nhiều ích lợi từ Internet, tôi không tẩy chay Internet và các thiết bị công nghệ một cách cực đoan. Internet giúp đỡ tôi nhiều trong công việc và hoạt động giải trí. Nếu không có Internet, chưa chắc có blog để tôi thỏa niềm đam mê viết lách (vì nếu viết tay, chữ tôi rất khó đọc) và cũng không có những trò chơi trực tuyến, mạng xã hội để tôi chia sẻ, thư giãn cùng bạn bè.
Nhưng một vấn đề luôn có nhiều chiều cạnh, không nên vì lợi ích lớn lao mà Internet mang lại mà chúng ta có quyền quên đi tổn thất không hề nhỏ bé nó gây ra. Vì sao ngày nay năng lực tập trung của con người bị suy yếu? Vì sao tư duy và hành động của chúng ta lại thiếu chiều sâu? Vì sao việc đọc sách đang dần trở nên xa xỉ trong đời sống? Vì sao ngày nay số lượng thường được quan tâm hơn chất lượng?
Câu trả lời là: Internet đã thay đổi nhận thức và cách nhận thức của con người.
“Triết gia về lý thuyết truyền thông McLuhan thừa nhận rằng ông không phải người đầu tiên quan sát thấy hiệu ứng gây tê liệt của công nghệ. Đó là một ý tưởng cổ xưa, có lẽ được thể hiện một cách hùng hồn và đáng ngại nhất ở cuốn Kinh Cựu Ước. […]
Cái giá chúng ta phải trả khi thừa nhận sức mạnh của công nghệ là sự tách biệt. Và cái giá đó có thể lên rất cao với các công nghệ trí tuệ. Các công cụ của trí óc tăng cường và làm tê liệt những năng lực tự nhiên mật thiết và mang tính con người nhiều nhất – về lý luận, nhận thức, trí nhớ và cảm xúc (trang 242)
Bộ não đói khát
Đã bao nhiêu lâu rồi bạn chưa có khoảng thời gian thực sự không làm điều gì đó?
Tôi nghĩ nếu không tập thiền hoặc dành thời gian cho một truyền thống tâm linh nào, thì hầu hết chúng ta đều bận rộn và tự làm cho mình bận rộn. Chúng ta bận rộn với vai trò của một công dân trong xã hội và tự làm mình bận rộn với vai trò của một công dân số trên mạng Internet.
Điều này có nghĩa, chúng ta luôn ở trong trạng thái làm gì đó hoặc được kích thích để làm điều gì đó. Những “cú hích” nhan nhản đã tạo nên vô vàn “cú click” miên man. Bộ não của chúng ta đã được cho uống nước biển để giải khát- càng giải lại càng khát.
Nhưng tôi nhận ra bộ não mình không chỉ sao lãng. Nó đang đói. Nói đòi hỏi được cho ăn theo cách Internet cho nó ăn – và càng được cho ăn, nó càng trở nên đói hơn. Dù tôi ở cách xa chiếc máy tính của mình, tôi vẫn nóng lòng được kiểm tra hòm thư, nhấn các đường liên kết, và vào Google tìm gì đó. Tôi muốn được kết nối. (Trang 25).
Khi bộ não phải chứa đựng nhiều thứ hơn và bận rộn hơn, nó sẽ mất đi sự sáng suốt ban đầu. Các khớp nối thần kinh cũng bị biến đổi để phục vụ cho các thao tác tư duy tương thích với công cụ mà nó sử dụng. Nếu chúng ta cho rằng máy móc thông minh rồi suy ra một người tư duy máy móc là người thông minh, thì rõ ràng đó không phải là trí thông minh thực sự.
Điều này cũng giống việc chúng ta coi Internet là biển thông tin mênh mông sẵn có mọi thứ trên đời. Ngụp lặn trong mớ thông tin bị cắt xén bởi con dao sắc bén tên Google mỗi lần ta gõ vào thanh công cụ tìm kiếm sẽ giúp ta biến mớ thông tin ấy thành sự thông thái của bản thân. Bộ não của chúng ta không còn khả năng tập trung nữa. Đó là lúc, nó cần Internet hơn bao giờ hết vì tự thân mình, nó không còn khả năng suy nghĩ độc lập.
Bạn hãy hình dung về việc bộ não đói khát đó nằm trong một con người và con người này sẽ không thể tự ra quyết định. Bạn nghĩ đến điều gì? Tôi hình dung ra một chú rô-bốt.
Sách Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta. Ảnh: NXB Trẻ. |
Sứ mệnh phân tán và đa nhiệm
Internet giúp con người ở mọi nơi và làm nhiều việc cùng lúc. Nhưng cũng vì ở tất cả mọi nơi nên họ chẳng ở nơi nào, cũng như cùng lúc làm nhiều việc thì chẳng việc nào thực sự có ý nghĩa với họ.
Đây chính là sứ mệnh phân tán và đa nhiệm của Internet. Có lẽ, Internet đã “cứu” con người khỏi những giờ phút đọc sách lê thê buồn chán hay lặng lẽ trầm tư.
Nhà phê bình văn học George Steiner viết năm 1997: “Tĩnh lặng, nghệ thuật của sự tập trung và ghi nhớ, những thứ xa xỉ về thời gian là nền tảng của “việc đọc có hiệu quả” nhưng phần lớn đã bị loại bỏ”. Và ông tiếp tục: “Nhưng sự xói mòn này gần như vô nghĩa so với một thế giới điện tử mới” (trang 131).
Thoát khỏi hình ảnh đen trắng của thế kỷ 20, những hình ảnh sống động ngày nay hiện lên trong mắt bạn và tôi: thứ thường trực trên tay công dân thế kỷ 21 là điện thoại, máy tính bảng, con chuột máy tính để bàn hoặc điều khiển vô tuyến thông minh.
Những bản tin dài, được cắt xé, chế biến sao cho ngắn nhất, còn văn bản dài thì sẽ được đọc kiểu “cuộn lướt” rất nhanh. Quá trình đọc trực tuyến này còn bị gây nhiễu bởi các đường liên kết, các mẩu quảng cáo nhấp nháy và pop-up thình lình xuất hiện. Càng phân tán sự tập trung của người dùng, Internet càng giữ họ trong vòng tay của mình được lâu hơn, đó là lý do nếu đã kẹt trong vòng tay của “người tình” này, bạn sẽ thấy khái niệm thời gian trở nên hư ảo.
Lang thang trên mạng, chúng ta sẽ luôn tìm thấy điều gì đó nhưng lại không phải là điều chúng ta cần, nên chúng ta sẽ lại tiếp tục vòng lặp “tìm – thấy – tìm”. Để dễ hình dung, tác giả Nicholas Carr so sánh thói quen này với hình ảnh chú chuột chạy vòng quanh bánh xe đồ chơi trong phòng thí nghiệm.
Khi người dùng bận rộn, cánh cửa vào vương quốc đa nhiệm đã mở ra chào đón họ. Đây là nơi mà các tổ chức có cơ hội ăn chia với nhau thời gian và sự tập trung của người dùng. Bạn có thể vừa họp online, vừa đặt đồ ăn trực tuyến, vừa lướt mạng xã hội, vừa trả lời email, vừa nghe podcast. Hoạt động này không phải của một siêu nhân, mà có thể chỉ là của một nhân viên văn phòng hết sức bình thường trong thời đại số.
Đa nhiệm không xấu, nó chỉ khiến cho tâm trí của chúng ta nhốn nháo hơn. Khi tâm trí nhốn nháo hơn, tình trạng bắt đầu trở nên xấu đến mức không thể đảo ngược (và người ta thường vô tình quên đi căn nguyên từ những giờ phút lướt mạng để đổ lỗi cho một chứng rối loạn tâm căn nào đó). Trí nhớ ngắn hạn (trí nhớ hiệu dụng) được dùng thường xuyên hơn để lưu trữ các thông tin lẻ tẻ trên Internet, trong khi trí nhớ dài hạn – cái nôi của sự hiểu biết bắt đầu bị suy yếu.
“Khi chúng ta đọc một cuốn sách, chiếc vòi thông tin nhỏ từng giọt đều đều mà chúng ta có thể kiểm soát nhờ tốc độ đọc của mình. Nhờ tập trung duy nhất vào văn bản nên chúng ta có thể chuyển phần lớn thông tin, lần lượt vào trí nhớ dài hạn và thu thập các liên kết cần thiết để tạo ra lược đồ. Với Internet, chúng ta phải đối mặt với nhiều vòi thông tin, tất cả đều đang chảy mạnh. Chúng ta bị quá tải khi vội vàng chuyển từ vòi này sang vòi khác. Chúng ta có thể chuyển một phần nhỏ thông tin sang trí nhớ dài hạn và những gì chúng ta thực sự chuyển chỉ là một mớ lộn xộn những giọt nước từ nhiều vòi khác nhau, không phải một dòng chảy liên tục, mạch lạc từ một nguồn” (trang 147).
Liệu có phải ảnh hưởng từ các nguồn thông tin hỗn loạn đã góp phần khiến cho người dùng lạm dụng Internet bị sa sút trí tuệ hoặc gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần?
Giữa 1 và 0
Nếu câu trả lời của máy móc luôn là 1 hoặc 0, thì đâu đó ở giữa là chính bản chất con người. Nhưng tính người đang bị đe dọa khi tư duy theo lối 1 và 0 ấy: Bạo lực nhiều hơn và thiếu lòng trắc ẩn hơn, tham lam hơn và khó khăn khi cảm thấy cho đi hơn.
Công nghệ mang đến ảo tưởng về việc người dùng là ông chủ và là một ông chủ thì có quyền vị kỷ đến mức cực đoan, coi mọi thứ trong tầm với đều là nô lệ của mình. Sự xuống cấp về mặt đạo đức đã giúp thỏa mãn dã tâm: đẩy lùi tính người để tăng tính hiệu quả. Nhân loại vẫn đang phát triển thêm những tên nô lệ hiệu quả hơn, thông minh hơn như trí tuệ nhân tạo (AI). Tôi không nghĩ nô lệ thông minh sẽ mãi cam chịu cho sinh vật tham lam nhưng lại lười biếng tư duy hơn sai khiến chúng.
Weizenbaum tin rằng điều mang tính người nhiều nhất là điều ít có thể tính toán nhất của chúng ta – các kết nối giữa tâm trí và thể xác, những trải nghiệm hình thành nên trí nhớ và tư duy, khả năng cảm nhận đồng cảm. Nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt khi ngày càng thân thiết với máy tính hơn – khi chúng ta trải nghiệm phần lớn cuộc sống thông qua những ký hiệu kỳ quặc xuất hiện trên màn hình – là chúng ta sẽ bắt đầu mất đi tính người của mình, hy sinh những phẩm chất giúp phân biệt con người với máy tính. Theo Weizenbaum, điều duy nhất để tránh khỏi số phận đó là phải có nhận thức và lòng dũng cảm không cho máy tính tham gia vào phần lớn các hoạt động tinh thần và trí tuệ của chúng ta, đặc biệt là “những nhiệm vụ đòi hỏi sự suy xét” (trang 238, 239).
Có lẽ đó cũng là lời giải cho món quà và lời nguyền Internet- tôi nhận xét như vậy vì nhân loại đã rất liều lĩnh khi tạo ra một thứ công cụ đa năng có thể thay đổi tâm trí cực khó bị đảo ngược. Công cụ càng tiến hóa thì năng lực của người sử dụng càng thoái hóa. Tìm đọc trực tiếp tác phẩm sẽ giúp bạn tìm hiểu vấn đề này rõ ràng hơn.
Tôi hứng thú với tựa đề “hiểu biết giả tạo” hoặc “sự nông cạn mà Internet mang lại” hơn là “Trí tuệ giả tạo”. Dù có thể cụm từ “trí tuệ giả tạo” lại tình cờ có mối liên quan nào đó đến trí tuệ nhân tạo. Tôi tự hỏi liệu có phải nhân loại đã thực sự tạo ra được trí tuệ hay đó vẫn chỉ là thói quen đánh giá cao điều bản thân làm ra để nâng tầm “cái tôi”?
Chúng ta vẫn đang sử dụng Internet. Tôi nghĩ sau bài viết này và có thể là nhiều bài viết khác bạn đã đọc và sẽ đọc về bóng tối của Internet thì Internet vẫn tồn tại.
Không hẳn do Internet quá mạnh, mà đôi khi do chúng ta quá mong manh. Chúng ta luôn cần một nơi nào đó để trốn thoát khỏi hiện thực với mong muốn được yêu thương, được chấp nhận và kết nối. Con người sẽ luôn mơ tưởng về một cuộc đời khác đi, vì suy cho cùng đó là cách đơn giản, ít tốn công sức, suy tư hơn so với việc chấp nhận, đối mặt để thích nghi với hiện thực – nơi người ta “hoặc được khen hoặc bị chê nhưng hiếm khi được hiểu”.
Chỉ mong rằng họ đừng quên: Internet không phải là một câu chuyện cổ tích để luôn có ông Bụt, bà Tiên hoặc những chàng Hoàng tử, Công chúa đẹp đẽ mang đến kết thúc có hậu một cách miễn phí.
Như trong vương quốc mà mụ phù thủy tạo ra cho cô bé Coraline, nơi mọi ước mơ của cô đều thành sự thực, đến cuối cùng chỉ là một tấm mạng khổng lồ chờ các cô bé, cậu bé hoặc bất kỳ ai ngây thơ sa lưới.
Tôi vẫn sử dụng Internet và học cách để công cụ này không can thiệp quá sâu vào cuộc đời tôi muốn sống. Tôi không muốn sống trên Internet và càng không muốn Internet cảm nhận hay suy nghĩ thay tôi.
Một ngày nào đó không có Internet, tôi cầu chúc bạn vẫn biết cách sử dụng cuộc sống sao cho thú vị.
Bài viết của độc giả Nguyễn Phú Hoàng Nam, được gửi từ email “hoang…[email protected]”.
Nguồn: https://znews.vn/tri-tue-gia-tao-internet-da-lam-gi-chung-ta-post1454639.html
You must be logged in to post a comment Login