Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt.
Với mong muốn tôn vinh, đưa hình ảnh bảo vật đến gần hơn với độc giả, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cộng đồng với công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy di sản. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã biên soạn, phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc phát hành ấn phẩm Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Cuốn sách giới thiệu 20 bảo vật (tính đến thời điểm xuất bản, quý IV/2021) có niên đại từ hơn 2000 năm trước (thuộc văn hóa Đông Sơn) cho đến thế kỷ XX. Ðây đều là những hiện vật tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử, là cơ sở để chúng ta nghiên cứu, quảng bá về lịch sử, mỹ thuật, văn hóa dân tộc.
Các bảo vật về cơ bản được phân bố ở 3 giai đoạn lịch sử: Bảo vật thuộc giai đoạn Văn hóa Đông Sơn, Bảo vật thuộc giai đoạn lịch sử Trung đại, Bảo vật giai đoạn lịch sử Cận – Hiện đại.
Bên cạnh những phân tích, đánh giá cụ thể về đặc điểm, nét đặc sắc, độc đáo của từng bảo vật, mỗi trang sách còn là những đại diện tinh hoa được sáng tạo bởi bàn tay và khối óc của biết bao thế hệ ông cha ta gửi gắm. Ấn phẩm sẽ đưa bạn khám phá những câu chuyện sau mỗi bảo vật quý.
Bảo vật thuộc giai đoạn Văn hóa Đông Sơn
Đây là nền văn hóa rực rỡ và nổi tiếng khu vực đương thời, tạo cơ sở vật chất hình thành nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, làm nên văn minh của 3 dòng sông lớn: sông Hồng, sông Mã và sông Cả.
Đầu tiên phải kể đến 2 loại trống đồng đẹp nhất, tiêu biểu nhất, có niên đại sớm nhất trong phức hợp trống đồng Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, đó là trống Ngọc Lũ và trống Hoàng Hạ.
Hình ảnh trang sách về Trống Ngọc Lũ. Ảnh: Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc. |
Hai loại trống phản ánh đời sống vật chất, tinh thần, của người dân Việt cổ. Với vẻ đẹp hoàn hảo, hình dáng cân đối, hoa văn tinh xảo là báu vật quý hiếm, mang nhiều giá trị lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Tất cả đều thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật luyện kim, đúc đồng cũng như tri thức, tài năng và quan niệm nhân sinh sâu sắc của người Việt Nam ta.
Trong 20 bảo vật phải kể đến thạp đồng Đào Thịnh, được coi là một trong những “siêu phẩm” của thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Thạp Đào Thịnh có kích thước lớn, trang trí hoa văn phong phú, độc đáo nhất trong số những thạp đồng được phát hiện ở việt Nam cho đến nay.
Chức năng chính của thạp là để đựng lương thực, hạt giống thậm chí còn được dùng làm quan tài mai táng.
Báu vật gửi gắm thông điệp từ quá khứ, kể lại cho thế hệ mai sau về truyền thống dựng nước, giữ nước và các khía cạnh đời sống vật chất, tinh thần của người Việt cổ.
Các bảo vật như một thông điệp từ quá khứ, phản ánh cuộc sống sinh động của cư dân Đông Sơn, khi xã hội chưa hình thành.
Mộ thuyền là hình thức mai táng khá phổ biến của cư dân Đông Sơn vùng châu thổ và duyên hải Bắc Bộ. Mộ thuyền Việt Khê được tạo từ một thân cây gỗ lim khoét rỗng, chứa các đồ mai táng như đồ sinh hoạt, công cụ lao động, vũ khí…
Tuỳ thuộc kích thước quan tài, số lượng hiện vật phong phú đã cho thấy sự giàu có của chủ nhân mộ, phản ánh phong tục mai táng, quan niệm về sự sống, cái chết trong tín ngưỡng người Việt xưa.
Ảnh: Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc. |
Bảo vật thuộc giai đoạn lịch sử Trung đại
Các bảo vật thời này minh chứng cho nền văn hóa, văn minh Đại Việt, phản ánh về một quốc gia hùng cường, có truyền thống và sức mạnh trong công cuộc dựng nước và giữ nước, trước mọi thế lực ngoại xâm.
Đầu tiên phải kể đến 3 bảo vật quốc gia có niên đại thời Trần: ấn Môn hạ sảnh, chuông Vân Bản và thống gốm hoa nâu.
Môn Hạ Sảnh ấn được làm bằng đồng, niên hiệu Long Khánh 5, Trần Duệ Tông (năm 1377). Thời kỳ nhà Trần kéo dài hàng trăm năm với lịch sử lẫy lừng là 2 lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Mặc dù vậy, nhưng đến nay mới chỉ có duy nhất một chiếc ấn được phát hiện có tên là Môn Hạ sảnh ấn và được coi là bảo vật quốc gia.
Chuông Vân Bản được tìm thấy khi người dân kéo lưới ở biển Đồ Sơn, Hải Phòng năm 1958. Theo Hồ sơ di sản, Cục Di sản Văn hóa, chuông được công nhận là bảo vật quốc gia vì là cổ vật độc bản, có niên đại thời Trần. Giá trị nổi bật nhất của quả chuông này là minh văn, với nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tôn giáo, đặc biệt là một số chức quan triều đại này.
Thống gốm hoa nâu tại Thiên Trường được tìm thấy khi đào giếng, là vật dụng của các thái thượng hoàng thời nhà Trần. Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thống thuộc loại gốm chất lượng cao, kích thước lớn, xương gốm khá dày, men phủ đều, không bị nứt, sụp khi nung. Điều này thể hiện kinh nghiệm, kỹ thuật chế tác, khả năng làm chủ nguyên liệu và nhiệt độ nung của nghệ nhân đương thời.
Bình gốm vẽ thiên nga là một trong những tác phẩm xuất sắc của dòng gốm hoa lam, thể hiện sự hoàn mỹ của hội họa trên gốm, tuân thủ nghiêm chuẩn luật viễn cận, miêu tả sinh cảnh đồng quê qua chủ thể là loài chim thiên nga cao sang, trong bốn tư thế mang biểu trưng nhân sinh. Đây cũng được coi là sản phẩm gốm xuất khẩu xuất sắc trong những đồ gốm xuất khẩu mọi thời đại, làm nên một thương hiệu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới với nhiều cường quốc gốm sứ đương thời.
Bia điện Nam Giao là một trong những tấm bia lớn nhất trong hệ thống bi ký Việt Nam thời Trung đại. Không chỉ có thế, tấm bia còn là một tác phẩm điêu khắc đá với nhiều đề tài ý nghĩa, có kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, thư pháp chữ Hán đặc sắc, nội dung liên quan tới một nghi lễ quan trọng của triều đình hàng năm.
Thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, có 3 bảo vật được công nhận đều liên quan tới hoàng cung.
Ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo chế tác bằng vàng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Triều Nguyễn, kể từ khi Gia Long lên ngôi cho đến vị vua cuối cùng, đều coi đây là kim ấn truyền quốc.
Đế hệ thi là vương phả bằng vàng, thể hiện mong muốn của vua Minh Mệnh, kéo dài dòng họ đế vương của mình hai mươi đời, tương ứng với 500 năm trị vì đất nước.
Sắc mệnh chi bảo là kim ấn, hiện còn lưu lại trên nhiều văn bản, thường gặp ở các sắc phong, chiếu văn thời vua Minh Mệnh.
Ấn Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ được chế tác bằng bạch ngọc, có kích thước lớn, dùng trong lễ tế Nam Giao, đóng trên các văn bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ.
Văn hóa Champa, với những di sản để lại, nhiều danh hiệu đã được tôn vinh mang tầm quốc gia và quốc tế
Bảo vật giai đoạn lịch sử Cận – Hiện đại
Trong thời kì này, tiêu biểu và nổi bật trong sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đó là bảo vật liên quan tới lịch sử cách mạng.
Đường Kách mệnh là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên, có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị về tư tưởng chính trị, tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 2/1930.
Nhật ký trong tù là một tác phẩm văn học thể hiện lòng kiên trung, ý chí cách mạng của người cộng sản.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến như một bài hịch, kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Với một lời văn hào sảng, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, hiệu triệu đã đi vào lòng người, tạo nên một sức mạnh thần kỳ cho công cuộc kháng chiến 9 năm.
Qua từng trang sách, ta như được thả hồn vào từng trang sử hào hùng của ông cha ta thời kì dựng nước, giữ nước. Ấn phẩm như một lời tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy di sản, trong đó có Bảo vật quốc gia – tài sản quý giá của cha ông truyền lại.
Nguồn: https://znews.vn/di-san-dan-toc-qua-20-bao-vat-quoc-gia-post1454890.html
You must be logged in to post a comment Login