Người ta nói rằng xã hội hiện nay là thông tin và chúng ta cho rằng dường như mình đang tiếp xúc với một lượng lớn thông tin hàng ngày. Đúng là lượng thông tin trên Internet rất khủng khiếp. Chỉ cần quan tâm chủ đề gì, chúng ta đều có thể tìm kiếm bao nhiêu lần và bao nhiêu thông tin tùy thích.
Tuy nhiên, lạ lùng thay, tôi lại có ấn tượng rằng mọi người đang không tiếp nhận nhiều thông tin đến mức đó.
Lúc nào cũng dán mắt vào điện thoại nhưng cái này không biết và cái kia cũng chẳng hay. Khi tôi gợi chuyện: “Gần đây tin tức này đã trở thành đề tài bàn tán…” thì sẽ bị hỏi lại “Tôi có nghe qua từ khóa đó, nhưng nội dung cụ thể thế nào nhỉ?”. Có vẻ người ta chỉ nắm sơ sơ bề ngoài, nhặt lấy từ khóa chứ không đọc chi tiết.
Cũng có người chỉ đọc trang web tóm tắt. Việc họ muốn biết đã được người khác tóm tắt lại một cách đơn giản và có cảm giác mình đã hiểu nhờ đọc nó. Cho dù cảm thấy họ đã hiểu nhưng nếu bị hỏi lại thì họ lại không trả lời được. Họ thường hiểu sai ý và quên đi nhanh chóng.
Tuy gọi là “biển Internet”, nhưng hầu hết mọi người cũng chỉ đang nhặt vỏ ốc ở nơi nước cạn. Không có ai lặn ngụp ở nơi sâu thẳm. Dù cho nếu như lặn xuống nơi sâu, ta có thể sẽ thấy được loài cá biển mà mình chưa từng thấy và thế giới mà bản thân chưa từng biết đến sẽ mở rộng. Cho dù trước mắt mỗi người đều là vùng biển ấy, nhưng có ngụp lặn xuống hay không lại tùy thuộc vào từng người.
Sách Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới. Ảnh: Y.N. |
Không được phép trở thành nhà chuyên môn ngu ngốc
Tôi sẽ nói tới điều này ở phần sau. Đó là đọc sách tạo ra “sự sâu sắc” trong con người.
“Sự sâu sắc” mà tôi muốn truyền tải trong cuốn sách này không phải là sự sâu sắc khi chú tâm triệt để vào một thứ. Cho dù bạn tập trung vào lĩnh vực chuyên môn, nếu hoàn toàn không biết về những lĩnh vực khác, sẽ mất cân bằng. Sự sâu sắc là thứ có tính chất tổng hợp và toàn diện trong nhân cách của con người.
Tôi đã đề cập đến chuyện sinh viên đại học không đọc sách, nhưng thực tế, tôi có ấn tượng rằng đến cả các giảng viên đại học cũng không đọc sách để có văn hóa. Trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng ở đại học, tôi đã hỏi câu này: “Anh (chị) có thể nói cho tôi biết ba cuốn sách ngoài chuyên môn đã tạo nên nét đặc trưng của bản thân anh chị không?”.
Điểm quan trọng là “ngoài chuyên môn”, vì thế, đây là câu hỏi xác nhận xem người được phỏng vấn có phải là người có văn hóa rộng hay không.
Tuy nhiên, rất nhiều người đã đột nhiên không nói được lời nào. Nếu như họ nói “Có quá nhiều cuốn nên không thể kể hết được” thì còn có thể hiểu được. Tôi cũng mong họ sẽ nói “Nếu chỉ gói gọn lại có ba cuốn thì khó quá, hãy cho tôi kể mười cuốn nhé!”. Tuy nhiên, đáng tiếc là ngày càng có nhiều người trả lời “Nếu như là sách chuyên môn thì tôi có thể kể ra ngay nhưng…”.
Tôi nghĩ rằng chuyện thông tỏ lĩnh vực chuyên môn là đương nhiên nhưng vẫn phải có nền tảng văn hóa nói chung. Việc làm khoa học mà không biết triết học hay nghiên cứu kinh tế mà không biết gì đến văn chương thì thật là nguy hiểm. Vì vậy, trường học mới có khóa học văn hóa dành cho sinh viên đại học năm thứ nhất.
Người ta gọi nó là “Liberal Arts”.
Khái niệm “Liberal Arts” đã ra đời trong thời Hy Lạp cổ đại.
Khởi nguyên của nó là nguyên lý giáo dục chỉ “kỹ nghệ phát triển con người toàn diện để trở nên tự do”. Ở đó, người ta cho rằng con người cần đến tri thức thực tiễn rộng để thoát ra khỏi sự trói buộc của thiên kiến, thói quen… và sống theo ý chí của bản thân.
Sau đó, trong thời Trung cổ châu Âu, nó được kế thừa và được định nghĩa là “Bảy môn tự do” gồm Văn phạm, Logic, Tu từ, Số học, Hình học, Thiên văn, Âm nhạc. Và sau đó, khi giáo dục chuyên môn như Thần học, Y học, Pháp luật ra đời, chúng trở thành các môn cần phải được học trước.
“Liberal Arts” hiện đại vừa tiếp nhận dòng chảy đó, vừa trở nên rộng hơn bao gồm cả kinh tế học và khoa học tự nhiên phát triển vào thời cận đại.
Gần đây, “Liberal Arts” đã ngày càng được coi trọng bởi vì người ta nhận thức mạnh mẽ rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa tiến triển, các vấn đề xã hội trở nên phức tạp và con người cần đến tính mềm dẻo vượt qua lĩnh vực chuyên môn khi giải quyết vấn đề.
Tác giả Takashi Saito đặt câu hỏi: “Đọc Internet liệu có đủ trong một xã hội giáo dục là sự thiết yếu?”. Ảnh minh họa: pxhere. |
“Giáo dục trở nên thiết yếu mà không đọc sách thì thật lạ”
Cho dù tri thức chuyên môn có phong phú đi nữa nhưng nếu thiếu đi góc nhìn đa chiều, ta sẽ gặp khó khăn khi vận dụng tri thức đó.
Ví dụ, cho dù có học được kỹ thuật gen di truyền và thực hành được kỹ thuật gen đi chăng nữa, nhưng để xử lý được vấn đề khó khăn là nên nhìn nó như thế nào từ góc độ triết học sinh mệnh, ta sẽ cần đến khối kiến thức rộng như lịch sử, tôn giáo, triết học…
Vì thế, trong thời đại mà giáo dục ngày càng trở nên cần thiết nhưng lại có tình trạng mọi người không đọc sách thì thật lạ lùng.