Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin thì việc đọc sách báo qua Internet đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. Bởi nó mang lại nhiều tiện lợi như người dùng có thể đọc sách ở bất cứ đâu và dễ dàng tìm kiếm cuốn sách mà mình cần; các loại sách trên mạng Internet cũng khá phong phú và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của độc giả…
Vì vậy, nếu biết tận dụng và khai thác các ưu thế của công nghệ thì đây chính là “chìa khóa” quan trọng thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong thời đại số.
Khác với trước đây, khi cần tìm kiếm thông tin, các bạn trẻ phải đến thư viện, hay các hiệu sách thì ngày nay internet đã trở thành công cụ hữu hiệu và tiện ích để tra cứu thông tin. Em Minh Thư, sinh viên Đại học Hồng Đức, chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc đến trường 2 năm vừa qua bị gián đoạn. Bởi vậy, chúng em chủ yếu tìm sách, tài liệu trên trang thư viện số của nhà trường, hay Thư viện tỉnh để phục vụ cho việc học tập.
Bản thân em yêu thích việc đọc sách truyền thống hơn, song em thấy việc khai thác tối đa các tiện ích của thư viện số trong thời kỳ công nghệ phát triển như hiện nay là một cách làm hiệu quả để thúc đẩy văn hóa đọc trong sinh viên.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng mạng internet là một kho sách hoàn toàn mở về nhiều phương diện. Vì thế, đọc sách trên mạng và hình thành văn hóa đọc qua mạng, đòi hỏi người đọc phải biết chắt lọc, biết chọn sách hay, sách tốt; khước từ, loại bỏ sách xấu, sách có nội dung độc hại.
Không chỉ với lớp trẻ mà trong xu thế hội nhập, việc bắt gặp hình ảnh cụ già đọc tin tức bằng smartphone là khá phổ biến. Là cán bộ nghỉ hưu đã lâu năm, cứ thời gian rảnh rỗi ông Trịnh Đình Ninh (Yên Định) lại lên mạng tìm kiếm các loại sách để đọc và mua.
Ông chia sẻ: Trước đây, tôi thường nhờ con cháu đến nhà sách để mua các loại sách mình cần. Tuy nhiên, thời gian gần đây các con tôi đã sắm cho chiếc điện thoại có thể truy cập vào mạng nên hàng ngày tôi thường vào để tìm sách đọc, lại vừa có thể mua online. Đối với tôi, đọc sách là một kho tư liệu rất hữu ích về các vấn đề của cuộc sống, giúp tôi cập nhật được tin tức trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa…
Bạn đọc đến tra cứu sách tại Phòng Tin học, Thư viện tỉnh Thanh Hóa. |
Cuộc cách mạng 4.0 không chỉ tạo ra những thách thức mà còn đưa đến nhiều cơ hội cho văn hóa đọc. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người dùng có thể đọc sách ở bất cứ đâu và dễ dàng tìm kiếm cuốn sách mà mình cần chứ không nhất thiết phải đến thư viện truyền thống.
Đây cũng được xem như “cơ hội vàng” cho sự bứt phá của hệ thống thư viện truyền thống hướng tới chuyển đổi số theo chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021.
Bắt kịp xu hướng đó, thời gian qua Thư viện tỉnh đang tích cực chuyển đổi số để mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho độc giả trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin, phát triển văn hóa đọc. Đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện. Hiện tại, thư viện đã đầu tư Phòng Tin học phục vụ cho độc giả đến học tập, tra cứu sách điện tử với 35 máy vi tính; cùng một số trang thiết bị khác (máy in, máy scan chuyên dụng), hệ thống mạng nội bộ (LAN) và internet…
Đến nay, khoảng 90% công việc chuyên môn, nghiệp vụ được thư viện thực hiện bằng máy vi tính nhờ triển khai phần mềm quản lý thư viện iLib v8.0; phần mềm quản lý sách điện tử (sách web); phần mềm tra cứu (OPAC). Cùng với đó, thư viện đã xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, tích hợp thư viện số và sách điện tử trên website qua địa chỉ http://thuvientinhthanhhoa.vn.
Ngoài ra, thư viện còn đẩy mạnh việc tư vấn cho bạn đọc qua facebook, zalo, website của thư viện. Đồng thời, thực hiện cấp, phát thẻ bạn đọc qua hình thức online… Đồng chí Đỗ Hữu Quyết, nhân viên Phòng Tin học (Thư viện tỉnh), cho biết: Bắt kịp xu hướng hiện đại và thị hiếu của bạn đọc thời 4.0, nhằm phục vụ nhu cầu bạn đọc tốt hơn, Thư viện tỉnh đã nỗ lực và ngày một đổi mới trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc.
Đồng thời, tăng cường giới thiệu sách trên các nền tảng mạng xã hội giúp bạn đọc có thể dễ dàng tìm kiếm và đọc. Thư viện cũng tích cực bố trí xe thư viện lưu động nhằm phục vụ bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa… Từ đầu năm đến nay, Thư viện tỉnh đã bổ sung 6.000 bản sách; 3.700 bản sách kho luân chuyển phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, các thư viện trường học; 500 bản sách phục vụ xe ô tô thư viện lưu động; tiếp nhận thêm 2.260 bản sách từ nguồn xã hội hóa…
Phải khẳng định rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện đã góp phần nâng cao năng suất hoạt động của thư viện, nhờ vào tính hỗ trợ quản lý và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ thư viện; mở rộng khả năng chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin; hỗ trợ bạn đọc trong việc tiếp cận và tăng khả năng đáp ứng những nhu cầu khác nhau của từng nhóm bạn đọc. Nhờ đó, lượng bạn đọc tìm đến thư viện để học tập, tra cứu sách ngày càng nhiều. Tính trung bình mỗi ngày có khoảng 300 đến 400 lượt bạn đọc đến thư viện để đọc và mượn sách.
Thời gian tới, Thư viện tỉnh tiếp tục số hóa các nguồn tài nguyên thông tin. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Có thể thấy rằng, thời đại bùng nổ công nghệ thông tin ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển văn hóa đọc. Con người dần thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin từ sách, báo truyền thống sang các phương tiện nghe – nhìn hiện đại.
Đây cũng là cánh cửa mở ra những cơ hội trong việc tiếp cận nguồn tri thức phong phú vô tận thông qua internet, từ đó kích thích, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc, nhất là trong giới trẻ. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả đọc sách qua mạng internet đòi hỏi hệ thống thư viện truyền thống phải linh hoạt, có nhiều đổi mới trong hoạt động nhất là việc số hóa sách – tài liệu, sử dụng internet để kết nối với người đọc; đồng thời, thường xuyên cập nhật sách hay lên hệ thống website, cổng thông tin điện tử để độc giả có thể đọc trực tiếp bằng điện thoại, máy tính…
Cùng với đó, các cấp, ngành cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng quan tâm phát triển tủ sách điện tử, thư viện điện tử, khuyến khích tinh thần tự đọc, tự nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện… Để từ đó khơi dậy tinh thần và hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng và xã hội.