Truyện Kiều là tác phẩm xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Cảm thương cho số phận của nàng Kiều, người đọc ở nhiều thế hệ càng mến phục tài năng của Nguyễn Du.
Sinh trưởng trong thời kỳ mà nền chính trị có nhiều biến động mạnh, nhà thơ phải chịu nhiều gian truân. Điều đó đã tác động sâu sắc đến nhiều tác phẩm của ông.
Cuộc đời của đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho một số nhà văn đương đại, trong đó có Nguyễn Thế Quang.
Tiểu thuyết Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang mang tới cái nhìn đa chiều, sâu sắc về một danh nhân văn hóa lớn của dân tộc. Trong những câu văn giản dị, mộc mạc, đầy hoài cổ là nỗi đau của một nhân tài trước những đố kỵ, nhỏ nhen của con người.
Tiểu thuyết Nguyễn Du. Ảnh: NXB Trẻ. |
Sự hòa quyện giữa văn chương và lịch sử
Tiểu thuyết Nguyễn Du đã tái hiện quãng đời đầy sóng gió của nhà thơ khi ông làm quan dưới triều Nguyễn. Đó là 18 năm dài đằng đẵng, từ khi vua Gia Long lên ngôi đến lúc Tố Như qua đời.
Vinh hoa, danh lợi cùng những hiềm khích chốn quan trường khiến một kẻ sĩ như ông bỗng ngộ ra nhiều điều. Chúng khiến Nguyễn Du cảm thấy xót xa cho chính mình.
Ông vốn không ham danh lợi, quyền thế. Nhưng con người sống trên đời, nhiều khi phải thuận theo số mệnh. Được Nguyễn Đề tiến cử, Nguyễn Du trở thành quan dưới triều vua Gia Long. Từ đây, Nguyễn Ánh biết được rằng để thu phục sĩ phu Bắc Hà, nhất định phải dùng đến con người này. Nhờ đó, nhà thơ được giao phó nhiều chức vụ quan trọng.
Thế nhưng, ông lại bị những đồng sự của mình nghi kỵ. Nguyễn Nghiễm, cha của Nguyễn Du, là công thần của triều Lê Trung hưng. Người xưa có câu: “Tôi trung không thờ hai chủ”. Liệu Nguyễn Du có hết lòng phò tá nhà Nguyễn? Những lời ong tiếng ve ấy được truyền đến bệ rồng. Vừa mới lên ngôi sau nhiều gian lao, lại là người đa nghi, nhà vua chắc chắn sẽ để tâm.
Là bạn bè, cùng nhau bình thơ, uống rượu, thưởng trăng thì dễ, nhưng khi đã bước vào chốn quan trường, mấy ai giữ được những tình cảm chân thành. Mối quan hệ của Nguyễn Du với những người bạn cũ như: Ngô Quang Tĩnh, Lê Nhân Định, Vũ Trinh… đã nói lên điều đó.
Ngoài ra, vụ án nổi tiếng của Nguyễn Văn Thành trong những năm đầu triều Nguyễn cũng là nút thắt quan trọng trong tác phẩm. Những trang văn của Nguyễn Thế Quang đã khắc họa một cách chân thực và sống động về bức tranh quyền lực lúc Gia Long mới lên ngôi.
Các dũng tướng theo nhà vua từ buổi đầu dựng nghiệp, luôn nơm nớp lo sợ đám học trò “dài lưng, tốn vải” sẽ được trọng dụng. Nguyễn Du vô tình bị kéo vào cuộc chiến ngầm đó. Ông như con cá mắc cạn, cố vùng vẫy để thoát khỏi những tranh đoạt. Càng gắng gượng, Nguyễn Du càng thấy bất lực.
Đại thi hào Nguyễn Du được diễn viên Sỹ Hưng thể hiện trong bộ phim về cuộc đời tác giả Truyện Kiều. Ảnh: Báo Hà Tĩnh. |
Những trang viết sống động về người xưa
Tác giả dụng công khi viết những đoạn đối thoại của vua Gia Long với Nguyễn Du, nhằm khắc họa cốt cách thanh cao của thi nhân trước quyền uy của bậc thiên tử.
Điều đó thể hiện chí khí của người đọc sách thánh hiền, miễn không thẹn với lòng, cớ sao phải sợ hãi. Đây cũng là điều mà ông đã thể hiện trong nhiều tác phẩm của mình.
Nếu vua Gia Long đại diện cho quyền lực chính trị, Nguyễn Du đại diện cho giới trí thức đương thời. Giữa họ có những mâu thuẫn nhất định, đôi khi không thể giải quyết chúng một cách triệt để. Điều này làm Nguyễn Du luôn canh cánh trong lòng.
Để viết tiểu thuyết Nguyễn Du nhà văn Nguyễn Thế Quang đã phải nghiên cứu nhiều tư liệu lịch sử như: Đại Nam chính biên liệt truyện và Đại Nam thực lục. Ngoài ra, ông còn cất công đi đến nhiều vùng đất mà Nguyễn Du từng sống và làm quan như Thái Bình, Quảng Bình, Huế… với mong muốn tìm được tư liệu lịch sử hữu ích.
Thế nhưng, tiểu thuyết thì vẫn mãi là sản phẩm hư cấu của người viết. Tác giả đã thêm thắt nhiều tình tiết không có thật trong lịch sử để câu chuyện được hấp dẫn hơn.
Trong đó, nổi bật là chi tiết Nguyễn Du gặp gỡ và trò chuyện cùng Hồ Xuân Hương. Đó không chỉ là cuộc đối thoại giữa hai nhà văn. Nó đại diện cho sự giao thoa của những luồng tư tưởng tiến bộ trong xã hội thời bấy giờ.
Nguyễn Du không chỉ là tác phẩm viết về chặng đường đời của một danh nhân văn hóa. Nó còn tái hiện sống động giai đoạn nhiều thăng trầm của lịch sử. Ở đó, sự diệt vong của triều đại cũ, cùng sự xuất hiện của một vương triều mới, khiến cuộc đời của bao con người nhỏ bé, phải chịu quá nhiều gian lao.
Tác phẩm cũng đã xoáy sâu vào mâu thuẫn giữa hiền tài và quyền lực dưới chế độ phong kiến. Từ đó, người đọc hiểu được vì sao cách nhau những mấy trăm năm, Nguyễn Du vẫn đồng cảm với Thúy Kiều.
Hai con người ấy đều có tài, nhưng bị thời cuộc đẩy vào cảnh khốn cùng. Thật đúng như câu cảm thán của Nguyễn Du: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”.