Connect with us

Sách hay

Thời Nguyễn tinh gọn bộ máy ra sao?

Được phát hành

,

Dưới thời Nguyễn, việc tinh giản đội ngũ quan lại là một trong những chủ trương, biện pháp được các vua tiến hành thường xuyên.

Tinh gon bo may anh 1
Tái hiện lễ Thiết triều ở điện Thái Hòa dưới triều Nguyễn. Nguồn: Trung tâm Bảo tổn Di tích Cố đô Huế.

Việc tinh giản đội ngũ quan lại này giúp cho triều đình giảm được một số tiền lớn trả lương cho quan lại hàng năm, giảm bộ máy nhà nước cồng kềnh, tình trạng quan lại thừa thãi nhưng làm việc thiếu hiệu quả và chống lại lợi ích nhóm, hoặc cục bộ ở địa phương.

Sàng lọc bộ máy quan lại

Để tiến hành việc tinh giản, các vua Nguyễn đã thực hiện chế độ “khảo khóa” hay “xét công” (chế độ này bắt đầu từ triều đại nhà Lý (thế kỷ XI) và tiếp tục thực hiện qua nhiều triều đại về sau để xem xét đánh giá việc làm, năng suất lao động của quan lại theo định kỳ, theo khóa. Đây cũng là cơ sở cho việc thực hiện chế độ thăng, giáng, chuyển đổi cũng như thưởng, phạt, hay biếm chức.

Sách Đại Nam Hội điển sự lệ chép “phàm xét thành tích các quan cứ 3 năm làm một khóa, lấy các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi làm hạn” để tiến hành sơ khảo và 6 năm một lần làm thông khảo.

Bên cạnh khảo xét quan lại theo định kỳ, triều đình còn tiến hành việc khảo xét bất thường trong một số trường hợp như có người làm chính sự đặc biệt giỏi, hoặc các quan Đốc học, Giáo, Huấn có vết tích xấu.

Nhìn chung, việc khảo xét quan lại dưới triều Nguyễn được áp dụng rộng rãi đối với tất cả các bậc quan lại trong ngoài triều đình, kể cả dòng dõi Tôn thất. Tuy nhiên, trình tự thủ tục khảo xét có sự phân biệt dựa trên phẩm hàm và địa bàn làm việc.

Sách Đại Nam Hội điển sự lệ cho biết với văn ban tam phẩm trở lên ở Kinh và Trưởng quan phủ Thừa Thiên, các viên thành, trấn, đạo ở ngoài đang tại chức đã đủ niên hạn đều chiểu sự trạng công lao, lầm lỗi trong chức sự mà làm một bản tự trình bày.

Đến Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), diện làm bản tự trình bày của các quan chức đã được chuẩn định lại: Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát, chưởng quan ấn các nha, bộ, viện, viên nào đang ăn lương tại chức đã đủ 3 năm làm một bản tự trình bày.

Sau khi làm tờ khai và tiến hành khảo xét quan lại dưới quyền, các viên trưởng quan tùy thuộc vào ngạch quan lại sẽ nộp danh sách và tờ khai này lên bộ Lại hoặc bộ Binh để kiểm tra giải quyết.

Việc khảo xét quan lại nói chung từ trung ương đến địa phương đều dựa trên 2 tiêu chí tuyển chọn quan lại là: tài và đức. Theo đó, trong quá trình làm quan, thời hạn 3 hay 6 năm, đều xét trên khả năng chuyên môn và tư cách đạo đức.

Căn cứ vào quá trình sơ khảo, quan chức sẽ được chia làm các hạng khác nhau. Tùy vào từng đời vua, cách thức phân loại quan lại có khác nhau. Vua Gia Long chuẩn định, đối với quan lại phủ huyện, sau khi khảo xét sẽ phân làm 4 loại: thượng khảo, trung khảo, hạ khảo và hạng kém. Đối với quan từ chánh tam phẩm trở xuống, nếu viên nào tỏ ra xuất sắc thì xếp hạng ưu, viên nào tuy không phải là mẫn cán mà cũng không có lầm lỗi thì xếp hạng bình, còn lại là hạng kém.

Vua Minh Mệnh thì chuẩn định các quan trong ngoài cứ 3 năm một khóa chia làm 4 hạng ưu, bình, thứ, liệt. Trong đó, hạng ưu là: có gia cấp kỷ lục mà không giáng phạt, công hơn lỗi; hạng bình: công và lỗi ngang nhau; hạng thứ: không công mà có lỗi hoặc lỗi nhiều hơn công, nhưng tình trạng làm việc còn khá một chút; hạng liệt: sự trạng tầm thường.

Dựa trên sự phân hạng quan lại, triều đình quyết định thăng giáng, lưu quan lại. Quy định này được nêu rõ vào thời vua Minh Mệnh như sau: nếu ai được hạng ưu bình thì được thăng chuyển, quan trong thì bổ ra ngoài, quan ngoài thì bổ vào trong, hạng thứ thì vẫn giữ chức cũ và hạng liệt phải giáng truất.

Như vậy, với chính sách khảo khóa này, các vua triều Nguyễn không chỉ nâng cao chất lượng đội ngũ quan lại mà còn sắp xếp được nhân sự trong cơ quan nhà nước gọn gàng.

Tinh gon bo may anh 2
Tái hiện cảnh văn võ bá quan trong lễ thiết triều ở sân điện Thái Hòa. Nguồn: Trung tâm Bảo tổn Di tích Cố đô Huế.

Giảm những nha sở không cần thiết

Bên cạnh chính sách khảo khóa, các vua Nguyễn cũng xem xét bãi bỏ hoặc sáp nhập các Nha sở không cần thiết, hoặc hoạt động không hiệu quả. Chẳng hạn như thời Minh Mạng, vua cho bỏ bớt sở Nội tạo, gộp cả vào ty Chế tạo, với lý do rằng công việc Nội tạo và Chế tạo liên quan với nhau mà chia làm 2 nha thì không khỏi có sự cách trở.

Hay năm Nhâm Thìn (1832), vua đã cho bỏ bớt nha môn Thương bạc. Sách Đại Nam thực lục chép: Vua dụ Nội các rằng: “Trước đây việc quản lý nha môn Thương bạc chuyển giao cho các đại thần cố cựu có công lao. Đó có lẽ cũng là tùy tiện, làm quyền nghi thôi. Nay ở Kinh đô hàng năm, các thuyền buôn qua lại buôn bán cũng không có mấy, mà công việc các địa phương ở ngoài đã có người coi giữ, nhà Thương bạc hầu như để không.

Nếu cứ theo đặt như cũ, thì những nhân viên chức dịch ở đấy há chẳng thừa ư? Vậy bỏ đi. Từ nay về sau, ở Kinh nếu có thuyền buôn tới, phàm hết thảy mọi việc tuần tra ra vào, đánh thuế, thu thuế, đều chuẩn cho phủ Thừa Thiên coi quản các địa phương ở ngoài, thì vẫn theo lệ mà làm”.

Các vua triều Nguyễn cũng căn cứ vào tình hình thực tế công việc để sắp xếp nhân sự cho hợp lý. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), khi thấy các tỉnh, phủ có sự phân chia công việc không đồng đều, có nơi ít việc nhưng nhiều người hoặc ngược lại nơi nhiều việc mà ít người, vua đã xuống dụ cho quần thần tiến hành rà soát, xem xét danh sách những người làm việc trong bộ để thêm, bớt nhân viên.

“Xét trong 6 bộ duy có bộ Công, công việc hơi nhiều, mà bộ Lại thì ít việc hơn, chuẩn cho xét người làm việc trong bộ hiện có bao nhiêu, để liệu thêm bớt nhân viên. Trong bộ Lại có chức Lang trung, Viên ngoại lang, chủ sự và Tư vụ đều 4 người, nay giảm đi còn 3 người; chức Vị nhập lưu lại 70 người, nay giảm xuống 60 người. Trong bộ Công, chức Chủ sự, Tư vụ đều 4 người, nay tăng lên 5 người; chức Vị nhập lưu lại 50 người, nay tăng lên 60 người”.

Đến thời vua Tự Đức năm thứ 7 (1854), vua đã cho giảm bớt các viên dịch ở Phiên ty, Niết ty và phủ huyện ở 6 tỉnh Nam Kỳ, tổng cộng 168 người. Ngoài ra, cũng dựa vào nơi nhiều việc hay ít việc mà các vua triều Nguyễn cấp lương cho hợp lý.

Như vậy, có thể thấy triều Nguyễn sử dụng 2 cách làm để tinh gọn bộ máy hiệu quả. Thứ nhất là cấp có thẩm quyền phải lấy lẽ công bằng để xem quan lại. Người nào giỏi, có đạo đức thì giữ lại, trọng dụng, còn người yếu kém thì “cho về”. Cách thứ hai, đi đôi với việc sàng lọc con người trong bộ máy thì giảm bớt những nha sở không cần thiết.

Tóm lại, mỗi thời mỗi khác, tuy nhiên cách làm của triều Nguyễn về tinh gọn bộ máy, giảm số quan lại cũng cho chúng ta thêm những thông tin bổ ích.

Nguồn: https://znews.vn/thoi-nguyen-tinh-gon-bo-may-ra-sao-post1529153.html

Sách hay

Ngôn ngữ là phát minh vĩ đại nhất của loài người

Được phát hành

,

Bởi

Ngôn ngữ là đặc điểm nổi bật nhất của loài người, định hình cách chúng ta tư duy hay rộng lớn hơn là định hình xã hội, văn hóa.

Ngôn ngữ là đặc điểm nổi bật nhất của loài người, định hình cách chúng ta tư duy hay rộng lớn hơn là định hình xã hội, văn hóa.

Ngôn ngữ là phát minh vĩ đại nhất của loài người

Ngôn ngữ là đặc điểm nổi bật nhất của loài người, định hình cách chúng ta tư duy hay rộng lớn hơn là định hình xã hội, văn hóa.

Audiobook

Nguồn: https://znews.vn/ngon-ngu-la-phat-minh-vi-dai-nhat-cua-loai-nguoi-post1531055.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Suleiman Vĩ đại

Được phát hành

,

Bởi

Tác phẩm nghiên cứu sâu sắc về cuộc đời và triều đại của Sultan Suleiman I. Sách đưa người đọc đến với năm tháng đỉnh cao của đế chế khi Suleiman củng cố quyền lực của mình và mở rộng lãnh thổ Ottoman qua nhiều chiến dịch quân sự vang dội ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi.

“Chủng tộc sắt đá” đã xuất hiện trong lòng châu Á từ lâu, lang thang từ Caspian đến Thái Bình Dương, vượt qua các sa mạc và thung lũng, thành lập các đế chế, tiếp nhận và từ bỏ các tôn giáo.

Các vị vua và hoàng đế này, hoặc chí ít là những vị vua châu Âu, là người kế thừa thế hệ các quân vương có truyền thống chiến đấu để duy trì hoặc thường hơn là mở rộng lãnh thổ của họ. Các vua chúa Trung Đông, những người đến sau tương đối muộn, những người vốn được định sẵn như Suleiman là sẽ giành được quyền lực và vinh quang vô song, đã bất ngờ xuất hiện trên chiến trường trong lúc họ đang nghiền nát và chinh phục các phần lãnh thổ của Đế quốc Đông La Mã.

Ngày nay, chúng ta khó lòng mà hình dung ra cú sốc khi người Thổ đặt chân đến các cửa ngõ châu Âu, hay nỗi sợ hãi mà họ tiếp tục gây ra cho đến thế kỷ XVIII và các thời kỳ sau đó nữa, trong một cộng đồng dân chúng luôn coi họ là những kẻ man rợ tàn bạo.

Vi dai anh 1
Tranh vẽ mô tả cuộc chiến giữa đế chế Seljuk với đế chế Byzantine.

Trong gần mười thế kỷ, người Thổ, “một trong những chủng tộc thiện chiến của thế giới cổ đại,” đã gây chiến trên các thảo nguyên Thượng Á. Những người Thổ đầu tiên, Tabghach (To-Pa trong tiếng Trung Quốc), từ dãy núi Altay và lưu vực Orkhon và Selenge đã chiếm đóng miền Bắc Trung Quốc vào thế kỷ thứ V và sau đó hòa nhập vào dân bản địa.

Một trăm năm sau, những người Thổ khác đã chinh phục Mông Cổ trước tiên, rồi tới Turkestan. Những vị chủ nhân của một đế chế rộng lớn trải dài từ Hàn Quốc đến Iran sử dụng bảng chữ cái Sogdian, tiền thân của chữ rune. Đế chế này biến mất khi người thành lập Bumin qua đời vào năm 552. Sau đó, lãnh thổ bị chia làm hai:

Con trai của Bumin là Muhan cai trị Vùng Biên giới phía Đông của người Tiên Sơn ở Mông Cổ; và con trai thứ hai của hoàng đế là Istami cai trị Vùng biên giới phía Tây trên thảo nguyên Siberia và Transoxania.

Những dòng chữ ở Orkhon được khắc vào khoảng năm 730 có ghi lại ký ức về cuộc phiêu lưu vĩ đại bằng lời thơ hùng tráng: “Hỡi các thủ lĩnh người Thổ! Ôi Oguz! Hỡi thần dân, hãy lắng nghe! Chừng nào bầu trời chưa sụp đổ và trái đất chưa tách rời, thì ai mà có thể đánh đổ các thể chế của đất nước các bạn, hỡi người dân Thổ?…

Ta không trở thành Vua của một dân tộc giàu có mà là Vua của một dân tộc đói khát, trần trụi và khốn khổ. Bọn ta đồng lòng, em trai ta, Vương công Koltegin, và ta sẽ không để vinh quang và danh tiếng mà cha chú bọn ta đã giành được cho dân tộc ta bị hủy hoại.

Vì tình yêu của người dân xứ Thổ mà đêm ngày ta không thể yên lòng… và bây giờ em trai Koltegin của ta đã chết. Tâm hồn ta giờ đây đầy thống khổ, đôi mắt ta như mù lòa, tâm trí ta tê liệt. Tâm hồn ta đang day dứt… Tổ tiên ta đã chinh phục và bình định được nhiều dân tộc ở mọi ngóc ngách trên thế giới, khiến họ phải cúi đầu và quỳ gối trước mình. Từ vùng núi Khinghan đến Cổng Sắt, sức mạnh của liên minh người Thổ Ottoman di cư ngày càng lớn…”

Rồi đế chế này cũng sụp đổ vào năm 740. Trong khi đó, nhóm người Toukiue phương Tây đầu tiên đã bị người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) thay thế trong một thế kỷ.

Đế quốc Uighur vay mượn các loại hình nghệ thuật và tôn giáo Manichaeism (Ma ni giáo) từ bên ngoài Iran (các ốc đảo Turfan và Beshbalik ở Iran) và ngày càng trở nên văn minh hơn. Sau đó, nó bị người Kirghiz vượt mặt và rồi biến mất, chỉ để tái sinh thành một quốc gia Phật giáo ở Turkestan thuộc Trung Quốc. Ở phương Tây, các bộ lạc người Thổ chuyển sang đạo Hồi. Chính từ đây mà thế giới không ngừng chiến tranh và không ngừng thay đổi; triều đại Ghaznavid, Ghourid và Seljuk cũng sớm nổi lên.

“Chủng tộc sắt đá” đã xuất hiện trong lòng châu Á từ lâu, lang thang từ Caspian đến Thái Bình Dương, vượt qua các sa mạc và thung lũng, thành lập các đế chế, tiếp nhận và từ bỏ các tôn giáo. Giờ đây, trên thảo nguyên khắc nghiệt của Tiểu Á, họ đã tìm thấy một đất nước có khí hậu giống Trung Á và chấm dứt cuộc hành trình lang thang của mình. Đế quốc Seljuk được thành lập, với các thủ lĩnh vĩ đại (Alp Arslan, Melikshah) và các nhà cầm quyền tài ba (Nizam al-Mulk), sau đó tan rã thành các công quốc đối địch. Cuối cùng vào đầu thế kỷ XIII, Osmanli hay Ottoman mới xuất hiện.

Nguồn: https://znews.vn/mot-chung-toc-sat-da-post1530774.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Sài Gòn đi qua ký ức

Được phát hành

,

Bởi

Chắt lọc 30 tản văn hay của nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa, sách bao quát các chủ đề: Di tích lịch sử – Văn hóa – Ẩm thực – Nghệ thuật, ghép nối thành thước phim tài liệu sống động trải dài từ đất Sài Gòn hơn nửa thế kỷ trước cho đến Thành phố Hồ Chí Minh của hiện tại.

Đi đâu cũng nghe, cũng thấy bước chân những người mở cõi, nhưng ngoài tên đường Lũy Bán Bích, đâu rồi những tấm bia ghi dấu vết kỷ niệm của các địa danh lịch sử, danh nhân từ thời lập đất Sài Côn – Đề Ngạn?

Chiều mưa lại đi ngang con đường Lũy Bán Bích quận Tân Bình. Nhìn bảng tên một con đường hiếm hoi mang tên một lũy thành ngày xưa, chợt nhớ đến vùng đất Sài Gòn với những bước chân mở cõi của các bậc tôi thần nhà Nguyễn – vâng mệnh Chúa – tìm đường hướng về phương Nam.

Lũy Bán Bích (lũy Nguyễn Cửu Đàm) đắp năm 1772 trên cơ sở của lũy Lão Cầm, huyện Tân Bình (1772), chạy dài từ chùa Cây Mai, vòng qua đồng Tập Trận, tới rạch Nhiêu Lộc thì theo đường sông xuống rạch Thị Nghè rồi chấm dứt nơi cầu Bông.

Cầu này có tên là cầu Hoa (hay cầu Cao Mên) nhưng trùng tên với một người vợ của vua Minh Mạng nên cải thành cầu Bông. “Cây cầu Cao Mên, thấy làm nguyên cột vắp ván trai” (Cổ Gia Định phong cảnh vịnh). Từ những cái tên, những phế tích còn sót lại sau nhiều cuộc bể dâu ẩn chứa từng quặng tầng lịch sử của đất phương Nam khởi nguồn từ Sài Côn – Prey Nokor.

Trước hết, vùng đất Sài Gòn xưa mang ơn vị quan nhà Nguyễn đã đến và xây dựng vùng đất này: Thống suất thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh – Năm 1698, “lấy đất Nông Nại đặt làm Phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn lập Phủ Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”. Nhà Bè nước chảy chia hai / Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Sai Gon anh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Freepik.

Trước đây, vùng đất này đã có người Việt định cư từ cuối thế kỷ XVI nhưng phải đợi đến chúa Nguyễn định danh thì vùng đất này mới là của người Việt. Sau khi dựng dinh Phiên Trấn, chúa Nguyễn còn cho phép quan chức tại Phủ Gia Định được quyền chiêu dụ người Việt đang lưu trú tại Lục Chân Lạp về định cư sẽ được miễn thuế ba năm… Bước chân của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược là bước ngoặt quan trọng đối với vùng Sài Gòn và toàn cõi Nam Bộ.

Dạo bước ngang con đường nhỏ Nam Quốc Cang nhớ ngày xưa đã có một ngôi chợ được gọi theo tên của Dinh Điều Khiển (góc Nguyễn Trãi – Phạm Ngũ Lão). Đường Lê Thánh Tôn, trước Bảo tàng Cách mạng, trong công viên Bách Tùng Diệp ta thấy một cây đa to rũ nhánh – dấu vết một ngôi chợ nổi tiếng mang tên Cây Da Còm ngày cũ. Cây da thằng mọi, coi bán đủ thuốc xiêm, cau mít (Cổ Gia Định phong cảnh vịnh).

Đình Tân Kiểng (Chợ Quán) còn đó nhưng chợ Tân Kiểng chỉ còn lại cái tên. Chợ Phố Sài Gòn, do Trần Thắng Tài (Trần Thượng Xuyên) thành lập trong khoảng những năm 1679-1731 bây giờ là khu vực ngay tòa nhà Bưu Điện quận 5. Đi ngang Hòa Hưng làm sao không nhớ đến Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ Trường Toản, thầy của Gia Định tam gia Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh.

Các công thần nhà Nguyễn đã xây dựng cũng như đã hy sinh cùng nhân dân bảo vệ Sài Gòn – Gia Định trước cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Đại đồn Chí Hòa với tên tuổi của Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Trương Công Định luôn làm con cháu đất Sài Gòn hãnh diện về tiết tháo của người xưa.

Đi về miệt Gia Định, nhìn thấy cổng Lăng Ông sao lại không cảm khái nhớ đến Quan lớn Thượng Lê Văn Duyệt – người làm Tổng trấn Gia Định Thành trước sau hai thời kỳ – một Tổng trấn lâu năm nhất, được nhân dân nhớ ơn nhiều nhất vì tinh thần “chí công vô tư”, đặt phép nước cao hơn lệnh vua, biết “mở cửa” giao thương, tận dụng sức làm kinh tế của thương nhân…

Theo dòng lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt bắt đầu từ khi chúa Nguyễn lập Phủ Gia Định, phủ Gia Định / Nhà đủ người no chốn chốn / Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn / Ăn ở vui thú nơi nơi (Cổ Gia Định phong cảnh vịnh). Năm 1708 Mạc Cửu dâng Hà Tiên cho chúa Nguyễn. Năm 1755, Quốc vương Chân Lạp nhượng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp cho Võ Vương. Đất Ba Thắc (Sóc Trăng – Bạc Liêu), Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) sáp nhập vào phần giang sơn chúa Nguyễn từ năm 1757.

Mạc Thiên Tích mất năm 1780 không con nối dõi nên chúa Nguyễn đã thu phục Hà Tiên. Từ đây việc mở mang bờ cõi kéo dài trên 800 năm (từ năm 939) của Việt Nam với hình dạng như ngày nay đã hoàn thành. Dù trải qua nhiều phong ba bão táp của chiến tranh nhưng người miền Nam cũng như người Sài Gòn vẫn luôn nhớ ơn tiên hiền mở cõi đã giữ vững và xây dựng đất phương Nam theo ước vọng người xưa…

Đi đâu cũng nghe, cũng thấy bước chân những người mở cõi, nhưng ngoài tên đường Lũy Bán Bích, đâu rồi những tấm bia ghi dấu vết kỷ niệm của các địa danh lịch sử, danh nhân từ thời lập đất Sài Côn – Đề Ngạn? Ta có quyền quên chăng?

Nguồn: https://znews.vn/sai-gon-buoc-chan-mo-coi-post1530739.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng