Tôi có may mắn được làm việc ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội ngót ngét 40 năm. Ở Nhà số 4, tôi lại may mắn được gần những bậc thầy, những bậc đàn anh về viết báo, làm báo như Thanh Tịnh, Mai Ngữ, Hồ Phương, Xuân Thiều, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo…, đặc biệt là “sư phụ” Thanh Tịnh, Tổng biên tập thứ hai của Văn nghệ Quân đội. Những câu chuyện làm báo của ông cả trong cương vị lãnh đạo Văn nghệ Quân đội và ở vị trí một người làm báo đều khiến tôi nhớ mãi.
Ðược ở gần nhà thơ Thanh Tịnh chừng hai chục năm thôi, nhưng tôi biết ông là một “tỉ phú” về ngôn từ, chữ nghĩa. Không phải ngẫu nhiên mà anh em báo chí văn nghệ ở “phố nhà binh” gọi ông là “pho tự điển sống” là “bậc huynh trưởng”. Ông không chỉ viết báo, làm báo giỏi mà còn chỉ cho nhiều nhà báo trẻ cách viết báo, làm báo một cách rất cụ thể, như thầy trò, như bầu bạn như đồng nghiệp… Thanh Tịnh là vậy, làm báo, viết báo, kể cả báo Tết, báo Xuân, báo số đặc biệt…, làm cái gì cũng cứ nhẹ tênh tênh, nhưng để theo ông, học ông thật chẳng dễ chút nào. Ðôi khi chỉ là để hiểu ý ông thôi mà mươi năm, thậm chí cả đời người vẫn chưa làm được.
Ðời làm báo của ông, như ông kể, tháng nào tuần nào cũng phải tự “trình diện” trước bạn đọc, bạn viết và… cấp trên. Tết, làm báo Tết mới bận rộn làm sao! Ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội có lệ mỗi lần Tết đến, mọi phóng viên trong tòa soạn phải góp một bài cho số báo đặc biệt này. Thơ còn không ngại, chứ đến truyện ngắn và các mục râu ria như giai thoại, thơ vui, câu đối cùng nhiều thể tài gọi là “bài vụn” khác, thì quả thật viết đã khó, mà chạy ra bài lấp đầy các số báo cũng không dễ… Tôi từng nghe kể, những lúc ấy nhà văn Nguyễn Minh Châu thường nhìn cánh “trực biên tập” (tức là đang lo dựng các số báo) một cách thương hại và tủm tỉm: “Trông kia kìa, chắc cụ Thanh Tịnh đã viết được vài bài rồi, giờ lại đang viết tiếp đấy. Tết năm ngoái đọc sơ sơ các báo, mình đếm chắc chưa đầy đủ mà đã có đến chục bài kí tên Thanh Tịnh. Ở nhà này về khoản làm báo, cánh cầm bút lớp sau cứ gọi là xách dép cho cụ Tịnh cũng không đáng”. Để tưởng nhớ nhà văn Tổng biên tập (Chủ nhiệm Tạp chí VNQĐ đời thứ 2, sau tướng Văn Phác), tôi xin kể vài câu chuyện về ông:
Nhà văn, nhà báo, nhà thơ (Tự họa)
Văn phẩm Thanh Tịnh để lại không thật đồ sộ, nhưng ông được người đời gọi là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ. Là nhà văn bởi ông có các tập truyện ngắn Ngậm ngải tìm trầm (1943) và trước đó là tập Quê mẹ (1941). Là nhà thơ bởi ngay từ năm 1937, lúc mới 26 tuổi ông đã cho in tập thơ Hận chiến trường nổi tiếng và đến năm 1942 được ghi danh trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân với những thi phẩm nổi tiếng như Mòn mỏi, Tơ trời và tơ lòng, Rồi một hôm…
Trước đó, năm 1936 ông đã đoạt giải Nhất về thơ do tờ Hà Nội báo tổ chức. Ông còn để lại cho đời rất nhiều câu ca dao bất hủ như: Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Quyết tâm thắng Mỹ cực chừ sướng sau. Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Hà Nội, Huế, Sài Gòn/ Là cây một gốc là con một nhà…
Đời ông, một nhà thơ xứ Huế, một sĩ quan cao cấp của quân đội, nhưng lại đã từng “Trải qua mấy chục năm trường / Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân” ở Hà Nội. Những năm tháng “ngày Bắc, đêm Nam” ấy ông đã để lại biết bao nhiêu kỉ niệm trong làng văn, làng báo cùng rất nhiều giai thoại dọc “phố nhà binh” – Phố Lý Nam đế Hà Nội.
Thanh Tịnh luôn luôn có những câu nói “xuất khẩu thành vần”. Một lần có một bạn đọc đến thăm ông tại căn phòng vừa là chỗ ở vừa là nơi làm việc ở số 4 – Lý Nam Đế hỏi ông: “Dạ thưa bác, bác đi làm có xa không ạ?” Thanh Tịnh trả lời rằng “Thưa không phải đi đâu ạ!”.
Người nọ còn ngỡ ngàng chưa hiểu ra thì nhà thơ đã giải thích: “Tôi được người ta gọi bằng bốn danh hiệu: nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ. Nhưng xin thưa: bốn nhà ấy hiện không nhà ở!”. Về sau, khi đã được Quân đội chia một căn hộ riêng bên số 8 – Lý Nam Đế, nhắc đến câu nói kia ông đề nghị sửa chữa thành: Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo. Ông bảo đó là “chân dung tự họa” của ông.
Truyện ngắn và đồng hồ
Biên tập viên tờ báo nọ đến đặt Thanh Tịnh viết bài cho số báo tất niên. Anh ta thưa với nhà thơ rằng ông là một tác giả viết nhanh, luôn đúng hẹn, lại là người “sáng lập” ra mục “những đoạn văn ngắn” của tờ Văn nghệ Quân đội và đặt vấn đề với ông viết cho một truyện ngắn.
Anh biên tập viên tin rằng với thời gian “cần”, “gấp” nhất định nhà thơ sẽ có truyện ngắn gửi đăng. Nghe xong Thanh Tịnh bảo: Sao không đặt mình viết truyện dài? Người khách nọ: Dạ sợ bác không đủ thời gian ạ. Nhà thơ cười: Vậy ra theo anh làm một cái đồng hồ nhỏ và chạy tốt lại dễ hơn làm cái đồng hồ to à?.
Văn chương và bánh chưng
Nhà thơ Thanh Tịnh xa quê đúng 30 năm và đón Tết một mình cũng đủ 30 lần. Nhưng với ông, Tết nhất luôn luôn phải vui vẻ. Buồn đến chết, Tết cũng vui, ông hay nhắc đi nhắc lại câu ấy mỗi năm hoa đào nở. Và như đã thành tục lệ, dù là “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” mỗi Tết trong phòng ông đều có bánh chưng, hoa đào và dĩ nhiên là cả báo Tết cùng một vài câu đối do ông sáng tác để mừng xuân, mừng Tết, mừng tuổi bạn bè, người thân…
Có một năm, hai mươi ba Tết ông Táo rồi mà ông vẫn chưa nghĩ được một vế tiếp theo của đôi câu đối mừng một tờ báo lớn kỉ niệm 50 năm ra số đầu tiên. Nhìn chiếc bánh chưng, cành đào nhỏ và chồng báo Tết của ông, người bạn nhà báo tức cảnh làm mấy câu thơ:
Tết nhất năm nay bác rất xôm
Bánh chưng xếp lộn với văn chương
Cành đào hé đúng mười ba nụ
Câu đối mừng ai viết nửa chừng…
Nghe vậy nhà thơ xứ Huế cười xí xóa: “Mới chiều 23 mà. Thời gian từ đây đến giao thừa còn dài dài. Thế nào rồi cũng xong. Với tui ‘tuổi tuy hưu trí, chí chưa hưu’ mà!”
Chữa cháy báo xuân
Tờ báo nọ dự định ra số xuân sớm hơn mọi năm vì quan niệm báo Tết là thứ hàng hóa, phải kịp thời đến tay bạn đọc. Nhưng hiềm một nỗi ông họa sĩ “mi” tính toán số chữ không chính xác nên khi “bông” ra thấy “thủng” rất nhiều chỗ. Đưa ảnh vào cũng được nhưng kiếm không ra, đưa bài khác vào thì đảo lộn hết ý đồ mà cũng chẳng đủ “đất”. Viên thư kí tòa soạn nhanh ý guồng xe đến “cụ” Thanh Tịnh xin vài mẩu chuyện hoặc câu đối để “lấp chỗ trống”.
Năm ấy tuổi đã thất thập cổ lai hi nên viết lách có phần chậm. Có tí vốn liếng nào cũng “bị” các báo Tết khác nhanh chân hơn đến “chộp” trước mất rồi, vì thế nên khi nghe lời “thỉnh cầu” đầy vẻ S.O.S của người thư ký tòa soạn ông cũng rất lo. Nhưng chỉ một thoáng đã thấy ông hỏi:
– Bản bông có đây không?
Người thư kí mở cặp đưa ra cho nhà thơ xem. Quả là bị “thủng” đến mấy chỗ. Dường như không phải suy nghĩ nhiều, nhà thơ cao niên vớ lấy cây bút bi, giương kính lão lên và viết liền vào mấy chỗ trống kia. Chỗ thì chữ “vi nhét”, chỗ thì chữ “hoa đào”. Chỗ “thủng” hơi to thấy ông “lia” vội “câu đố”:
Phần đầu tôi mệt lắm rồi
Phần đuôi lặng lẽ giúp người che thân
Nếu ai đem ghép hai phần
Tôi kêu một tiếng xa gần biết tên
Sau đó ghi thêm chữ “là chữ gì?” trong ngoặc đơn và tiếp chữ “xem giải đáp trang…”. Ông lật đi lật lại bản “bông” và tìm ra một chỗ “thủng” khác để “lia” bút viết lời giải đó: Pháo (ph: mệt phờ + áo = pháo). Đoạn ông bỏ kính, cất bút trao bản “bông” cho người khách và bảo “ổn chưa?” Người nọ chỉ biết “dạ” và guồng xe trở lại nhà in…
Thay cho lời kết
Năm ấy nghe tin Thanh Tịnh ốm nặng, Đỗ Chu vừa từ Bắc Ninh xuống sang ngay nhà thăm. Lâu ngày đôi bạn một già một trẻ mới gặp nhau, chuyện trò vui vẻ đến nỗi Thanh Tịnh như khỏe ra. Ông gượng dậy lấy rượu mời Đỗ Chu và câu chuyện thêm vui, thêm cả buồn lẫn lộn.
Nghe Thanh Tịnh nói về cuộc đời phiêu bạt, đơn côi của mình, Đỗ Chu thương lắm. Là người biết ít chữ Hán, chữ lại đẹp anh bèn cầm cây bút dạ viết luôn câu: Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân (trong bài thơ chữ Hán Dạ hành của thi hào Nguyễn Du) tặng nhà thơ già. Thanh Tịnh trân trọng treo câu thơ đó lên tường sát chỗ giường nằm.
Không ngờ mấy ngày sau bệnh ông càng thêm nặng, ông phải vào Viện Quân y 108… Và trước phút tác giả của Quê mẹ về quê mẹ, Đỗ Chu cũng có mặt. Nhà thơ còn níu nhìn người bạn văn trẻ và thều thào đọc câu thơ nọ Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân (nghĩa là: Trên con đường nhỏ, gió lạnh dồn thổi vào một người – thơ Nguyễn Du)… Không một ai ở đó khi ấy cầm nổi nước mắt!
Quả câu thơ rất hợp với ông, nhưng tôi nghĩ con đường xưa ông đi, quá khứ đời ông trải không chỉ có gió lạnh, đường xa và sự đơn côi mà còn có cả những chặng đường hoa cùng những ngày ấm áp nơi chiến khu xa và trên những con đường đường Hà Nội rụng vàng lá me lá sấu!
You must be logged in to post a comment Login