Các cuốn sách trong bộ Viết và Đọc. Ảnh: Đức Huy. |
Sau ba năm ra mắt, bộ sách chuyên đề Viết và Đọc của Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam đã trở thành nơi lưu dấu của công cuộc đào sâu trên cánh đồng chữ nghĩa của nhiều cây bút thuộc bao thế hệ khác nhau.
Thức quà theo mùa
Chuyên đề được xuất bản định kỳ vào mỗi quý, đều đặn như một thức quà theo mùa: Xuân, hạ thu, đông. Mặc dù không có chủ đề của số nào bị bó khuôn lại bởi thời gian, bộ sách chuyên đề thực sự đem lại cho độc giả cảm giác chuyển mình theo bốn trạng thái khác nhau trong năm.
Một cuốn được chia làm 9 phần bao gồm: Ấn tượng 90 ngày, Văn xuôi, Thơ, Đối thoại, Văn học trong nhà trường, Phê bình và Tiểu luận, Văn học nước ngoài, Tư liệu và Những người nổi tiếng thế giới.
Điều dễ nhận thấy nhất là các truyện ngắn, bài thơ hay những bài đàm luận, ký chính luận trong mục Ấn tượng 90 ngày, ghi chép tản văn đều thể hiện rất rõ tinh thần của chủ nghĩa hiện thực.
Các tác giả đi sâu vào đời sống của con người trên mọi miền mảnh đất hình chữ S, thậm chí là cả những vấn đề quốc tế để cho thấy một bức tranh toàn cảnh xã hội, phản ánh những khó khăn của con người thông qua lăng kính văn học. Chính vì vậy, các tác phẩm bàn về chuyện thế sự nhưng không hề khô cứng khi thể hiện.
Những cảm hứng đời thường được ghi chép lại và thể hiện độc đáo qua từng vần thơ. Đôi khi tứ thơ mở ra từ một thú vui bình sinh, một bông hoa, một mảnh trăng treo nhưng cũng có lúc là cả những khái niệm trừu tượng hơn như tình yêu, sự nghiệp. “Tình yêu mê hoặc tình yêu / hư danh mê hoặc cánh diều giấy bay / tiếng chim mê hoặc rừng cây / hư danh mê hoặc bóng mây trên trời”, Thơ Vũ Toàn (Viết và Đọc, chuyên đề mùa thu 2023).
Bên cạnh không gian nghệ thuật để người đọc nhìn ngắm và chiêm nghiệm, bộ sách chuyên đề còn thể hiện rất rõ tinh thần: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận”. Trong một bài tham luận nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bình luận về câu nói “Cái đẹp có thể cứu rỗi” rằng, cái đẹp là chưa đủ, tình yêu mới cứu rỗi được thế giới. Tình yêu mà nhà thơ đề cập đến không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà rộng hơn, cao hơn đó là tình thương giữa người với người. Ông khẳng định rằng nhà văn luôn là người có trái tim lớn, với tình yêu thương lớn. Câu nói là sự nhấn mạnh của nhà thơ Trần Đăng Khoa về vị trí và vai trò của nhà văn trong tiến trình phát triển xã hội.
Cụ thể hơn như vấn đề với môi trường, tác giả Nguyễn Đăng Điệp đã đi từ các khả thể được mở ra trong văn chương của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều… để nói về cách con người hòa mình với tự nhiên.
“Sự hòa hợp với thiên nhiên trong quan niệm của Nguyễn Minh Châu không phải là mô hình “tâm vật cảm ứng” kiểu văn học trung đại mà là một yêu cầu bức thiết được đặt ra trong thời đại văn minh công nghiệp và đô thị hóa. Về bản chất, đó là một phản tỉnh mang tầm triết học trong cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu”, Nguyễn Đăng Điệp (Viết và Đọc, chuyên đề mùa thu 2023).
Nơi neo vào của văn chương
Giá trị của bộ sách chuyên đề còn nằm ở việc cất giữ nhiều tư liệu quý, chẳng hạn như bộ của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, những chương bản thảo của Bảo Ninh, Đoàn Giỏi…
Đây cũng là sân chơi, một bệ phóng cho các cây bút trẻ như Huỳnh Trọng Khang, Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên… có nơi thử sức.
Các tác giả thể hiện một thực hành ngôn ngữ mang tính xây dựng và tinh thần thời đại. Mỗi tác phẩm hàm chứa những thông điệp vừa trừu tượng nhưng cũng rất dễ cảm, dễ hiểu.
Nhóm thực hiện chuyên đề, do ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chủ biên, nêu chủ trương thực hiện Viết và Đọc: “Chuyên đề Viết và Đọc ra đời chỉ như một nỗ lực dựng lên một ngôi nhà nhỏ cho những người kể chuyện chân chính của thế gian bước vào, nhóm lên ngọn lửa và cất tiếng. Mỗi một nhà văn, nhà thơ, mỗi một nhà báo, mỗi một người giảng dạy trong nhà trường… và mỗi một bạn đọc chính là một người kể chuyện của thế gian này. Không còn cách nào khác, chúng ta hãy bước đi và cất tiếng về những điều tốt đẹp đang bị vùi lấp bởi chính con người”.
Viết và Đọc trở thành ngôi nhà của những người yêu văn chương nghệ thuật hôm nay. Nhà phê bình Ngô Thảo nhận xét: “Hiện nay ấn phẩm về văn nghệ rất nhiều. Giữa biển mênh mông ấy, ta cần vài cái neo, vài cột, trụ, mốc để người ta neo vào. Viết và Đọc đã khẳng định được vị trí của mình, là nơi neo vào của văn chương”.
Nguồn: https://znews.vn/bo-sach-ghi-chep-nhip-song-van-chuong-duong-dai-post1447826.html
You must be logged in to post a comment Login