Bộ sách Thời gian và nhân chứng khắc họa chân dung của 43 nhà báo lão thành, hoạt động trong thời kỳ từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. |
Hướng tới kỷ niệm 100 năm ra đời, phát triển (21/6/1925) nền báo chí cách mạng Việt Nam tôn vinh những cống hiến của các nhà báo lão thành với nền báo chí cách mạng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu bộ sách Thời gian và nhân chứng (Hồi ký của các nhà báo) do GS. NGND Hà Minh Đức (chủ biên) cùng tập thể tác giả thực hiện trong hơn 10 năm.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn Thời gian và nhân chứng là bộ sách quý, thể hiện kết quả tâm huyết của GS.NGND Hà Minh Đức và các cộng sự trong hơn 10 năm, trải qua nhiều khó khăn, vất vả, sự nỗ lực trong việc gặp gỡ, tiếp cận các nhà báo để lắng nghe, ghi chép lại những kỷ niệm nghề báo.
Ông khẳng định nếu không có bộ sách này, những hồi ức về hành trình làm nghề, những kinh nghiệm làm báo quý báu, phong phú, đa dạng… sẽ mất đi.
GS.NGND Hà Minh Đức chia sẻ về bộ sách Thời gian và nhân chứng. |
GS.NGND Hà Minh Đức cho biết ông cùng đồng nghiệp dành 10 năm để viết và xuất bản ba cuốn thuộc bộ sách Thời gian và nhân chứng, nếu chia ra cứ ba năm ông và đồng nghiệp sẽ xuất bản một cuốn sách.
“Tôi đã tìm mọi cách trao niềm tin để các nhà báo có tiếng để lại trên đời những giá trị tốt đẹp, nhất là để lại kinh nghiệm về hoạt động báo chí”, GS.NGND Hà Minh Đức chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh – nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam – nhấn mạnh 43 nhà báo trong ba tập sách là những chiến sĩ xung kích, tận tâm tận lực với nhiều sáng tạo trong phát hiện những nhân tố mới của cuộc sống, kịp thời cổ vũ, biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến nhân rộng ra toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt, được xã hội ghi nhận và tôn vinh.
Bộ sách khắc họa chân dung 43 nhà báo gạo cội, cả đời theo Đảng, Bác Hồ, cống hiến để góp phần tạo nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam. Phần lớn trong số họ là những nhà báo hoạt động trong thời kỳ từ trước Cách mạng Tháng tám kéo dài qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Tập 1 giới thiệu chân dung của 13 nhà báo: Quang Đạm, Xích Điểu, Tô Hoài, Lê Kim, Trần Kư, Trần Lâm, Trần Công Mân, Vũ Tú Nam, Đỗ Phượng, Hữu Thọ, Xuân Thủy, Lê Bá Thuyên, Hà Xuân Trường.
Người đọc bắt gặp một Quang Đạm học vấn uyên thâm, cống hiến cả đời cho nghề báo, một Xích Điểu với thật nhiều kỷ niệm buồn vui trong hơn 60 năm cuộc đời làm báo, hay Hữu Thọ với nhiều trăn trở, suy nghĩ về nghề đã được ông đúc rút. Tất cả đều là những ký giả tâm huyết với nghề, bản lĩnh, trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức.
Với các bài viết được giới thiệu trong tập 2, độc giả khám phá chân dung của 16 nhà báo: Thanh Châu, Trần Bạch Đằng, Hà Đăng, Hồng Hà, Thanh Hương, Trần Kiên, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Thành Lê, Hồng Lĩnh, Hiền Nhân, Hữu Ngọc, Phan Quang, Huỳnh Văn Tiểng, Hoàng Tùng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Minh Vỹ. Qua đó, người đọc sẽ có cái nhìn đa dạng, sâu sắc cả về lý luận, thực tiễn về nghề báo.
Tập 3 của bộ sách phác họa chân dung các nhà báo: Nguyễn Phú Trọng, Dương Kỳ Anh, Hàm Châu, Trần Đức Chinh, Thái Duy, Bảo Định Giang, Trần Mai Hạnh, Vũ Đình Hòe, Đinh Phong, Trường Phước, Nguyễn Thành, Vũ Tuất Việt, Hồng Vinh… tạo được một sự hoàn chỉnh nhất định về đội ngũ các nhà báo cách mạng cho đến hết thời kỳ chống Mỹ và giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới.
Nguồn: https://znews.vn/hoi-ky-cua-43-nha-bao-lao-thanh-post1449284.html
You must be logged in to post a comment Login