Connect with us

Sách hay

Sức hấp dẫn vượt thời gian của ‘Chuyện người con gái Nam Xương’

Được phát hành

,

“Chuyện người con gái Nam Xương” và “Truyền kỳ mạn lục” nói chung có sức sống vượt thời gian bằng cách lồng ghép những yếu tố kỳ dị vào bức tranh xã hội thực tế, nhức nhối.

Vào ngày khởi chiếu 7/2 (mùng 9 Tết), Đèn âm hồn chính thức vượt qua hai đối thủ phòng vé là Nụ hôn bạc tỷ của Thu Trang và Bộ tứ báo thủ của Trấn Thành, dẫn đầu doanh thu phòng vé theo ngày. Phim cũng lọt top phim Việt có lượng vé bán sớm cao nhất với 40.000 vé bán ra trước ngày khởi chiếu.

Bộ phim của đạo diễn Hoàng Nam lấy cảm hứng từ Chuyện người con gái Nam Xương – truyện thứ 16 trong tuyển tập Truyền kỳ mạn lục của danh sĩ Nguyễn Dữ.

con gai Nam Xuong anh 1
Hình ảnh từ phim Đèn âm hồn. Ảnh: Fanpage phim Đèn âm hồn.

Phận người nữ trong xã hội phong kiến

Truyền kỳ mạn lục gồm 20 tác phẩm riêng, được viết theo thể loại văn xuôi, văn biền ngẫu, thơ ca. Cốt truyện chủ yếu lấy từ những tích lưu truyền trong dân gian và được Nguyễn Dữ biến tấu theo phong cách cá nhân của mình.

Trong Truyền kỳ mạn lục, Chuyện người con gái Nam Xương (Nam Xương nữ tử truyện) là gần gũi với bạn đọc ngày nay hơn cả vì được đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học phổ thông.

Truyện kể về người con gái tên Vũ Thị Thiết quê ở Nam Xương, dung mạo đẹp, đức hạnh, hiền lành, kết hôn với Trương Sinh. Khi chồng đi lính, nàng ở nhà chăm sóc mẹ chồng, nuôi dạy con. Lúc Trương Sinh trở về thì mẹ anh đã qua đời. Đứa con trai vô tình nói với Trương Sinh là có người đàn ông đêm đêm lui tới mà Vũ nương giới thiệu là bố nó.

Mặc cho Vũ nương giãi bày và xóm giềng góp lời minh oan, Trương Sinh vẫn nhất quyết không tin lời vợ, cũng không hé răng tiết lộ chuyện con trai kể. Oan ức, Vũ nương trầm mình xuống sông rồi được một nàng tiên cứu sống.

Theo PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Dữ dành nhiều ưu ái cho những nhân vật nữ: “Dưới ngòi bút của ông họ đều là những thiếu phụ đẹp, chuyên nhất, tảo tần, giàu lòng vị tha nhưng luôn luôn phải chịu số phận bi thảm”.

Chuyện người con gái Nam Xương tiêu biểu cho tinh thần chung của Truyền kỳ mạn lục: “Có truyện vạch trần chế độ chính trị đen tối, hủ bại, đả kích hôn quân bạo chúa, tham quan lại nhũng, đồi phong bại tục, có truyện nói đến quyền sống của con người như tình yêu trai gái, hạnh phúc lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng, có truyện thể hiện đời sống và lý tưởng của sĩ phu ẩn dật…”, PGS.TS viết.

Có lẽ đó là lý do mang đến cho Truyền kỳ mạn lục sức sống vượt thời gian. Kể từ khi ra đời, tác phẩm đã sớm được giải âm sang chữ Nôm và sau này là dịch sang chữ Quốc ngữ, xuất bản nhiều lần. Trong đó, nổi bật là các bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện (1943).

Trên cơ sở bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện, nhà Hán học – chuyên gia văn học Việt Nam trung đại Trần Thị Băng Thanh đã chỉnh lý để bản dịch được gần với nguyên tác hơn. Năm 2022, Nhà xuất bản Kim Đồng cho in bản dịch có chỉnh lý này kèm phần minh họa công phu của họa sĩ Nguyễn Công Hoan.

Phiên bản sách nói Truyền kỳ mạn lục trên app Fonos cũng được độc giả đánh giá cao. Nhiều truyện trong Truyền kỳ mạn lục trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ, họa sĩ, tiêu biểu có thể kể đến dự án minh họa Chuyện người con gái Nam Xương Chuyện tướng Dạ Xoa của Hoàng Văn Tài.

Năm 2023, trong cuộc thi “Truyện dài thành truyện ngắn” do Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức, thí sinh H.Y đã giành giải Độc giả bình chọn và giải Cây hài quốc dân với phần viết lại Chuyện người con gái Nam Xương vỏn vẹn trong 11 chữ: “Bảo chồng là bóng. Người phụ nữ nhận cái kết đắng”, nhận về hàng chục nghìn lượt tương tác trên mạng xã hội.

con gai Nam Xuong anh 2
Một số bản sách Truyền kỳ mạn lục những năm gần đây. Trong đó ngoài cùng bên phải là ấn bản kèm minh họa.

Thiên cổ kỳ bút

20 truyện trong Truyền kỳ mạn lục lột tả những những tình huống gắn với cuộc sống của con người trong xã hội phong kiến, song lồng ghép những yếu tố ly kỳ, nhuốm màu ma quái trong dân gian. Truyền kỳ mạn lục bộc lộ được sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với những phận người trong thời đại mình.

Thông qua các nhân vật kỳ ảo như thần tiên, ma quái, tinh loài vật, cây cỏ…, tác giả phản ánh bức tranh xã hội đương thời nhiều rối ren, loạn lạc. Từ đây, ông thể hiện thái độ phê phán bối cảnh chính sự hỗn loạn, các tệ nạn khiến cuộc sống của người dân chịu cảnh cơ cực, oan trái. Cuối mỗi truyện, có lời bình của tác giả hoặc của người có cùng quan điểm với tác giả.

Cùng với Nam Hải dị nhân liệt truyệnLĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm đặc sắc trong kho tàng văn học Việt Nam giai đoạn trung – cận đại, được độc giả nhiều thế hệ đón nhận từ khi mới ra đời và được các học giả thuộc nhiều thời kỳ đánh giá cao. Tiến sĩ Vũ Khâm Lân ở thế kỷ 18 gọi Truyền kỳ mạn lục là “thiên cổ kỳ bút”.

Giáo sư Bùi Duy Tân (1931-2009) cho rằng tác phẩm “kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tài tình những phương thức tự sự, trữ tình và cả kịch, giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi, văn biền ngẫu và thơ ca. Lời văn cô đọng, súc tích, chặt chẽ, hài hòa và sinh động”. Từ đó khẳng định Truyền kỳ mạn lục là “mẫu mực của thể truyền kỳ”, “áng văn hay của bậc đại gia”, tiêu biểu cho những thành tựu của văn học hình tượng viết bằng chữ Hán dưới ảnh hưởng của sáng tác dân gian.

Nguyễn Dữ, chưa rõ năm sinh, năm mất, sống vào khoảng thế kỷ 16, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện (Hải Dương). Ông sinh ra trong gia đình gia giáo, cha là tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu.

Ông là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Vốn là người học giỏi, Nguyễn Dữ sớm đỗ đạt và ra làm quan cho nhà Hậu Lê. Sau đó, bất mãn với chế độ phong kiến thời bấy giờ, ông từ quan về quy ẩn ở Thanh Hóa.

Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm văn học duy nhất của ông. Theo lời tựa của tác giả đương thời, Nguyễn Dữ viết tác phẩm này trong thời gian ông sống ẩn cư.

(*) Hình ảnh đầu bài thuộc dự án minh họa Truyền kỳ mạn lục của Hoàng Văn Tài. Nguồn: Behance.

Nguồn: https://znews.vn/suc-hap-dan-vuot-thoi-gian-cua-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong-post1529886.html

Sách hay

Những thương hiệu nức tiếng một thời của Sài thành

Được phát hành

,

Bởi

Tập sách “Made in Sài Gòn” tuyển chọn hình ảnh những thương hiệu gắn bó mật thiết với đời sống, sinh hoạt của người dân Sài Gòn – TP.HCM từ thế kỷ trước.

made in sai gon anh 1

Công ty Sam Hoa thành lập khoảng năm 1963 tại Chợ Lớn, sản xuất nhiều loại mì được ưa chuộng thời trước 1975 như mì Hai Tôm, mì Cua (hình con cua xanh), mì Tôm Càng, mì chay Lá Bồ Đề… Tổng đại lý là hãng Khánh Phong ở số 17 đường Nguyễn Văn Thạch, Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Thi, quận 5).

made in sai gon anh 2

Sản phẩm mì khô hiệu Tôm Càng của Công ty Sam Hoa (trái). Sản phẩm mì khô hiệu Gà Trống của Công ty Sam Hoa (giữa). Sản phẩm mì chay ăn liền hiệu Lá Bồ Đề của Công ty Sam Hoa.

made in sai gon anh 3

(Trái) Tập ca khúc Tình đầu của nhạc sĩ Vũ Thành An gồm 12 ca khúc trong đó có 6 bài phổ thơ. Bìa của họa sĩ Nguyễn Hải Chí. Nhà xuất bản Chân Mây 1970. Sưu tầm của Vũ Đức Hoan. Tập ca khúc Những bài không tên của nhạc sĩ Vũ Thành An gồm 10 ca khúc. Bìa của họa sĩ Nguyên Khai. Nhà xuất bản Khai Phóng 1970. Sưu tầm của Vũ Đức Hoan.

made in sai gon anh 4

(Trái) Tuồng cải lương Kim Vân Kiều của Hãng dĩa Việt Hải sản xuất năm 1969. Soạn giả: Viễn Châu, Thể Hà Vân. Trình bày: Út Trà Ôn, Tấn Tài, Phượng Liên, Thanh Tuyền. Tuồng cải lương Lưu Bình Dương Lễ của Hãng dĩa Việt Hải sản xuất (không rõ năm sản xuất). Soạn giả: Viễn Châu, Thể Hà Vân. Trình bày: Ngọc Giàu, Thành Được, Út Trà Ôn, Kim Quang.

made in sai gon anh 5

Tiệm vàng Kim Hưng khu vực Chợ Cũ ở số 80 Vannier (nay là đường Ngô Đức Kế, Quận 1).

made in sai gon anh 6

Bích chương quảng cáo xe La Dalat, loại xe hơi giá rẻ do hãng chế tạo xe hơi của Pháp Citroën thông qua Công ty con là Công ty xe hơi Sài Gòn sản xuất trong giai đoạn 1970-1975. Loại xe này được hãng Citroën chế tạo năm 1969 và bán ra thị trường vào năm 1970. Tỷ lệ các bộ phận nội địa hóa của La Dalat đạt 25%, đến khi đóng cửa năm 1975 là đạt 40%.

made in sai gon anh 7

Ngân hàng Việt Nam Thương Tin được thành lập năm 1955, sau phát triển thành ngân hàng ngoại thương lớn.

made in sai gon anh 8

(Trái) Hai sản phẩm của hãng bia BGI, hãng bia lâu đời nhất Việt nam, được thành lập tại Sài Gòn vào năm 1875 bởi ông Victor Larue. BGI là viết tắt của Brasseries Glacières d’Indochine (Hãng bia và nước đá Đông Dương). Nổi tiếng và lâu đời nhất là nhà máy bia Chợ Lớn và Usine Belgique, được xây dựng từ năm 1952. Đến năm 1954, hãng đối tên thành Brasseries Glacières Internationales, vẫn viết tắt là BGI. BGI thời trước rất nổi tiếng với Bia Larue hình đầu con cọp trong chai lớn và bia 33 chai nhỏ.

Nguồn: https://znews.vn/nhung-thuong-hieu-nuc-tieng-mot-thoi-cua-sai-thanh-post1530474.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Nữ tùy viên người Pháp và nghi án tình ái với vua Bảo Đại

Được phát hành

,

Bởi

Từ các nguồn thông tin thu thập được, tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng đây có lẽ là vụ ngoại tình thứ nhất của vua Bảo Đại, ba năm sau khi cưới Hoàng hậu Nam Phương.

Chuyện vua Bảo Đại có nhiều người tình đã được nhiều sách đề cập. Hầu hết đều kể về việc vua có các bóng hồng khác kể từ ngày ông thoái vị, sống xa nhà, xa vợ con (ngoại trừ mối quan hệ với vũ nữ Lý Lệ Hà có từ trước đó, khoảng năm 1940).

Nha Nguyen anh 1

Ảnh Hoàng hậu Nam Phương và bà Bellaigue trên trang 1 Hà Thành Ngọ báo, số 2587, ra ngày 26/4/1936. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Người phụ nữ quý tộc bí ẩn

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, vua Bảo Đại lại bị vướng vào nghi án ngoại tình từ rất sớm và việc này diễn ra chỉ sau ba năm ông cưới Hoàng hậu Nam Phương. Nghi án này được tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy đưa ra trong cuốn Theo dấu chân Hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại. Và trớ trêu thay, nhân vật chính của vụ ngoại tình này là nữ tùy viên Bellaigue, người mà Hoàng hậu Nam Phương rất yêu mến.

Theo tác giả sách, bà Bellaigue là cận thần hay tùy viên của Hoàng hậu Nam Phương (người giữ những nhiệm vụ mà ngày nay gọi là chánh văn phòng, bí thơ, kiêm tùy viên báo chí). Đây là một trách vụ hoàn toàn mới trong triều đình. Trước đó, các hoàng hậu và thái hậu trong cung cấm chỉ có các tỳ nữ hay thị nữ để sai khiến trong những công việc hàng ngày.

Bà Bellaigue, sinh năm 1899, làm tùy viên cho Hoàng hậu Nam Phương từ tháng 11/1935 đến tháng 3/1937. Bà là một người thuộc hàng quý tộc, tên khai sinh là Simone Damiens de Ranchicourt, được gọi là bà Bá tước De Ranchicourt, thuộc một gia đình quý tộc lâu đời, có lâu đài gia đình ở xã Ranchicourt, thuộc tỉnh Pas-de-Calais, miền Bắc nước Pháp.

Vậy hoàn cảnh nào một nữ bá tước người Pháp lại có mặt tại Đông Dương vào năm 1935 và nhận lời làm tùy viên cho một hoàng hậu nước Nam chỉ vừa hơn 20 tuổi?

Không có tài liệu chính thức nào nói về người phụ nữ quý tộc bí ẩn này, trong cuốn sách, tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy đã đưa ra một mẩu tin ngắn trên tờ Hà Thành ngọ báo năm 1935 chỉ giúp chúng ta giải thích một phần thắc mắc câu hỏi trên.

Nội dung mẩu tin này như sau: “Trong số báo trước. Ngọ báo đã đăng tin nay mai một vị Hoàng nam hay Công nữ sẵn ra đời giữa chốn núi Ngự sông Hương, nên Đức Bảo Đại có bàn tính với Hoàng hậu Nam Phương mướn một người vú em thật đứng đắn để lo việc chăm nuôi, săn sóc.

Nay có tin đích xác vua và Hoàng hậu đã chọn được bà Bellaigue là một thiếu phụ tại Paris, có quen biết trước với Hoàng hậu lúc Ngài còn du học tại Paris. Bà này đã được Hoàng hậu yêu mến lắm”.

Như vậy, theo thông tin từ bài báo trên bà Bellaigue là một người bạn mà Hoàng hậu quen biết khi còn đi học ở Pháp, sau đó được Hoàng hậu mời về Việt Nam với nhiệm vụ đầu tiên là chăm sóc cho Hoàng tử sắp ra đời.

Nha Nguyen anh 2

Sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Ảnh: MC.

Nghi án ngoại tình với vua Bảo Đại

Trong cuốn sách, hai tác giả cũng đưa thêm một tư liệu khác, đó là một mẩu tin trên báo Đông Pháp tháng 1/1936 cho biết, theo bà Bellaigue về Việt Nam còn có hai cô con gái của bà, và ba mẹ con trở nên khá thân thiết với gia đình Hoàng hậu.

Bài báo này loan tin rằng một chiếc xe Hotchkiss 20 mã lực của bà Didelot, chị của Hoàng hậu, trên đường từ Huế đi Đà Lạt bị tai nạn và đâm xuống ruộng cách Nha Trang 20 cây số. Trên xe có bà Didelot và con gái, cùng hai cô con gái bà Bellaigue. Không ai bị thương tích ngoại trừ con gái bà Didelot bị thương nhẹ.

Tiếp tục tìm kiếm thông tin, hai tác giả sách còn biết được rằng bà Simone Damiens de Ranchicourt kết hôn với ông Michel Bellaigue tại Paris năm 1920, và lấy họ chồng là Bellaigue. Nhưng cuộc hôn nhân không hạnh phúc và hai người ly dị năm 1937. Đó cũng là năm bà Bellaigue thôi làm việc cho Hoàng hậu Nam Phương và trở về Pháp.

Vì sao bà Bellaigue từ Pháp qua, phục vụ cho Hoàng hậu Nam Phương chỉ hơn một năm rồi trở về nước? Hai tác giả sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại đặt nghi vấn. Và câu trả lời của họ là trong quá trình tìm hiểu, có nguồn tin cho biết lý do của việc ra đi sớm này là bà Bellaigue ngoại tình với vua Bảo Đại. Hoàng hậu biết được liền thu xếp để cho người bạn cùng trường của mình lên tàu về nước. Đây có lẽ là vụ ngoại tình thứ nhất của vua Bảo Đại, ba năm sau khi cưới Hoàng hậu.

Hai tác giả cũng cho biết thêm sau khi thôi làm tùy viên cho Hoàng hậu Nam Phương về Pháp, bà Bellaigue ứng cử vào Hội đồng xã Ranchicourt, nơi bà cư ngụ và có lâu đài của gia đình, rồi được bầu làm Thị trưởng làng Ranchicourt liên tục từ năm 1945 đến năm 1971. Năm đó, xã Ranchicourt sáp nhập với một xã lân cận và trở thành thị xã Rebreuve-Ranchicourt. Nữ Bá tước được tiếp tục bầu làm Thị trưởng thị xã mới cho đến năm 1983. Bà từ trần năm 1993.

Sau khi nữ Bá tước de Ranchicourt mất, năm 1994, một người con của bà là Françoise Bellaigue thay mặt gia đình tặng Viện Bảo tàng Guimet một số hình ảnh và tư liệu về Hoàng hậu Nam Phương, vua Bảo Đại, Hoàng tử Bảo Long, trong đó có hai tập hình ảnh ghi lại các sự kiện quan trọng của triều đình Huế trong năm 1936-1937, và một bộ sưu tập triều phục nhà Nguyễn, kỷ niệm của những năm mà bà Bellaigue làm nữ hầu cận cho Hoàng hậu Nam Phương.

Nguồn: https://znews.vn/nu-tuy-vien-nguoi-phap-va-nghi-an-tinh-ai-voi-vua-bao-dai-post1530222.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Thế hệ lo âu

Được phát hành

,

Bởi

Trong cuốn sách này, nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt lập luận rằng sự suy giảm các hoạt động chơi tự do trong thời thơ ấu và sự gia tăng việc sử dụng điện thoại thông minh ở thanh thiếu niên chính là hai nguyên nhân chính gây ra căng thẳng tâm lý ngày càng tăng ở giới trẻ, đặc biệt ảnh hưởng đến Thế hệ Z.

Theo tác giả Jonathan Haidt, chi phí cơ hội của tuổi thơ gắn liền với giá trị của chiếc điện thoại. Bởi điện thoại càng hiện đại, trẻ có khả năng tiếp cận nhiều thứ sớm hơn.

tuoi tre anh 1

Ảnh minh họa cho chứng nghiện điện thoại. Ảnh: Parents.

Trung bình một đứa trẻ dành bao nhiêu thời gian để sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính cá nhân? Một nhân viên bán hàng sẽ trả lời là khoảng 40 giờ một tuần đối với trẻ vị thành niên. Đối với thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi, con số này có thể lên tới 50 giờ một tuần.

Từ 6 đến 8 giờ mỗi ngày là thời gian mà thanh thiếu niên dành cho tất cả các hoạt động giải trí trên thiết bị điện tử. Tất nhiên, trẻ em đã dành nhiều thời gian để xem truyền hình và chơi trò điện tử trước khi điện thoại thông minh và Internet trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng. Các nghiên cứu dài hạn về thanh thiếu niên Mỹ cho thấy rằng trung bình thanh thiếu niên xem ti vi tối đa 3 giờ mỗi ngày vào đầu những năm 1990.

Tiếp theo là Internet tốc độ cao vào những năm 2000, lượng thời gian dành cho các hoạt động trên mạng tăng lên, trong khi thời gian xem ti vi giảm xuống. Trẻ em cũng bắt đầu dành nhiều thời gian để chơi trò điện tử, ít thời gian để đọc sách và tạp chí.

Tóm lại, cuộc tái thiết lập vĩ đại và thời kỳ đầu của tuổi thơ gắn liền với điện thoại dường như đã tăng thêm trung bình hai đến ba giờ sử dụng thiết bị điện tử trong một ngày của trẻ, so với cuộc sống trước khi có điện thoại thông minh. Những con số này thay đổi đôi chút tùy theo tầng lớp xã hội (các gia đình thu nhập thấp sử dụng nhiều hơn so với các gia đình thu nhập cao), chủng tộc (các gia đình da đen và La tinh sử dụng nhiều hơn so với các gia đình da trắng và châu A) và tình trạng thiểu số về xu hướng tính dục (thanh thiếu niên LGBTQ sử dụng nhiều hơn).

Ngay cả khi thanh thiếu niên báo cáo “chỉ” dành 7 giờ để giải trí trên thiết bị điện tử mỗi ngày, nếu bạn tính cả thời gian mà chúng đang tích cực suy nghĩ về mạng xã hội trong khi làm nhiều việc cùng lúc trong thế giới thực, bạn có thể hiểu tại sao gần một nửa số thanh thiếu niên nói rằng họ lên mạng “gần như liên tục”.

Điều đó có nghĩa là khoảng 16 giờ mỗi ngày (112 giờ mỗi tuần) trẻ không hoàn toàn chú ý đến những gì diễn ra xung quanh mình. Kiểu sử dụng liên tục này, thường liên quan đến hai hoặc ba thiết bị điện tử cùng một lúc, một điều không thể thực hiện được trước khi trẻ em mang theo thiết bị cảm ứng trong túi. Điều này có tác động to lớn đến nhận thức, chứng nghiện internet và việc hình thành các đường liên kết trong não, nhất là trong giai đoạn nhạy cảm của tuổi dậy thì.

Trong bài suy ngẫm Walden năm 1854 nói về lối sống giản dị, Henry David Thoreau đã viết, “Chi phí của một thứ là lượng… trong cuộc sống cần phải đánh đổi để có được nó, ngay lập tức hoặc trong thời gian dài”. Vậy thì chi phí cơ hội đối với trẻ em và thanh thiếu niên là bao nhiêu khi chúng bắt đầu dành 6 giờ hay 8 giờ hoặc thậm chí là 16 giờ mỗi ngày để tương tác với các thiết bị của mình? Liệu chúng có thể đánh đổi bất kỳ phần cần thiết nào của cuộc sống cho sự phát triển lành mạnh của con người không?

Nguồn: https://znews.vn/tuoi-tho-dang-gia-bao-nhieu-phu-thuoc-vao-chiec-dien-thoai-post1530313.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng