Connect with us

Sách hay

Phạm Duy Nghĩa trong bản đồ truyện ngắn Việt

Được phát hành

,

Với tìm tòi bứt phá ở mạch truyện luận đề xã hội và tâm linh kỳ ảo, bằng lối viết gai góc, kỹ lưỡng, biến hóa, Phạm Duy Nghĩa khẳng định vị trí trên bản đồ truyện ngắn.

Truyen ngan anh 1

Đời văn của một người, dù có là tài năng thì cũng không tránh khỏi những thăng trầm trồi sụt. Điều đó tưởng cũng chẳng có gì đáng để làm buồn. Trường hợp Phạm Duy Nghĩa là một ví dụ. Lẽ thường, trong sáng tác văn chương, người cầm bút phải khổ công kiếm tìm danh tính cho mình. Phạm Duy Nghĩa có nỗi khổ kép: phải tạo ra danh tiếng, để rồi phải vượt qua chính danh tiếng ấy.

Phạm Duy Nghĩa sáng tác không nhiều. Phải đến hơn 10 năm, Phạm Duy Nghĩa mới trở lại với Người bay trong gió xanh (NXB Hội Nhà văn liên kết Tao Đàn, 2022). Đây cũng là tác phẩm duy nhất đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2022. Người bay trong gió xanh gồm 12 truyện, ghi lại dấu ấn “giai đoạn Hà Nội” của anh. Một giai đoạn không ít lần nằm “chung cư ngoại thành” còn thảng thốt ngỡ mình đang bay trên một thảo nguyên đầy hoa cỏ và nắng gió.

Trong miền ký ức xa xôi…

Ấn tượng, gai ngạnh và kiêu hãnh trong khuôn hình cổ điển

Đọc Người bay trong gió xanh, có thể nhận ra sự chuyển dịch mạnh mẽ của Phạm Duy Nghĩa về mã truyện. Người bay trong gió xanh chạm sâu vào các vấn đề xã hội, văn hóa, tâm linh. Có thể nói, chính những suy tư về thời cuộc và luận đề thế sự đã giúp Phạm Duy Nghĩa trở lại và vượt qua chính mình, trong một chiều sâu mới.

Sài thục mở đầu tập truyện bằng một thế giới bưng bít, cô đơn. Một huyền thoại u sầu. Truyện có ba nhân vật chính, không rõ mặt. Một ông bố cục cằn, gia trưởng. Một bà mẹ nhẫn nhục. Một đứa con gái ngơ ngác, u hoài. Hành động trong truyện là những cú đấm, đá của người đàn ông bất nhẫn. Viền truyện đầy phân thải và máu huyết. Cộng hưởng với hình tượng bố (trật tự, đơn phiến, cố chấp, kẻ tạo ra và duy trì luật lệ), củ sài thục là một biểu tượng của luân lí, nam quyền.

Trong thung lũng hoang vắng, sài thục cũng là một ẩn dụ về bất hạnh khổ đau. Khi người mẹ chạy trốn, đứa con gái xót xa: “Ở trên núi buồn thê lương, và nhiều bất trắc nữa. Ai đó bảo rằng trên đó có tự do. Tự do là gì, cái đó có thật sự cần không, nếu con người ta vẫn có thể sống ở một nơi tù túng mà an toàn”. Sài thục cuối cùng cũng bị giải thiêng. Điều húy kị được xóa bỏ. Sau đổ vỡ đau đớn, một trật tự thế giới mới hình thành.

Sài thục còn choán ngợp bởi đồi hoang, giông gió, thảo nguyên, khe núi, đồng cỏ ngù gai, rất nhiều hoa mộc kinh và những tiếng lục lạc buồn. “Cũng mãi sau này” là sự điểm nhịp cho nỗi cô đơn truyền kiếp. Sài thục đánh dấu sự trở lại của Phạm Duy Nghĩa, ấn tượng, gai ngạnh và kiêu hãnh trong một khuôn hình cổ điển.

Người bayGió xanh có cùng mã truyện, song được triển hiện theo những cách thể khác nhau. Nếu Người bay là câu chuyện giả tưởng phản ánh cực thực hiện cảnh “chân trời không có người bay” thì Gió xanh lại là một truyện ngắn đậm tiếng cười. Trong Người bay, bị vây bủa bởi định kiến, hẹp hòi, ganh ghét, đố kị, khinh khi, giấc mơ cất cánh của cậu bé chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Nói khác đi, người ta chỉ có thể bay lên trong trời cao gió lộng, nơi không còn những sợi xích và trói buộc, nhưng đó chỉ là một giấc mơ.

Phạm Duy Nghĩa là nhà văn giỏi tạo tình huống. Bạn đọc hẳn còn nhớ hiện cảnh trớ trêu trong Cơn mưa hoa mận trắng mà Thuận và Kiên được đặt vào. Người bay trong gió xanh cũng vậy. Hầu như truyện nào trong đây cũng có một tình huống hấp dẫn gọi mời.

Nếu ở Người bay, một cậu bé đột nhiên biết bay thì trong Gió xanh, “đang yên đang lành”, thung lũng bỗng xuất hiện những cơn gió lạ. Cơn gió xanh mát lành, mộng mơ, làm đẹp cho đời. Có điều trớ trêu là, khởi nguồn từ gió xanh, “bệnh yêu đời”, “bệnh trong sáng” bộc phát trở thành những căn bệnh kinh niên, thậm chí nan y. Gió xanh, một mặt khác, cũng là ẩn ý về những hão huyền, phù phiếm, cái làm khô kiệt đời sống xác thân, thế tục và thế tất dẫn đến tiêu vong.

Thực tiễn cho thấy, đặc điểm tác phẩm tự sự phần lớn được quyết định bởi nhân dạng của người kể chuyện, chính xác hơn là bởi điểm nhìn của người kể chuyện. Đọc Phạm Duy Nghĩa, thường thấy xuất hiện kiểu nhân vật người kể chuyện là những cậu bé, cô bé ưa quan sát, pha chút mộng mơ.

Trong Con dê xanh trên núi tuyết, nếu con dê lông xanh là biểu tượng của cái đẹp thì cậu bé chăn dê tượng trưng cho khát khao thay đổi, khát khao về một cuộc đời đẹp đẽ hơn. Cự tuyệt lối sống bầy đàn, chấp nhận cô đơn, dê xanh, bù lại, được chết kiêu hãnh cho ước mộng tự do. Cậu bé chăn dê cuối cùng cũng nhận ra, thế giới thực khác xa với những viễn cảnh mà người ta nhào nặn ra cho cậu. Không phải ngẫu nhiên, cậu thường xuyên dự cảm về một ngày kia, “cơn bão sẽ đến”, cái cây đầy sâu sẽ đổ.

Phân tích truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa, thấy hình tượng người kể chuyện trong truyện ngắn của anh thường hiện thể trong việc tự hình dung mình của chính nhà văn (tất nhiên, trong trường hợp gần gũi nhất, nó cũng không bao giờ là bản thân tác giả). Dễ nhận ra, có đến quá nửa số truyện trong tập có người kể chuyện hoặc điểm nhìn kể chuyện là nhà văn, nhà báo, trưởng ban nghệ thuật, cựu sinh viên đại học văn khoa, gã nghệ sĩ độc thân, nhà văn trên dưới bốn mươi, cơ quan văn hóa văn nghệ, miền núi, trường sư phạm, chung cư ngoại thành, độc thân…

Trong hiện dạng này, truyện thường mang tính tự trào, hoặc là sự ngoại hiện hóa những thương tổn nội tâm của chủ thể. Ở trường hợp thứ nhất, Bệnh tỉnh là câu chuyện thú vị pha chút trào tiếu của một gã trung niên muộn vợ. Điều bi hài là ở chỗ, gã luôn nhìn thấu hệ tiêu hóa của người nữ cùng những vận động đầu vào đầu ra của nó.

Bệnh tỉnh cũng đan xen những giễu nhại về vai trò, chức năng văn học và giải thiêng ảo tưởng văn chương (“chưa đầy ba mươi tuổi, văn học đã phá hỏng đời nàng”, “người có hộ khẩu thường trú trên mây”, những người làm thơ rẩm rít…). Tuy nhiên, trò chơi ngôn ngữ trong Bệnh tỉnh không khiến tác giả xao lãng những suy tư nhân thế. Thực tại chua chát ở đây là, nhân vật phải sống trong một xã hội mà ở đó mọi người càng nói dối nhiều càng hay, “mọi lời nói dối trơ trẽn đều được coi là thật theo một sự thỏa thuận ngầm”.

Khác với Bệnh tỉnh, Người hùng biết sợ là sự ngoại hiện hóa cái tôi người kể trong một câu chuyện chua xót về thân phận, về sự tha hóa đến đáng thương của con người. Người hùng cuối cùng cũng chẳng thể thoát khỏi cõi đời tục lụy. Điều đau khổ là anh ta cảm nhận được rất rõ sự tha hóa trong từng giây khắc sống của mình.

Truyen ngan anh 2

Sách Người bay trong gió xanh. Ảnh: P.T.

Những vấn đề nhức nhối của đời sống

Cùng trong mạch truyện luận đề xã hội, Trong nắng huy hoàng đi sâu vào hiện cảnh bất công. Như một sự giễu nhại nhan đề, câu chuyện mở ra và khép lại bằng một ngày tàn. Nhân vật trung tâm, kẻ đấu tranh vì chính nghĩa luôn trong trạng thái bất lực, hư vô, ám ảnh bị đeo bám, và luôn dự cảm, hình dung về cái chết (đang đến rất gần) với mình. Ở đây, đô thị hóa đi liền với bần cùng hóa người dân, lưu manh hóa quan chức. Người có công với nước (như ông Thận) bị hắt hủi, xua đuổi, bị bỏ quên, “quanh năm lủi nhủi như con chồn con cáo”.

Truyện chạm vào những vấn đề nhức nhối của đời sống với tham quan lại nhũng và thói vô cảm, vô luân (“sông núi trong tay họ, muốn làm gì thì làm”). Điều trớ trêu là, trong hiện cảnh ấy, không phải con người, mà những hồn ma sẽ thực thi công lý. Kết truyện, một chân trời đỏ thẫm “ma quái” như đang báo hiệu những “cơn giông”.

Đọc Người bay trong gió xanh, có thể nhận ra một chuyển dịch mới trong thi pháp truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa: xu hướng viết truyện luận đề xã hội mang màu sắc tâm linh. Vấn đề ở đây không chỉ là thủ pháp thu hút độc giả, mà còn là những nghiền ngẫm của nhà văn về cõi thực và cõi khác. Con ma trong hội xô xe là sự đan dệt những câu chuyện tâm linh ma quái bí ẩn, hấp dẫn, mời gọi, đồng thời là những suy niệm sâu xa về ân oán, nghiệp quả báo ứng, tương khắc, tương sinh. Công lý ở đời trong đây, thêm một lần được giải quyết bởi người âm.

Đọc Chiếc áo second-hand, có thể nhận ra mô hình cấu trúc lắp ghép trong Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh. Tuy nhiên, đường biên truyện đã đi xa khỏi thực tại thuần túy, gắn với những suy niệm về luân hồi, chiêm mộng, quả báo, hồn ma. Trong một khung cảnh mà “đến cả ma cũng bị bịt mồm”, yếu tố kỳ ảo tâm linh khi ấy như một sự cứu rỗi con người khỏi thực tại. Câu chuyện phiêu lưu chiếc áo của Giotto cho thấy ở đời, mọi công danh tiền bạc, dẫu cần, song suy cho cùng cũng chỉ là phù du. Phép màu, điều tốt đẹp rồi cũng sẽ rời xa khi con người ta phai nhạt từ tâm, lương thiện, vướng vào vô độ sân si.

Trong các truyện mang màu sắc tâm linh, Khí lạ vừa u huyền vừa phảng phất sầu bi. Ngôi nhà hoa hồng kỳ bí. Những giấc mơ màu đỏ máu. Những hồn ma. Trong cái nhìn người kể chuyện, vạn vật hữu linh. Do đó, không chỉ có hồn ma người, vong nội, vong hài nhi, mà còn hồn ma của chó, rắn, đỉa, … khắp cõi nhân gian. Truyện đậm màu sắc ma mị. Nhân vật Lê Phong như một ẩn dụ về con rồng bị kìm chân, bị “khí lạ đè nén”, không sao cất đầu lên được.

Nếu Con ma trong hội xô xe, Chiếc áo second-hand,Khí lạ là những truyện ngắn mang bóng dáng tâm linh, kỳ ảo thì Thành phố biến mất lại là truyện ngắn đậm chất phi lý. Truyện chạm vào những vấn đề xã hội sâu xa. Tình huống truyện ở đây là nhân vật chính thức dậy khi mọi thứ xung quanh biến mất. Trạng thái “xóa đi làm lại” khiến các nhân vật phơi bày tận cùng bản chất của mình. Vấn đề đặt ra là cuộc sống sẽ đi đến đâu, hay lại dẫm lên vết xe đổ nếu nó được xây dựng thuần toàn bằng khiếm khuyết: “gầy”, “lùn”, “què”, “đầu đất” (cô gái có đuôi) và kẻ dẫn dắt độc tài.

Có thể nhận thấy, ở hiện tại, ít có cây bút văn xuôi nào miêu tả thiên nhiên đẹp, sinh động, hấp dẫn như Phạm Duy Nghĩa. Bước vào thế giới truyện Phạm Duy Nghĩa, là bước vào không gian lóng lánh của thiên nhiên. Người bay trong gió xanh trập trùng núi đồi, thảo nguyên, sơn cước khắc khoải, mộng mơ, phảng phất buồn. Cánh đồng cỏ ngù gai, bạt ngàn lau trắng, cây trắc bá xanh rờn, những rừng sồi, rừng thích, thung lũng hoang liêu, những dòng sông cạn.

Thiên nhiên trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa ngập tràn các loài hoa: hoa mộc kinh xanh lam, hoa dã xuân xanh biếc, hoa mạc thi long lanh như tuyết, hoa li la trắng muốt, “hoa sở ngào ngạt trắng”, “hoa mơ hoa táo nở trắng ngần”…

Có cảm giác, nhà văn như một họa sĩ, chớp rất nhanh những khoảnh khắc giao hòa màu sắc và ánh sáng của tự nhiên để đưa chúng vào thế giới của mình. “Hoa cải nở vàng sáng cả một dải đất ven sông, cái rét càng làm hoa sáng và lung linh hơn trong những buổi chiều đông ảm đạm”; “vào một buổi sáng mùa xuân trời đẹp, tại lối đi nhỏ bên bờ rào có những những cây mận nở đầy hoa”; “giữa màu xanh mướt của những dải đồi mênh mông, màu vàng tươi trong vắt của nắng, màu vàng rực của những cánh đồng hoa hướng dương nở rộ vào tháng bảy và màu vàng xuộm trù phú của những thảm lúa mì”; “một dải hồ xanh bạc mênh mông uốn quanh dãy đồi bạch đàn quanh năm không ngừng gió”…

Cùng thiên nhiên, truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa còn giàu chất thơ là bởi anh thường đưa các cụm từ chỉ thời gian, đặc biệt là thời gian mùa (phiếm chỉ năm) mang phong vị các câu chuyện cổ để khơi gợi vào cảm xúc: “mùa xuân sang, cây cổ thụ nảy nở hồi sinh”, “mùa xuân cây lá đỏ gọi về rất nhiều chim”; “mùa đông năm ấy vùng núi phía bắc trải qua một trận rét chưa từng có”, “Khi ấy là cuối mùa hè, những vệt nắng vàng ươm đang tắt và hoàng hôn xanh ngát dâng ngập núi đồi”…

Có thể nói, việc miêu tả điểm xuyết thiên nhiên và diễn giải cảm xúc khiến mạch truyện của Phạm Duy Nghĩa không bị nhấn chìm bởi sự kiện, tốc độ trần thuật được hãm chậm, văn bản truyện của anh, do thế luôn có sự căng, chùng, giàu nhịp điệu.

Truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa còn hấp dẫn bởi không khí chuyện luôn lãng đãng khói sương. Nhà văn có xu hướng đẩy không gian, thời gian lùi ra xa để gợi vào luyến nhớ. Không phải ngẫu nhiên, truyện của anh thường xuất hiện cụm từ kiểu “ngày ấy”, “ngày đó”, miền núi phía Bắc những năm cuối thế kỷ trước, những năm tám mươi của thế kỷ trước, ban nhạc Boney M., bài hát Chủ nhật tươi hồng, đội chiếu bóng lưu động…

Mặc dù Người bay trong gió xanh đậm tính phúng dụ luận đề, không gian truyện đã mở sang tận cõi âm, song dường như đồi núi, chính xác hơn là thiên nhiên, con người đồi núi vẫn được nhà văn biệt đãi. Không phải ngẫu nhiên, Phạm Duy Nghĩa chọn Đi về vùng thảo nguyên để khép lại tập truyện của mình. Đi về vùng thảo nguyên là một giấc mơ đẹp đẽ, u sầu, gửi gắm niềm thương nỗi nhớ khôn khuây về người xưa chốn cũ. Có thể nhận ra, khi viết về miền núi, ngòi bút Phạm Duy Nghĩa luôn được thả lỏng, khoáng đạt, góc cạnh, phiêu lãng, mộng mơ.

Phạm Duy Nghĩa làm thơ, viết tiểu luận, nghiên cứu phê bình, song có lẽ truyện ngắn đã chọn anh để gửi bản mệnh người văn. Từ sau Cơn mưa hoa mận trắng, đặc biệt là với Người bay trong gió xanh, Phạm Duy Nghĩa đã trở lại đầy ấn tượng trong một nhân dạng mới: đẹp, sâu, hấp dẫn, ly kỳ.

Có thể khẳng định, với những tìm tòi bứt phá ở mạch truyện luận đề xã hội nhân sinh và tâm linh kỳ ảo, bằng lối viết gai góc, kỹ lưỡng, biến hóa tự nhiên, sát ván nhưng tinh tế, vừa chua chát đắng cay vừa lãng mạn u sầu, Phạm Duy Nghĩa tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu của mình trong bản đồ truyện ngắn Việt Nam đương đại. Có cảm giác, trong trùng điệp núi đồi truyện ngắn tiếng Việt hôm nay, đứng ở xa vẫn thấy Người bay trong gió xanh của Phạm Duy Nghĩa.

Nguồn: https://zingnews.vn/pham-duy-nghia-trong-ban-do-truyen-ngan-viet-post1391261.html

Sách hay

‘Bản đồ’ cơ thể người

Được phát hành

,

Bởi

Được biên soạn công phu, giáo trình y khoa “Sobotta Atlas giải phẫu người (đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới)” có thể hỗ trợ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, khám chữa bệnh.

Theo GS.TS Đào Văn Dũng, giải phẫu học tuy là môn cơ bản bắt buộc đối với những ai học khối ngành sức khỏe, nhưng lại là môn khó học. Giải phẫu đầu mặt cổ, giải phẫu thần kinh trung ương và ngoại biên nằm trong chương trình năm nhất của sinh viên y khoa, đồng thời liên hệ mật thiết với các môn học bệnh học về sau này.

Do đó, giáo trình giải phẫu học cần đảm bảo sự hấp dẫn để lôi cuốn sinh viên, giảm cảm giác nhàm chán trong quá trình học tập. Atlas giải phẫu học cơ thể người vì vậy đã ra đời.

Trước đây, trong trường y của nước ta, môn Giải phẫu học giảng dạy bằng tiếng nước ngoài. Atlas giải phẫu in trắng đen, chú thích bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Latin. Điều này ít nhiều gây khó dễ cho người học, nhất là với những sinh viên trình độ ngoại ngữ còn những hạn chế nhất định.

“Có những cuốn atlas giải phẫu người chính xác về mặt chuyên môn, chuẩn về mặt thuật ngữ bằng tiếng Việt, lại in màu đẹp là ước mơ của người học trong khối ngành sức khỏe”, GS Dũng cho hay.

sobotta anh 1

Sách Sobotta Atlas giải phẫu người (đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới). Ảnh: Đ.A.

Theo đánh giá của Hội đồng Giảm khảo Giải Sách Quốc gia hạng mục Sách Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Sobotta Atlas giải phẫu người(đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới) in lần thứ 14 bản dịch tiếng Việt đã đáp ứng được những yêu cầu trên.

Sobotta Atlas giải phẫu người(đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới) vốn là kiệt tác do nhà giải phẫu học nối tiếng người Đức, GS Giải phẫu học Johannes Sobotta (1869-1945) biên soạn. Sách đã được dịch ra 20 thứ tiếng trên thể giới, qua nhiều lần chỉnh lý, bổ sung với sự tham gia của nhiều nhà giải phẫu học nổi tiếng khác của các trường đại học khối ngành sức khoẻ nước Đức. Trong lần in thứ 14, sách được chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện và do hai GS giải phẫu học R. Putz và R. Pabst hiệu đính.

Sách do Elsevier – một công ty xuất bản học thuật, chuyên tài liệu y học và khoa học – in và giữ bản quyền. Bản dịch tiếng Việt do các giảng viên Bộ môn Giải phẫu học, Khoa Y Đại học Y Dược TP.HCM thực hiện. Trong đó có BS Nguyễn Hoàng Vũ, GS.TS.BS Lê Văn Cường, PGS.TS.BS Dương Văn Hải, TS.BS Võ Văn Hải, ThS.BS Nguyễn Xuân Anh, ThS.BS Nguyễn Phước Vĩnh, ThS.BS Trang Mạnh Khôi, ThS.BS Nguyễn Trường Kỳ, ThS.BS Võ Thành Nghĩa, BS Nguyễn Trung Hiếu.

Sobotta Atlas giải phẫu người có phần hướng dẫn sử dụng sách rất chi tiết và khoa học. Sách gồm 13 chương, các mục nhỏ được ký hiệu bằng 3 chữ số. 148 nội dung chi tiết với hơn 2.000 hình ảnh được trình bày khoa học, ngắn gọn, dễ hiểu. Mỗi chương được in bằng một màu xác định có sơ đồ tổng quan ngay từ những trang đầu để người đọc tra cứu, theo dõi.

Mô tả rất chi tiết cấu trúc giải phẫu người nhưng sách không làm mất đi tính tổng thể của giải phẫu người. Theo GS Dũng, nét đặc sắc này giúp người học tham khảo trong quá trình học tập và áp dụng vào hoạt động lâm sàng về sau.

GS.TS Nguyễn Khoa Cường nhận định bản dịch thể hiện được chính xác nội dung khoa học, đồng thời vẫn giữ lại các thuật ngữ tương ứng bằng tiếng Anh, tạo thuận lợi cho người đọc khi tra cứu, đối chiếu.

Đặc biệt, với mục đích giải phẫu học phục vụ thực hành lâm sàng, các nội dung biên dịch được bổ sung các hình ảnh lâm sàng, tích hợp các kĩ thuật hình ảnh học mới như chụp X – quang, chụp cộng hưởng từ, cắt lớp điện toán…, các hình nội soi, ảnh màu trong lúc mổ, ảnh bệnh nhân với các triệu chứng điển hình – được thiết kế phù hợp với mọi chương trình học.

Với giá trị khoa học, thực tiễn của mình, Sobotta Atlas giải phẫu người (đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới) được đề cử tại Giải thưởng Sách Quốc gia 2024.

Hội đồng giám khảo cho rằng cuốn sách có nội dung phù hợp, rất cần thiết cho học tập, nghiên cứu trong đào tạo đại học, sau đại học… Sách đặc biệt có ý nghĩa với hoạt động giảng dạy theo module và áp dụng vào lâm sàng. Theo đó, công trình này sẽ giúp đội ngũ y bác sĩ chẩn đoán bệnh được chính xác hơn, nhất là chẩn đoán định khu, phẫu thuật thực hành và trong thực hành các kỹ thuật của y học truyền thống (châm cứu, bấm huyệt…).

Nguồn: https://znews.vn/ban-do-co-the-nguoi-post1513256.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Điều ẩn sâu trong thế giới lượng tử

Được phát hành

,

Bởi

Theo nhà vật lý lý thuyết Sean Carroll, cơ học lượng tử và thuyết đa Vũ Trụ không chỉ mang lại tri thức khoa học mà còn góp thêm một góc nhìn để trả lời câu hỏi triết học ngàn đời: Ta là ai?

Sự phát triển của cơ học lượng tử trong những năm đầu thế kỷ XX, với những cái tên như Planck, Einstein, Bohr, Heisenberg, Schrödinger, và Dirac là thành tựu trí tuệ vĩ đại trong lịch sử loài người.

The gioi luong tu anh 1

Sách Điều gì đó ẩn sâu. Ảnh: ML.

Chúng ta chưa thực sự hiểu đúng về cơ học lượng tử

Cơ học lượng tử là lý thuyết tốt nhất để giúp chúng ta hiểu về thế giới vi mô, nó mô tả cách thức nguyên tử và các hạt tương tác thông qua các lực của tự nhiên, đem lại những tiên đoán thực nghiệm với độ chính xác đáng kinh ngạc. Các nhà vật lý thiên văn, vật lý hạt, vật lý nguyên tử, vật lý laser – tất thảy họ ngày ngày đều sử dụng cơ học lượng tử. Chất bán dẫn, transitor, vi mạch, laser và bộ nhớ máy tính đều hoạt động dựa trên cơ học lượng tử.

Tuy nhiên, trong cuốn Điều gì đó ẩn sâu Sean Carroll lại chỉ ra một điều nghe có vẻ thật lạ lùng nhưng lại đang diễn ra trong ngành vật lý lý thuyết đó là cơ học lượng tử là lĩnh vực ai cũng “kinh sợ”.

Nguyên nhân của sự “kinh sợ” này là các nhà vật lý chân chính thừa nhận rằng chúng ta chưa thực sự hiểu đúng về cơ học lượng tử, dù chúng ta đang sử dụng khoa học lượng tử để thiết kế những công nghệ tiên tiến và tiên đoán kết quả thử nghiệm.

Theo Sean Carroll, từ thuở bình minh của lĩnh vực này cho đến nay, các nhà vật lý vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về nền tảng thực sự của cơ học lượng tử và vẫn chưa đi đến thống nhất về cơ học lượng tử thực sự nói gì.

Các nhà vật lý có xu hướng sử dụng cơ học lượng tử để giải thích thế giới. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể làm được điều đó, bởi có những cách xử lý phổ biến có khuynh hướng cường điệu hóa rằng cơ học lượng tử mang tính huyền bí, khó giải thích, không thể thấu hiểu. Điều này đi ngược với những nguyên tắc căn bản của khoa học, trong đó bao gồm quan niệm cho rằng thế giới về cơ bản là có thể hiểu được.

Điều này cũng dẫn tới tình trạng nhiều cơ sở nghiên cứu không coi trọng việc tìm hiểu ý nghĩa của cơ học lượng tử. Các nhà khoa học chỉ coi trọng những kết quả hữu hình – những công nghệ mới lạ, những tiên đoán cụ thể, có khả năng thương mại hóa.

Trước thực trạng này, tác giả đặt ra câu hỏi: Vậy ai sẽ tìm hiểu về bức tranh toàn cảnh, mà nếu không có nó, ngành Vật lý rất khó đi được xa thêm?

The gioi luong tu anh 2

Nhà vật lý lý thuyết Sean Carroll. Nguồn: preposterousuniverse.

Cơ học lượng tử và thuyết đa Vũ Trụ

Điều gì đó ẩn sâu là nỗ lực của Sean Carroll trong việc lấy lại vị thế của cơ học lượng tử. Sách cố gắng làm cho cơ học lượng tử dễ hiểu – ngay cả khi chúng ta vẫn chưa hiểu được nó – và việc đạt được những hiểu biết như vậy phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của khoa học hiện đại.

Cơ học lượng tử là độc nhất vô nhị trong số các lý thuyết vật lý nhằm mô tả sự khác biệt rõ ràng giữa những gì chúng ta quan sát thấy với những gì mới là thực tại. Điều đó đặt ra thách thức đặc biệt đối với tư duy của các nhà khoa học (và toàn thể những người còn lại), những người đã quá quen thuộc với lối suy nghĩ về những gì chúng ta quan sát thấy là “thực tế” không phải bàn cãi và cố gắng giải thích mọi thứ cho phù hợp.

Nhưng đó không phải là chướng ngại vật không thể vượt qua, và nếu giải phóng được tư duy của mình khỏi lối tư duy trực giác và lạc hậu thì chúng ta sẽ thấy rằng cơ học lượng tử không hề huyền bí một cách tuyệt vọng hoặc không thể giải thích được. Nó chỉ đơn thuần là vật lý mà thôi.

Điều gì đó ẩn sâu cũng chỉ ra những bước tiến trong việc thấu hiểu cơ học lượng tử đã đạt được, theo cách tiếp cận mà tác giả cho là con đường nhiều triển vọng nhất: Cách diễn giải Everett (*) hay đa Vũ Trụ về cơ học lượng tử.

Theo tác giả sách, cơ học lượng tử là rường cột chống đỡ các định luật khoa học mô tả hành vi bất thường của photon, electron hay bất kỳ hạt nào tạo nên Vũ Trụ.

Còn đa Vũ Trụ – giả thuyết về các Vũ Trụ tồn tại song song như trong phim khoa học viễn tưởng, nơi tồn tại bản sao của con người Trái Đất – là “phương pháp thuần khiết nhất” để hiểu cơ học lượng tử. Đó cũng chính là đích đến nếu chúng ta bước trên cung đường có ít sự chống cự nhất khi bàn về các hiện tượng lượng tử một cách nghiêm túc.

Bằng những câu chuyện hay cuộc đối thoại, Carroll dẫn dắt người đọc kết nối những kinh nghiệm thường ngày của chúng ta với một thế giới đa Vũ Trụ.

Theo Carroll “Tất cả đều là lượng tử”; những lý thuyết về hàm sóng và đa Vũ Trụ không chỉ mang lại tri thức khoa học mà còn góp thêm một góc nhìn để trả lời câu hỏi triết học ngàn đời: Ta là ai? Ta đang ở đâu? Ta sẽ như thế nào?

Ví dụ ta là chính ta của ngày hôm qua nhưng đồng thời cũng khác, và sẽ một phần, nhưng không phải toàn bộ, của ta ngày mai. Và cùng một thời điểm này, theo đa Vũ Trụ, sẽ có rất nhiều “ta” ở những Vũ Trụ khác nhau. Những bản sao không ngừng được sinh ra.

Điều gì đó ẩn sâu cũng nêu lên những lý thuyết đề xuất mới mẻ, chưa hoàn toàn được công nhận, trong nỗ lực tìm hiểu bản chất của không – thời gian, và nguồn gốc cùng với số mệnh sau cùng của Vũ Trụ. Đồng thời, sách cũng xem xét các nghiên cứu quan trọng khác từ góc độ cơ học lượng tử, ví dụ như những công bố về lỗ đen của Stephen Hawking.

——————–

*. Ý tưởng đa Vũ Trụ ban đầu do nhà vật lý Hugh Everett viết trên một tờ báo vào năm 1957.

Nguồn: https://znews.vn/dieu-an-sau-trong-the-gioi-luong-tu-post1513275.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Chỉ có bạn mới trả lời được câu hỏi của cuộc đời mình

Được phát hành

,

Bởi

108 chủ đề được bàn luận trong sách đều là những vấn đề rất thiết thực, gần gũi, đặc biệt trong giai đoạn nhân loại chịu nhiều tổn thất sau đại dịch Covid, như: cách điều khiển những cảm xúc tiêu cực; cách lắng nghe tâm trí và thân thể mình; cách đặt ra lằn ranh cho bản thân; cách để ngừng trì hoãn và thực hiện những điều mình yêu thích, v.v…

Khi bạn trao cho người khác quyền được quyết định xem bạn có đáng được yêu thương hoặc có giá trị hay không, bạn đã tự phản bội chính mình rồi.

Sự hài lòng đến từ bên trong

Nếu có thể dành cho chính mình lúc trẻ một lời khuyên, thì tôi sẽ bảo rằng: Sự hài lòng không nằm ở đâu xa vời cả; nó ở ngay trong mình.

Khi bạn trao cho người khác quyền được quyết định xem bạn có đáng được yêu thương hoặc có giá trị hay không, bạn đã tự phản bội chính mình rồi, bạn thân yêu ạ. Khi bạn hướng tới người khác để đạt được sự công nhận rằng mình đã “đủ giỏi” hay đang làm “tốt”, bạn chỉ đang tự tạo khoảng cách với con người thật của mình.

Hãy nhìn vào sâu bên trong và lắng nghe bản thân.

Hai long anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC.

Bạn là người duy nhất hiện diện mọi ngày trong cuộc đời của bạn. Khi đưa ra những quyết định dựa trên những gì hợp lý hoặc không đối với mình, bạn đã kiến tạo một cuộc đời chân thật của riêng mình. Mọi ý kiến khác sẽ dần phai đi một khi bạn trân trọng và tin tưởng vào những điều mang lại cho bạn ý nghĩa và hạnh phúc.

Khi những tiếng ồn của thế giới bên ngoài trở nên quá náo nhiệt – điều chắc chắn sẽ xảy ra – hãy nhớ ngừng lại, đứng yên, và tự hỏi mình:

Điều gì phù hợp và chân thành nhất đối với mình?

Hãy để câu hỏi đó chín muồi cho tới khi câu trả lời từ từ hiện ra. Và rồi thực hiện điều đó.

Tận dụng tài năng của mình

Tôi từng trò chuyện với một tiểu thuyết gia về cuốn sách cô ấy đã ấp ủ suốt mười năm (tận mười năm!). Khi tôi hỏi cuốn sách đã được viết đến đâu rồi và khi nào tôi có thể đọc thử, cô ấy bảo, “Ồ, tớ không biết nữa. Có quá nhiều tiểu thuyết đã được viết rồi. Tớ không biết có đáng để viết không. Đằng nào thì cũng đã có người thực hiện nó rồi.”

Trong mọi nỗi sợ liên quan đến niềm thôi thúc và ước mơ mà tôi từng được nghe kể, “Đã có người thực hiện rồi” là thứ khiến tôi đau lòng nhất.

Dĩ nhiên, đúng là đã có hàng triệu quyển sách, bộ phim và các phát minh được sáng tạo trên thế giới này. Nhưng bạn có muốn biết thêm một sự thật không?

Chưa thứ nào trong số đó được sáng tạo bởi bạn.

Khi truyền tải những kinh nghiệm sống, góc nhìn và cảm xúc của mình vào một tác phẩm – một thứ gì đó phản ánh lòng hiếu kỳ và chuyện đời của bạn – những gì bạn tạo ra sẽ chân thật, nguyên bản và độc nhất.

Vì vậy, mỗi khi bạn chùn bước vì nghĩ rằng “đã có người thực hiện điều đó rồi” – hãy nhớ lấy điều này:

Có thể nó đã được thực hiện. Nhưng nó chưa được thực hiện bởi bạn.

Tận dụng tài năng của mình sẽ mang lại rất nhiều điều kì diệu, niềm vui và bất ngờ cho cuộc sống của bạn – nếu bạn chấp nhận chúng. Hãy xem như đây là lời mời gọi bạn tiến một bước nhỏ đến điều đang thôi thúc mình ngày hôm nay.

Tìm sự tường tận trong hành động

Một dược sĩ từng tìm đến tôi với mong mỏi được kết nối với bản chất nghệ sĩ bên trong mình. Khi chia sẻ những hoài bão và ước mơ với tôi, cô ấy luôn kéo theo sau một chuỗi các câu hỏi “lỡ như”:

Lỡ như tôi không thích làm điều đó? Lỡ như tôi không giỏi làm điều đó? Lỡ như nó không thành công? Lỡ như hoá ra nó khác với những gì tôi nghĩ? Lỡ như tôi đang phí phạm thời gian của mình?

Lỡ như…Lỡ như…Lỡ như…

Cuộc trò chuyện đó khiến tôi nhớ lại quãng thời gian chuẩn bị tiến một bước trọng đại ở một hướng đi mới, nhưng lại bị mắc kẹt ở giai đoạn chuyển giao, cố gắng hiểu tường tận mọi thứ trước khi dám cất bước đầu tiên.

Dù là rời khỏi thế giới công nghệ để theo đuổi con đường nghệ thuật, chuẩn bị “chời bài ngửa” trong một mối quan hệ, hay tạo ra một thay đổi lớn trong việc kinh doanh của mình – tôi từng nghĩ rằng một khi có được “kế hoạch hoàn hảo” thì mới có thể bắt đầu được.

Sự thật là như thế này: Không có kế hoạch nào là hoàn hảo cả. Sự rõ ràng sẽ đến khi ta hành động. Chúng ta không thể biết chắc được điều gì thành công hay thất bại, có thích hợp hay khôgn, cho đến khi tự mình nhìn thấy, chạm vào trải nghiệm. Chỉ khi đó ta mới có được sự khôn ngoan và hiểu biết để tự điều chỉnh và phát triển – rồi từ đó đưa ra các lựa chọn sáng suốt hơn để bước tiếp.

Bạn có đang chờ một kế hoạch hoàn hảo để bắt đầu theo đuổi điều gì đó? Thay vào đó, bước đầu tiên bạn có thể làm là gì?

Hãy nhớ rằng: Sự rõ ràng theo sau hành động. Từng bước, từng bước một.

Nguồn: https://znews.vn/ai-la-nguoi-ban-can-lam-hai-long-nhat-post1513431.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng