Nhà thơ người Nhật Fukuda Minoru – một người mang trong mình bệnh lý bại não – từng lên tiếng ca thán rằng, không hiểu vì sao ông nhất định phải không ngừng cố lên chỉ vì là người khuyết tật.
“Tôi muốn trú chân như một kẻ lười biếng. Tôi muốn sống theo cách tôi thích, vậy nên xin hãy để tôi yên. Chỉ là, ngay cả khi tôi bị coi là lười biếng thì điều đó cũng không có lỗi với bản thân tôi hay với xã hội”, ông nói.
Sách Quyền tách khỏi đám đông. Ảnh: Q. H. |
Quyền từ bỏ gánh nặng
Sự nhàn rỗi của Fukuda Minoru trong mắt nữ nhà văn Hàn Quốc Jung Hee-jae chính là quyền tách khỏi đám đông mà cô từng ao ước. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Jeollanam (Hàn Quốc), nữ nhà văn trải qua thời học sinh “ác mộng” với gánh nặng thành tích đè nặng trên vai.
Lớn lên, Jung Hee-jae từng có thời gian làm trong ngành ngân hàng trước khi theo học văn học. Cô đại diện cho hình ảnh những người trẻ luôn sống và làm việc theo kỳ vọng của người khác. Dù không ai ép buộc, họ vẫn không ngừng phấn đấu và làm những việc bản thân có thể làm chỉ để đuổi theo những tiêu chuẩn chung của xã hội. Cho đến một ngày, họ đánh mất kim chỉ nam cuộc đời và dần kiệt sức.
Jung Hee-jae gọi đây là hành động sẵn sàng tự bóc lột bản thân trong vô thức, giống như cô từng làm. Trái ngược với lời khuyên tiếp tục cố gắng và không ngừng nỗ lực, Quyền tách khỏi đám đông của cô cổ vũ người trẻ: Hãy cho phép bản thân nhàn rỗi và sống cuộc đời mà bạn hằng mong muốn.
“Không ai nói với một người trẻ rằng họ cũng có quyền buồn chán, quyền được tha thẩn rong chơi. Nếu thử một lần xông vào tận cùng nỗi buồn cũng không sao, vì những thứ khiến cuộc đời bạn đáng sống có thể đang ẩn giấu trong sự nhàm chán đó”, cô viết.
Bằng giọng văn giàu chất thơ, Jung Hee-jae viết về những phút giây sống chậm, thưởng thức vẻ đẹp đời thường của chính cô: Một buổi tản bộ nhìn ngắm thiên nhiên, khoảnh khắc suy tư ngắm nhìn người lạ trên phố, hay một chuyến du lịch tới miền đất xa xôi…
Người trẻ có thể tự cho mình những khoảng lặng “không làm gì”. Ảnh: P. N. |
Tìm bình yên giữa khoảng lặng “không làm gì”
Nữ nhà văn cũng dẫn ra câu chuyện về những nhân vật đã chọn cho mình những khoảng lặng “không làm gì” trong sự nghiệp, dành vài tháng, thậm chí vài năm sống tách biệt khỏi guồng quay tất bật, để được nhìn lại mình, được nuôi dưỡng nội tâm và tận hưởng cuộc sống.
Quyền tách khỏi đám đông đã chạm vào điểm không thoải mái của xã hội, khi lối sống ngừng cố gắng của nữ nhà văn “dễ bị xem là lời biện minh của kẻ thua cuộc” trong cuộc sống đề cao hiệu quả và năng suất cạnh tranh. Dù vậy, chí ít Jung Hee-jae đã tận dụng quãng thời gian “không làm gì” để tìm lại tâm hồn bình yên giữa nhịp sống hối hả không ngừng thôi thúc con người tiến lên phía trước.
Cuốn sách gửi gắm thông điệp, bất cứ ai sống hết một đời đều có quyền được công nhận vì những vất vả họ đã trải qua, như một chiến binh trong cuộc sống. Vậy nên, đừng cố làm tốt tất cả mọi thứ, hãy tách khỏi đám đông và cho phép bản thân nghỉ ngơi những lúc cần.
Jung Hee-jae sinh năm 1971, từng theo học chuyên ngành văn học tại khoa sáng tác nghệ thuật, Đại học Chung Ang. Các tác phẩm của cô được đánh giá là “những tản văn sâu sắc và nổi bật, mang đầy giá trị và suy nghĩ phổ quát về cuộc sống thông qua lời tự sự nồng nàn”.
Những cuốn sách đã xuất bản: Quyền tách khỏi đám đông, Cầu mong bạn may mắn, Tôi đã học được tình yêu ở đó, Người lớn Trái Đất, gặp gỡ Hoàng tử bé, Câu chuyện về đất nước Tây Tạng, trí tuệ chinh phục thế giới, Có lẽ đó là những gì tôi muốn nghe nhất.