Trong cuốn sách này có nhiều câu chuyện sốc và xót xa, nhưng khiến tôi thấy ám ảnh nhất là chuyện của Long. Long mới 24 tuổi, cậu có cả bố mẹ và em gái dưới một mái nhà, bố mẹ cậu có công ăn việc làm ổn định, một gia đình trọn vẹn theo cách nhìn thông thường.
Chuyện của Long
Nhưng cậu căm ghét nó và triền miên sống trong hoảng loạn, giận dữ. Những lời chua cay, giọng điệu nghiệt ngã của cậu khiến tôi rờn rợn. “Lắm lúc bên trong buồn nhưng bên ngoài lại cười ngoác ra, mặt méo mó, rất tởm. Bạn tôi bảo, tao sợ mặt mày lúc mày cười to.” Tôi cứ nhìn thấy cái cười của Joker, cái chất Joker trong cậu bé này.
“Trong các giấc mơ, rất ít khi tôi thấy mình là con người, mà thường là quái vật. Hoặc ban đầu thì vẫn là người, rồi chuyển thành súc vật. Rất khỏe mạnh, rất sung sức, nhưng mất nhân tính. Vài lần, cơ thể tôi trở thành kẻ tàn sát, tâm trí tôi chỉ là thằng quan sát, tôi nhìn mình ra tay tàn sát. Theo Freud thì giấc mơ là nơi mình gửi gắm mong muốn và khao khát. Tôi khao khát gì đây? Một sự trả thù, trả thù vì căm giận và tiếc nuối?”.
Tuổi thơ của Long đầy ắp những cuộc tra khảo bảng điểm, lục lọi điện thoại, cặp sách, những lời lăng nhục và những trận đánh liên tục. Cậu không thoát khỏi cảm giác mình như một con lợn được vỗ béo chờ đến ngày mổ thịt. Ban đầu cậu khóc lóc, nhưng rồi chai lì, cậu tự nhận mình đã trở thành kẻ máu lạnh.
Cha mẹ áp đặt nhiều quan điểm học hành có thể khiến ước mơ của con trẻ bị giày xéo. Minh họa: peecheey |
Long mơ được đi học vật lý hạt nhân ở nước ngoài, hay chí ít là ngành Vũ trụ và Hàng không ở trong nước, nhưng bị bố mẹ ép đi học ngân hàng, cùng ngành bố để dễ kiếm việc. Bố dọa đuổi cậu khỏi nhà, từ cậu, vì sợ phải xa em gái mà cậu đành chịu thua. Về Hà Nội nhập học, cậu đến Thư viện Quốc gia đọc ngấu nghiến các cuốn sách về vật chất thể plasma, về vũ trụ giãn nở và khóc, cho một ước mơ bị giày xéo. Cậu lê lết đến ngày tốt nghiệp, ra trường làm việc linh tinh tự do, và trở thành kẻ nói dối điêu luyện!
“Tôi kể về sếp tưởng tượng, các đồng nghiệp tưởng tượng, tôi nhìn thấy cái văn phòng tưởng tượng trong đầu, cứ như tôi đang đeo kính VR vậy… Nhà mình, bố mẹ mình, nhưng về đến nhà là “Cạch!”, giống như có cái clapboard vô hình của đạo diễn dập xuống, mình auto nhập vai… Tôi sống một cuộc đời fake. Thối tha. Nhiều lúc tôi tự buồn nôn với bản thân”.
Long cực kỳ thông minh, cậu tự tìm hiểu để biết vấn đề của mình, vấn đề của bố mẹ, nhưng cậu không biết làm sao để giải quyết chúng, cậu có những hành xử cực đoan và không thể điều tiết được cảm xúc của mình.
Những câu chuyện dữ dội và đau đớn của người trẻ
Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của Đặng Hoàng Giang mang đến những câu chuyện dữ dội và đau đớn từ những người trẻ tuổi trên dưới 20, cái tuổi không còn trẻ con nhưng chưa thực sự trở thành người lớn.
Đấy là giai đoạn quan trọng để họ trưởng thành về cảm xúc, phát triển khả năng suy ngẫm và định hình căn tính riêng. Trong quá trình này họ phải chọn lựa, khám phá, thử-sai, họ cần sự thấu hiểu, hướng dẫn, đồng hành của người lớn, nhưng hóa ra có rất nhiều người trẻ phải tự loay hoay lớn lên với đầy những gánh nặng và tổn thương.
Vì chưa phải là một cá thể độc lập, dĩ nhiên gia đình chiếm phần tác động lớn nhất lên những đứa trẻ. “Tổ ấm yêu thương” là khái niệm xa lạ với những đứa trẻ trong cuốn sách này, trái lại đấy là nhà mồ hoang lạnh hoặc ngục tù ngạt thở, khiến họ chỉ muốn ở ngoài đường hay rúc vào một góc nào đó tìm kiếm sự bình yên. Thay vì được vỗ về, nhiều người trẻ phải chịu đựng gia đình theo những cách khác nhau. Họ…
bị đánh đập bởi kỳ vọng điểm số, như Long:
“Tôi bị bố đánh nhiều tới mức cái đợt đi tập võ, mấy lão bảo thằng này chịu đòn tốt hơn người bình thường. Bố vừa say xỉn, vừa đánh, vừa gọi họ tên tôi, tới lúc tôi nằm rũ ra như sợi bún bị vắt kiệt. Đến giờ tôi vẫn giật mình sợ hãi mỗi khi nghe thấy ai gọi đầy đủ tên mình”.
… bị sỉ vả là đồ vô dụng, vô tích sự, ngu đần, tạo nghiệp, bị ví với chó. Đây là phản ứng của gia đình M.H. khi cô tìm tới cái chết vì tuyệt vọng, đọc về gia đình cô, tôi nghĩ có lẽ những lời này là toàn bộ thế giới ngôn ngữ của họ:
“Tôi uống nguyên một vỉ Seduxen. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, bản năng sống trỗi dậy, tôi chạy vào toilet móc họng nôn ra. Ở tầng dưới mẹ nghe thấy và chạy lên. Linh tính, mẹ chạy ra bới cái thùng rác và thấy vỉ thuốc. Mẹ gào lên, ‘Ối giời ơi! Tao đẻ mày ra mà bây giờ mày lại giả công, mày báo hiếu tao như thế này đây…’ Thấy ồn ào, bố cũng chạy lên. Bố sốc mất một lúc, rồi giận tím tái người và chửi rủa còn gay gắt hơn. ‘Mày là loại con mất dạy, mày giả công bố mẹ như thế này đây, tao thà không có mày còn hơn!’ Rồi bà lên, bà ngồi phịch xuống, đập tay xuống giường, ‘Ối giời ơi! Cái nhà này vô phúc…’ Tôi ôm cái bồn rửa mặt, nước mắt giàn giụa lẫn với dãi dớt lòng thòng. Mẹ đánh tôi mấy cái, dúi đầu tôi xuống bắt nôn thêm, rồi đưa tôi đến bệnh viện”.
Sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Ảnh: NN |
… bị bỏ mặc, như Minh Khuê:
“Tôi hỏi bố về điểm tốt ở tôi. Bố nói bố không biết, tầm một tháng nữa bố mới nói cho tôi biết được. Tôi tưởng là bố đùa, nhưng bố bảo: ‘Không, thật mà, bố chả biết điểm tốt gì ở con thật'”.
… bị dựa dẫm, nương tựa, bị ép phải trưởng thành sớm. Cô bé Ngân tâm sự: “Tôi mong có người dìu dắt nhưng lại phải dìu dắt bố mẹ tôi”. Mẹ Đan nói về cậu: “Từ nhỏ, Đan đã đứng ra dàn xếp chuyện trong gia đình”. “Nó là người đàn ông của tôi chứ không phải con tôi nữa”.
… bị bảo bọc đến mức mất cả bản thể. Trong khi xã hội nghĩ mẹ Đan là một người tân tiến, hiểu biết, luôn đồng hành cùng con, và bạn của Đan nói với cậu “Ước gì tao được làm con mẹ mày”, thì thực tế là:
“Trước khi tôi có một khái niệm mình là ai, mình muốn gì, mẹ đã tìm hiểu hết về việc học đại học, vẽ sẵn ra mọi thứ, một cách nhẹ nhàng, thân thiện. Bước đầu là chuyên ngành tiếng Anh này, rồi tới cái bằng Luật này. Khi bạn không biết mình nên đi con đường nào thì mọi con đường đều tốt, nhất là khi bạn có mẹ bên cạnh”.
“Chưa bao giờ tôi tự ra một quyết định nào, và bỏ học là quyết định đầu tiên của riêng tôi. Giá trị của nó nằm ở chỗ đó. Nó là một cố gắng dứt ra khỏi sự phụ thuộc vào mẹ.Từ trước tới nay, mẹ là người quyết định mọi thứ. Như tôi đã nói, mẹ không ép, mẹ chỉ giải thích, mẹ thuyết phục. Tôi đâu có biết gì để mà phản đối? Mẹ nấu ăn, rồi mẹ bón”.
… bị cầm tù bởi gánh nặng yêu thương và hy sinh, như Li:
“Tôi rất yêu má, nhưng trớ trêu thay, tôi cũng muốn chạy xa khỏi má và từng căm ghét má. Khi về lại Việt Nam, cảm giác chật chội cũng trở lại. Không, tôi không nói tới không gian sống, tôi nói tới cảm giác bị nghẹt thở bởi mối lo lắng, bởi tình yêu thương và sự quan tâm của má. Nhiều khi tôi thầm kêu lên, “Má ơi, yêu bọn con ít ít thôi! Sao mà cả vũ trụ của má, cả cuộc đời của má chỉ xoay xung quanh bọn con thôi???”
Nhìn vào bức tranh rộng lớn này, người ta nhận ra không chỉ ở những gia đình vỡ nát thì đứa trẻ mới gặp vấn đề, ngay cả trong những gia đình thành đạt và “có vẻ bình thường”, đáng buồn thay, lại cũng có thể tràn ứ không khí độc hại: cha mẹ đánh đập sỉ vả nhau, sỉ vả con cái, cư xử giả dối, gay gắt áp đặt, lãnh đạm thờ ơ… Những điều này nhiều khi là di chứng từ thế hệ ông bà hoặc xa hơn nữa. Vấn đề là thế giới người lớn thường tự tin vào sự “lớn” của mình, không chịu chấp nhận rằng mình cũng đầy bất ổn, để có khao khát chữa lành và được chữa lành.
Lớn lên trong những môi trường gia đình thiếu lành mạnh có thể khiến đứa trẻ phát triển méo mó, thiếu cân bằng. Họ trở thành bố mẹ của bố mẹ mình, hoặc tự tạo vỏ bọc cứng rắn để che giấu cái vỡ vụn bên trong, họ chẳng tha thiết với điều gì, hoặc trầm cảm, phát điên, họ nói dối điêu luyện, trở nên nghiệt ngã với xung quanh, họ lao vào những mối quan hệ yêu đương không lành mạnh hay cắm mặt vào game và điện thoại…
Nhưng tất cả những người trẻ này có điểm chung: cô đơn, trống rỗng, tuyệt vọng, mất niềm tin tột độ. Buồn thay, qua lăng kính người lớn, chúng thường bị diễn giải là sướng quá hóa rồ, thiếu động lực, a dua đua đòi, tình dục bừa bãi, nông cạn và ích kỷ…
Trước những câu hỏi khắc khoải của tuổi trẻ, Tôi là ai? Tôi muốn gì? Điều gì làm tôi hạnh phúc?, không ai hỗ trợ họ trên hành trình tìm kiếm câu trả lời.
Tác giả – người lắng nghe thế hệ trẻ
Một lần nữa, đây lại là công trình công phu và tử tế của Đặng Hoàng Giang. Anh dành một năm rưỡi và hàng trăm giờ đồng hồ nói chuyện với các nhân vật. Để cuốn sách không quá dày và không quá ngợp, rất nhiều chân dung và nhiều câu chuyện đã phải lược đi.
Dù ở khoảng cách thế hệ lớn, nhưng những người trẻ đã kể cho anh nghe những điều vô cùng riêng tư sâu kín. Tư cách tác giả là yếu tố quan trọng, nhưng tôi tin rằng còn một điều đáng kể nữa, đấy là những người trẻ ấy chưa từng được lắng nghe.
Tác giả Đặng Hoàng Giang. Ảnh: Fb nhân vật. |
Với tôi, cuốn sách là một bản hợp xướng với chủ âm buồn bã. Đặng Hoàng Giang lựa chọn cách tự sự từ ngôi thứ nhất làm nổi bật giọng của nhân vật, một lựa chọn hợp lý để nhiều giọng nói khác nhau được cất lên, ở những cung bậc khác nhau, khi bải hoải, khi tha thiết, khi cuồng nộ, khi tê tái, khiến cuốn sách mang đậm chất văn chương.
Tôi hy vọng cuốn sách tới tay nhiều bạn trẻ, tới những người may mắn để họ trân quý cuộc sống của mình hơn; tới những người ít nhiều có chung tâm trạng và hoàn cảnh với các nhân vật trong sách, để thấy được sẻ chia, được nói hộ tiếng lòng khắc khoải, để trở nên vững vàng và có niềm tin. Tôi hy vọng cuốn sách tới tay những người lớn, để họ thấu hiểu con em mình hơn, để kết nối, yêu thương, và có lẽ, cũng để đi tìm mình.