Vài năm gần đây, tình trạng cử nhân sau tốt nghiệp về… “đầu quân” cho các ông chủ xe ôm công nghệ như Grab, Goviet không còn là câu chuyện lạ lẫm. Công việc vốn chỉ phù hợp với độ tuổi trung niên hoặc người về hưu muốn kiếm thêm thu nhập lại thu hút mạnh mẽ lực lượng lao động vàng.
Rất nhiều quy kết lý giải việc cử nhân ra trường thất nghiệp: Do thực trạng ngành học đang bị bão hòa; do điểm yếu của hệ thống giáo dục; do yêu cầu của thị trường lao động thay đổi rất nhanh…
“Học gì để không thất nghiệp?” là câu hỏi đau đầu với nhiều sinh viên. Đồ họa: BSGStudio |
Học gì để không thất nghiệp? Sinh viên, phụ huynh, các nhà quản lý giáo dục và kể cả công tác dự báo cung – cầu lao động hàng năm qua vẫn luôn đi tìm đáp án nhưng bài toán sinh viên thất nghiệp đang còn là dấu chấm lửng.
Thực tế, bên kia bức tranh, việc tìm kiếm các ứng viên đủ trình độ theo yêu cầu cũng là nỗi ám ảnh không kém của doanh nghiệp. Người ta ví rằng, nhu cầu cung và ứng lao động là hai đường thẳng song song chưa bao giờ gặp được nhau.
Tuy nhiên, vẫn có một câu hỏi quan trọng và tất cả chúng ta dễ dàng tìm lời giải hơn: “Chúng ta có thể làm gì để không thất nghiệp?”.
Bị bỏ lại đằng sau hay cơ hội nhảy vọt?
Giáo sư John Vu (Vũ Văn Du) rời Việt Nam du học ở Mỹ từ năm 1968. Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại tập đoàn Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn tham gia nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon và Đại học Seattle, đồng thời giảng dạy tại một số trường đại học quốc tế tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…
Với mong muốn giúp các bạn sinh viên mở rộng tầm nhìn ra thế giới, ý thức được sự thay đổi mang tính toàn cầu, nhận thức được nhiều cơ hội sẵn có và chủ động tự trui rèn, GS John Vũ viết cuốn Bước ra thế giới (một trong bộ ba cuốn Lời khuyên sinh viên Việt Nam). Đây là cuốn sách giới thiệu những phương pháp học tiến bộ, cách tư duy khoa học và các kỹ năng cần thiết trong quá trình học tập của các bạn sinh viên.
Sách Bước ra thế giới. |
Ở thế kỷ 21, chúng ta chứng kiến sự chuyển đổi của xã hội sang hình thái mới: Xã hội thông tin và tri thức. Một số quốc gia không còn dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn mà họ tự tạo ra ưu thế kinh tế cho mình bằng cách dựa trên các phát kiến về kỹ thuật và tri thức sáng tạo.
Bản thân các doanh nghiệp cũng tự mình dịch chuyển như một quy luật tất yếu. Với làn sóng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng Công nghệ 4.0, công nghệ thay đổi nhanh hơn khả năng chúng ta có thể xử lý.
Con người trong thế hệ V (Virtual), đang và sẽ tiếp tục phá vỡ các ràng buộc địa lý trong trao đổi và tương tác, sẵn sàng tương tác, cộng tác trong môi trường ảo, tạo ra cộng đồng toàn cầu. Các doanh nghiệp có thể kinh doanh, mua bán và vận hành trên khắp thế giới. Đồng nghĩa con người có thể làm việc bất cứ nơi đâu mà không cần rời khỏi nhà. Robot xuất hiện, có ít việc hơn cho con người thực hiện.
“Việc dịch chuyển sang nền kinh tế dựa trên thông tin đặt ra những câu hỏi lớn cho một số nước. Họ sẽ tụt hậu, bị bỏ lại đằng sau, hay đây là cơ hội để nhảy vọt? Điều gì sẽ xảy ra cho lực lượng lao động kỹ năng thấp, những người quản lý cấp trung nếu việc làm của họ, vị trí của họ mất đi? Liệu họ có bị bỏ lại, hay đây là cơ hội trau dồi thêm kỹ năng và nắm lấy cơ hội mới?”, tác giả Jonh Vu đặt vấn đề.
Giải pháp ông đưa ra để giữ được việc làm không phải là dừng toàn cầu hóa, dừng cách mạng Công nghệ 4.0 mà là nhận biết ưu điểm cũng như nhược điểm, và ra quyết định đúng đắn, biết tận dụng ưu thế của tình huống bằng việc học kỹ năng mới. Kỹ năng tạo ra sự khác biệt và ưu thế giữa con người với nhau.
Để mỗi sinh viên không “nghèo” trí tuệ
Trí tuệ là một trong hai tài sản cần có để mỗi ai trong chúng ta có thể duy trì và phát triển bản thân, nếu không muốn mình “nghèo”. Không ai khác ngoài bản thân sinh viên tự kiến thiết, và làm đa dạng, phong phú tài sản của mình.
Giữa thời đại thị trường năng động, không chỉ các quốc gia, doanh nghiệp mà len lỏi giữa các cá thể đều tồn tại tính cạnh tranh. Phương pháp sống còn tác giả John Vu hướng đến cho các bạn sinh viên là lời khuyên: “Ngày nay, bằng đại học không còn là yếu tố đảm bảo có được việc làm, mà tương lai của sinh viên phụ thuộc vào tri thức, kỹ năng họ có” và “Sự học là suốt đời”.
GS John Vũ. |
Sinh viên cần nhiều hơn một điểm xuất phát, và cần một khung kỹ năng toàn diện, lĩnh hội nhiều hơn các kiến thức, ngoài những bài giảng được học ở giảng đường để định hướng và chủ động ứng biến trong một thế giới đang thay đổi từng ngày.
Cùng một khóa sinh viên, được tuyển chọn vào trường trên một mức điểm nhất định, thế nhưng 4 năm là khoảng thời gian tạo ra chênh lệch lớn. Có những sinh viên chỉ vài tháng sau khi ra trường đã được các doanh nghiệp nước ngoài nhận vào làm với mức đài thọ hấp dẫn, một số khác thì ngược lại.
Khả năng tích lũy nền tảng tư duy, phẩm chất và thái độ đúng đắn là lý do tạo nên sự khác biệt giữa họ. Theo tác giả, những kỹ năng cần và đủ đối với sinh viên bao gồm: Kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, kỹ năng máy tính, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, kỹ năng tài chính, kỹ năng tự thúc đẩy và kỹ năng làm việc nhóm.
Bên cạnh việc mở ra cánh cửa trước tầm mắt cho các bạn trẻ, Bước ra thế giới còn định hướng về các ngành học có khuynh hướng dẫn lái trong tương lai, giúp các bạn có cái nhìn khách quan hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy và tầm nhìn của một người đi trước, tập hợp các bài viết trong Bước ra thế giới sắc sảo về ngôn từ, chặt chẽ lập luận và mang nhiều thông tin hữu ích. Cuốn sách không chỉ mang giá trị thay đổi nhận thức, mà còn đánh thức, định hướng các bạn sinh viên đến một cánh cửa rộng mở, hòa nhập với xu thế chung trên toàn cầu.