Mới đây, bộ phim Napoleon do đạo diễn nổi tiếng người Anh Ridley Scott chỉ đạo đã được công chiếu và nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ phía khán giả, trong đó bao gồm cả những người yêu thích lịch sử nói chung và người hâm mộ Napoleon nói riêng.
Đa phần bình luận chỉ trích liên quan đến việc Ridley Scott xây dựng hoàng đế Pháp như một tay võ biền thô tục. Tuy nhiên, việc bộ phim quá tập trung vào khía cạnh xấu của Napoleon mà bỏ quên những điểm tích cực trong tính cách của vị tướng huyền thoại phần nào cho thấy phản ứng của giới mộ điệu là có cơ sở.
Trên thực tế, Napoleon thậm chí còn có thể là vị hoàng đế ham đọc sách bậc nhất lịch sử thế giới. Điều này cho thấy ở trong Napoleon phần nào đó có sự kiên nhẫn, bền bỉ và tính thích nghiền ngẫm của một học giả.
Napoleon là một mọt sách chính hiệu
Napoleon là người say mê đọc sách. Trong những năm tháng trẻ tuổi, cuốn sách định hình thế giới quan của Napoleon là Lives of the Noble Grecians and Romans (Tạm dịch: Cuộc đời các danh nhân Hy Lạp và La Mã) của Plutarch. Còn trong giai đoạn cuối đời trên đảo Saint Helena, cuốn sách vị hoàng đế Pháp chọn để nghiền ngẫm là Paul et Virginie (Tạm dịch: Paul và Virginie) của Jacques-Henri Bernardin de Saint-Pierre.
Ngoài ra, Hoàng đế Pháp cũng từng say xưa các tác phẩm của Voltaire, Goethe và từng bật khóc khi đọc Nỗi buồn chàng Werther. Tại hội nghị Erfurt năm 1808, Napoleon có dịp gặp mặt Goethe trực tiếp và bày tỏ rằng ông đã đọc Nỗi buồn chàng Werther ít nhất bảy lần.
Trước mỗi cuộc viễn chinh, Napoleon luôn nghiên cứu kỹ nhất có thể về vùng đất mình sắp chinh phục. Theo trang The New European, trong quá trình chuẩn bị xuất binh đến Italy năm 1796, ông đã tự nhốt mình trong Thư viện quốc gia Pháp để nghiền ngẫm kho tài liệu về địa hình các vùng Piedmont, Savoy, cũng như tiểu sử các vị lãnh đạo quân sự tại các vùng này.
Trong cuộc viễn chinh đến Ai Cập vào hai năm sau, danh tướng Pháp đã cho mang theo 300 cuốn sách về mảnh đất của những Pharaoh, trong đó có cả kinh Koran và các hồi ký, tài liệu thám hiểm, lữ hành để có cái nhìn toàn diện nhất về đất đai và con người Ai Cập.
Đến khoảng năm 1800, Napoleon bổ nhiệm một quan thủ thư riêng để làm nhiệm vụ cập nhật những cuốn sách thức thời nhất về quân sự, chính trị cũng như chọn lọc và giới thiệu sách cho mình – một nhiệm vụ có thể nói là tương đương với AI của các website thương mại sách hiện nay. Vị quan được bổ nhiệm là Antoine-Alexandre Barbier, người mà Napoleon cho rằng là thấu hiểu và đồng điệu hoàn toàn với gu đọc sách của ông.
Bộ sưu tập “Kindle” của Napoleon
Bên cạnh việc bổ nhiệm chức vụ chọn tựa sách, Napoleon thậm chí còn cho thiết kế những thiết bị đựng sách cỡ nhỏ để có thể mang theo một cách tiện dụng trong mỗi chiến dịch xa xứ, một vật dụng mà có lẽ tương đương với máy đọc sách điện tử Kindle thời nay.
Bên trong một thư viện lưu động chế tạo từ thế kỷ XVII đang lưu trữ tại đại học Leeds. Ảnh: Dailymail. |
Người thực hiện nhiệm vụ này vẫn là thủ thư Antoine-Alexandre Barbier. Thư viện lưu động của danh tướng Pháp khi viễn chinh bao gồm các bộ binh pháp, sử liệu, các sách địa lý, tôn giáo cũng như tiểu thuyết, thơ, kịch… và việc của Barbier là phải thiết kế kệ sách một cách lưu động và tiện dụng với chủ nhân của chúng.
Theo trang The New European, Napoleon yêu cầu Barbier phải thiết kế thư viện lưu động cho mình như sau: “Hoàng đế muốn khanh đóng một thư viện lưu động mang 1.000 cuốn sách in nhỏ. Hoàng đế muốn việc in ấn được điều chỉnh để phù hợp cho việc sử dụng của riêng ngài và không giữ lề để tiết kiệm diện tích. Mỗi cuốn nên có khoảng từ 500 đến 600 trang và đóng bìa mềm linh hoạt với gáy lò xo. Cần có 40 tác phẩm về tôn giáo, 40 tác phẩm kịch, 40 cuốn sử thi, 60 cuốn thơ, 100 tiểu thuyết và 60 sử liệu, phần còn lại là bút ký lịch sử các thời kỳ”.
Sách được in khổ nhỏ để tiện dụng cho tính năng lưu động. Ảnh: Dailymail. |
Các cuốn sách trong thư viện lưu động đều được đóng bìa da Morocco, trên có mạ vàng và đặt trong hộp gỗ mahogany đặc biệt. Khi mở ra, các ngăn sẽ tự động trở thành kệ sách bọc viền nhung xanh lá. Mỗi ngăn bao gồm một danh mục nhỏ chi tiết về loại và chủ đề sách bên trong để hoàng đế Pháp có thể nhanh chóng tìm được sách đúng ý mình.
Thực ra, các thư viện lưu động cỡ nhỏ vốn được giới quý tộc châu Âu ưa thích trong những chuyến đi xa. Theo trang Independent, trước thời Napoleon, vua Henry VIII của Anh, vua Francis I của Pháp cũng từng dùng thư viện lưu động để không bỏ dở các danh tác của Appian, Justinus, Thucydides… khi công tác xa xứ.
Hiện tại thư viện quốc gia Anh và thư viện đại học Leeds vẫn còn lưu trữ một vài thư viện lưu động với các ngăn bên trong chia theo từng chủ đề tương ứng với triết học, sử học và thơ ca… Vốn là vật phẩm của giới quý tộc sử dụng cho thú vui học thuật nên các thư viện lưu động này được thiết kế với trình độ thẩm mỹ rất cao. Với kết cấu bên ngoài giống như một cuốn sách lớn với phần gáy mạ vàng, trạm trổ nhiều họa tiết đẹp mắt.
Sách trong thư viện lưu động của giới quý tộc xưa được đóng tinh xảo, đẹp mắt. Ảnh: BBC, Dailymail. |
Sự ra đời của các thư viện lưu động đã giúp Napoleon duy trì đam mê với sách liền mạch trong suốt những chặng thăng trầm trong cuộc đời. Sách đã đồng hành cùng vị danh tướng Pháp trong những ngày tháng vẻ vang tại Austerlitz, Friedland, Berlin… cũng như những nốt trầm trong chiến dịch thất bại tại mùa đông nước Nga năm 1812, nơi hoàng đế Pháp đã phải đốt sách để giữ ấm cho binh lính của mình. Bên cạnh khói đạn và những cuộc tranh đoạt quyền lực, Napoleon xứng đáng được nhớ đến như là một độc giả mẫn cán với niềm tò mò vô hạn giành cho kho tàng tri thức của nhân loại.
Nguồn: https://znews.vn/nhung-kindle-dac-biet-cua-napoleon-post1450103.html
You must be logged in to post a comment Login